Từ việc xin giấy chứng tử cho người thân ở phường Văn Miếu:

Nhiều địa phương khác làm rất trách nhiệm, tình người

Thứ Tư, 02/08/2017, 14:40
Vừa qua, dư luận vô cùng phẫn nộ trước cách hành xử của cán bộ phường Văn Miếu sau sự việc chị Vũ Thị Hoa (phố Trần Quý Cáp) phải mất 6 lần lên UBND phường mới xin được giấy chứng tử cho bố. Nhiều ý kiến cho rằng đó là cách hành xử thường thấy của cán bộ, đặc biệt là cán bộ hành chính - tư pháp. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế và các diễn đàn thì đa số vẫn cho rằng đó chỉ là trường hợp cá biệt, “con sâu làm rầu nồi canh”.


Không chấp nhận lời xin lỗi

Sau khi sự việc xảy ra được 1 tuần, chúng tôi có mặt tại gia đình chị Vũ Thị Hoa, người đã trực tiếp lên UBND phường Văn Miếu để xin giấy chứng tử cho bố mình. Mặc dù đại diện UBND phường Văn Miếu đã trực tiếp đến gia đình xin lỗi vì tất cả những gì xảy ra nhưng chị Hoa không chấp nhận lời xin lỗi.

Chủ tịch UBND phường Văn Miếu (phải) và Phó chủ tịch thông tin lại vụ việc.

Chị Hoa nói: “Thực sự đến lúc này tôi vẫn chưa hết bức xúc trước cách hành xử, thái độ làm việc của cán bộ phường. Đặc biệt là chị Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND phường. Mới đây có chị Khanh (Chủ tịch UBND phường), chị Hà và cán bộ tên Hiếu có trực tiếp đến xin lỗi gia đình tôi. Tuy nhiên chúng tôi không thể chấp nhận lời xin lỗi đó. 

Theo tôi được biết, phường hoàn toàn có thể cấp cho gia đình tôi giấy chứng tử để chúng tôi làm việc với nhà tang lễ, mà theo tôi giấy chứng tử không nhất thiết là chỉ một người có quyền ký. Công an phường cũng có thể cử đại diện ký. Cấp giấy đó cũng rất là nhanh, chỉ 15 phút thôi, nếu như có giấy đó thì đám của bố tôi sẽ không bị lỡ mất một ngày.

Đặc biệt là thái độ của UBND phường đến xin lỗi gia đình chúng tôi cũng không chấp nhận được. Với những người bình thường, khi đến nhà người ta có tang lễ thì thái độ cũng phải cầu thị, thật tâm, thắp cho bố tôi một nén nhang. Nếu như các bạn thắp cho bố tôi một nén nhang trước khi bắt đầu câu chuyện thì mọi chuyện đã khác rồi.

Nhưng trước khi các bạn đến đã thể hiện sự đôi co với gia đình chúng tôi. Chúng tôi ghi nhận những lời xin lỗi của bạn Hiếu, bởi trước khi nói chuyện bạn Hiếu có nói xin lỗi vong linh bố tôi, xin lỗi mẹ tôi và chị em chúng tôi. Còn với chị Khanh và chị Hà thì tôi không thể chấp nhận lời xin lỗi được”.

Chị Hoa không chấp nhận lời xin lỗi của đại diện phường Văn Miếu.

Đó chỉ là trường hợp cá biệt

Bên cạnh những bức xúc trước cách hành xử của cán bộ phường Văn Miếu, nhiều người cho rằng đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Vẫn còn đó rất nhiều phường, nhiều cán bộ tận tâm, đặc biệt là những thủ tục hành chính về “hiếu – hỷ”.

Câu chuyện mới được chia sẻ của Tiến sĩ Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cũng khiến chúng ta nhìn nhận lại những thành kiến không tốt về cán bộ hành chính, xua đi bức xúc những ngày qua. Em ruột ông Hòa mất đúng vào dịp lễ 30/4 – 1/5, chính quyền địa phương (UBND phường Đức Giang – Long Biên) không làm việc.

Trong khi đó, gia đình ông rất cần giấy chứng tử để làm thủ tục với nhà tang lễ. Trong lúc lo lắng thì đại diện tổ dân phố nơi em trai ông Hòa cư trú chủ động đến gặp gia đình và nói sáng mai (1/5) cứ ra UBND phường sẽ có người làm việc và cấp giấy chứng tử. Ngày hôm sau, gia đình ông Hòa nhận được giấy chứng tử rất nhanh chóng.

Ông Hòa nhớ lại: “Đây là việc làm rất trách nhiệm, thể hiện sự phối hợp các khâu rất tốt từ tổ dân phố tới Ủy ban. Nếu cứ như Văn Miếu thì đúng là quá tệ, tôi hy vọng  nhiều nơi như Đức Giang, cực ít như Văn Miếu”. Theo ông Hòa, cách hành xử của UBND phường Văn Miếu là vô cảm. Đã là công bộc của dân nhưng hai UBND phường có cách hành xử với người dân đối ngược nhau.

Nói về vấn đề này, ông Lương Hồng Điệp, Chủ tịch UBND phường Đức Giang cho hay, phường luôn trú trọng những thủ tục liên quan đến tử tuất. Lãnh đạo phường luôn chỉ đạo các cán bộ phải linh hoạt trong cách xử lý, tuyệt đối không cứng nhắc, rập khuôn.

“Tôi nhớ hôm 1/5, cơ quan được nghỉ theo lịch Nhà nước. Hôm đó, tại phường có cán bộ tên Trang trực và lo thủ tục xin giấy chứng tử cho gia đình người nhà ông Đinh Duy Hòa. Sự việc xảy ra gần 3 tháng rồi. Hôm đó tôi có giao cho một đồng chí Phó chủ tịch phụ trách ký. Nếu cán bộ này đi vắng, bận việc, tôi và các Phó chủ tịch khác có thể ký giấy giải quyết nhanh chóng.

Mỗi phường đều có cách làm việc và quy định làm việc khác nhau. Ở phường tôi, bất kể ngày nghỉ lễ Tết, chủ nhật, nếu tổ trưởng các tổ dân phố gọi điện báo cáo có người mất, UBND phường đều cấp giấy chứng tử càng sớm càng tốt để gia đình lo hậu sự được suôn sẻ. Nghĩa tử là nghĩa tận, cũng phải đặt cương vị của mình vào chứ, nỗi đau mất người là quá đau đớn rồi…” – ông Điệp cho hay.

"Hành trình" gian nan đi tìm giấy chứng tử cho bố được chị Hoa chia sẻ trên trang facebook cá nhân.

Câu chuyện tại xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng khiến nhiều người xúc động. Đồng chí Nguyễn Minh Nhật, Trưởng Công an xã Thanh Liệt chia sẻ: “Đối với những gia đình không quá vội thì họ có thể chờ đợi để được cấp hoàn thiện giấy chứng tử. Nhưng đối với nhiều gia đình cần gấp để tiện làm lễ truy điệu hay đi hỏa táng thì thường đến Ban Công an để xin giấy xác nhận.

Có những lần mới chỉ 3 -4 giờ sáng người dân gọi điện cho tôi nói cần chữ ký xác nhận, tôi cũng phải dậy để ký cho họ. Hay 2 năm trước, đúng mồng 1 Tết có người đến xin tôi ký xác nhận, tôi cũng phải ký chứ. Nhiều người khi đó đã nói tôi sao không từ chối khéo, đầu năm ai lại đi ký cái giấy tờ liên quan đến chết chóc nhưng tôi thì nghĩ khác. Nghĩa tử là nghĩa tận, mình vừa làm đúng trách nhiệm lại cũng là làm phúc thì sẽ gặp may mắn chứ gặp xui xẻo làm sao được”.

Một mô hình "cụm dân cư điện tử" để giảm sự phiền hà của thủ tục hành chính tại phường Hạ Đình được người dân rất ủng hộ.

Khi chúng tôi liên hệ với bà Nguyễn Thị Thắng (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội), người đã được đồng chí Nhật ký giấy xác nhận chứng tử cho người thân đúng vào mồng 1 Tết, bà Thắng không giấu được cảm kích: “Thực sự đó là việc cực chẳng đã, vì đầu năm mới người ta kiêng kị đủ thứ, còn tôi thì lại phải vác giấy đi xin chứng tử cho mẹ mình. Trước khi tới gặp anh Nhật tôi cũng ngại và lo lắng nhiều lắm. Tôi chỉ sợ anh ấy sẽ tìm cớ hoãn nhưng không ngờ anh ấy ký ngay. Đã thế anh ấy còn không quên gửi lời chia buồn tới gia đình tôi”.

Bấy lâu nay, thủ tục hành chính (TTHC) là nỗi ám ảnh thì ở phường Hạ Đình lại là câu chuyện của quá khứ. Hơn ai hết, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Minh thấu hiểu được sự vất vả, đồng cảm được với người dân, mô hình “cụm dân cư điện tử” đã được áp dụng tại đây trong nhiều năm. Những thủ tục hành chính tại đây đều được công nghệ hóa, người dân chỉ cần ngồi nhà là có thể thực hiện các thủ tục hành chính.

Tại đây luôn có các tình nguyện viên, trực 24/24h, kể cả ngày nghỉ, sẵn sàng hướng dẫn cho bà con khi có nhu cầu. Bất kể gia đình nào có người sinh em bé, chỉ một vài ngày sau, tình nguyện viên sẽ đến gõ cửa hỏi thăm sức khỏe hai mẹ con, chủ động hướng dẫn làm giấy khai sinh cho con tại nhà.

Đặc biệt, gia đình có người thân qua đời, sau khi gia chủ lo tang lẽ, tình nguyện viên, đại diện của phường sẽ đến chia buồn và hướng dẫn gia quyến làm giấy khai tử cho người đã khuất để đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Đặc biệt hơn cả, sau khi các bạn trẻ làm thủ tục đăng ký kết hôn tại "cụm dân cư điện tử", đại diện chính quyền sẽ đến trao trực tiếp giấy đăng ký kết hôn tại lễ thành hôn.

Ông Minh chia sẻ: “Đối với việc tang ma, chúng tôi sẽ chủ động đến hỏi thăm, động viên các gia đình. Còn việc làm thủ tục, cấp giấy khai tử thì bấy lâu chúng tôi đã coi đó là việc của mình rồi. Không cần gia đình lên xin giấy, hay cầu cạnh xin giấy, chúng tôi sẽ là người đứng ra lo toàn bộ cho người dân. Theo tôi đó là việc làm cần thiết, bởi gia quyến người mất sẽ có rất nhiều việc phải làm”.

Tại một số huyện ngoại thành, truyền thống chôn cất hung táng tại địa phương cũng dần được khuyến khích hỏa táng. Chính vì thế việc xin giấy chứng tử là thủ tục cần thiết.

Anh Ngô Hữu Tuấn, cán bộ tư pháp xã Sơn Công (Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ: “Đúng là bây giờ nhiều gia định lựa chọn hỏa táng cho người thân sau khi qua đời, chính vì thế, bất kể giờ nào cũng sẽ làm cho dân, tạo điều kiện cho người dân nhất. Ngay đêm hôm qua (29/7/2017), tôi với Chủ tịch xã nửa đêm chở nhau xuống trụ sở Ủy ban để làm chứng tử cho bà Nguyễn Thị Thái, bà mất vì ung thư. Do gia đình định giờ là 7 giờ đưa đi hỏa táng, vì thế chúng tôi phải hết sức tạo điều kiện”. 

Phong Anh
.
.
.