Tuy nhiên, hiện nay du lịch đường sông ở đây vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng và lợi thế của mình bởi nhiều lý do. Vậy TP Hồ Chí Minh sẽ làm gì để đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch đường sông, mang lại giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững cho địa phương?
Nhiều tiềm năng nhưng chưa phát triển xứng tầm
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, năm 2017, thành phố đã đón khoảng 6,4 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 22,8% so với năm 2016. Đây là con số ấn tượng so với tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017 khoảng 13 triệu lượt người.
Tổng số du khách nội địa đến thành phố ước đạt 24,9 triệu lượt, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2016. Doanh thu năm 2017 của ngành Du lịch cũng tăng 12,6%, ước đạt 115,9 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh với địa hình kênh rạch lên tới 1.000km có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sông, đặc biệt như tuyến sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hũ, kênh Tẻ… Các kênh này rất độc đáo bởi bao trọn cả khu vực trung tâm thành phố, đi xuyên qua nhiều quận như quận 1, 4, 5, 6… Đây là các quận tập trung nhiều cảnh quan, nhiều di tích văn hóa lịch sử mang dấu ấn về vùng đất Nam bộ. Đặc biệt, hai bên sông Sài Gòn có nhiều cảnh quan phong phú và đặc sắc, các di sản văn hóa, được kết nối với các làng nghề, cây ăn trái ở nhiều địa phương lân cận…
Thực tế những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hình thức du lịch, giao thông trên sông Sài Gòn như nhà hàng nổi trên sông về đêm, du thuyền, ca nô đường sông với 5 tuyến khác nhau…
Trong đó, đặc biệt là tuyến buýt đường sông được khai thác từ tháng 11-2017, mở ra nhiều hy vọng cho du lịch đường sông, một tiềm năng đầy triển vọng góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội cho thành phố...
 |
Nhiều tiềm năng sông nước, mô hình du lịch đường sông tại TP Hồ Chí Minh. |
Tại Hội thảo khoa học “Phát triển sản phẩm du lịch đường sông tại TP Hồ Chí Minh” do Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua, các nhà quản lý, nhà chuyên môn, doanh nghiệp đã nêu lên nhiều ý kiến về nguyên nhân và các giải pháp để đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn.
Theo đó, du lịch đường sông của TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của mình. Nhìn chung các sản phẩm du lịch đường sông còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa thỏa mãn nhiều đối tượng du khách khác nhau, không đạt hiệu quả như thành phố kỳ vọng.
Một trong những lý do quan trọng là thiếu đi sản phẩm du lịch đặc trưng, dễ gây nhàm chán cho du khách. Chưa kể việc thiết kế các tour du lịch đường sông chưa thực sự ấn tượng. Rác, ô nhiễm môi trường hiện vẫn là vấn nạn nhức nhối nhất của ngành Du lịch, đặc biệt là du lịch đường sông…
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, bên cạnh những hạn chế kể trên thì những hành động thiết thực như cải cách các thủ tục hành chính, quy hoạch mạng lưới để mở thêm nhiều cảng bến, thay đổi cách nhìn về du lịch đường sông… là những ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp khi nói về thực trạng và tiềm năng phát triển đường sông ở thành phố; hoặc việc đầu tư hạ tầng, quy hoạch bến bãi lại quá hạn chế, trong đó còn vướng nhiều bất cập liên quan đến chính sách, thủ tục cần phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp cũng như giải quyết những vướng mắc về hạ tầng luồng tuyến…
ThS Trần Thị Bích Thủy, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, địa điểm bến đưa đón, dừng chân du khách rất quan trọng, nhưng các tuyến du lịch đường sông hiện nay xây dựng chưa thật sự hợp lý.
Việc xây dựng 7 tuyến du lịch đường sông với điểm xuất phát là Tân Cảng gây khá nhiều bất tiện cho du khách, cũng như cho công ty du lịch trong việc đưa đón khách, làm tăng thêm chi phí.
Hay tuyến du lịch bằng thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, du khách phải đến Bình Thạnh mới có tàu để đi, trong khi đó khách nước ngoài đa số nghỉ dưỡng tại quận 1, nơi có nhiều trung tâm thương mại và khu ẩm thực.
Còn du khách trong nước không phải ai cũng biết đến địa chỉ của hai nhà ga đón và đưa khách tại quận 1 và quận 3, đơn giản chỉ là điểm đưa đón du khách, khi khách lên bờ thì không có điểm tham quan, mua sắm…
Đặc biệt, vấn đề an ninh, an toàn cũng đang là một thực trạng đáng quan tâm. Du khách vẫn còn sợ nạn cướp giật, ăn xin, chèo kéo khách ở vài điểm dừng; chưa thật sự tạo niềm tin an toàn cho du khách…
Cần quy hoạch phù hợp
Ở phạm vi rộng hơn, ông Tưởng Ngọc Tuấn, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cho biết, thời gian gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến đường thủy ngày càng phức tạp, đối tượng vi phạm cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, vấn đề an ninh, an toàn đường thủy càng trở nên cấp bách, đòi hỏi phải nhanh chóng giải quyết.
Sự phát triển của các loại hình vận tải đường thủy, du lịch sông nước, cũng đặt ra những vấn đề phức tạp đối với tình hình an ninh trật tự, an toàn đường sông trên địa bàn đó là việc hình thành các khu dân cư ven sông sống nhờ vào các hoạt động liên quan đến sông nước.
Vấn đề đó sẽ làm phát sinh những yếu tố phức tạp cho việc quản lý con người, phương tiện đường thủy cũng như các hoạt động diễn ra trên sông làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn đường sông.
Ngoài ra, các loại hình vận tải, du lịch đường sông phát triển mạnh mẽ sẽ dẫn đến những nguy cơ vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực này hoặc lợi dụng các loại hình vận tải, du lịch sông nước để thực hiện hành vi phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật…
 |
Tuyến du lịch đường thủy nội đô kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại bến du thuyền quận 1. |
Ông Tưởng Ngọc Tuấn cho biết, theo báo cáo thống kê từ năm 2013 đến 2017, trên đường thủy nội địa TP Hồ Chí Minh xảy ra trên 146 vụ vi phạm pháp luật, trong đó, vi phạm pháp luật hình sự 44 vụ (tập trung chủ yếu ở các hành vi trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gây rối trật tự công cộng…); vi phạm pháp luật về kinh tế 14 vụ (với các hành vi vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển hàng nhập lậu…); vi phạm pháp luật về môi trường 88 vụ (với các hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép, sử dụng xung điện đánh bắt cá…).
Đồng thời, trong thời gian nói trên xảy ra 113 vụ tai nạn và va chạm giao thông đường thủy gây nhiều tổn thất về người và tài sản.
Nghiên cứu các vụ phạm pháp xảy ra trên các tuyến đường thủy nội địa cho thấy, các đối tượng thường lợi dụng sự đông đúc, nhộn nhịp, tâm lý hào hứng của khách tham quan để thực hiện các hành vi phạm tội như móc túi, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản… hoặc cố ý dàn cảnh va chạm để trộm cắp, cướp tài sản, đồng thời luôn thủ sẵn các loại hung khí để chống trả, trốn chạy gây nguy hiểm cho người tham gia truy bắt.
Các đối tượng phạm tội về kinh tế thường lợi dụng các loại hình vận tải du lịch đường sông để thực hiện các hành vi vận chuyển, trao đổi, mua bán trái phép các loại hàng cấm, hàng nhập lậu…
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại kể trên, xây dựng môi trường thuận lợi nhằm phát triển các loại hình dịch vụ du lịch sông nước, TP Hồ Chí Minh cần phải tích cực, chủ động thực hiện nhiều biện pháp và đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực.
Đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố có thể giải quyết bằng cách quy hoạch rõ ràng về bến bãi, cầu phà cho tàu thuyền neo đậu cùng những chính sách cho nhà đầu tư tham gia nạo vét lại một số đoạn kênh, cải thiện môi trường nước và chống xả rác…
Khi những bất cập này được giải quyết thì các doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia vào phát triển sản phẩm, mà không cần đến vốn từ ngân sách.
Bên cạnh đó, để thành phố hình thành được sản phẩm du lịch đường thủy chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch thì cần lồng ghép văn hóa với du lịch, để tạo được nét văn hóa đặc trưng của TP Hồ Chí Minh, giúp đa dạng sản phẩm du lịch đường thủy của thành phố.
Đồng thời, cần quan tâm đến vai trò của doanh nghiệp, tạo cơ chế mở thông thoáng, ưu ái cho doanh nghiệp, lưu tâm đến cơ chế quản lý mô hình phát triển du lịch đường thủy.
Kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư tour, tuyến để phát triển du lịch đường sông; thành phố cũng cần phải có nhiều chính sách để thu hút đầu tư và khuyến khích hợp lý để tiếp tục kêu gọi nhiều doanh nghiệp lữ hành khai thác tour đường sông tham gia…
Xem xét kết nối du lịch đường thủy đến các tỉnh, thành phố khác trong khu vực, để qua đó giúp kéo dài thời gian lưu trú, tăng tốc phát triển ngành du lịch thủy.
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, giải pháp trọng tâm vẫn là quy hoạch. Trước mắt có thể phát triển những tuyến tầm ngắn, tầm trung và tuyến nội đô trước, tuyến tầm xa làm sau.
Tương tự, hạ tầng du lịch đường thủy phải đi trước, đảm bảo cảng bến, chất lượng môi trường nước, kết nối giao thông thủy - bộ rồi mới tính đến đầu tư phát triển sản phẩm.
Bên cạnh đó, phải tích cực tuyên truyền ý thức cộng đồng làm du lịch ven bờ, nâng cao ý thức người dân không phóng uế, vứt rác bừa bãi, câu cá trái phép, giúp người dân hiểu được chính họ cũng được hưởng lợi rất lớn từ sản phẩm du lịch này.
Phải đảm bảo môi trường an toàn, tạo sự an tâm cho du khách. Theo ông Tưởng Ngọc Tuấn, Công an TP Hồ Chí Minh cần phải phát huy vai trò chủ động, nòng cốt, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo trật tự an toàn đường sông; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa tội phạm trên đường thủy nội địa; chủ động trong việc cung cấp thông tin, phổ biến tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm và các đối tượng trên đường thủy nội địa cũng như những kinh nghiệm, biện pháp trong đấu tranh để nhân dân biết từ đó chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả… Qua đó, phục vụ đắc lực cho việc phát triển các loại hình dịch vụ du lịch sông nước.
Phú Lữ