Kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa:

Nhiều hoạt động ý nghĩa trên đất Tây Sơn

Thứ Tư, 13/02/2019, 10:23
Ngày mùng 5 Tết Kỷ Hợi này là tròn 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2019) của nghĩa quân Tây Sơn. Những ngày này, tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), hàng ngàn người dân và du khách về đây trẩy hội mừng chiến thắng của các bậc tiền nhân.

 Trên mảnh đất gắn với ba anh em nhà Tây Sơn vẫn chan chưa biết bao hoài niệm về bến Trường Trầu, cây me, giếng nước…

1. Năm nay, Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tỉnh Bình Định tổ chức vào ngày 8-2 (mùng 4 Tết Kỷ Hợi 2019) tại Bảo tàng Quang Trung. Từ sáng, hàng ngàn người dân từ khắp các tỉnh, thành phố lân cận đã về dự hội. 

Dự lễ có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương.

Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh Bình Định đã thành kính dâng hoa tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung, dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt để tưởng nhớ công đức của Tây Sơn Tam Kiệt cùng các văn thần, võ tướng của triều đại Tây Sơn đối với sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước. 

Trước đó, các đại biểu cũng đã dâng hương tại Đài Kính Thiên (ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn), Đền thờ song thân Tây Sơn Tam Kiệt tại Khu di tích Gò Lăng (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) và dâng hương tại Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn).

Hàng ngàn người dân và du khách trẩy hội mừng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung.

Tối cùng ngày, tại khu vực bến Trường Trầu trước Bảo tàng Quang Trung đã diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội với chủ đề "Hào khí Quang Trung - Bản hùng ca bất tử". Chương trình gồm 3 chương: "Anh hùng áo vải", "Đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa", "Tiếp bước truyền thống - Bình Định tự hào đi lên" tái hiện tiến trình gây dựng binh sĩ, chiến đấu, chiến thắng và niềm tự hào, tiếp bước của hậu thế.

Sau ngày chính lễ, tại Bảo tàng Quang Trung còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ như: hội đánh bài chòi dân gian, chương trình biểu diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn, chương trình biểu diễn của Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, thi đấu võ thuật, tổ chức các trò chơi dân gian… Đặc biệt, trò chơi "Hành binh thần tốc" tái hiện hình ảnh quân Tây Sơn hành binh ra Thăng Long theo cách 2 người võng, 1 người nằm với sự tham gia của 15 xã, thị trấn của huyện Tây Sơn.

Những hoạt động nói trên được tỉnh Bình Định duy trì thường niên nhằm giáo dục truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn" cho thế hệ trẻ; thúc đẩy công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của tỉnh, gắn với phát triển du lịch; đồng thời, tạo điểm vui xuân cho người dân trong tỉnh và du khách khắp nơi trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng, kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử trên quê hương Tây Sơn Tam Kiệt hôm nay, chúng ta không chỉ ôn lại một truyền thống lịch sử hết sức vẻ vang, mà còn làm sống dậy hùng khí Tây Sơn gắn liền với tên tuổi của một thiên tài quân sự bách chiến bách thắng... Trong niềm tự hào chung của cả nước, tỉnh Bình Định còn có niềm tự hào của mảnh đất cội nguồn, nơi ba anh em Tây Sơn được sinh ra, được nuôi dưỡng với dòng sữa mẹ và khí thiêng sông núi quê nhà.

"Tinh thần của phong trào Tây Sơn, tinh thần chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa luôn tỏa sáng và lưu truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau một thông điệp đẹp đẽ của chủ nghĩa yêu nước vững bền, luôn cổ vũ chúng ta vươn lên mọi mặt. Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bình Định sẽ nỗ lực lưu giữ những giá trị truyền thống lớn lao đó để xây dựng một Bình Định giàu đẹp, vững tin bước vào thời đại mới", Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khẳng định.

Chị Nhàn cùng bạn xách nước rửa mặt tại giếng cổ trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.

2. Trẩy hội vui xuân ở Bảo tàng Quang Trung, du khách không thể không ghé thăm bến Trường Trầu, giếng nước đá ong cổ, cây me cổ thụ gắn liền với ba anh em nhà Tây Sơn. Thế kỷ XVIII, làng Kiên Mỹ (thuộc thị trấn Phú Phong ngày nay) là vùng đất chuyển giao giữa miền xuôi và miền ngược, tức là giữa vùng Tây Sơn thượng đạo và Tây Sơn hạ đạo. 

Đoạn sông Côn thuộc làng Kiên Mỹ là một địa điểm lý tưởng để tập trung trao đổi các mặt hàng của thương nhân hai miền Tây Sơn thượng - hạ. Việc trao đổi thông qua bến sông này nhiều nhất vẫn là mặt hàng trầu. Trầu đã góp phần làm phồn thịnh chợ Kiên Mỹ và tên gọi bến Trường Trầu vì thế ra đời.

Ông Hồ Phi Phúc (thân sinh của ba anh em nhà Tây Sơn) vì làm nghề buôn trầu xuôi ngược theo dòng nước, ngày ngày qua lại vùng Tây Sơn hạ đạo nên đã gặp gỡ kết duyên với bà Nguyễn Thị Đồng, sinh ra ba người con là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Ba anh em nhà Tây Sơn đã trải qua thời thiếu niên êm đềm bên dòng sông Côn. Rồi, khi lớn lên, Nguyễn Nhạc cũng nối nghiệp cha buôn trầu trên khúc sông này. 

Từ việc ngày ngày tiếp xúc với các thương nhân buôn trầu gần xa và được nghe những câu chuyện thường nhật của họ về các cuộc đấu tranh nông dân diễn ra khắp nơi nên Nguyễn Nhạc đã bắt đầu hình thành ý chí khởi nghĩa. Và đây là nơi hội ngộ của các sĩ phu yêu nước trong giai đoạn tiền khởi nghĩa. Đến đầu thế kỷ XIX, bến Trường Trầu đã ngưng hoạt động, nhưng đến nay âm hưởng của nó vẫn còn vang vọng đâu đây.

Sau bến Trường Trầu, xưa là nền nhà cũ của song thân ba anh em nhà Tây Sơn. Nơi đây ngày nay đã trở thành Bảo tàng Quang Trung và còn lưu giữ nhiều dấu tích xưa như cây me cổ thụ, giếng đá ong cổ. Đến bây giờ, người dân trong vùng vẫn còn lưu truyền những câu chuyện về tuổi thơ của ba anh em nhà Tây Sơn gắn với giếng nước, cây me này. 

Chuyện rằng, từ nhỏ đến lớn, ngày ngày ba anh em nhà Tây Sơn tập võ, luyện công dưới gốc me, đến khi mệt thì sang ngồi quanh giếng nước trò chuyện. Sau khi khởi nghiệp, cũng tại cây me, giếng nước này, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã chủ trì bao nhiêu cuộc luận bàn chuyện quốc sự cùng văn thần võ tướng.

Để thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với nhà Tây Sơn, năm Minh Mạng thứ 3 (1823), người dân làng Kiên Mỹ đã góp công, góp của xây dựng ngôi đình làng trên nền nhà cũ của ông Hồ Phi Phúc để bí mật thờ 3 anh em nhà Tây Sơn, nhưng lấy tên là đình Kiên Mỹ và gọi là thờ thành hoàng nhằm che mắt chính quyền. Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Nghĩa Bình (nay tách thành Bình Định và Quảng Ngãi) đã xây dựng Bảo tàng Quang Trung tại nơi này.

Tại bến Trường Trầu có cây cầu kiên cố bắc qua sông Côn, còn phía sau bến là Bảo tàng Quang Trung.

Theo ông Tô Đình Minh (62 tuổi, ở làng Kiên Mỹ, người gắn bó với giếng nước từ thuở bé, bây giờ là thợ chụp ảnh ở Bảo tàng Quang Trung), ngày xưa cả làng Kiên Mỹ chỉ có mỗi giếng nước trong bảo tàng nên người dân gọi đó là giếng làng. Nước giếng rất trong và mát. Sau này, làng Kiên Mỹ có thêm nhiều giếng mới nhưng nhiều người vẫn thích dùng nước giếng làng. Có những năm nắng hạn, các giếng trong làng Kiên Mỹ đều khô cạn thì giếng trong bảo tàng vẫn ăm ắp nước.

Đến Bảo tàng Quang Trung đầu năm mới, hàng trăm lượt người xếp hàng tự tay xách cho mình gàu nước, uống một ngụm rồi rửa mặt, chỉnh trang quần áo tươm tất trước khi vào dâng hương trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt. 

Dâng hương xong, nhiều người còn lấy nước vào chai đem về nhà, hay để đi đường uống với mong muốn để nhận được may mắn trong năm mới. Họ bảo rằng, uống nước giếng sẽ được may mắn cả năm, uống ngụm nước giếng như hưởng lộc từ tổ tiên nơi "chôn nhau cắt rốn" của ba anh em nhà Tây Sơn để trí được minh, nghĩa được bền, tình được vẹn.

Chị Phan Thị Thanh Nhàn (ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đi cùng nhóm bạn đến Bảo tàng Quang Trung du xuân, cho biết: "Tôi đã nhiều lần đến thăm bảo tàng. Lần nào cũng vậy, việc đầu tiên là tự mình xách một gàu nước ở giếng cổ này lên để rửa mặt, uống một hơi cho sảng khoái, rồi mới vào dâng hương trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Sau đó, tôi vào tham quan bên trong bảo tàng, rồi ra ngồi dưới tán cây me cổ thụ, lòng như lắng lại, thầm biết ơn các bậc tiền nhân".

Từ thời Tây Sơn đến nay đã trải qua hàng trăm năm nhưng người dân làng Kiên Mỹ vẫn gìn giữ những di tích và tôn thờ nhà Tây Sơn trong đời sống tín ngưỡng của mình. Trên mảnh đất xưa, bến Trường Trầu, cây me, giếng nước vẫn chan chứa biết bao hoài niệm. Đến nay, người dân vẫn còn lưu truyền các câu ca dao: "Cây me, giếng nước, sân đình/ Ơn sâu, nghĩa nặng, dân mình còn ghi", hay câu: "Cây me cũ, bến Trầu xưa/ Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm".

Phan Nhuận Phin
.
.
.