Nhiều kẻ trộm nhắm vào cổ vật ở đình, chùa Hà Nội

Thứ Năm, 14/05/2020, 14:39
Thời gian gần đây hàng loạt các đình, chùa trên địa bàn TP Hà Nội đã bị đám đạo chích "hỏi thăm". Ngoài tiền và tài sản thì có nhiều cổ vật rất giá trị, thậm chí vô giá... đã bị trộm lấy đi.


1. Liên tiếp từ giữa tháng 3 cho tới nửa đầu tháng 4-2020 vừa qua đã có bốn di tích trên địa bàn huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) bị đột nhập. Đó là chùa Bối Khê (xã Tam Hưng), đình Đại Định (xã Tam Hưng), chùa Dư Dự (xã Thanh Thuỷ) và chùa Từ Châu (xã Liên Châu). Tổng cộng gần 30 món bảo vật trong đình, chùa đã bị lấy đi.

Theo đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thanh Oai, chùa Bối Khê đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Chùa được xây dựng vào năm 1338, thời nhà Trần tại thôn Bối Khê. 

Trong chùa có thờ Đức Thánh Bối (tức vị tướng công Nguyễn Đình An) là người địa phương đã có công đánh bại quân xâm lược phương Bắc. Chùa Bối Khê không những là di tích lịch sử quý giá về niên đại mà còn có kiến trúc bằng gỗ rất đẹp. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày từ tháng 4/1979.

Trụ trì chùa Bối Khê cho biết, rạng sáng ngày 14/3/2020, khi mở cửa gian phòng Tam Bảo ông giật mình vì pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen, chiều cao gần 1m đã biến mất. Đây cũng là lần thứ ba pho tượng này bị trộm cắp. Hai lần trước sau khi bị mất trộm thì may mắn đã tìm lại được. Song đến lần này thì không ai chắc được rằng bức tượng này sẽ lại quay về chùa hay không.

Ngày 16/3, đình Đại Định cũng bị kẻ gian cắt khoá, phá cửa đột nhập lấy đi hai bộ chấp kích gồm 16 chiếc đặt hai bên gian Đại bái cùng 2 đỉnh đồng, 2 cây nến đồng và 1 bình sứ cổ. Ngày 29/3, tại chùa Dư Dự kẻ gian cắt khóa lấy trộm 1 chuông đồng, 2 bát hương (đặt tại Tam bảo). Đến ngày 11/4, kẻ gian tiếp tục đột nhập vào chùa Từ Châu lấy trộm 1 chuông đồng có chiều cao 1m, đường kính 0,6m.

Nếu không có biện pháp bảo vệ, cổ vật trong đình chùa rất dễ bị mất trộm.

2. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng cổ vật “không cánh mà bay” xảy ra ở Hà Nội.

Cách đây vài năm, tình trạng mất trộm cũng đã diễn ra ở đình Thanh Trì (quận Hoàng Mai); chùa Phù Lưu (huyện Ứng Hòa). Theo một thành viên thuộc Ban quản lý đình làng Thanh Trì, sáng sớm ông thức dậy thì phát hiện ổ khóa cổng bị cắt, kẻ trộm còn để lại chiếc kìm cộng lực trước cửa. 

Kiểm tra xung quanh ông này phát hiện thêm 2 ổ khóa cửa lối vào khu đại bái và cung cấm cũng đã bị phá, đôi hạc bằng đồng ở khu đại bái và chiếc chóe trong cùng khu cung cấm đã bị mất. Tất cả những thứ bị kẻ trộm lấy đi đều thuộc đồ cổ đã có từ lâu đời và có giá trị.

Còn tại chùa Phù Lưu và đình làng thôn Phù Lưu Hạ thậm chí còn bị đạo chích “ghé thăm” nhiều lần. Hầu hết những cổ vật, đồ thờ phụng có giá trị lịch sử như mâm bồng, bát hương và cả quả chuông đồng nặng hàng tạ cũng bị kẻ gian “khoắng” sạch.

Tháng 2/2020, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử nhóm chuyên trộm cổ vật tại chùa, với những hình phạt rất nghiêm khắc. Bị cáo Hoàng Tiến Sinh (trú tại Hưng Yên), Nguyễn Văn Cừ (trú tại Bắc Ninh) cùng lĩnh 12 năm; Phạm Văn Thùy (trú tại Hải Dương) và Vũ Tuấn Anh (trú tại Vĩnh Phúc) lần lượt nhận 11 năm và 9 năm tù giam.

Đầu năm 2018, Tuấn Anh biết chùa Bảo Lâm (ở huyện Mê Linh, Hà Nội) có nhiều pho tượng cổ quý nên nảy sinh ý định trộm cắp tượng Phật để bán lấy tiền ăn tiêu. Tuấn Anh đã "trinh sát" trước rồi đặt hàng cho nhóm của Sinh giúp mình trộm cắp.

Chùa Bối Khê bị trộm đột nhập ngày 13/3 lấy đi một bức tượng Phật Thích Ca đản sinh bằng đồng màu đen.

Một tối nọ Sinh rủ Thùy và Cừ hẹn nhau đến nhà để “uống rượu”. Thùy và Cừ hiểu là Sinh hẹn đến để rủ đi trộm cắp tài sản nên đồng ý. Thùy lái xe ôtô chở Cừ và Sinh đi đến gần chùa Bảo Lâm thì dừng lại. Sinh và Cừ xuống xe, cầm theo túi đựng bao tải, mũ trùm đầu, găng tay, kìm cộng lực đi bộ đến Chùa. Cả hai trèo tường phía bên trái cổng vào bên trong Chùa.

Cừ đứng giữ cửa để Sinh dùng kìm cộng lực cắt đai khóa nhà Chính, rồi cả hai đi vào bên trong bê 8 pho tượng. Sinh gọi điện thoại cho Thùy đi ôtô vào chở tượng trộm cắp được đồng thời dặn Thùy dán biển số xe vào để tránh bị phát hiện. Sau đó, cả nhóm bán 2 pho tượng cho một đầu nậu với giá 40 triệu đồng. 6 pho tượng còn lại, do khách chê mối mọt nên chỉ trả 52 triệu đồng.

Được biết tổng giá trị của 8 pho tượng cổ là gần 1,2 tỉ đồng. Cơ quan Công an mới thu giữ được 7 pho, còn một pho tượng Lân đã bán cho người không rõ lai lịch.

Chiếc chóe để trên giá gỗ tại đình làng Thanh Trì bị trộm nẫng mất.

3. Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cổ vật bị "chảy máu" là hoạt động của Ban Quản lý di tích cấp xã, phường, thị trấn còn lỏng lẻo, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền cơ sở về công tác này chưa được chú trọng. Bên cạnh đó hầu hết các di tích chưa có sổ theo dõi di vật, cổ vật, chưa được lập hồ sơ khoa học để kiểm kê, bảo quản.

"Hà Nội có gần 6.000 di tích thì chỉ một số ít di tích quốc gia ở các quận Long Biên, Mê Linh, Hai Bà Trưng… đã thực hiện xong việc đăng ký cổ vật. Nếu được đăng ký, kiểm kê mới có các số liệu, hình ảnh… tạo cơ sở tìm lại cổ vật khi bị thất thoát hay đánh cắp. 

Trên thực tế, có những trường hợp nhiều nơi bị mất trộm, người dân khẳng định di vật, cổ vật thuộc về di tích nhưng lại không có cách nào để chứng minh. Vì vậy, việc hồ sơ hóa, đăng ký cổ vật là giải pháp cần thiết mà các địa phương phải ưu tiên trong công tác bảo vệ di tích", ông Văn nhấn mạnh.

Theo một điều tra viên Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, nạn trộm cắp tại các cơ sở văn hóa, tín ngưỡng thời gian gần đây có những diễn biến rất phức tạp. 

Nếu như dịp giáp Tết, hoặc Giêng hai của các năm trước đám đạo chích thường nhằm vào các hòm công đức, két sắt tại đình, đền, chùa... để trộm tiền, tài sản thì gần đây bọn chúng lại chuyển hướng sang đồ thờ, cổ vật. 

Do đình đền chùa là không gian "mở", ai cũng có thể vào thăm viếng; đồng thời gần như rất ít cơ sở lắp đặt camera (nếu có cũng chỉ lắp ở nơi đặt hòm công đức) nên việc điều tra tung tích đối tượng gặp nhiều khó khăn.

Một đối tượng giả làm sư để vào chùa trộm cắp.

Qua công tác điều tra những vụ trộm đồ thờ, cổ vật, cơ quan Công an phát hiện những đối tượng trộm cắp thường tụ tập thành hội, nhóm với nhau. Việc trộm cắp chủ yếu là do... đặt hàng giữa các nhóm này. 

Đơn cử như ở Hải Dương có một hội, Nam Định một vài hội, thị xã Sơn Tây có một hội... Bọn chúng thường chia sẻ thông tin với nhau về những món hàng cần tìm. Có nhóm cần chuông đồng, nhóm kia cần tượng gỗ, đối tượng khác lại cần sắc phong... 

Sau khi nhận "đơn đặt hàng", các đối tượng sẽ đóng giả là người hành hương mò đến "tăm tia" các đình, chùa rồi thừa cơ ra tay trộm cắp. Thậm chí, bọn chúng còn chụp ảnh rồi gửi cho đối tượng đặt hàng xem có đúng không. Khi bên kia gật đầu thì chúng mới tính đường đột nhập.

Vì vậy, để an ninh ở các di tích được bảo đảm, cần xác định và làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương với di tích trên địa bàn. Mặt khác, phải xây dựng hệ thống tường rào, cổng, cửa bảo đảm; lắp đặt hệ thống camera, báo động; luân phiên cắt cử người trông coi. 

Ðối với các di vật, cổ vật có giá trị cao nên cất giữ ở nơi kín đáo, an toàn, có khóa kiên cố hoặc trông coi cẩn thận. Chính quyền địa phương cũng cần có chế độ thù lao hợp lý cho người bảo vệ, trông coi và gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân nếu để xảy ra mất mát.

Trước tình trạng "chảy máu" cổ vật, ngày 29/4/2020, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Văn bản số 1586/UBND-TKBT gửi Giám đốc Công an thành phố và Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao về việc điều tra việc mất trộm cổ vật trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố giao Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ điều tra tình trạng trộm cắp cổ vật, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân (nếu có) liên quan đến việc bảo vệ di tích trên địa bàn; tăng cường tuần tra, canh gác, hướng dẫn việc lắp đặt thiết bị bảo vệ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích.

M.Tiến
.
.
.