Nhiều khi đứng yên đã là yêu nước

Thứ Bảy, 28/03/2020, 10:11
Phương châm phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng và dập dịch đang được triệt để thực hiện ở Việt Nam, và đang nhận được sự hưởng ứng của các cấp, các ngành, cả cộng đồng.


Trên thế giới đang có 2 cách chống dịch Covid -19. Một là cách để nó tự nhiễm tự miễn mà Anh và một số nước châu Âu đang thực hiện, và hiện dịch vẫn đang tiếp tục lan tràn ở các nước đó. Hai là cách ly triệt để để không bị lây nhiễm, và khi đã lây nhiễm thì chữa trị ngay mà Việt Nam ta và một số nước đang làm, và đã có những thành công. Phương châm phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng và dập dịch đang được triệt để thực hiện ở Việt Nam, và đang nhận được sự hưởng ứng của các cấp, các ngành, cả cộng đồng.

Ngay những ngày đầu tiên khi phát hiện có bệnh dịch virus Corona (COVID-19), những người đầu tiên lên đường hướng về phía biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối tắt… chính là các chiến sỹ Công an, Quân đội, kế đến là chuẩn bị các phương án, cơ sở vật chất, nhu yêu phẩm… đảm bảo cho người nghi nhiễm bệnh đến tập trung cách ly… vẫn là Công an và Quân đội là nòng cốt. 

Khi đã phát hiện những ca nhiễm đầu tiên ở trong nước, lực lượng Công an đã bằng tất cả các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện một cách nhanh nhất tất cả các tiếp xúc của người bệnh để khoanh vùng các đối tượng, các F… để mời họ đi cách ly, sau đó lập chốt chặn 24/24 để đảm bảo việc cách ly được nghiêm ngặt.

Công an phường Trúc Bạch những ngày chống dịch COVID-19.

Đa số những người không may nhiễm hoặc có nguy cơ cao nghi nhiễm virus Corona đều nhận thức được mối nguy hiểm của bệnh dịch và chấp nhận cách ly tại nhà hoặc đến các cơ sở cách ly tập trung, tránh lây lan bệnh dịch ra cộng đồng. Họ đã sống vì mọi người và vì chính bản thân và gia đình mình. 

Nhưng rất tiếc, bên cạnh đó vẫn còn có không ít người đã có những đòi hỏi, những yêu sách và những phát ngôn không đúng mực làm tổn thương những tấm lòng, những nỗ lực của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, của những người lính đang phải chốt chặn ở rừng sâu núi đỏ, những người lính không kể ngày đêm, chạy đua với thời gian để tìm ra nhanh nhất địa chỉ, danh tính… của những người cần được đem đi cách ly.

Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định "chống dịch như chống giặc". Chính vì thế phải xem đây là một cuộc chiến đấu thực sự, cuộc chiến đấu mà không ai được đứng ngoài cuộc và không ai có thể được đòi hỏi phải có những chế độ đãi ngộ riêng biệt. Sinh, lão, bệnh, tử, luôn công bằng với tất cả mọi người, chính vì thế, nếu chỉ là những lúc thông thường, bệnh tình của "chỉ riêng mình" thì anh có quyền đòi hỏi và có quyền tìm đến những cơ sở y tế tốt nhất, trả tiền để được điều trị xứng đáng với đồng tiền anh bỏ ra, nhưng ở đây là bệnh truyền nhiễm, là nạn dịch của cả thế giới và việc cách ly, khám chữa bệnh là bắt buộc nên mọi sự đòi hỏi đều trở nên lạc lõng.

Bên cạnh đó, khi thấy những bức ảnh của cán bộ Công an, Quân đội ăn dưới đất ngủ võng trong rừng để chốt chặn các ngả đường, có thể có người đem dịch bệnh đến và phát tán dịch bệnh đi, đã có không ít các đối tượng chống đối viết những bài trên mạng kêu lên rằng: Vì thể chế chính trị, vì nạn tham nhũng của các quan chức nên Công an, Quân đội phải khốn khổ, thiếu thốn… khi đi làm nhiệm vụ. Thật nực cười với cách nhìn thiển cận, kém hiểu biết đến như thế mà cũng đòi là "nhà cách mạng", nhà "dân chủ".

Đối với lực lượng vũ trang, khi hành quân chiến đấu, toàn bộ gia tài nằm trọn trong chiếc ba lô. Và tùy theo cấp độ hành quân, quy mô hành quân để có thêm các điều kiện vật chất, hậu cần khác đảm bảo đi cùng. Nên việc ăn dưới đất, nằm võng đối với người chiến sỹ là chuyện bình thường, đó còn là sự rèn luyện, thực tế này rất dễ hiểu, những người chưa một lần trải qua quân ngũ cũng có thể biết. Chỉ những người tâm địa tối tăm, luôn có cái nhìn hằn học, ác ý, xuyên tạc, bóp méo… thì mới thấy đó là sự bất công. 

"Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". Điều đó đã chứng minh trong thực tế. Hành động quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, trong đó mũi nhọn là lực lượng vũ trang, cán bộ y tế trong phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe của nhân dân đã có sức lay động tới tất cả cộng đồng và được thế giới đánh giá cao.

"Biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe". Với mỗi người, phải biết chung tay chống dịch; nhiều khi im lặng, hay đứng yên một chỗ đã là hành động yêu nước, đừng vô tâm, vô cảm và độc ác gieo rắc các luận điệu xuyên tạc, phao tin đồn nhảm… gây chia rẽ và hoài nghi trong lúc này. Bệnh dịch đã lan ra quy mô toàn cầu, chứ không riêng biệt ở một nước giàu hay một nước nghèo.

Xin nhắc lại một lần nữa là nước ta đang được thế giới đánh giá rất cao trong công cuộc chiến đấu với bệnh dịch COVID-19.

Nguyễn Tam Hà
.
.
.