Nhiều mô hình giúp người cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng

Thứ Năm, 28/06/2018, 15:33
Phòng chống các tệ nạn xã hội (TNXH) như sử dụng ma túy, mua bán dâm… luôn là vấn đề được các cơ quan chức năng quan tâm. Nhiều mô hình phòng chống TNXH ra đời, trong đó có những mô hình hoạt động khá hiệu quả, giúp người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.


Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống TNXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB và XH), từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ sở cai nghiện trong cả nước đã tiếp nhận 1.345 người đến tư vấn, điều trị, cai nghiện. 

Trong đó, cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án là 479 học viên, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập 220 học viên, tại cơ sở tư nhân là 110 lượt học viên, quản lý tại cơ sở xã hội 536 học viên. 

Nếu tính cả việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng ở các tỉnh, thành thì số người được cai nghiện là 4.630 người. Để giảm thiểu tình trạng gây mất an toàn xã hội do người nghiện ma túy gây ra, chúng ta đang có nhiều hình thức cai nghiện như: Cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; cai nghiện tự nguyện và bắt buộc tại trung tâm; cai nghiện tại cơ sở dân lập... Trong đó có nhiều địa phương đã đưa ra những sáng kiến đột phá trong công tác cai nghiện ma túy với nhiều mô hình, chương trình, chính sách hỗ trợ người cai nghiện ma túy khác nhau.

Có một mô hình cai nghiện tư nhân với tên Trung tâm Cai nghiện ma túy tự nguyên Tiêu Vĩnh Ngọc, hoạt động được 12 năm qua, đạt nhiều hiệu quả. Hiện Trung tâm đã phát triển thành hệ thống với 23 cơ sở trong cả nước, có tiêu chí: "Lấy người nghiện giúp đỡ cho người nghiện", được đánh giá là mô hình tư nhân tốt nhất hiện nay. 

Anh Nguyễn Duy Bảo, Quản lý cơ sở cai nghiện Tiêu Vĩnh Ngọc (một cơ sở trực thuộc hệ thống Trung tâm Cai nghiện Tiêu Vĩnh Ngọc), đóng trên địa bàn xã An Bình, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cũng từng là một người nghiện, được cai nghiện tại Trung tâm Cai nghiện ma túy tự nguyện Tiêu Vĩnh Ngọc, rồi trở thành người giúp đỡ cho các người nghiện khác. 

Chính những người từng mắc nghiện, với sự chia sẻ, động viên, thấu hiểu, thậm chí đồng cam cộng khổ mới giúp cho những người đang là nô lệ của "nàng tiên nâu" hồi tỉnh. Vì thế, cơ sở thu hút được nhiều người tìm đến. Không ít bậc cha mẹ nghe tiếng đã đưa con mình đến gửi gắm và nhiều người mừng rơi nước mắt vì con họ đã cắt được nghiện.

Anh Trần Quang Tín ở thôn Hữu Ái, xã Giang Sơn (Gia Bình - Bắc Ninh) là hạt nhân trong CLB Phòng chống ma túy tại địa phương.

Anh Bảo chia sẻ: "Từ năm 2011, Trung tâm cai nghiện tại đây đã giúp cho rất nhiều người thành công, tỉ lệ tái nghiện ít. Ngay từ thời gian đầu khi mới mở cơ sở, nhiều anh em sau khi cai nghiện xong trở về gia đình, chỉ vài ngày sau nhiều người quay lại đây chơi với cơ sở, có người ở xa họ ở lại chơi tới vài ngày, thậm chí cả tuần. Trong thời gian ở lại ngoài những lúc ngồi với anh chị, họ còn ăn, ngủ, giúp đỡ và tâm sự, chuyện trò với những bệnh nhân đang cai nghiện tại cơ sở". 

Anh Nguyễn Thế Sơn (37 tuổi) ở Hải Phòng vừa vào trung tâm được hai tháng và đã cắt được cơn nghiện, cơ thể cảm thấy khỏe khoắn, tinh thần phấn chấn, không còn cảm giác "đói" thuốc.

Từ nhiều năm về trước, Đà Nẵng là địa phương có khá nhiều người mắc nghiện. Các cơ quan chức năng đã tìm nhiều giải pháp giảm số người nghiện. Năm 2018, Đà Nẵng đặt mục tiêu tổ chức cảm hóa, giáo dục 100% số người vi phạm sử dụng trái phép chất ma túy phát hiện lần đầu còn trong thời hạn quản lý; mở rộng cai nghiện tại gia đình - cộng đồng. 

Ông Lê Minh Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH TP Đà Nẵng - một đơn vị có nhiều kinh nghiệm phòng chống TNXH cho biết, thời gian qua, Đà Nẵng đã từng bước kiềm chế tình trạng người nghiện gia tăng thông qua việc triển khai mô hình cai nghiện tại gia đình - cộng đồng. 

Theo đánh giá của ông Hùng thì mô hình này đem lại hiệu quả khá rõ rệt. Tất nhiên, khi triển khai mô hình cai nghiện tại gia đình - cộng đồng, ngoài việc phân công từng công việc cụ thể như lập hồ sơ, điều trị, cắt cơn, giải độc, phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh... thì người làm công tác này cần quan tâm đưa ra những nhận xét, đánh giá định kỳ các học viên cai nghiện.

Ngoài ra, các tỉnh, thành còn đưa ra một số mô hình cai nghiện như thành lập các Câu lạc bộ "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy", Câu lạc bộ nhân ái, Tổ công tác cai nghiện ma túy hay Điểm tư vấn (ĐTV) cộng đồng… 

Nhìn chung, thông qua hoạt động của những mô hình này người thực hiện có thể nắm bắt tâm lý cũng như nguyện vọng của các học viên để từ đó đưa ra phương hướng giúp đỡ học viên điều trị cắt cơn nghiện, nhận thức được tác hại, khó khăn trong việc điều trị, cai nghiện ma túy. Vấn đề quan trọng nữa là tạo điều kiện cho học viên được học nghề, hỗ trợ sinh kế, giúp họ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Thực tế, việc cai nghiện ma túy rất khó khăn, phức tạp. Khó khăn trong cai nghiện tập trung là khi làm thủ tục để đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện. Làm đúng quy định của pháp luật thì nhiều khi để sót đối tượng nghiện ma túy thật sự. Hay cái khó do người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định; do cơ sở cai nghiện ma túy thiếu nguồn lực, cơ sở vật chất, trình độ, kĩ năng của cán bộ làm nhiệm vụ yếu… 

Riêng cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cũng gặp trở ngại do người nghiện không hợp tác; hoạt động hiệu quả chưa cao do vướng mắc về cơ chế phối hợp, thiếu khung định mức hỗ trợ kinh tế - kĩ thuật cho các mô hình cai nghiện. Người nghiện và gia đình người nghiện ma túy không tự khai báo và đăng ký cai nghiện; cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt triển khai.

Điều đó cho thấy, các mô hình cai nghiện đều có những mặt mạnh và yếu khác nhau và không ít thách thức. Tuy nhiên, trong nhiều mô hình, ĐTV cộng đồng ở nhiều nơi đã đạt hiệu quả cao. 

Theo bác sĩ Khuất Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), mô hình ĐTV cộng đồng hoạt động rất đa dạng về cả truyền thông, dự phòng nghiện, cai nghiện cắt cơn, giới thiệu chuyển gửi cai nghiện, cấp thuốc hoặc điều trị thay thế, tư vấn cho các loại khách hàng, dự phòng tái nghiện, tư vấn HIV, vay vốn, học nghề, tạo việc làm, phát triển sinh kế… Đây là điều nhiều địa phương cần quan tâm áp dụng.

Những người đến cai nghiện tại Trung tâm Cai nghiện Tiêu Vĩnh Ngọc, cơ sở An Bình (Thuận Thành).

Tạo điều kiện cho người sau cai hòa nhập

Mới đây, tại Hội nghị "Nhân rộng các mô hình và triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các tỉnh khu vực phía Bắc", bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB và XH nhấn mạnh, các địa phương cần mạnh dạn triển khai nhân rộng các mô hình hay, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương để hoàn thành tốt nhất các mục tiêu phòng chống TNXH. Về phía Bộ LĐ,TB và XH sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực cai nghiện ma túy nhằm tháo gỡ khó khăn cho các mô hình cai nghiện.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng, giúp người nghiện sau cai là tái hòa nhập cộng đồng. Đây là bài toán không đơn giản, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành. Để tái hòa nhập được, họ cần có việc làm, được cộng đồng thông cảm, gia đình động viên, giúp đỡ, tránh kỳ thị. 

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ,TB và XH), các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp ở các địa phương cần giúp đỡ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện có việc làm, ổn định cuộc sống, tránh tái nghiện. Có như vậy, công tác cai nghiện ma túy mới đạt được hiệu quả cao. 

Hà Lê
.
.
.