Nhiều người dân phải đi "lánh nạn" vì ô nhiễm từ xả thải nhiệt điện

Thứ Bảy, 15/09/2018, 11:32
Năm 2010, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn (có địa chỉ tại số 719 đường Dương Tụ Minh, phường Quán Triểu, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã giải phóng mặt bằng và tiến hành đào một diện tích đất rộng rồi đổ thẳng xỉ thải từ nhà máy xuống đó mà không có một lớp chống thấm, chống tràn nào. 


Việc làm đó đã khiến những người dân sống trong xã Cao Ngạn bị ảnh hưởng nặng nề do ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Có những gia đình vì không chịu nổi không khí ô nhiễm nghiêm trọng này nên đã phải dời nhà đi “lánh nạn” ở nhà người thân.

Cuộc sống nhiều hộ dân bị đảo lộn

Khi chúng tôi tìm đến 2 xóm Hội Hiểu và Ao Vàng, thuộc xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên để tìm hiểu vụ việc, nhiều gia đình đóng cửa im ỉm. Hỏi người dân xung quanh thì được biết, sở dĩ nhiều nhà đóng cửa là vì không chịu nổi khói bụi, tiếng ồn phát ra từ Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn. 

Từ khi có việc xả thải của công ty này, có những hộ gia đình đã phải rời nhà đi “lánh nạn”. Cuộc sống vì thế đảo lộn hoàn toàn. Theo tìm hiểu của phóng viên, hai gia đình bị ảnh hưởng nặng nhất từ việc xả thải này là gia đình bà Nguyễn Thị Sáng và gia đình bà Phó Thị Sinh, cùng ở xóm Ao Vàng.
Nước trong hồ chứa xỉ thải luôn có màu xanh và nổi váng.

Chúng tôi đến nhà bà Sáng đúng lúc bà đang chuẩn bị đóng cửa đi đâu đó. Biết chúng tôi là phóng viên đến tìm hiểu sự việc, bà Sáng đon đả: “May là cô chú đến kịp đấy, chứ tôi đang sắp đóng cửa để ra nhà con gái đây. Ở nhà thì không chịu nổi vì ô nhiễm nặng, bụi bặm rồi nguồn nước hôi, tanh lắm. Hằng ngày tôi phải ra nhà con gái ở, ăn cơm ở đó, tối mới dám về nhà ngủ trông nhà thôi”. 

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, bà Sáng liên tục lấy tay dụi mắt. Bà Sáng bảo mắt bà như có cái màng che, không dụi thì không nhìn thấy gì. Cuộc sống của gia đình bà bị đảo lộn kể từ khi khu cánh đồng Giếng To, ngay giáp nhà biến thành nơi đổ xỉ thải của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn. Ao cá trước nhà không biết từ khi nào đã chuyển sang màu xanh lét, chiếc giếng đào sâu cả chục mét giờ cũng không thể sử dụng.

Bà Sáng chia sẻ: “Lúc chồng tôi còn sống, rửa nhiều bằng nước này dẫn đến chân tay lở loét. Lúc đó tôi đã rủ ông ấy ra nhà con gái ở nhờ rồi nhưng ông ấy không nghe. Ông ấy còn mắng tôi có nhà có cửa thì phải đi đâu, ô nhiễm thì cũng cố mà chịu. Năm ngoái ông nhà tôi bị tai nạn rồi mất, giờ chỉ còn mình tôi nên tôi mới quyết định đi “lánh nạn” để đảm bảo sức khỏe cho mình đấy”.

Nước dù lọc nhiều lần nhưng vẫn có mùi tanh.

Để chứng minh cho những gì mình nói là thật, bà Sáng đưa chúng tôi đến chiếc vòi nước dù được lọc qua nhiều lần nhưng đưa lên mũi mùi tanh, hôi vẫn bốc lên nồng nặc. Cũng theo lời bà Sáng chia sẻ thì vài năm nay, sức khoẻ của bà giảm sút rõ rệt. Mới đây bà phải đi viện chữa bệnh, mắt thì đau, đi khám bác sỹ đều kết luận do nguồn nước gây ra.

Bình thường bà Sáng phải sang ở nhờ nhà con gái nhưng nếu đợt nào nhà có việc phải ở lại vài ngày thì bà Sáng lại phải mang xô lên tận đỉnh đồi để xin nước về sinh hoạt, riêng ăn uống thì dùng nước đóng bình. Bà nói rằng mình còn bị thêm bệnh ù tai, chóng mặt, tức ngực khó thở do tiếng ồn và hít phải khí bụi.

Ngay cạnh nhà bà Sáng là gia đình bà Phó Thị Sinh (63 tuổi). Đến nơi, chúng tôi gọi mãi nhưng không thấy ai trả lời. Một người dân đi ngang qua cho biết: “Anh chị ra quốc lộ, cách đây hơn cây số hỏi nhà chị Hà con gái bà Sinh, thì sẽ gặp được. 

Gia đình bà ấy bị ảnh hưởng ô nhiễm nên phải ra đó “lánh nạn” rồi”. Quả đúng như lời người dân nói, chúng tôi tìm đến nhà chị Hà thì bà Sinh đang ở đó. Bà bảo gia đình bà đã phải ra ở nhờ nhà con gái hàng năm trời nay rồi. 

Bà cho biết: “Năm 2010, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn giải phóng mặt bằng khu cánh đồng (Giếng To), thuộc xóm Ao Vàng. Ngay sau đó, phía công ty đã tiến hành đào một khoảng đất rộng và sâu rồi đổ thẳng xỉ thải từ nhà máy nhiệt điện xuống đó. Việc này đã gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường xung quanh. Nhà tôi là nơi tiếp giáp với vị trí bãi xỉ thải gần nhất nên hậu quả cũng nặng nề nhất. 

Bà Nguyễn Thị Sáng bức xúc vì những kiến nghị của mình và nhiều người dân chưa được giải quyết.

Bụi thường xuyên phủ kín nhà, tiếng ồn từ xe chở xỉ thải gây ra. Nhất là nguồn nước ô nhiễm không thể sử dụng vì có mùi hôi, tanh, nhiều váng nổi lên. Việc đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của các thành viên trong gia đình tôi như: đau mắt, ngứa đỏ, lở loét chân tay, viêm đường hô hấp do khí bụi…”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có gia đình bà Sáng, bà Sinh bị ảnh hưởng mà còn rất nhiều những gia đình khác cũng cùng trong cảnh ngộ này. Vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài nên những gia đình này đã đồng loạt viết đơn kêu cứu gửi tới cơ quan chức năng phản ánh tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do bãi xỉ thải của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn gây ra.

Để tìm hiểu rõ hơn về điều này, chúng tôi ra có mặt tại khu vực bãi tập kết tro xỉ thải của Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn. Theo quan sát, khu vực này không hề xây dựng hệ thống bờ chống thấm và chống tràn mà đơn giản chỉ là một khu đất được múc lên giống như một cái hồ rồi đổ trực tiếp xỉ thải xuống. Nước trong hồ có màu xanh đậm đặc giống như màu hóa chất được phơi sương, phơi nắng ngoài trời mà không có bất cứ sự che đậy nào.

Từ chối cung cấp thông tin

Khi được hỏi về vấn đề ô nhiễm tại địa phương, ông Đoàn Việt Dũng, Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn cho biết: “Trong cuộc tiếp xúc cử tri năm 2017, chính quyền địa phương đã tiếp nhận đơn thư phản ánh của người dân thuộc 2 xóm Ao Vàng và Hội Hiểu. 

Sau đó, địa phương đã gửi kiến nghị đến doanh nghiệp, lên Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố có phương án khắc phục bụi, tiếng ồn, nguồn nước ô nhiễm. Tháng 11-2017, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã tiến hành thanh tra mức độ ô nhiễm từ bãi tập kết tro xỉ thải của Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn. Nhưng kết quả như thế nào thì không thấy gửi về địa phương để chúng tôi trả lời người dân”. 

Bà Phó Thị Sinh phải “lánh nạn” ở nhà con gái hàng năm nay.

Theo lời ông Dũng thì khu vực này thuộc quy hoạch khu công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, đến nay việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa được hoàn thiện nên vẫn còn nhiều hộ dân sống xem kẽ trong đó. Đất của các đơn vị chưa được sạch.

Để có câu trả lời thỏa đáng, chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn cung cấp hồ sơ dự án, kết luận thanh tra của Tổng cục Môi trường cuối tháng 11-2017, đánh giá tác động môi trường nhưng lần lượt bị từ chối. 

Tại buổi làm việc gồm ông Nghiêm Xuân Chiến, Giám đốc công ty và ông Lê Xuân Trường, Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn, phóng viên đề nghị phía công ty cung cấp các văn bản liên quan như: Dự án đầu tư; Kết luận thanh tra của Tổng cục Môi trường số 798/KL-TCMT ngày 29-12-2017; Báo cáo đánh giá tác động môi trường… 

Đây chính là cơ sở để Công ty thực hiện đúng dự án đã được chấp thuận, kết luận về việc chấp hành pháp luật và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, phía Công ty chỉ cung cấp cho phóng viên phiếu kết quả đo, phân tích của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên thực hiện, cũng như việc chấp thuận địa điểm cho Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn thuê làm bãi đổ xỉ thải và đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung, chứng chỉ quy hoạch của Sở Xây dựng và một số biên bản làm việc.

Về việc phóng viên đề nghị cung cấp dự án đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt, ông Nghiêm Xuân Chiến cho rằng phải báo cáo lên Tổng công ty cho phép mới cung cấp được. Còn các kết luận thanh, kiểm tra định kỳ, đột xuất của các cơ quan chức năng thì ông cho rằng chưa có lần nào, ông cũng không hiểu là kiểm tra những gì, như thế nào? Ông Chiến cũng cho biết chưa lần nào nhận được đơn thư, phản ánh của người dân.

Nhiều người đặt câu hỏi, trước việc hiện hữu tình trạng ô nhiễm môi trường từ nơi tập kết xỉ thải của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn khi khói bụi, nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, tại sao lãnh đạo công ty vẫn “mập mờ” về công tác môi trường?

Trước tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nói trên, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của nhiều người dân xã Cao Ngạn, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình và phương án xử lý vấn đề môi trường của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn. Bởi nếu không có phương án khắc phục kịp thời, rất có thể nơi đây sẽ trở thành điểm nóng về vấn đề ô nhiễm môi trường.

Song Anh
.
.
.