Nhiều thách thức đang chờ tân Thủ tướng Nhật Bản

Thứ Hai, 21/09/2020, 14:25
Ngày 16-9-2020, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức bầu ông Suga Yoshihide làm Thủ tướng thứ 99 ở nước này. Ông Suga đã nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản trong buổi lễ được tổ chức tại Hoàng cung. 

Lên cầm quyền vào thời điểm nước Nhật và thế giới đang trải qua thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với "một núi" thách thức. Trong khi đó nhiệm kỳ Chủ tịch LDP của ông Suga sẽ chỉ kéo dài tới tháng 9-2021, vì vậy việc giải quyết các thách thức trên như thế nào sẽ quyết định tương lai của ông.

Con nông dân trở thành Thủ tướng

Suga Yoshihide không xuất thân từ gia đình làm chính trị lớn ở Nhật. Ông là con trai một nông dân trồng dâu ở vùng Akita, miền Bắc Nhật Bản và chuyển đến Tokyo sinh sống sau khi tốt nghiệp trung học. Ông đã phải lao động vất vả để chi trả cho những năm học đại học luật.

Ông Suga Yoshihide hồi trẻ (hàng sau, bên phải ngoài cùng) và đồng đội trong câu lạc bộ bóng chày cấp ba. Ảnh: Kyodo.

Sau khi tốt nghiệp đại học luật, ông Suga làm trợ lý cho một nghị sĩ của vùng Yokohama. Đó cũng là nơi, năm 1987 khi mới 28 tuổi, ông được bầu vào hội đồng thành phố. 9 năm sau, ông trở thành dân biểu của thành phố lớn nằm ở phía Đông Nhật Bản và liên tiếp tái đắc cử tại đây. Theo CNN, dù thiếu mối quan hệ cũng như kinh nghiệm chính trị, ông đã bù lại bằng sự chăm chỉ. Có câu chuyện từ Đảng LDP kể rằng ông đã đến từng nhà để vận động, bao gồm 300 nhà mỗi ngày và vận động tổng cộng 30.000 người. Tính tới thời điểm cuộc bầu cử năm ấy diễn ra, ông đã đi mòn...

6 đôi giày. Sự nghiệp chính trị của ông Suga đã thay đổi kể từ thời điểm đó. Năm 1996, ông được bầu vào Quốc hội Nhật Bản. Năm 2012, ông Suga được bổ nhiệm vào vị trí Chánh Văn phòng Nội các và giữ vị trí này từ đó cho tới nay.

Hiện tại, ông được biết đến như một nhà tổ chức chính trị thành công. Kazuto Suzuki, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Hokkaido cho biết, ông Suga được kỳ vọng sẽ trở thành "người kế tục Abe". Một thành tích đáng chú ý khác của Suga là chương trình "furusato nôzei" ("quyên góp thuế quê hương"), cho phép giảm thuế với những người có đóng góp và cống hiến cho các địa phương của họ. Điều này đã mang lại lợi ích cho các nền kinh tế địa phương vốn đang phải gánh chịu hậu quả của việc suy giảm nguồn lao động.

Giáo sư Daniel M.Smith tại Đại học Havard nhận định: "Ông Suga đại diện cho việc duy trì những chính sách quản lý đất nước của chính quyền Abe, nhưng bản thân ông có sự khác biệt với người tiền nhiệm ở chỗ ông không phải xuất thân từ dòng dõi chính trị".

Ông Suga (giữa) được Quốc hội bầu chọn làm Thủ tướng mới của Nhật Bản ngày 16-9.

Về tính cách, tân Thủ tướng Suga từng nổi tiếng là người không ưa chính sách quan liêu. "Mọi người nghĩ tôi rất đáng sợ, đặc biệt là các công chức nhưng tôi lại rất ân cần với những người làm việc nghiêm túc", ông Suga trong một tranh luận nói. Về quan điểm chính trị, ông Suga được coi vẫn còn là điều bí ẩn, mặc dù ông luôn ủng hộ các chính sách giúp hồi sinh các vùng nông thôn. Các chuyên gia nói rằng ông là người theo trường phái thực dụng hơn là một nhà tư tưởng và được coi là một nhân vật trung lập. Báo chí Nhật Ban mô tả, ông Suga là người không thuộc bất kỳ phe cánh nào trong đảng và luôn phản đối chủ nghĩa bè phái, đồng thời cho rằng ông là một nhà cải cách, người sẽ phá bỏ những lợi ích và quy tắc cản trở đổi mới.

Về đời tư, ông Suga rất hiếm khi nói về cuộc sống cá nhân của mình cũng như đề cập đến người vợ và ba đứa con ở hậu trường. "Tôi hoàn toàn không uống rượu và tôi chỉ thích đồ ngọt như bánh kếp, cho nên bề ngoài của tôi đã thay đổi rất nhiều", ông Suga tiết lộ trong một lần hiếm hoi với báo chí.

Một "núi" khó khăn đang chờ tân Thủ tướng

Thủ tướng Suga nhậm chức trong bối cảnh nước Nhật đang phải đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng có kể từ sau Thế chiến 2, cả về đối nội và đối ngoại.

Thách thức lớn nhất mà tân Thủ tướng Suga phải đối mặt là vực dậy nền kinh tế rơi vào suy thoái từ cuối năm ngoái do tác động của dịch COVID-19. Một thách thức khác cũng liên quan tới COVID-19 là công tác tổ chức các đại hội thể thao Olympic và Paralympic, vốn đã bị lùi thời gian do ảnh hưởng của đại dịch; việc tăng thuế tiêu dùng và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành.

Ngoài ra, ông Suga cũng cần phải giải quyết một loạt các vấn đề hóc búa khác như già hóa dân số, củng cố hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn và cải thiện cán cân thu-chi ngân sách để giảm tỷ lệ nợ công/GDP, vốn đang đứng ở mức cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Đây là những vấn đề mà cựu Thủ tướng Shinzo Abe chưa thể giải quyết trong gần 8 năm tại nhiệm. Ông Suga cũng sẽ phải xử lý hai vấn đề mà Thủ tướng Abe rất tâm huyết nhưng chưa thể hoàn thành là sửa đổi Hiến pháp và khả năng Nhật Bản sở hữu năng lực tấn công các căn cứ tên lửa của kẻ thù ở nước ngoài.

Tại cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông Suga cho hay thách thức lớn nhất hiện nay là sự lây lan của dịch COVID-19. Ông nói thêm rằng, cần thiết phải cân bằng giữa cuộc chiến chống virus và việc hồi phục nền kinh tế. Ông cũng cam kết sẽ tăng cường năng lực xét nghiệm virus corona và đảm bảo vaccine cho tất cả người dân Nhật khi nó sẵn sàng.

Ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục các chính sách kinh tế Abenomics của người tiền nhiệm và tập trung vực dậy các vùng kinh tế. Ông cam kết củng cố hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia với mục tiêu giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn chi trả chi phí chữa bệnh, nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu lượng khí thải CO2 và chấm dứt chủ nghĩa cục bộ trong bộ máy hành chính.

Về đối ngoại, trước hết là quan hệ Mỹ-Nhật, một trụ cột trong chính sách an ninh và đối ngoại của Nhật Bản, đồng thời là lợi ích quan trọng đối với Mỹ. Giữa Washington và Tokyo đã có những bất đồng, trong đó có vấn đề về chi phí đồn trú của các binh sỹ Mỹ ở Nhật Bản. Theo tiết lộ gần đây của cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, năm ngoái, ông đã thay mặt Tổng thống Trump yêu cầu Nhật Bản trả 8 tỷ USD/năm tiền hỗ trợ kinh phí đồn trú của quân đội Mỹ ở nước này, cao gấp 4 lần so với số tiền mà Tokyo đang chi trả. Đây là số tiền rất lớn trong bối cảnh ngân sách của Nhật Bản đang ngày càng eo hẹp vì các khoản chi khổng lồ để vực dậy nền kinh tế.

Ông Suga vui mừng phát biểu khi được chọn vào hội đồng thành phố Yokohama. Ảnh: Kyodo.

Trong quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc có những căng thẳng chính trị về chủ quyền của các hòn đảo và có những căng thẳng quân sự trên các tuyến đường biển. Cuộc chiến giành ảnh hưởng ở Châu Á giữa Tokyo và Bắc Kinh đang diễn ra trong Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), quan hệ đối tác Ấn Độ - TBD cùng các diễn đàn khu vực khác. Ngoài ra, Nhật Bản còn đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh sẽ gây ra hậu quả ở Nhật Bản, do đó tân Thủ tướng sẽ phải cân bằng không chỉ giữa Tokyo và Bắc Kinh mà còn giữa Toyko, Bắc Kinh và Washington.

Về quan hệ với Hàn Quốc, căng thẳng đã gia tăng trong hai năm qua về các vấn đề lịch sử, luật pháp và chính trị. Mối quan hệ Nhật-Hàn có tiềm năng to lớn, nhưng những trở ngại chính trị ngăn cản hai bên đạt được sự thấu hiểu để chữa lành những vết thương trong quá khứ.

Nhật Bản cũng sẽ phải thúc đẩy cuộc đàm phán với Nga về số phận của 4 hòn đảo nằm ở ngoài khơi đảo Hokkaido mà Nga đang quản lý và Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc nhằm mở đường cho việc ký kết hiệp ước hòa bình, chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh giữa hai nước; và giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong các năm 1970 và 1980 nhằm hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đây là những vấn đề vô cùng hóc búa không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.

Nhiệm kỳ Chủ tịch LDP của ông Suga sẽ chỉ kéo dài tới tháng 9-2021. Thời gian 1 năm là quá ít trước núi công việc như vậy, vì thế đây sẽ là "bài thi" đầy khó khăn phải vượt qua với chính trị gia 71 tuổi này.

Minh Trang (Tổng hợp)
.
.
.