Nhìn lại vụ va chạm vệ tinh Nga –Mỹ năm 2009

Thứ Ba, 21/07/2020, 08:04
Tháng 10 năm 1957, Liên Xô đã phóng vệ tinh Sputnik 1, đây là vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó đến nay, các nước trên thế giới đã phóng hàng ngàn vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo trái đất. Hiện nay, ước tính có khoảng 7.000 vệ tinh đang ở trên quỹ đạo và có hơn 2.000 vệ tinh vẫn đang được sử dụng, điều đó có nghĩa là hơn hai phần ba số vệ tinh ở trên không gian là vệ tinh rác.


Trên qũy đạo có nhiều vệ tinh như vậy liệu chúng có va chạm với nhau không? Trên thực tế không gian là vô cùng lớn và mặc dù quỹ đạo của nhiều vệ tinh tương đối gần nhau nhưng xác suất va chạm là rất nhỏ nhưng vẫn có khả năng xảy ra va chạm và điều đó thực sự đã xảy ra. Vào lúc 11: 55 ngày 10 tháng 2 năm 2009, vệ tinh "Iridium 33" của Mỹ đã va chạm với vệ tinh "Cosmos-2251" không còn sử dụng của Nga trên bầu trời Siberia. Đây là lần đầu tiên trong lich sử hàng không vũ trụ hai vệ tinh quay quanh quỹ đạo đã va chạm nhau trên không gian.

Hai đám mây mảnh vụn ở độ cao 790 km

Vào ngày 10 tháng 2, vệ tinh liên lạc của Hoa Kỳ và vệ tinh quân sự của Nga đã xảy ra sự cố va chạm nhau trên bầu trời phía bắc Siberia và cả hai đều bị phá hủy. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hai vệ tinh quay quanh quỹ đạo hoàn chỉnh đã va chạm nhau.

Vệ tinh "Vũ trụ 2251" của Nga.

Trước khi va chạm, vệ tinh "Vũ trụ 2251" của Nga đang di chuyển từ Tây sang Đông và vệ tinh "Iridium 33" của Mỹ đang di chuyển từ Nam lên Bắc. Vị trí xảy ra vụ va chạm ở khu vực là 98 độ kinh đông, 72 độ vĩ bắc và độ cao khoảng 790km. Tuy nhiên, khi hai vệ tinh đang chuyển động tốc độ tương đối cao, khoảng 52.786 km/h  tức là 14,67km/s, tương đương với khoảng 14 lần tốc độ của viên đạn súng trường nên hai vệ tinh bị phá hủy ngay lập tức. Theo quan sát của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vụ va chạm của hai vệ tinh đã tạo ra hai đám mây mảnh vụn khổng lồ trong không gian.

Vệ tinh "Iridium 33" trong vụ tai nạn là một vệ tinh liên lạc thương mại được sản xuất bởi công ty tư nhân Iridium Satellite Holdings, vệ tinh nặng khoảng 560 kg và được phóng lên quỹ đạo ngày 14 tháng 9 năm 1997.

Vệ tinh va chạm với vệ tinh "Iridium 33" là vệ tinh liên lạc quân sự "Vũ trụ 2251" đã bị Nga loại bỏ từ năm 1995. Vệ tinh này nặng khoảng 900 kg được đưa lên quỹ đạo ngày 16 tháng 6 năm 1993.

Các mảnh vỡ đe dọa sự an toàn của tàu vũ trụ

Ông John Yambrick, phát ngôn viên của NASA nói rằng vụ va chạm đã tạo ra hàng trăm mảnh vỡ, các mảnh vỡ của vệ tinh sẽ tiếp tục di chuyển lan rộng ra và không loại trừ khả năng trạm vũ trụ phải tránh tạm thời sự tấn công của các mảnh vỡ. 

Ông Nicholas Johnson, một chuyên gia tại Trung tâm vũ trụ Houston nói rằng những mảnh vỡ này có thể là mối đe dọa lớn hơn đối với các vệ tinh quan sát Trái đất và kính viễn vọng không gian Hubble đang bay ở gần đó.

Công ty Iridium Satellite Holdings Limited có mạng lưới gồm 66 vệ tinh với chức năng là cung cấp dịch vụ liên lạc điện thoại và dữ liệu cho toàn thế giới, chủ yếu là cung cấp dịch vụ liên lạc cho 300.000 thiết bị đầu cuối điện thoại di động.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ là khách hàng lớn nhất của công ty này. Vệ tinh "Iridium 33" nằm trong mặt phẳng quỹ đạo thứ ba của nhóm vệ tinh. Sau vụ va chạm, các dịch vụ do nhóm vệ tinh của công ty Iridium cấp sẽ bị ảnh hưởng ở một mức độ nhất định. Các nhà chức trách công ty Iridium tuyên bố rằng vụ tai nạn đã làm một số dịch vụ liên lạc vệ tinh tạm thời bị gián đoạn nhưng vấn đề sẽ sớm được giải quyết. Công ty Iridium cũng cho biết trong vòng 30 ngày sẽ khởi động một vệ tinh dự phòng để thay thế vệ tinh bị hư hại do vụ va chạm.

Các chuyên gia cho biết, so với các vệ tinh liên lạc khác, quỹ đạo của hệ thống Iridium ở gần trái đất hơn và di chuyển nhanh hơn, vì vậy về mặt lý thuyết xác suất va chạm sẽ cao hơn.

Sớm hay muộn sự va chạm cũng sẽ xảy ra 

Vụ va chạm này xảy ra ở độ cao khoảng 790km trên vùng trời Siberia nằm trong phạm vi quỹ đạo trái đất thấp. Các quỹ đạo trái đất thấp còn được gọi là quỹ đạo tầm thấp, nói chung các quỹ đạo gần tròn có độ cao dưới 2.000km có thể được gọi là quỹ đạo tầm thấp. Thông thường, trong quỹ đạo này các vệ tinh khí tượng và vệ tinh liên lạc tương đối dày đặc.

Theo thống kê từ mạng lưới giám sát không gian của quân đội Hoa Kỳ, tính đến đầu năm nay, đã có tới 18.000 mảnh vỡ  nhân tạo dài 10cm đang ở trên quỹ đạo trái đất. Trong những năm gần đây, các mảnh vụn vũ trụ ngày càng gia tăng, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các vệ tinh và phương tiện không gian khác nhau.

Các chuyên gia hàng không vũ trụ nói rằng, nếu tình trạng này không thay đổi thì tai nạn va chạm sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra. Trong vài thập kỷ tới, sự va chạm sẽ ngày càng trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.

Vệ tinh  "Iridium 33" của Mỹ. 

Mảnh vỡ sẽ gây nguy hiểm cho các vệ tinh trên quỹ đạo

Một chuyên gia hàng không vũ trụ Nga cho biết, các mảnh vỡ được tạo ra sau vụ va chạm của vệ tinh Nga-Mỹ sẽ bay rải rác theo các hướng khác nhau và có thể va chạm với các vệ tinh thời Liên Xô đang trôi dạt không gian ở độ cao tương tự. Những vệ tinh này là các vệ tinh giám sát biển đã ngừng hoạt động vì hết tuổi thọ. Những vệ tinh này được trang bị lò phản ứng hạt nhân, mục đích chính của chúng là cung cấp năng lượng với hiệu suất đáng tin cậy, tuổi thọ cao và chi phí tương đối thấp, nếu các mảnh vỡ va chạm với các vệ tinh này có thể tạo thành các mảnh vụn phóng xạ trong không gian.

Ông cũng nói rằng, các mảnh vỡ cũng có thể va chạm với các vệ tinh khác của Nga và từ đó hình thành các mảnh vỡ không gian mới. Các vệ tinh Nga trong sự cố va chạm thuộc về các vệ tinh quân sự "Hỏa tiễn-2M" do Liên hợp các xí nghiệp Công nghiệp và nghiên cứu máy móc ứng dụng Nga chế tạo. Hiện tại, các vệ tinh khác cùng loại vẫn đang hoạt động trong không gian.

Ông Yakushin, Phó chỉ huy đầu tiên của lực lượng Vũ trụ Nga cho biết rằng, các mảnh vỡ do vụ va chạm vệ tinh có thể được phân bố trong không gian từ độ cao 500km đến 1300km. Hệ thống kiểm soát không gian của lực lượng vũ trụ Nga hiện đang được theo dõi chặt chẽ những mảnh vỡ này.

Sau sự cố va chạm này cả Hoa Kỳ và Nga đều cáo buộc nhau về trách nhiệm của vụ tại nạn. Ông Mark Martini, một nhà khoa học về mảnh vỡ trên quỹ đạo của Trung tâm vũ trụ Johnson ở Houston Hoa Kỳ cho rằng, vụ tai nạn là do vệ tinh của Nga đã mất kiểm soát nhưng phía Nga phủ nhận cho rằng vệ tinh của Nga đã ngừng sử dụng nên phía Nga không phải chịu trách nhiệm. Ông Lisov một chuyên gia về vũ trụ của Nga nói rằng sự cố này có liên quan đến lỗi của máy tính hoặc của con người, đối với vệ tinh "Iridium 33" của Mỹ vẫn đang hoạt động nên có thể điều chỉnh quỹ đạo của chúng kịp thời để tránh tác động nhưng phía Mỹ lại không làm điều này.

Ông Brian Whitman, người phát ngôn Lầu Năm Góc cũng thừa nhận rằng vụ va chạm giữa các vệ tinh của Mỹ và Nga là do những sai lầm của Mỹ trong việc tính toán quỹ đạo vệ tinh, ông cũng nói rằng vụ va chạm này chỉ là một tai nạn.

Không gian là vô cùng tận nhưng "cái gì rồi cũng sẽ đến", sau vụ va chạm này nó nhắc nhở các quốc gia phải cùng nhau thiết lập một quy trình chặt chẽ về trật tự "giao thông không gian".

Nguyễn Thiêm (dịch)
.
.
.