Nhọc nhằn cuộc chiến với "giặc" lửa

Thứ Năm, 29/12/2016, 11:00
Trên hành trình tác nghiệp, chúng tôi may mắn được gặp nhiều cán bộ, chiến sĩ làm công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Dấn thân vào nghiệp này, nghĩa là chấp nhận đối mặt với "bà hỏa", "thi gan" cùng hà bá bất cứ lúc nào. Dẫu vậy, những người lính cứu hỏa vẫn luôn sống nhiệt thành và đấu tranh không ngừng nghỉ trên mặt trận vắng tiếng súng vì tính mạng, tài sản của nhân dân.


Lần nào chúng tôi ghé Phòng Cứu nạn, cứu hộ - Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) thành phố Hồ Chí Minh cũng thấy các anh tất bật, khi huấn luyện chữa cháy, cứu nạn, khi kiểm tra phương tiện, hướng dẫn tân binh. 

Nghề của các anh lạ lắm, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng nhưng… sợ. Sợ tiếng chuông điện thoại réo vang lúc nửa đêm về sáng, tiếng kẻng, tiếng còi báo động bởi khi những âm thanh ấy vang lên thì ở đâu đó tính mạng, tài sản của nhân dân đang bị đe dọa.

Có lần, anh em ngồi nói chuyện đời, chuyện nghề, Đại úy Huỳnh Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Cứu nạn cứu hộ - Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh bỗng trầm ngâm rất lâu rồi bộc bạch, khi lao vào biển lửa cũng như khi lặn dưới dòng nước sâu, điều khiến các anh sợ nhất không phải là hy sinh tính mạng mà là không cứu được nạn nhân, hay phải nghe những tiếng nấc nghẹn ngào, đớn đau đến quặn thắt tim gan của những người mất đi người thân.

Phòng Cảnh sát PCCC quận 9 chữa cháy Công ty TNHH Foam và công ty TNHH Hoàng An.

Làm người chữa cháy - cứu nạn, cứu hộ nếu chỉ yêu nghề và lòng dũng cảm thôi chưa đủ, mà còn phải yêu thương những người đang lâm nạn, hết lòng vì những người đang cần cứu và hướng tới các nạn nhân với một lòng trắc ẩn lớn lao. 

Khi đối diện với ngọn lửa bùng cháy dữ dội, để có thể cứu được các nạn nhân - nhất là các sinh linh bé bỏng, trong sâu thẳm trái tim của mỗi người lính cứu hỏa chuyên nghiệp, lòng yêu thương con người phải được nâng lên thành lòng trắc ẩn.

Thật vậy, cuộc chiến với giặc lửa và "hà bá" chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. So với công tác đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cũng gặp không ít khó khăn, thử thách. Các anh có thể bị thương, thậm chí hy sinh cả tính mạng, nhưng hễ có tiếng báo động thì xe chuyên dụng lại lao vun vút ra đường dù đang giữa đêm đen hay rạng sáng, dù mưa gió tím tái mặt mày hay trời nắng như đổ lửa.

Rồi khi cứu được nạn nhân khỏi đám cháy hay dòng nước bùn đen, mặc cho cơ thể ướt đẫm mồ hôi, người đầy khói bụi, nhưng trên môi các anh vẫn rạng rỡ nụ cười. Nụ cười của hạnh phúc vì hoàn thành nghĩa vụ đối với nhân dân. Nụ cười của tình đồng đội, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng song hành, hỗ trợ nhau.

Lính PCCC tham gia cứu hộ tại tổ 14, ấp 1, xã Tân Kiểng, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.

Một trong số những người lính cứu nạn cứu hộ có mặt đầu tiên tại hiện trường cháy kho hóa chất Công ty Tân Hùng Thái ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh TP HCM vào 20h 55 ngày 16-4-2014 là Thượng úy Trần Công Thành.

Dù đối mặt trực diện với những cuộn khói, "tắm mình" trong màn sương mù của nhiều loại hóa chất độc hại, nhưng anh vẫn bất chấp hiểm nguy, băng vào đám cháy để ngăn cháy lan, cháy lớn nhằm bảo vệ tài sản công ty. Trong vụ cháy này, hóa chất xâm nhiễm vào cơ thể gây phản ứng với da khiến 15 người lính bị thương. Thượng úy Trần Công Thành cũng bỏng 15% trên cơ thể, đồng thời dính nhiều vết thương do các mảnh thùng hóa chất phát nổ găm vào người.

0h ngày 30-12-2008, Cảnh sát PCCC TP.HCM nhận tin báo từ Công an phường Tân Phú, quận7 có vụ sập giàn giáo công trình xây dựng nhà CR4 (đường Tôn Dật Tiên). Ngay lập tức, Đội cứu nạn cứu hộ được điều động đến hiện trường. Có 4 nữ công nhân bị kẹt lại trong công trình bêtông chưa kịp ráo nước. Tại tầng 3, 4, Đội Cứu nạn cứu hộ sử dụng con đội thuỷ lực để đội phần giàn giáo, bêtông đã sập, đào bới, cưa cắt tạo khoảng trống và dùng đệm hơi cứu hộ cứu được 2 nạn nhân ra ngoài.

Vừa lúc ấy, mọi người phát hiện chị Nguyễn Thị Quyền (31 tuổi, quê Đồng Tháp) đang trong tình trạng nguy kịch, hai chân bị kẹp chặt bởi các thanh sắt giàn giáo và cả núi bêtông đang khô dần. Lực lượng y tế tại hiện trường đã tính đến phương án tháo khớp nạn nhân, hi sinh đôi chân để bảo toàn tính mạng cho chị Quyền.

Đại úy Huỳnh Văn Tuấn liền hỏi liệu nạn nhân có thể duy trì trong khoảng bao nhiêu phút nữa. Câu trả lời "không tới 30 phút". Đại úy Tuấn báo cáo chỉ huy đơn vị cho mình 20 phút tiến hành cứu nạn nhân, nếu đến lúc đó mà không được thì hãy tháo khớp.

"Dù chỉ còn một giây cũng phải cố vì cuộc sống sau này của nạn nhân" - Đại úy Tuấn nói. Cả Đội Cứu nạn cứu hộ hì hục với kiềm banh, kiềm cắt thuỷ lực, cưa sắt…và sức người để cứu nạn nhân. Chưa đầy 20 phút, chị Quyền đã được đưa ra khỏi hiện trường và tiếp nhận sơ cấp cứu tại chỗ mà không phải tháo khớp.

Cái đêm mưa, lạnh và hãi hùng hồi tháng 5-2011 khi tàu Dìn Ký bị chìm ở Bình Dương làm 16 người chết, giờ nhắc lại vẫn khiến nhiều người bàng hoàng. Một ngày 2 đêm liên tục, đội cứu nạn cứu hộ dò tìm vị trí tàu chìm và thi thể các nạn nhân. Trên bờ, thân nhân than khóc, người dân đổ đến theo dõi từng hành động của đội.

Căng thẳng, áp lực và đau!. Tàu Dìn Ký chìm, có nhiều nạn nhân là trẻ em. Chiến sĩ Đội Cứu nạn cứu hộ kể, các anh nhớ mãi hình ảnh một người mẹ cứ ôm chặt thi thể con trong lòng, vật vã khóc. Mất nhiều thời gian, đội mới gỡ được tay chị ra để đưa hai mẹ con lên bờ. 

Đôi khi, người ta nghĩ lính cứu nạn cứu hộ luôn phải đối mặt với các đám cháy, tử thi thì cảm xúc cũng chai đi. Không đâu. Chỉ là, lúc làm nhiệm vụ, anh em cần bình tĩnh, có đau, có muốn khóc cũng phải kiềm lại đấy thôi.

Tìm được nạn nhân cuối cùng là bé Phạm Xuân Khánh (9 tuổi), cả Đội Cứu nạn cứu hộ nghẹn lòng khi biết gia cảnh Khánh rất nghèo, cha mẹ ly hôn, chị em Khánh phải sống với bà ngoại. Không ai bảo ai, những người lính ấy đã tự nguyện đóng góp một ngày lương để hỗ trợ bà ngoại bé. 

Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh tham gia cứu hộ tại Sông Sài Gòn.

Mỗi lần gặp lính chữa cháy, cứu nạn cứu hộ chúng tôi hay thấy các anh cười, khoe "của để dành" sau bao năm lăn lộn với nghề. "Của để dành" có khi là cục sắt dùng làm vật định vị dưới nước do một ông lão nghèo khó sống gần khu di tích Lăng Le - Bàu Cỏ (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) tặng, khi khác là hình ảnh người dân quanh kênh Lò Gốm (quận 6, TP Hồ Chí Minh) tất tả chạy ra dúi vào tay các anh mấy bánh xà phòng để chà lên người cho bớt ngứa sau nhiều giờ lặn dưới nước bẩn.

Nhưng, "của để dành" có khi lại là những lần "chắc xong rồi", những vết thương dài giờ đã thành sẹo. Như trường hợp Đại úy Huỳnh Văn Tuấn chẳng hạn. Năm 2007, xảy ra một vụ cháy lớn tại chợ Hoà Bình (quận 5- TP Hồ Chí Minh).

Đội Cứu nạn cứu hộ có mặt, người dân báo còn một phụ nữ trong căn phòng ở tầng hai. Lúc đó, tầng một đang cháy rất lớn. Tiếng la hét, gào khóc vang khắp nơi. Anh Tuấn đi từ nhà bên cạnh sang, vào được căn phòng ngổn ngang đổ nát,  tìm hoài mà không thấy ai. Báo cáo với bên dưới mới biết người phụ nữ đã ra ngoài từ trước. Khói, lửa bắt đầu tấn công vào phòng. Anh Tuấn bố trí đội hình cho đồng đội ra trước, mình đi sau cùng.

Đột ngột, một tấm kính đổ xuống chẻ làm hai, miếng cắt mũ bảo hộ, miếng cắt ngang cổ tay trái anh.  Đại úy Tuấn mau chóng lao ra khỏi phòng, tiếp tục làm nhiệm vụ và chỉ phát hiện thương tích khi đồng đội rọi đèn pin thấy máu chảy quá nhiều.

Đưa Tuấn vào  Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình phẫu thuật, mọi người ngã ngửa vì bệnh viện cúp điện do đợt cứu nạn cứu hộ vừa rồi. Anh lại được đưa ra xe lên Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an) cấp cứu khẩn. Nhìn vết sẹo trên cổ tay trái, anh Tuấn nói: "Miễn sao nạn nhân an toàn, mình có vết sẹo thôi, nhằm nhò gì đâu".

Tận mắt chứng kiến những người lính lao vào đám cháy, các vụ nổ, công trình sập đổ để cứu người, ngâm mình dưới dòng nước bùn đen vớt những mảnh thi thể còn sót lại trong các vụ án, thi thể nạn nhân không còn nguyên vẹn trong những sự cố sập nhà..., chúng tôi nghiệm ra rằng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ không chỉ là một nghề mà đã thành nghiệp.

Mang lấy nghiệp vào thân thì chuyện "nếm mật nằm gai", "sinh nghề tử nghiệp" là hiển nhiên. Có lẽ, trên tất cả lòng dũng cảm, kinh nghiệm hay kiến thức, chính trái tim biết đồng cảm, sẻ chia, biết xót khi gặp người đang lâm nạn là động lực giúp các anh vững vàng bước tiếp hành trình mình đã chọn.

Giữa bộn bề cuộc sống đô thị với quá nhiều khó khăn lẫn hiểm nguy, cạm bẫy, thật may vì quanh chúng ta vẫn có những con người như Đại úy Huỳnh Văn Tuấn, Trung úy Võ Thành Công, Thượng úy Trần Công Thành. Ngọn lửa bừng lên trong tim là ngọn lửa của tình thương, của trách nhiệm đã khiến họ dấn thân thầm lặng vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Phương Thanh
.
.
.