Nhộn nhịp thị trường sách online

Thứ Tư, 08/04/2020, 14:08
Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các lợi thế cho việc kinh doanh truyền thống biến mất, thì con đường duy nhất để các đơn vị làm sách tự “giải cứu” mình, chính là đưa sản phẩm đến bạn đọc qua hình thức trực tuyến.


Kinh doanh trực tuyến không còn là câu chuyện mới mẻ. Tuy nhiên trong lĩnh vực xuất bản, kiểu kinh doanh truyền thống vẫn được ưa chuộng bởi các nhà sản xuất, các nhà cung cấp. Rất ít doanh nghiệp đầu tư vào việc kinh doanh online mà chỉ xem internet như một công cụ để quảng bá, giới thiệu sách đến độc giả là chính. 

Nhưng khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các lợi thế cho việc kinh doanh truyền thống biến mất, thì con đường duy nhất để các đơn vị làm sách tự “giải cứu” mình, chính là đưa sản phẩm đến bạn đọc qua hình thức trực tuyến. Đây là cách đi mới, tất yếu mà các doanh nghiệp phải chuyển mình thích ứng với thời cuộc, để tồn tại.

Hội sách online trên một trang bán sách trực tuyến thu hút nhiều người yêu sách tham gia.

Sự chuyển hướng cần thiết

Thông thường vào các dịp đầu xuân năm mới, nhiều hoạt động liên quan đến sách như hội chợ sách, trao đổi, giao lưu, tọa đàm… tại các địa chỉ kinh doanh sách. Ở TP. Hồ Chí Minh có đường sách Nguyễn Văn Bình và Hà Nội có Phố sách 19-2 thường rất sầm uất, thu hút nhiều người đến tham quan, mua sách. 

Tuy nhiên khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả các cửa hàng kinh doanh đều phải đóng cửa, trong đó có các cửa hàng bán sách. Hoạt động của các cửa hàng, trung tâm sách đều bị ngưng trệ, đóng băng và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Để thích ứng với hoàn cảnh, từ đầu tháng 2, một loạt các đơn vị làm sách đã nhanh nhạy tổ chức các chương trình thông qua hoạt động online. Trong đó, hội chợ sách online là một tí dụ điển hình. 

Hàng loạt các nhà xuất bản cũng như đơn vị làm sách tư nhân, các đơn vị phát hành đã vào cuộc, tham gia một hội chợ sách online với quy mô lớn. Trang web của các đơn vị làm sách nói chung, các nhóm yêu thích đọc sách, cộng đồng chung sở thích trên mạng  đều đăng tải thông tin về những cuốn sách mới xuất bản cùng với sự trình bày hấp dẫn thu hút người xem. 

Cùng với đăng tải thông tin, quảng cáo, các chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng cũng được triển khai mạnh mẽ. Đơn vị phát hành sách lớn nhất toàn quốc Fahasa triển khai một chương trình giảm sâu chưa từng có, giảm tới 70% giá bìa nhiều cuốn sách tri ân độc giả.  Công ty Nhã Nam đưa ra chương trình “sale bùng nổ” tới 40% giá bìa. 

Nhà xuất bản Trẻ cũng đưa ra một loạt chương trình giảm giá và khuyến mãi thu hút khách hàng. Trang bán sách trực tuyến Tiki ngoài việc giảm giá sâu còn có chương trình bốc thăm khuyến mãi, trong đó giải thưởng lớn nhất dành cho khách hàng là 1 năm đọc sách miễn phí.

Công nghệ mở ra cơ hội mua sắm tại nhà cho độc giả.

Khởi đầu là các nhóm yêu thích văn hóa đọc và các đơn vị phát hành sách lớn, và sau đó là phần lớn các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách tư nhân đều hào hứng tham gia phong trào bán sách giảm giá tri ân khách hàng. 

Sự chuyển hướng ngoạn mục này được đánh giá là bước thay đổi cần thiết để các đơn vị làm sách có thể tồn tại qua mùa dịch, có doanh thu để tái chi phí sản xuất. Nếu trước đây, các trang web của nhiều đơn vị làm sách cũng như phát hành sách chỉ chừng mực ở việc giới thiệu thông tin về sách, không được xem như một kênh bán hàng thu lợi nhuận thì nay mọi việc đã khác. 

Nhiều đơn vị đã không ngại ngần đầu tư nâng cấp hệ thống, bổ sung nhân lực, thay đổi giao diện trình bày sao cho bắt mắt, thu hút càng nhiều người mua càng tốt. Thậm chí công tác quảng cáo trang web của mình trên hệ thống internet, trên các nền tảng mạng xã hội cũng được thực hiện, để sản phẩm sách tiếp cận được càng nhiều khách hàng càng tốt, từ đó tăng doanh thu bán hàng. 

Doanh thu từ kênh bán hàng online nếu trước đây chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ không đáng kể của nhiều doanh nghiệp làm sách thì nay đã tăng vọt, trở thành doanh thu chính của đơn vị. Ghi nhận của ngành xuất bản trong quý I/2020, doanh thu của ngành hàng sách trên mạng đã tăng 1,5 lần so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Tiện lợi cho người tiêu dùng

Theo dự đoán, không chỉ trong mùa dịch, mà trong tương lai, việc mua sắm trực tuyến sẽ là một kênh phân phối chiếm ưu thế lớn ở tất cả mọi ngành hàng, trong đó có sách. Thời điểm này có thể nhận thấy, nhiều trang thương mại về sách đang phát triển vô cùng sôi động nhộn nhịp, thậm chí nhiều “ông lớn” của ngành sách đang tung ra hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mại để cạnh tranh, thu hút khách hàng.

 Đi kèm với việc bán sách giá khuyến mãi, đơn vị kinh doanh sách trực tuyến còn chú trọng xây dựng các dịch vụ chăm sóc khách hàng như giao hàng nhanh, tích lũy điểm thưởng tiếp tục khuyến mại trong những lần mua kế tiếp. 

Chị Thu Vân, nhân viên văn phòng ở Hà Nội chia sẻ: “Với sách, mình đã hình thành một thói quen mua trên mạng từ khá lâu. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát hiện nay, mua trên mạng còn là giải pháp tối ưu, đảm bảo bạn vẫn có những cuốn sách cần thiết để sửu dụng khi mà hầu hết các cửa hàng trên mọi tuyến phố đều bị đóng. 

Mình có thể mua sách trên Tiki hoặc Fahasa, thậm chí có lúc vào web của các nhà xuất bản để liên hệ. Thường thì các đơn vị bán sách uy tín họ làm rất chuyên nghiệp. Đặt sách thì chỉ vài ba ngày là có sách mang tới tận nơi. Họ đóng gói rất đẹp, rất kỹ, thể hiện một sự trân trọng với sản phẩm thuộc về văn hóa, tinh thần”.

Không còn cảnh nhộn nhịp này ở phố sách 19-12 tại Hà Nội, người đọc chỉ có thể tìm sách trên các trang trực tuyến.

Sức hút của thị trường sách online nóng đến nỗi một số trang bán hàng trực tuyến được biết đên bấy lâu như Adayroi.com, Shopee.vn, Lazada.vn cũng xây dựng thêm các gian hàng bán sách, dù mặt hàng này trước đây họ không quan tâm nhiều. 

Sách của rất nhiều nhà xuất bản uy tín hiện đã có mặt trên các trang này, và doanh thu từ sách của các trang này cũng không hề nhỏ, do họ tận dụng được nguồn khách hàng vốn đã mua sắm quen thuộc nhiều mặt hàng trên nền tảng trước đó. 

Chưa khi nào người mua sách được “nuông chiều” với nhiều lựa chọn phong phú như vậy. Chỉ cần ngồi nhà, trên điện thoại hay máy tính có nối internet, mọi nhu cầu về sách của khách hang có thể được đáp ứng trong một vài thao tác nhấp chuột. 

Thậm chí nhiều người cho rằng, mua online thường được ưu tiên giá rẻ hơn, nhiều khuyến mại hấp dẫn hơn là mua theo cách truyền thống. Thật dễ hiểu, bởi vì các đơn vị bán sách trực tuyến không phải mất chi phí thuê mặt bằng, cửa hàng nên họ có thể giảm giá thành của sách xuống sâu hơn để thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, để mua được sách chất lượng cũng như muốn có giao dịch an toàn, một số đơn vị làm sách khuyến cáo người mua hãy sáng suốt lựa chọn những trang bán sách uy tín. 

Do sự nhộn nhịp hấp dẫn của thị trường sách trực tuyến mà hiện nay có nhiều cá nhân, tài khoản facebook cũng tự lập các trang bán sách online. Đặt mua sách ở những trang trôi nổi, không uy tín, không rõ ràng địa chỉ, nhiều khách hàng đã phải ngậm đắng nuốt cay vì mua phải sách lậu, sách rởm, chữ mờ, thiếu trang hoặc cắt xén trang in nhom nhem khó đọc.

Một trang sách trực tuyến uy tín quảng cáo chương trình giảm giá sâu cho khách hàng.

Mặc dù chúng ta không thể phủ nhận sự phát triển của thị trường bán sách trực tuyến, khi mà công nghệ số đã tạo ra những cơ hội thuận lợi cho độc giả tiếp cận sách dễ dàng hơn, nhưng để phát triển bền vững, các doanh nghiệp này cần phải hành động nhiều hơn nữa. 

Theo thống kê, khách hàng mua sách hiện nay vẫn chủ yếu là những người trẻ tuổi, sống ở thành thị. Khách hàng ở vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa vẫn còn e dè khi tiếp cận hình thức mua sắm này do lo ngại rủi ro từ chất lượng đường truyền internet trong khi đặt hàng, thời gian vận chuyển sách quá lâu, hay các dịch vụ đổi trả sách không thuận lợi. 

Vì vậy, để chinh phục các khách hàng tiềm năng này, các đơn vị kinh doanh sách trực tuyến vẫn cần phải củng cố nhiều hơn các dịch vụ chăm sóc khách hàng của mình một cách tốt hơn nữa.

Bảo Bình
.
.
.