Như được tái sinh khi người thân cai nghiện thành công

Thứ Sáu, 11/04/2014, 12:00

Họ là thân nhân của những người đã từng nghiện ma túy (từ ma túy thông thường đến ma túy tổng hợp) lâu năm. Đã từng khóc cạn nước mắt vì đau khổ, vì nhục nhã và vì tuyệt vọng, bất lực khi từng ngày phải chứng kiến "con ma" ấy lôi kéo người thân của mình đến gần cửa tử mà không có cách gì cứu vãn. Và thời điểm khi người thân của họ đoạn tuyệt được với ma túy thì họ như được tái sinh...

Có những người muốn giấu nhẹm quá khứ đen tối của người thân nhưng cũng có những người dám dũng cảm đối mặt với quá khứ ấy, muốn trải lòng về những gì đã qua. Những mong chia sẻ đến những gia đình đang có con nghiện ma túy hãy sống và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.

Hai đứa con trai lớn của tôi đã chết vì ma túy

Hết khách ăn trưa, người phụ nữ ngoại lục tuần lúi húi dọn dẹp, kê lại bàn ghế rồi lại chuẩn bị thực đơn phục vụ khách vào buổi tối. Bà là Nguyễn Thị Tân, trú tại phường Gia Xà, thành phố Thái Nguyên.

Đã hai năm rồi, bà Tân sống một mình vì chồng mất. Bà Tân có cả thảy 3 người con trai nhưng cả 3 đứa đều bập vào nghiện ngập từ khi còn rất trẻ. Thằng cả và thằng thứ hai nhà bà đã về chầu ông bà ông vải cũng bởi cái thứ ma túy chết người ấy. Còn thằng thứ ba là Trần Viết Hòa cũng đã từng nghiện bẹp tai như hai người anh của mình. Nhưng rồi, trong phút thức tỉnh lương tri Hòa đã quyết tâm cai nghiện để "mẹ còn có nơi mà dựa dẫm sau này". Kể từ lần cuối cùng cai nghiện đến nay Hòa đã rời xa ma túy được hơn 8 năm. Giờ anh đã có một công việc làm ổn định trong một tổ chức xã hội từ thiện.

Nhớ lại những ngày tháng cay đắng cùng 3 đứa con trai và bạn bè của nó cai nghiện, bà Lan không kiềm được nước mắt: "Cứ chơi chán chúng nó lại về nói với tôi là muốn cai nghiện. Mỗi lần như thế ba thằng nhà tôi cùng với đám bạn của nó tổng cộng phải đến hai chục thằng lại rủ nhau lên một quả đồi dựng lều dựng lán. Lần nào cũng quyết tâm hừng hực. Sáng, trưa, tối… ngày đủ 3 bữa tôi vừa phải làm các công việc ở nhà lại vừa phải nấu cơm rồi hì hục leo đồi đưa cơm cho chúng ăn. Nhưng thường chúng cũng chỉ ngoan được 2, 3 ngày đầu thôi, lúc mà chưa lên cơn vật thuốc. Còn sau đó thằng nào thằng ấy đập đầu, dứt tóc, lăn lộn khắp các góc nhà. Chúng dọa tôi nếu không cởi xích cho chúng thì chúng sẽ đập đầu chết hết. Nói thật, nếu chúng không dọa mà chỉ cần nhìn cảnh chúng nó thế thôi thì cũng đã không thể cầm lòng được rồi. Lần nào tôi cũng phải đầu hàng chúng".

Chứng kiến cảnh tượng này, người đau lòng nhất là những bậc làm cha, làm mẹ.

Bà Tân kể, những đứa con của bà dù nghiện nhưng được cái chưa từng ăn trộm, ăn cắp của ai bao giờ. "Chúng tự ái cao lắm, không bao giờ vay mượn ai đâu kể cả người thân. Cứ chỉ biết gõ đầu mẹ lấy tiền mua thuốc thôi. Nhiều lúc nhìn cả ba thằng vật thuốc lăn lộn khắp nhà tôi chỉ muốn chết quách đi cho đỡ phải nhìn cảnh đau lòng ấy. Cơ mà tôi chết thì lấy ai nuôi chúng. Nghĩ thế lại cố mà sống".

Bà Tân cố sống để nuôi những đứa con nghiện. Nhưng rồi hai trong số ba người con của bà lần lượt bỏ bà mà đi khi tuổi đời còn rất trẻ: "Thằng cả mất khi nó 33 tuổi, có vợ và một đứa con. Còn thằng thứ hai nhà tôi mất lúc nó 36 tuổi nhưng vì nghiện ngập suốt nên cũng chả thèm để ý đến chuyện vợ con. Nên khi nó ra đi vẫn là một thằng thanh niên chưa vợ".

Cùng các con cai nghiện đến dăm lần bảy lượt nhưng đều bất thành. Hai đứa con lớn chẳng may mắc bệnh xã hội nên đã ra đi. "Có lẽ vì nhìn thấy hai anh và những người bạn của mình ra đi gần hết nên thằng Hòa nó sợ mà quyết tâm cai. Tôi nhớ sau lần nó đi thử HIV, được thông báo kết quả âm tính, nó vui lắm. Lần đó nó lại nhờ tôi cai nghiện cùng nó. Nó bảo sống chết gì lần này con cũng phải cai đến cùng để còn trả ơn mẹ".

Hòa không chỉ chơi thuốc đen, thuốc trắng mà còn dùng đến cả ma túy tổng hợp là lắc và đá.

Dù thực tế bà Tân phải chịu quá nhiều khổ hạnh vì những đứa con "nghiệp chướng" của mình. Nhưng người phụ nữ này vẫn tự an ủi mình rằng, dù gì bà vẫn còn một giọt máu trên cõi đời này. Chứ như nhiều nhà khác ở khu bà sống có một chết một, có hai chết hai, thậm chí có nhà có 5 đứa con trai thì cả 5 đều chết vì mắc các căn bệnh thế kỷ do nghiện ngập.

Một buổi giao lưu giữa Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy với các học viên cai nghiện.

Bà Tân bảo: "Tôi sống được đến ngày hôm nay là nhờ thằng Hòa nó cai nghiện thành công. Nó cai cũng được tới gần chục năm chứ ít gì. Giờ nó đã theo người tốt làm việc dưới Hà Nội. Nghe nói là một tổ chức từ thiện gì đó. Tôi mừng lắm. Nhưng nó bảo với tôi là, làm xong những việc cần thiết con sẽ đi tu. Thôi thì anh chị ở dưới đó, nếu thỉnh thoảng gặp gỡ em nó thì khuyên nhủ giúp tôi nhé. Vì tôi chỉ còn mình nó để dựa dẫm mà thôi".

Tôi đã từng nghĩ sẽ lên chùa để mong con cai nghiện

Đó là tâm sự của bà Bùi Văn Túc ở Ứng Hòa, Hà Nội. Việc con trai bà là anh Nguyễn Văn Thanh đã cai nghiện thành công 4 năm nay với bà nhiều khi vẫn như một giấc mơ. "Cô chú có tưởng tượng được không, lúc lên cơn nghiện, thằng Thanh nó không từ bất kể một thủ đoạn gì để có tiền mua ma túy. Lúc đầu là ma túy thông thường thôi, sau nó dùng đến ma túy tổng hợp. Lần nào dùng thuốc xong nó cũng bị ảo giác đang bị ai đó truy đuổi. Tôi là mẹ nó đây này mà bao lần cũng bị nó đánh cho sứt đầu, mẻ trán. Nó bảo tôi là yêu quái, suốt ngày chỉ nhăm nhe bắt nó thôi. Khốn khổ lắm!".

Lên cơn vật thuốc, Thanh trở nên hung dữ và táng tận lương tâm. Nhiều lần Thanh gí dao vào người thân dọa giết miễn sao có tiền mua thuốc. Xe máy đi về quên không khóa cổ, khóa càng thì chỉ 5 phút sau là không cánh mà bay. Đến cả những song sắt cửa sổ, những chậu nhôm Thanh cũng cưa và mang đi bán sắt vụn để lấy tiền mua thuốc.

"Giá tôi là một người bình thường thì chắc nỗi đau ấy có lẽ sẽ vơi đi. Đằng này tôi lại là một cô giáo, đứng trên bục giảng, dạy học sinh những điều hay lẽ phải mà có con bị nghiện nên nhiều lúc cảm giác bất lực lắm. Thằng Thanh lúc chưa mắc nghiện nó cao to đẹp trai lắm. Thế mà nghiện một thời gian dài người nó quắt lại như xác ve. Suốt ngày dặt dẹo, ai nhìn thấy cũng tránh từ xa. Nó đi đến đâu là người ta cảnh giác đến đó. Nhục nhã biết chừng nào" - bà Túc chia sẻ.

Những lúc tỉnh táo, Thanh cũng xót bố mẹ và cũng nhờ mọi người cai tay bo tại nhà. Song cũng như bao nhiêu kẻ nghiện khác, cũng chỉ hừng hực lúc còn đang no thuốc, chứ vật thuốc rồi thì thú tính lại nổi lên, không mở xích theo yêu cầu thì Thanh quậy phá, gào thét, chửi bới. Thương con, bố mẹ anh lại nước mắt ngắn dài tháo xích. Dẫu biết rằng một lần tháo xích là một lần tăng thêm sự tuyệt vọng.

Một người “ngáo đá” cố thủ dưới cống nước được giải cứu.

"Có một lần, tôi gọi chồng ra và bảo với ông ấy là tôi quyết định cắt tóc đi tu để mong con trai tôi hồi tâm chuyển ý. Ông ấy khóc lóc và nói với tôi rằng: "Anh đã mất con nay không thể mất cả em nữa. Nếu em bỏ anh thì anh còn biết nương tựa vào đâu" - bà Túc nhớ lại.

Bà Túc không ngờ rằng lần đó, chính con trai bà đã nghe được những tâm sự đó của mẹ. Thanh bước ra, quỳ xuống chân bà nói rằng: "Xin bố mẹ cho con cơ hội thêm một lần nữa. Con sẽ cố gắng trở về làm người để bố mẹ không phải khổ nhục vì con".

Đó cũng là lần cuối cùng Thanh cai nghiện và cai thành công. Giờ Thanh đã có gia đình riêng với người vợ ngoan ngoãn tần tảo và một cô con gái xinh xắn, đáng yêu. Hết nghiện, Thanh đi học sửa chữa xe máy. Cửa hàng xe máy của anh dù trong một làng nhỏ nhưng luôn rất đông khách. Anh cười pha trò: "Chắc tại tính tôi hài hước nên mọi người muốn đến sửa xe còn là để nghe tôi bốc phét nữa". Nhìn vóc dáng khỏe mạnh, nhanh nhẹn của anh Thanh lúc này, ít ai nghĩ được rằng trước đó người đàn ông này đã từng có thâm niên nghiện tới gần 10 năm.

Thế mới biết, khi một người nghiện thì không chỉ bản thân họ đâm đầu vào ngõ cụt mà ngay cả những người thân của họ cũng cảm thấy quẫn trí, cùng đường. Dù không nghiện nhưng ngày ngày phải chứng kiến và phải hứng chịu những hành động mất hết nhân tính của người thân nghiện khiến cuộc sống của họ cũng chả khác nào địa ngục. Và đúng như lời của bà Túc đã nói: "Lúc con trai tôi hết nghiện tôi thấy cuộc sống của mình như được hồi sinh"

Song Anh
.
.
.