Những em bé được ra đời bằng phương pháp nuôi cấy tinh tử:

Như một phép mầu…

Thứ Hai, 12/08/2013, 15:31

Tuyệt vọng cùng cực, đó là trạng thái mà những người đàn ông hiếm muộn đã phải trải qua. Hạnh phúc tột cùng, đó lại là quà tặng mà cuộc sống đã ban cho họ, khi mà mọi cánh cửa gần như đã khép kín, khi mà mọi nỗ lực trên chặng đường tìm kiếm một mụn con tưởng như đã đến ngõ cùng.

Như một phép nhiệm màu, khoa học đã "sinh ra" cho họ những đứa con, không phải bằng những phương pháp thụ tinh nhân tạo thường thấy, mà bằng một công nghệ "biến không thành có" - công nghệ nuôi cấy tinh tử. Đã có hơn 40 công dân tí hon của phương pháp "màu nhiệm" này đã chào đời tại Việt Nam, từ Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân y.

Ánh sáng cuối đường hầm

Khi chúng tôi viết bài báo này thì cháu Phạm Nguyễn Khánh Ngọc, một trong những em bé chào đời bằng phương pháp nuôi cấy tinh tử vừa kỷ niệm 3 năm ngày sinh được ít ngày. Anh Phạm Đình Phúc, bố của bé Ngọc khi trò chuyện với chúng tôi về thiên thần bé nhỏ của mình, anh chỉ chực khóc, khóc vì niềm hạnh phúc quá lớn lao mà đến giờ anh vẫn chưa thể tin cuộc đời lại dành tặng cho anh.

Bước sang tuổi 51, cái tuổi mà đáng lẽ con cái đề huề, có khi được lên chức ông, chức bà thì vợ chồng anh vẫn cô lẻ, quạnh quẽ, nhà vắng tiếng trẻ thơ ríu rít. Nhưng nặng nề, u ám hơn là trên đầu anh ngày đó còn "treo" một "án sức khỏe" đau đớn vô hình: Xét nghiệm, anh không hề có tinh trùng. Điều đó gần như đặt một dấu chấm hết trên chặng đường ngược xuôi ra Bắc vào Nam, đông tây y kết hợp để chữa chứng vô sinh; đặt cả dấu chấm hết cho những nỗ lực cuối cùng.

Tiền bạc cạn kiệt, tinh thần suy sụp, anh Phúc lại là con trưởng, mong ước có con bồng bế, có người nối dõi là khát khao của cả gia đình, dòng tộc. Nỗi đau đó càng nhân lên khi phía nhà chị Mai Anh cũng chỉ có mình chị là con duy nhất.

Trong những lúc tuyệt vọng, anh từng có suy nghĩ cực đoan, số phận mình đã thế thì đành chấp nhận. Nhưng còn vợ anh, cô ấy có tội tình gì mà phải bắt chịu chung bất hạnh. Anh từng nghĩ sẽ giải thoát cho vợ, để cô ấy có quyền được làm mẹ. Nhưng vợ anh nhất quyết không nghe, vẫn động viên anh còn nước còn tát. Thế rồi, họ tình cờ biết đến "phép nhiệm mầu"…

Năm 2009, qua mạng internet, anh Phúc tình cờ biết đến Trung tâm Công nghệ phôi của Học viện Quân y đã nuôi cấy thành công tinh tử và đã có em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp này. Nôm na hiểu, phương pháp này sẽ giúp những người trắng tinh trùng như anh vẫn có cơ hội được làm cha.

Một ca chữa hiếm muộn của các bác sỹ Trung tâm công nghệ phôi.

PGS.TS Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi kể với chúng tôi rằng, ông đã bị "ám ảnh" bởi người đàn ông nhỏ bé, có nước da đen cháy, dáng người lam lũ này, bởi trong sự xù xì thô ráp của người đàn ông trung niên duy chỉ có đôi mắt là rực sáng, đôi mắt đã nói lên tất cả khát khao thiết tha cháy bỏng.

Anh được các bác sỹ tận tình thăm khám, uống thuốc kích thích sinh tinh theo phác đồ của bác sỹ trong vòng 3 tháng rồi lại về quê. Cứ thế, đi đi, về về tới lần thứ 3 thì anh được phẫu thuật. Anh là một trong số ít những người đàn ông "trắng" tinh trùng cực kỳ may mắn khi lần mổ đầu tiên, anh đã có tinh tử.

Vài tháng sau, anh nhận được tin tốt đẹp, tinh tử nuôi cấy rất tốt, đã phát triển thành tinh trùng. Quá trình tạo phôi diễn ra khá thuận lợi. "Đây là cặp vợ chồng rất may mắn khi lần đầu tiên đặt phôi vào tử cung đã thụ thai ngay. Họ ở đây khi thai phát triển đến tháng thứ 3 thì lên tàu về quê" -  PGS.TS Quản Hoàng Lâm chia sẻ.

Ngày 23/7/2010, cháu Phạm Nguyễn Khánh Ngọc chào đời. Lần đầu tiên nghe tiếng con oe oe khóc khi vừa thoát thai từ bụng mẹ, anh Phúc đã khóc nấc lên. Một dòng suối trong lành đã chảy vào thửa ruộng khô khát.

Từ khi có bé Ngọc, căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Phúc ở lô 12, đường 28, khu tái định cư xóm Tiêu 2, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định luôn rộn rã tiếng cười. Anh chia sẻ, cho tới tuổi này, anh mới cảm nhận được sợi dây thiêng liêng của tình phụ tử. Con gái nhỏ vừa sinh nhật 3 tuổi, lí lắc, mũm mĩm, như một bản sao hoàn hảo nhất của vợ chồng anh.

"Không có món quà nào tuyệt vời hơn thế"- đó là câu anh hay nhắc đi nhắc lại khi trò chuyện với chúng tôi về con gái bé nhỏ. Anh bảo: "Thời gian tới tôi sẽ cho cháu ra Hà Nội để cháu gặp các bác sĩ, những ân nhân của gia đình tôi!"

Hoa xương rồng nở trên cát

Kỹ thuật nuôi cấy tinh tử thành tinh trùng thực ra đã có ở trên thế giới từ năm 2001, do nhà khoa học người Thổ Nhĩ Kỳ phát minh sáng tạo. Tuy nhiên, do quan niệm khác nhau mà trên thế giới mới chỉ có hơn 10 nước áp dụng phương pháp này. PGS.TS Quản Hoàng Lâm cho hay, phương pháp này hợp với truyền thống Á đông của chúng ta bởi quan niệm "con dòng cháu giống", đồng thời còn đạt được giá trị nhân văn, đó là đứa trẻ sinh ra đúng là con của mình.

Tuy hiệu quả thành công của phương pháp "biến không thành có" này chưa cao (vì phụ thuộc nhiều vào sức khỏe, sự may mắn…) và có cả rủi ro, nhưng ít ra trong cuộc lặn lội kiếm tìm con của những cặp vợ chồng hiếm muộn, nó như một chiếc phao cứu sinh, mang đến cho người ta một niềm tin để hy vọng, sống bằng hy vọng, đó cũng là một giá trị nhân văn lớn lao mà khoa học mang lại.

Đây là những em bé ra đời bằng phương pháp nuôi cấy tinh tử, mang lại hạnh phúc vô bờ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Cũng như vợ chồng anh Phúc, vợ chồng anh Nguyễn Văn C và chị Lê Thị Ng, Việt kiều ở Cộng hòa Séc là một trong những người hiếm hoi có được hạnh phúc trọn vẹn như thế. Anh chị đều quê ở Đông Anh, Hà Nội, sang Séc định cư đã hơn chục năm qua. Lấy nhau chục năm không có con, họ đã chạy chữa ở nhiều nước tại châu Âu nhưng vẫn không có kết quả. Bác sĩ khuyên anh C nên xin tinh trùng, nhưng anh vẫn không nguôi hy vọng vào một ngày nào đó, anh sẽ có con.

Năm 2009, anh cũng biết đến thành công của Trung tâm Công nghệ phôi ở trong nước đã nuôi cấy các tế bào biệt hóa thành tinh trùng. Vợ chồng anh quyết định về nước để thực hiện ước mong.

Anh C có tinh tử, nhưng vợ chồng anh không may mắn như anh Phúc, phải lần thứ 2 thụ tinh trong ống nghiệm vợ chồng họ mới thành công. Quá hạnh phúc, khi thai được 6 tuần, vợ chồng họ muốn sang ngay Séc nhưng các bác sĩ đã không đồng ý vì sợ nguy hiểm.

Nghe lời bác sĩ, khi thai được 3 tháng, vợ chồng họ mới ra nước ngoài, sinh cháu bé ở nước ngoài. "Ngày cháu bé chào đời, anh C đã điện thoại về cho chúng tôi báo tin vui. Đó là một cháu trai kháu khỉnh, bụ bẫm, những người làm khoa học như chúng tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng, hạnh phúc" - PGS.TS Quản Hoàng Lâm chia sẻ.

Tuy nhiên, con vợ chồng anh Phúc hay con của vợ chồng anh C lại không phải là cháu bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp nuôi cấy tinh tử. Công dân tí hon đầu tiên chào đời bằng phương pháp này là cháu Lưu Thị Mai, ở Bắc Giang. Bố mẹ của Mai cũng đã ngược xuôi khắp các nẻo đường để tìm sự may mắn. Và chỉ đến khi gặp các bác sỹ của Trung tâm Công nghệ phôi, họ mới trở thành cha, mẹ. Nhiều năm nay, căn nhà của anh chị luôn rộn rã tiếng cười trẻ thơ.

Cháu Mai năm nay đã bước vào lớp 1, một em bé vô cùng đáng yêu, thông minh, ngộ nghĩnh. Tuyệt vời hơn nữa là cũng bằng phương pháp này mà mẹ cháu lại đang có bầu sinh đôi, sắp đến ngày "khai hoa nở nhụy", hạnh phúc viên mãn.

Cũng nhờ phương pháp này, năm 2008, chị Hoàng Thị A, 27 tuổi, trú tại Hà Nội đã sinh một cháu trai; năm 2009, chị Phùng Mai A, quê ở Bình Định đã sinh 1 bé gái... Tuy nhiên, chi phí cho một lần nuôi tinh tử khá tốn kém (khoảng 15 triệu đồng, chưa kể chi phí tiếp theo nếu nuôi cấy đạt kết quả), trong khi tỷ lệ thành công chỉ đạt khoảng 8-10%.

Vì vậy, các bác sĩ cũng khuyến cáo: những người có tinh hoàn suy teo dưới 5ml (người bình thường là 12ml - 25ml); không có tinh tử; mắc các bệnh nan y như ung thư, suy tim, suy thận không nên thực hiện phương pháp này.

PGS-TS Quản Hoàng Lâm cho chúng tôi biết, phương pháp nuôi cấy tinh tử hiện nay rất được quan tâm bởi tỷ lệ vô sinh nam ngày càng nhiều, ở nước ta chiếm khoảng 40% trong các ca vô sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh nam: do không có tinh trùng, như mắc bệnh quai bị, ảnh hưởng của hoá chất, thuốc, sóng điện từ, hay do di truyền bẩm sinh.

Kỹ thuật này cũng có khiếm khuyết như: tỷ lệ bất thường cao gấp đôi, đặc biệt sẽ di truyền mạnh đối với con trai, nhưng các cặp vợ chồng hiếm muộn đều chung niềm tin rằng, biết đâu y học sẽ có những phát minh mới, sẽ khắc phục được ngay những "biến dị" trên các thế hệ F2, F3 đó…

Trần Hằng - Thu Phương
.
.
.