Nhức nhối điểm đen tiêm chích nơi "cổng trời" Trà Lĩnh

Thứ Năm, 29/12/2016, 09:58
“Cổng trời” huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) là nơi tâm linh, thu hút khách du lịch đến để dâng hương vào các dịp lễ tết, ngày rằm, mùng một. Động Giộc Đâu được UBND tỉnh xếp vào danh sách di tích danh lam, thắng cảnh. Nhưng hang động này hiện là nơi chứa chấp, quy tập các con nghiện. Tại khu vực này, ống kim tiêm vứt bừa bãi, gây phản cảm cho du khách thập phương.


Huyền bí nơi "cổng trời"

Trong những ngày công tác ở Cao Bằng, chúng tôi đã có dịp đến thăm cổng trời Trà Lĩnh. Nói đến cổng trời, hầu như du khách thập phương ai cũng tò mò bởi sự huyền bí của nó. Cổng trời là một cái eo núi có tên là Sốc Đơ thuộc xóm Giộc Đâu, thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Ông Lê Quang Mạn (76 tuổi), một cao niên ở trong xóm cho biết: "Cổng trời này được phát hiện vào tháng 3-2006. Hôm đấy trời mưa tầm tã, lúc đó tôi đang đi chăn bò thì thấy 7 cái xe ôtô vào. Họ còn lấy sợi chỉ, lấy chong chóng để xác định hướng gió đông người lắm".

Theo lời ông Mạn cùng một số người dân, cổng trời là do một nhà ngoại cảm ở miền Nam lập nên. Nhà ngoại cảm cho rằng đây là nơi tiếp giáp giữa trời và đất, hay còn gọi là nơi giao thoa giữa trời và đất, âm dương hòa quyện nên rất linh thiêng. Họ còn cho rằng, thế núi ở đây tựa như một vùng tụ khí, có một vùng năng lượng tâm linh rất cao. Năng lượng ở đây là năng lượng khí trời. Gần như nó là cái rốn để khí trời tụ về. Nói cách khác, đây là nơi tụ năng lượng của thiên linh vũ trụ…

Cũng bởi làn gió ấy nên sự linh thiêng của cổng trời đã được lan truyền khắp nơi, từ Bắc chí Nam khiến cho du khách ùn ùn kéo về, có cả lãnh đạo cấp cao của các tỉnh thành… Khách thập phương họ đổ về đây chủ yếu là cầu lộc, cầu tài, cầu sức khỏe. Bởi cầu ở cổng trời, họ sẽ thu được năng lượng hoặc tĩnh tâm để chữa bệnh…

Đường lên “cổng trời” Trà Lĩnh.

Theo ông Mạn, bà con ở quanh vùng đến với cổng trời thì ít chứ phần đông vẫn là khách thập phương. Trong những dịp ngày rằm, mùng một, ngày lễ tết, ô tô, xe con đổ về đây chật kín cả chân núi. Việc cầu khấn ở cổng trời bắt đầu từ tối 30 đến hết ngày mùng một, hoặc từ đêm 14 đến hết ngày 15 (âm lịch). 

Rầm rộ nhất là lúc 12 giờ đêm, họ cho rằng thời gian này chính là lúc chuyển giao giữa ngày cũ để bắt đầu một ngày mới. Trong những ngày này, điện, đèn nến sáng trưng cả một khu rừng, kèm theo đó là tiếng cầu khấn, gõ mõ, rung chuông vang động cả xóm núi.

Theo phản ánh của người dân, đồ cúng trong một ngày đêm mang lên cổng trời có rất nhiều như hoa quả, mâm xôi gà, thịt lợn, nước ngọt, thậm chí có cả tiền, nhưng chỉ sau một đêm là hết cả. Một số người mê tín cho rằng các thánh hưởng lộc, nhưng cũng không ít người ở địa phương quả quyết với chúng tôi rằng: "Mấy đồ lễ ấy chỉ béo mấy thằng thanh niên và bọn nghiện quanh đây thôi, đợi người ta cúng lễ xong là chúng nó lên mang về đánh chén no say".

Trên “cổng trời” tập trung rất nhiều bát hương.

"Cổng trời" biến thành bãi rác

Chẳng biết đây có phải là chốn linh thiêng, hội tụ linh khí của trời đất hay không, nhưng hiện tại nó đã biến thành điểm đen cho các con nghiện. Theo quan sát, cổng trời Trà Lĩnh không cao như cổng trời Hà Giang, từ chân núi lên đến cổng trời cũng chỉ vài trăm mét. Hôm chúng tôi đến do không phải là ngày rằm, mùng một nên các con nghiện mới có cơ hội để tụ tập, ẩn náu. Trong hang núi luôn có những tiếng động rì rầm khiến cho chốn linh thiêng này càng trở nên huyền bí.

Phía trên cửa hang không xa là một bãi đất nhỏ bằng phẳng, tại khu vực này quy tụ rất nhiều bát hương. Các bát hương được sắp xếp khá lộn xộn, không tuân theo một quy luật nào cả. Các bát hương này chủ yếu là do du khách thập phương mang lên để cầu khấn. Do là ngày vắng lặng nên xung quanh khu vực này luôn là sự âm u, vì lẽ đó nên các con nghiện mới có cớ để tụ tập. 

Chúng tôi thắc mắc bởi những tiếng động rì rầm phát ra từ trong hang, ông Lê Quang Mạn bảo: "Tiếng động này là do người ta vào để tiêm chích chứ không phải ban quản lý đâu. Ở đây hầu như ngày nào cũng có người nghiện, họ tụ tập hít hút ở trên đấy. Ngay ở chân dốc đấy thôi, toàn là các bãi rác kim tiêm của dân nghiện cả, nhìn mà sợ". Ngừng một lúc, ông Mạn lại nói: "Các cháu ngồi ở đây một lúc sẽ thấy đám thanh niên đầu xanh, đầu đỏ kéo nhau lên đấy để tiêm chích".

Theo tìm hiểu được biết, cổng trời này thuộc vùng núi Phia Đảy. Trước cửa hang tại eo đá Sốc Đơ có rất nhiều bát hương và đây chính là nơi trú ẩn của dân nghiện. Trong thời kỳ chiến tranh, hang động này còn là nơi chạy Tàu của bà con dân làng.

Trước kia đời sống của bà con trong xóm tuy nghèo khổ nhưng không có nghiện hút. Từ khi xuất hiện cổng trời, nơi đây đã trở thành điểm đen của tệ nạn xã hội. Hang động dần mất đi vẻ đẹp vốn có của nó, mà đã trở thành nơi chất chứa, trốn lủi của các con nghiện. Nghiện hút ẩn nấp tiêm chích trong hang động sau đó vứt kim tiêm bừa bãi khiến cho cổng trời mất đi sự tôn nghiêm... Vấn đề này không những gây bức xúc cho dư luận mà còn gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội.

Ống kim tiêm vứt bừa bãi ngay mé đường lên “cổng trời”.

Tăng cường an ninh ở  "cổng trời"

Kể từ khi nhà ngoại cảm phán đây là cổng trời, trong những năm gần đây hoạt động tâm linh diễn ra có chiều hướng biến tướng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Việc cúng bái trở nên rầm rộ khiến cho người dân trong vùng đều mất ngủ vì tiếng ồn, đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến người dân. 

Mặc dù đã có biển cấm thế nhưng các tín đồ ở khắp mọi nơi họ vẫn đổ về đây khiến cho việc quản lý của chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Trao đổi cùng Phó Chủ tịch thị trấn Hùng Quốc, ông Nông Quang Giáp cho biết: "Con nghiện tụ tập về cổng trời không riêng gì thị trấn mà còn có cả ở các địa phương khác".

Theo ông Giáp, do đất đai thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình nên rất khó khăn trong việc đền bù và quản lý. Thời gian đầu, chủ hộ kiêm luôn công việc bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh và đặt hòm công đức. Sau đó chính quyền cũng đã thành lập đội bảo vệ trông coi nhưng hầu như mấy năm đầu là không thu phí. Sau đó một vài năm do có quy định của tỉnh nên bắt buộc phải thu phí 10 nghìn đồng một người. 

Hiện nay do không có nhiều khách nên việc thu phí chỉ diễn ra trong hai ngày 15 và 30 tháng giêng (âm lịch). Trong những ngày này, chính quyền địa phương trực tiếp đứng ra quản lý như tổ chức trông coi xe, giữ vững an ninh trật tự. 

Về tụ điểm tiêm chích ở cổng trời, ông Nông Quang Giáp cũng thừa nhận đây là vấn nạn nhức nhối, ảnh hưởng đến mĩ quan khu vực danh lam thắng cảnh. Việc này công an cũng đã vào cuộc rất nhiều lần những vẫn chưa thể giải quyết triệt để được.

Ông Giáp nói: "Việc tuyên truyền phòng chống ma túy chúng tôi đã làm rất nhiều lần. Chính quyền cũng đã cử các đoàn thể đi giám sát, tuyên truyền vận động con em cai nghiện nhưng không có kết quả, bởi nếu đã dính vào ma túy thì việc cai nghiện rất khó. Thành phần nghiện hút chủ yếu là thanh niên lêu lổng không có ăn học, đây lại là nơi gần của khẩu nên rất dễ kiếm tiền để ăn chơi chích hút".

Theo ông Giáp, tỉnh cũng đã cấp bằng công nhận xếp động Giộc Đâu vào danh sách di tích danh lam, thắng cảnh. Ở cổng trời có tiềm năng để thu hút khách du lịch nhưng chưa khai thác được.

Lúc đầu việc quy hoạch khu di tích khá quy mô như làm bãi đỗ xe, xây nghà nghỉ, nhà hàng, khu bán hàng lưu niệm… Mấy năm đầu có cả lãnh đạo cấp cao đến, tuy nhiên mấy năm nay lại thưa vắng dần. Hiện nay du khách thập phương đến với cổng trời cũng vắng khiến cho các nhà đầu tư e ngại. 

Không biết, "cổng trời" có thực sự linh thiêng hay không, thế nhưng 10 năm qua, nhất là vào những ngày mùng một, ngày rằm, dịp Tết Nguyên đán, du khách thập phương vẫn đổ về đây ùn ùn để cúng bái. Và cũng từ đó mới xuất hiện các con nghiện, biến hang động trở thành điểm đen của việc tiêm chích, trộm cắp đồ lễ, gây mất an ninh trật tự. 

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh trong việc quản lý, nhất là việc xóa bỏ các tụ điểm tệ nạn xã hội ở nơi này.

Minh Phượng
.
.
.