Nhức nhối tình trạng buôn bán động vật hoang dã

Thứ Tư, 13/04/2016, 08:25
Mỗi ngày, không thể thống kê hết có bao nhiêu động vật hoang dã trở thành món khoái khẩu trên bàn nhậu. Người ta ngang nhiên săn bắt, buôn bán chúng để kiếm lợi cho mình. Nguy hiểm hơn, mỗi năm hàng ngàn héc ta rừng, là nơi trú ngụ của các loài động vật bị tàn phá, dẫn đến nạn tuyệt chủng. Hậu quả nhãn tiền, nhức nhối nhãn tiền, nhưng biện pháp xử lý thì khó lắm thay!


Dân buôn lọt lưới

Ai đã từng chứng kiến người ta xẻ thịt vọoc để nấu cao sẽ thấy hết sự dã man, rùng rợn không ghê tay của những kẻ ác độc. Cả chục con bị nhốt trong lồng, chứng kiến đồng loại của mình bị hại, rồi từng con, từng con một bị hạ độc thủ. Ai từng chứng kiến những chú voi rừng ở Đắk Lắk bị sát hại, lấy ngà, cắt đuôi… sẽ vô cùng căm giận những kẻ độc ác này.

Cùng với những thông tin đau xót trên, thi thoảng người dân lại hả hê vì những kẻ buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) bị bắt, xử lý. Thế nhưng, số những kẻ bị bắt vẫn chỉ khoảng 10%, còn 90% số vụ đã… lọt lướt (!?)

Thú rừng bị làm thịt.

Tiêu biểu như cuối năm 2015, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ Võ Tá Dung (thường trú tại Hà Tĩnh) chở 3 lồng tê tê đi tiêu thụ và khám phá ra đường dây buôn bán ĐVHD. Cũng thời điểm tháng 12-2015, Cục Cảnh sát môi trường Văn phòng phía Nam (C49B- Bộ Công an) đã phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cùng một số đơn vị khác bắt giữ đối tượng buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia. Trong đó, đối tượng Phan Huỳnh Anh Khoa là chủ đường dây, đã dẫn dắt nhiều đối tượng tham gia buôn bán thú quý hiếm.

Trước đó, một vụ điển hình nhất là lực lượng chức năng truy quét tội phạm buôn bán ĐVHD trên tuyến quốc lộ 8A, thuộc địa phận xã Đức Long (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) vào năm 2013. Cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã bắt giữ một xe Toyota Camry (BKS 30M - 1207) đang vận chuyển trái phép 108 con tê tê quý.

Đáng lưu ý, qua kiểm tra, lực lượng công an còn phát hiện trên xe có 12 bộ biển kiểm soát xe ô tô giả khác nhau (trong đó có 3 bộ biển kiểm soát màu xanh), cùng nhiều loại hung khí. Mới đây nhất, công an tỉnh Nghệ An đã bóc gỡ một đường dây buôn bán động vật quý hiếm tại Diễn Châu (Nghệ An) và xử lý nhiều đối tượng liên quan.

Ở các tỉnh thành như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Ninh, Đắk Lắk… các cơ quan chức năng cũng liên tục phát hiện, bắt và xử lý nhiều đối tượng vận chuyển lớn số lượng ĐVHD. Tình trạng buôn bán vận chuyển ĐVHD ngày càng diễn biến phức tạp, rất quy mô, đặc biệt ngày càng gia tăng ở các cửa khẩu quốc tế.

Phải khẳng định, một phần rất lớn ĐVHD cơ quan chức năng thu giữ có nguồn gốc từ các nước khác, đi qua Lào để vào Việt Nam sau đó chuyển sang Trung Quốc. Ước tính mỗi năm có khoảng 4 nghìn đến 5 nghìn tấn ĐVHD vận chuyển bất hợp pháp sang Trung Quốc.

Theo Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã, các đối tượng buôn bán trái phép loài hoang dã đang có dấu hiệu liên kết thành mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia. Có khoảng 13 - 42% các loài động, thực vật hoang dã ở Đông Nam Á có nguy cơ biến mất hoàn toàn trong thế kỷ này.

Tiến sỹ Ông Vĩnh An, Trưởng Bộ môn Động vật, Khoa Sinh, Đại học Vinh cho rằng, lợi nhuận buôn bán ĐVHD trên thị trường thế giới chỉ xếp sau buôn bán ma túy và vũ khí. Giá trị trên toàn cầu ước tính ít nhất 5 tỉ USD và có thể lên đến 20 tỉ USD mỗi năm. Còn ở nước ta, việc săn bắt đã giúp cho không ít người "có của ăn của để". Đối với những người buôn bán, họ có thể làm giàu. Hám lợi nhuận trước mắt, dù nhiều kẻ buôn bán trái phép bị xử phạt, nhưng tình trạng nhức nhối này vẫn không hề thuyên giảm. Và ở khắp nơi, người ta vẫn nhìn thấy những cảnh đau lòng, là ĐVHD bị xẻ thịt.

Cảnh làm thịt chim tại khu Nhật Tân (Hà Nam) chuyên phục vụ các món thịt chim quý hiếm.

Nhưng cũng phải khẳng định, người đi săn chính là đối tượng tiếp tay, góp phần làm cho nhiều loài động vật bị thảm sát. Ở nước ta từ lâu đã tồn tại một đội ngũ săn bắt động vật rừng hoang dã chuyên nghiệp ở hầu khắp các tỉnh, thành. Nhiều người trong số đó săn bắt theo kiểu cha truyền con nối, họ có những kinh nghiệm sâu rộng, đáng nể trong lĩnh vực này. Rừng với họ là nhà. Như vậy, nếu lực lượng này còn thì sự biến mất một số động vật hoang dã chỉ là vấn đề thời gian.

Cần những biện pháp hiệu quả

Các chuyên gia thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) chỉ ra: Việt Nam là một nước thuộc Đông Nam Á có sự đa dạng sinh học cao, đằng đẵng nhiều năm diện tích rừng bị thu hẹp do bị tàn phá, cộng với vấn nạn buôn bán ĐVHD phức tạp trên diện rộng dẫn đến số lượng cá thể giảm nhanh chóng nên nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Các vụ việc phát hiện và thu giữ sừng tê giác, ngà voi với số lượng lớn; hay những hình ảnh hạ sát voọc quý một cách man rợ gần đây là những minh chứng cụ thể cho thấy công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật và tuyên truyền trong cộng đồng còn quá yếu kém.

Với tốc độ săn bắn và nguy cơ đe dọa tuyệt chủng của nhiều ĐVHD quý hiếm hiện tại, chỉ trong vài năm nữa, hệ sinh thái nước ta sẽ mất cân bằng nghiêm trọng, khi đó, chỉ cần một trận bão sẽ gây ra thảm họa cho cả một vùng rộng lớn.

Luật Cấm săn bắt, mua bán động vật hoang dã ở Việt Nam không có điều khoản nào phân biệt rõ hành vi tàng trữ, buôn bán hay nuôi nhốt ĐVHD dù những hành vi này có mức độ rất khác nhau. Các hình thức xử phạt vẫn chưa đủ tính răn đe, vì thế có nhiều người từng đóng tiền nộp phạt nhưng lại tiếp tục vi phạm... Đây là một kẽ hở rất lớn trong văn bản luật.

Lực lượng chức năng thu giữ động vật của các đối tượng buôn bán động vật hoang dã.

Cục C49 Bộ Công an cho biết, số vụ buôn bán trái phép bị phát hiện, bắt giữ chỉ chiếm khoảng 10% tổng số vụ buôn bán trong thực tế. Các vụ vi phạm trong thời gian qua hầu hết đều chỉ xử lý hành chính, một số vụ việc số lượng tang vật thu giữ đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng không chứng minh được các đối tượng, đến nay mới khởi tố điều tra một vụ và đề nghị truy tố một đối tượng.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hiện khung hình phạt 7 năm tù giam tại Điều 190 BLHS đối với các vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hiện còn quá nhẹ so với lợi nhuận đem lại. Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch (số 19) của liên bộ còn nhiều điểm mâu thuẫn khó áp dụng xử lý trong thực tiễn.

Thêm nữa, theo Nghị định 99, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản hiện cũng còn nhiều hạn chế. Trong đó, xuất hiện tình trạng nhập nhằng giữa quy định xử lý hình sự và xử lý hành chính đối với một số trường hợp.

Theo đề xuất của Phòng PC49 Công an tỉnh Hà Tĩnh, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vận chuyển, buôn bán ĐVHD thì Chính phủ cần kiến nghị bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật được đồng bộ thống nhất để cơ quan thực thi pháp luật thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình đảm bảo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến ĐVHD đạt hiệu quả.

Tiến sỹ Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: Cần áp dụng một chính sách bao gồm những nội dung, như nghiêm cấm các trang trại tiến hành gây nuôi các loài được bảo vệ và những loài có nguy cơ bị đe dọa toàn cầu có tên trong Sách đỏ, có những hình phạt nghiêm khắc dành cho những chủ trang trại vi phạm các điều luật bảo vệ ĐVHD. Các trang trại phải chịu trách nhiệm về các tài liệu chứng minh nguồn gốc của các con giống được gây nuôi chứ không phải là các cơ quan thực thi pháp luật.

Không còn chậm trễ hơn được nữa, núi rừng đang rên xiết, các loài động vật kêu cứu ở khắp nơi. Đòi hỏi mỗi người dân cùng kết hợp với cơ quan chức năng, cùng chung tay bảo vệ ĐVHD khỏi nạn tuyệt chủng.

Hải Miên
.
.
.