Nhức nhối tình trạng ứng xử thiếu văn hóa với các công trình nghệ thuật công cộng

Thứ Sáu, 01/11/2019, 15:31
Ngày 30-10, UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định tháo dỡ công trình nghệ thuật sắp đặt mang tên “Tháp”, một trong bộ 6 tác phẩm kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô (10-10-2019) của nhóm tác giả gồm nhà điêu khắc Mai Thu Vân, nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm và kiến trúc sư Đỗ Anh Tuấn.


Câu chuyện này thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng một bộ phận không nhỏ người dân ứng xử thiếu văn minh với các tác phẩm, công trình văn hóa nghệ thuật nơi công cộng.

Tác phẩm nghệ thuật nơi công cộng bị đối xử tồi tệ

“Tháp” là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt có tạo hình lớn, được đặt trên vỉa hè bờ đông của Hồ Gươm, gần tháp Hòa Phong. Tác phẩm được cấu tạo 6 tầng, gồm nhiều ô cửa màu sắc. Đây là tác phẩm mà người xem có thể trải nghiệm bằng cách đi sâu vào bên trong, quan sát cảnh vật thông qua những lăng kính nhiều màu sắc rực rỡ.

Một đoạn của con đường gốm sứ bị biến thành nơi đổ rác.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn tác phẩm được đặt tại đây, người dân đã không dám bước vào trong chiêm ngưỡng nữa. Bởi vì một số người dân vô ý thức đã phóng uế bừa bãi, thậm chí nôn mửa trong đó.

Những ngày gần đây, tác phẩm nghệ thuật này bốc lên một mùi hôi thối khó chịu, đến nỗi du khách đi ngang qua phải khẩn trương bước thật nhanh chứ không dám dừng lại ngắm nhìn tác phẩm. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền Thành phố Hà Nội đã quyết định tháo dời tác phẩm “Tháp”, tạm thời di chuyển tác phẩm đi để làm vệ sinh, tẩy uế khu vực này.

Nhà điêu khắc Mai Thu Vân là đồng tác giả của tác phẩm “Tháp”, cũng là một giảng viên chuyên ngành điêu khắc của Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tỏ rõ thái độ chán chường khi nghe câu chuyện không hay này. Chị chia sẻ với truyền thông: “Tuần trước, tôi có nghe nói về việc một trong số các tác phẩm bị hư hỏng, nhưng không quá nghiêm trọng.

Nhưng cho tới hôm qua, một người bạn báo với tôi "Tháp" bị một số người dân tiểu tiện bốc mùi hôi thối, tôi buồn và thất vọng một cách khủng khiếp. Thật không thể tin người ta có thể ứng xử tùy tiện, thiếu văn hóa với một tác phẩm nghệ thuật như vậy. Chúng tôi đã đem công sức của mình để phục vụ người dân và du khách, để mọi người đều được bình đẳng tiếp xúc với cái đẹp, cái hay của văn hóa. Nhưng sự việc đang diễn ra khiến cho người làm nghề như chúng tôi thất vọng và chán nản”.

Chị Mai Thu Vân cho biết, không chỉ lần này, mà dịp tết Nguyên đán 2019, chị và các đồng nghiệp đã dựng một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ánh sáng phục vụ du khách cũng tại khu vực Hồ Gươm và đã bị người dân thiếu ý thức leo trèo làm hỏng tác phẩm.

Câu chuyện người dân thiếu ý thức làm hỏng công trình nghệ thuật “Tháp” không phải là cá biệt. Trước đó báo chí cũng đã đưa tin nhiều về việc con đường gốm sứ, công trình nghệ thuật chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng bị xâm lấn, tổn thương nghiêm trọng bởi sự vô ý thức của một số người dân.

Người dân thiếu ý thức leo trèo lên tượng đài của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đặt ở Đà Nẵng.

"Con đường gốm sứ" là tác phẩm nghệ thuật dài gần 4.000 mét, với tổng diện tích là khoảng 7.000m2, từng giành kỷ lục Guiness là bức tranh gốm dài nhất thế giới, nhận giải thưởng “Bùi Xuân Phái -Vì tình yêu Hà Nội” được xem như một điểm nhấn của Thủ đô trong cảm nhận của du khách. Bức tranh do 20 nghệ sĩ Việt Nam, 15 nghệ sĩ quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, cùng 100 nghệ nhân và thợ thủ công thực hiện, mang dấu ấn của làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long, Ninh Thuận sáng tạo nên. Tuy nhiên, sau một thời gian, ngoài việc tác phẩm phải đối mặt với nguy cơ hỏng hóc do thời tiết khí hậu còn là những hỏng hóc do sự vô ý thức của người dân gây ra.

Nếu đi trên trục đường Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư sẽ nhận ra hình ảnh của con đường tuyệt đẹp này đang ngày càng xấu xí, nhem nhuốc. Không chỉ nứt, nhiều đoạn trên bức tranh gốm đoạt kỷ lục Guinness còn bắt đầu bị bong tróc, từng mảng tranh lớn bị rụng xuống.

Một số hộ dân khu vực này đã tận dụng bức tường làm nơi chăng quảng cáo, căng bạt, phơi chiếu, cất sọt tre, chất hàng hóa. Người dân còn phản ánh một cửa hàng kinh doanh ôtô còn thẳng tay phá một đoạn bề mặt bức tường để đặt vào đó tấm pano quảng cáo. Những quán nước vỉa hè mọc lên nhan nhản vào buổi sáng và buổi tối, che khuất nhiều đoạn đường, người dân đi lại ăn uống nhìn rất mất mỹ quan.

Việc người dân phóng uế bừa bãi ngay cạnh con đường gốm sứ này cũng không còn là chuyện hiếm gặp. Nhà sử học Lê Văn Lan từng “kêu trời” vì cái cách mà người dân đối xử với các công trình nghệ thuật văn hóa thiếu ý thức một cách nghiêm trọng như vậy.

Nâng cao ý thức cho người dân

Quay lại câu chuyện tác phẩm “Tháp” bị phóng uế bừa bãi, chúng ta có thể thấy rằng, một số người dân vẫn chưa có được thói quen văn minh tôn trọng các công trình công cộng. Mặc dù xung quanh Hồ Gươm có rất nhiều nhà vệ sinh công cộng, nhưng họ vẫn sẵn sàng làm bẩn một tác phẩm nghệ thuật, vốn được các nhà điêu khắc tạo ra để phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Chưa bàn chuyện  giá trị đẹp- xấu của tác phẩm ở đây, mà chỉ bàn đến thái độ trân trọng của người xem, chúng ta ít nhiều thấy thất vọng. Khi chưa thể có một lớp công chúng có đủ trình độ văn hóa, thẩm mỹ, biết trân trọng, nâng niu cái đẹp thì người làm nghệ thuật còn gặp khó khăn trong sáng tạo và đưa tác phẩm của mình đến với công chúng.

Các công trình nghệ thuật công cộng rõ ràng là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch và kiến trúc của một đô thị hiện đại. Hà Nội hiện có 14 công trình tượng đài, 6 công trình phù điêu và tranh hoành tráng, hai vườn tượng, hai đài phun nước và rất nhiều sự kiện nghệ thuật đường phố cũng như trang trí nơi công cộng diễn ra trong nhiều dịp lễ, Tết hằng năm.

Mặc dù chính quyền thành phố có rất nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các bộ quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng, nhưng đáng tiếc là vẫn còn không ít người dân chưa nhận thức đúng vấn đề này.

Không chỉ với các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, mà ngay cả với các công trình tượng đài mang ý nghĩa lịch sử như tượng đài Lý Thái Tổ, Quang Trung, Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh... vẫn gặp phải những ứng xử thiếu tôn trọng của người dân. Ở những nơi đậm tính tâm linh như vậy, vẫn có những hoạt động ồn ào, thiếu tôn nghiêm như leo trèo, chụp ảnh, trượt patin và có khi cả cờ bạc ở ngay sau lưng tượng đài.

Đành rằng các hoạt động giải trí vui chơi của người dân cần được khuyến khích, nhưng trước một nơi tâm linh, lẽ ra người ta cần sửa soạn một thái độ đúng mực thì họ vẫn vô tư ứng xử như các tụ điểm vui vẻ khác. Điều này xuất phát từ ý thức của mỗi người.

Công nhân tháo dỡ tác phẩm sắp đặt bên Hồ Gươm ngày 30-10.

Chỉ khi nào thái độ tôn trọng với các công trình văn hóa công cộng hình thành, người ta mới ngưng các hành vi như hái hoa, bẻ cành, hò hét thái quá, phóng uế không đúng nơi quy định. Mặc dù đã có những quy định cụ thể như Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định tại các khu công cộng có thể bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng, nhưng các hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường công cộng vẫn diễn ra hàng ngày làm đau đầu các nhà quản lý.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Mỹ thuật Thành phố cũng vừa phải lên tiếng về việc Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt bị người dân xâm hại toàn bộ hàng rào khiến cho di tích bị biến dạng nghiêm trọng”.

Muốn đưa văn hóa Việt đi xa, muốn du khách quốc tế tôn trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật công cộng khi tới tham quan Việt Nam thì trước tiên mỗi người dân phải biết trân trọng, hành xử đúng mực với các giá trị này.

Giải pháp cần thiết hiện nay là, bên cạnh việc nâng cao nhận thức thái độ ứng xử phù hợp cho công chúng, cần phải có sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm của chính quyền từng địa phương, áp dụng các chế tài đủ mạnh, đủ sức tính răn đe để làm cơ sở xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, xâm hại đến các công trình văn hóa nơi công cộng.

Bảo Bình
.
.
.