Nhức nhối vấn nạn "cái bang"

Thứ Hai, 21/10/2019, 13:56
Bày ra những "màn kịch" đói rách, tàn tật, ốm đau để đánh vào lòng trắc ẩn của mọi người nhằm kiếm tiền đã trở thành vấn nạn nhức nhối tại TP Hồ Chí Minh. Cho tiền người ăn xin là thói quen hào hiệp nhưng đặt không đúng chỗ thì vô tình tiếp tay cho đội quân "cái bang" làm xấu bộ mặt xã hội.


1.Hoạt động ăn xin ở những khu vực đông đúc, sầm uất có nhiều khách du lịch thường có ổ nhóm, ban bệ và chân rết chỉ đạo phía sau rất "chuyên nghiệp". Anh H.Đ, xe ôm khu vực đường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết, "ông bầu" của nhóm ăn xin ở đây là Khế "lợn", tầm 35 tuổi.

Dưới trướng của Khế "lợn" là 7 đứa trẻ có độ tuổi từ 5 đến 15 và 3 người đàn ông, 2 đàn bà đều trên 50 tuổi. Nhóm này được Khế "lợn" bao ăn ở trong một nhà trọ tại quận 8, đồng thời trả lương hàng tháng. Mỗi ngày, đội quân ăn xin tỏa ra các địa bàn, len lỏi vào các ngóc ngách, chủ yếu nhằm vào khách du lịch để xin.

Trẻ em bị lùa ra đường ăn xin.

"Ông bầu" trang bị cho mỗi người ăn xin một chiếc điện thoại, có định vị GPRS nhằm theo dõi nhất cử nhất động. 5 người lớn phụ trách 5 đứa trẻ dưới 10 tuổi, đi thành từng cặp trong vai cha mẹ. Theo một số dân bán hàng khu vực Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Công viên 23-9, chợ Bến Thành... thì những đứa trẻ ăn xin do được đào tạo bài bản nên "làm việc" rất nhanh nhẹn, chuyên nghiệp.

Chúng phát hiện ra khách "VIP" là lập tức đeo bám, ngửa tay xin bằng một ánh mắt "đặc quánh" nỗi buồn đau, khổ sở, đói rách. Cặp đôi nào có "cha" hoặc "mẹ" đi cùng thì thê lương hơn nhiều. Thông thường, người "mẹ" đẩy đứa trẻ ra đường, tay chân lấm lem bụi bẩn, tóc xù ra, môi tái tím lại, quần áo cắt xé rách tả tơi rồi luyện thành thục câu ăn xin cửa miệng: "Giúp con một ít tiền, con đói quá...".

Một chiêu khác thì treo tấm bảng trước ngực, ghi dòng chữ: "Mẹ con đang bệnh nặng, mong cô bác chia sẻ để mẹ con chữa bệnh..."

Nhìn vào thảm cảnh ấy, rất nhiều người đi đường hoặc khách du lịch đã sẵn sàng rút hầu bao cho. Họ diễn sâu đến mức người khác nhìn vào cảm thấy thương cảm đến quặn lòng, đau xót thiết tha, chỉ muốn cho tiền mà thôi.

Phải đeo bám suốt một buổi, chúng tôi mới tiếp cận được một "cái bang" tên thường gọi là Tí (12 tuổi). Chúng tôi cho Tí một khoản kha khá mới níu chân Tý lại được ít phút. Tí nói rằng, em mồ côi cha, chỉ còn mẹ. Hiện hai mẹ con đang ở trọ cùng vài người quen tại quận 8 (thông tin giống với ông xe ôm H.Đ cung cấp). Mỗi ngày, Tí cùng mẹ dậy từ lúc 5 giờ sáng, bắt xe bus đến khu vực công viên 23-9 để đi xin. Tại sao không đi bán vé số hay làm việc gì khác?

Chúng tôi hỏi, Tí gãi đầu, trả lời lí nhí: "Tại mẹ bị bệnh nặng không đi làm được, mẹ theo em đi ăn xin về chữa bệnh". Theo tiết lộ của Tí, thì mỗi ngày hai mẹ con đi ăn xin được từ 2 - 3 trăm ngàn, có ngày sộp lên tới 1 - 2 triệu. Số tiền này, mẹ con Tí phải đóng một nửa cho "chú" (nhân vật bí ẩn mà Tí không dám nói tên).

Khi chúng tôi đề cập được gặp mẹ Tí để hỏi thăm sức khỏe, Tí hào hứng dẫn đi nhưng gần tới nơi thì một phụ nữ đang ngồi thảnh thơi ở ghế đá công viên thấy chúng tôi đã bất ngờ chồm dậy bỏ đi thật nhanh.

Buổi sáng không ra đường làm "cái bang", Hoàng nướng thời gian vào các trò chơi game.

Tí nói đấy là mẹ, chắc là mẹ không muốn gặp người lạ. Nhìn theo dáng đi như chạy của "mẹ" Tí, không giống một người đang bệnh nặng chút nào. Chị ta lấp ló ở phía xa theo dõi người lạ rồi bốc máy điện thoại ra gọi cho ai đó, 10 phút sau, Tí biến mất khỏi tầm mắt của chúng tôi.

Lân la ở phố Bùi Viện, chúng tôi phát hiện ra những "cái bang" ở đây có khả năng nói tiếng Anh như gió. Hễ thấy vị khách Tây nào ăn mặc chỉn chu, lịch lãm là chúng đeo bám. Không như ở chợ trời, cứ ngửa tay, ngước mắt, chìa mỏ ra xin, mà ở đây, "cái bang" xin bằng hình thức bán kẹo hoặc móc khóa.

Nói là bán nhưng chúng theo đuôi khách du lịch như hình với bóng, mời chào bằng ánh mắt khổ sở. Cuối cùng, để dứt đuôi khỏi làm phiền, khách phải bỏ tiền ra mua đồ.

Một món đồ như thế, chúng "chém" từ 3 đến 5 đô la, trong khi mua ở chợ thì chỉ 5 ngàn đồng Việt Nam. Không một vị khách nào cảm thấy khó chịu giá chặt chém như thế bởi đơn giản, đó là những đứa trẻ ăn xin, chúng cần được giúp đỡ.

2. Vốn ngoại ngữ của "cái bang" ở khu phố Tây khiến chúng tôi thán phục, nhưng có một câu hỏi thắc mắc là tại sao có trình độ mà phải đi ăn xin? Câu hỏi này chúng tôi bị bà bán nước Năm Hiền ở phố Tây đập ngay vào mặt: "Chúng nó ăn xin ở đây gấp 2 - 3 lần đi làm công ty, tội gì". Bà Năm Hiền móc nối cho chúng tôi gặp Hoàng (14 tuổi), hành nghề ăn xin từ ngày phố đi bộ mới khánh thành. Hoàng khi cởi bỏ tấm áo giáp "cái bang" ra, là một thanh niên chững chạc, lịch lãm và có kiến thức.

Hoàng quê ở Long An, chỉ mới học hết bậc tiểu học. Cha mẹ Hoàng bỏ nhau khi cậu mới 5 tuổi, Hoàng ở với cha. Nghỉ hè năm lớp 5, cha Hoàng trong một cơn say rượu đã đánh trọng thương một người hàng xóm.

Cha đi tù, Hoàng bơ vơ rồi bỏ học lên TP. Hồ Chí Minh ở cùng người chú bán bánh cam ở bến xe quận 8. Hoàng không chịu được cái nắng, gió bụi ở bến xe, cũng chẳng thể làm được việc nặng nhọc tay chân nên mới phải đi ăn xin. Ngày đầu, Hoàng xin ở khu vực chợ Bến Thành, khách trong nước, ngoài nước rất nhiều và giàu có nhưng chẳng ai cho vì thấy Hoàng không ra vẻ khổ sở, bĩ cực của kẻ ăn mày.

Một "bà mẹ" nép mình trong bóng tối chờ sẵn những đứa trẻ ăn xin mang tiền về cống nộp.

Hoàng gia nhập vào đội "cái bang" của Hùng "bánh bao", xin được "tầm sư học đạo". Sau một khóa huấn luyện cấp tốc, Hoàng "xuất xưởng" và trở thành "cái bang" thực thụ. Năm đầu tiên, Hoàng làm ăn rất khá nhưng từ năm ngoái thì lụi dần do Hoàng dậy thì, cơ thể phát triển phổng phao, mặt mày nứt nở, phá vỡ cái dáng vẻ tiều tụy, còm nhom trước đây.

Ngửa tay xin tiền, Hoàng bị người ta nói: "Thanh niên thế kia không chịu đi làm ra đây ăn xin à". Cảm thấy khó có thể tồn tại với nghề nếu không chịu thay đổi, Hoàng nghĩ là cách phải học tiếng Anh để hòa nhập vào dòng khách du lịch nước ngoài. Lúc đó, phố đi bộ Bùi Viện cũng vừa khánh thành, Hoàng quyết tâm sẽ là "cái bang" đầu tiên ở nơi này.

Do ra đời sớm, tiếp xúc với đủ loại người nên Hoàng rất nhạy bén và nhanh lẹ. Hoàng không có khả năng học tiếng Anh qua sách vở, trường lớp hoặc thầy cô, cậu ta học bồi theo kiểu nghe nhiều, nói leo mỗi ngày.

Hoàng xác định, địa bàn hoạt động chính sẽ là phố Tây nên ngày nào cũng mò mẫm ra, muốn xin tiền người ta thì cũng phải biết nói chứ cứ nhe răng cười thì người ta nghĩ thằng điên. Đóng nghèo khổ, đau đớn bệnh tật để đánh vào lòng trắc ẩn của khách du lịch e rằng khó, chỉ có cách bán một món hàng nào đó rồi lấy giá thật cao.

Vậy là Hoàng chọn bán móc khóa, loại làm bằng chất liệu cỏ khô rất rẻ tiền. Từ cái móc khóa, Hoàng sẽ diễn giải về ý nghĩa bảo vệ môi trường cho khách du lịch, kèm theo chú thích vài dòng về hoàn cảnh, thân phận mồ côi lưu lạc của bản thân. Kịch bản cho hành trình bôn tẩu "cái bang" của Hoàng được lập trình và cậu ta học thuộc lòng bằng tiếng Anh nội dung đó.

Thời gian đầu bập bẹ tiếng Anh nhưng bù lại Hoàng "diễn" rất sâu ở khuôn mặt, ánh mắt và cử chỉ nên vẫn "moi" được tiền của du khách. Sau hơn một năm hành tẩu, hiện vốn ngoại ngữ của Hoàng đã tương đối, có thể đối đáp được 70%. Bất lợi lớn nhất của Hoàng là cơ thể ngày một lớn lên, sẽ không còn dáng dấp của một kẻ ăn mày nữa. Dự định của Hoàng là chỉ làm đến năm đủ 18 tuổi sẽ xin vào một công ty làm cho có danh, có phận.

Hiện, Hoàng đang đào tạo và quản lý 3 đàn em hành nghề "cái bang" ở phố Tây. Đề cập đến vấn nạn "chăn dắt" ăn xin, Hoàng xua tay phân trần: "Tụi em cùng làm cùng hưởng, không ai o ép ai cả. Sống ở những nơi như thế này, nếu chúng em không đoàn kết thì không tồn tại được đâu".     

Người TP Hồ Chí Minh từ xưa đến nay luôn được mệnh danh là phóng khoáng, hào hiệp, họ có thể trút hết hầu bao để giúp đỡ một hoàn cảnh đáng thương nào đó. Đây là lý do khiến đội quân "cái bang" ở đô thị này lúc nào cũng hùng hậu.

Ngọc Hoa
.
.
.