Những “Mắt thần” giữa đại dương

Thứ Ba, 28/01/2020, 11:53
Nằm giữa đại dương mênh mông, những ngọn đèn biển trên hải đăng là thứ quan trọng nhất với những người đi biển, kể cả những tàu thuyền hiện đại cho tới những tàu cá ngư dân nhỏ nhoi suốt hàng ngàn năm qua. Thậm chí, với những người đi biển, hải đăng còn được coi là “mắt thần” vì nó giúp cho các ghe tàu nhìn rõ lộ trình hơn.


Đó cũng là lý do ở nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta đều có những ngọn hải đăng bởi đây là khu vực tập trung rất nhiều ghe thuyền qua lại.

Ở đó, không chỉ những khi có sóng gió, bão mưa mà trong những đêm tối hay thời tiết không thuận lợi, hải đăng không chỉ là ngọn đèn mà còn là người bạn đường tin cậy nhất để ghe thuyền vượt qua khó khăn. 

Tất nhiên,  duy trì sự sáng, chớp/tắt của những ngọn đèn này giữa đại dương bao la là một công việc cực kỳ gian nan, vất vả, nhất là trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như ở Trường Sa.

Giữ lửa trên biển

Điều ấn tượng nhất với chúng tôi trong những ngày đến công tác ở các đảo tại Trường Sa là những người canh giữ hải đăng trên biển. Nếu như những cán bộ chiến sỹ hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương bờ cõi thì những người canh giữ hải đăng là những người “thắp lửa, dẫn đường” trên biển. 

Nhờ những ngọn đèn chớp tắt trên ngọn hải đăng ấy mà đêm đêm, hàng trăm ghe thuyền có thể tìm cho mình một hải trình an toàn giữa mênh mông đại dương. Có lẽ, chỉ những ai từng ngồi trên chiếc tàu lênh đênh hàng ngàn hải lý mới hiểu ý nghĩa của những ngọn hải đăng quan trọng và cần thiết thế nào.

Ngọn hải đăng trên đảo Sinh Tồn.

Là một trong những ngọn đèn được xây dựng khá lâu đời, ngọn hải đăng Sơn Ca cao gần 30 mét trên đảo Sơn Ca (thuộc xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa) là một trong những ngọn hải đăng vô cùng quan trọng. Để đảm bảo đèn hoạt động liên tục suốt ngày đêm, mỗi cán bộ công tác tại hải đăng (trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) phải luân phiên trực 24/24 giờ mỗi ngày. 

Công tác trực được chia làm 2 ca, mỗi ca kéo dài 12 giờ. Nhưng thực tế, tất cả cán bộ nhân viên trên trạm này, dù trực hay không thì… vẫn sinh sống, làm việc ngay tại trạm bởi giữa đại dương cách đất liền hơn 500 cây số, mọi người gần như không đi đâu ra khỏi đảo.

Theo anh Vũ Văn Lưu (quê Hải Phòng), Trạm trưởng Hải đăng Sơn Ca, công việc thường nhật của anh em ở trạm là lau chùi, bảo vệ và tiếp thêm nhiên liệu cho đèn. Hiện nay, hầu hết các ngọn hải đăng trên biển Trường Sa cũng như trên thế giới đều sử dụng loại đèn măng-sông chớp/tắt ở chu kỳ định sẵn. Năng lượng để duy trì hoạt động của các loại đèn măng-sông này là năng lượng điện mặt trời có sẵn trong các tấm pin mặt trời trên đảo. Tuy nhiên, do ở giữa biển khơi, gió đưa nước mặn lên khiến đèn dễ bị ôxy hoá nếu không được chăm sóc chu đáo. 

Ngoài ra, điều kiện ở đảo đặc thù, sự cố thiếu điện thường xuyên diễn ra khiến công việc của anh vất vả hơn, phải chuẩn bị kế hoạch trước để không bị động, luôn luôn đảm bảo ngọn lửa ở đèn không bao giờ bị tắt. Nhất là khi mùa mưa bão, nhu cầu quan sát đèn của tàu cá nhiều nên hải đăng không bao giờ được tắt. Mà khi mưa bão, năng lượng mặt trời thường ít, có lúc phải duy trì các loại năng lượng thông thường như đốt đèn bằng xăng, dầu thay thế. Nhờ vậy mà trong vòng đường kính hơn 40 cây số, tất cả các tàu thuyền đều có thể nhìn thấy ánh sáng từ hải đăng Sơn Ca để có định hướng tốt nhất cho hải trình của mình.

Trong khi đó, hải đăng trên đảo Song Tử Tây là một trong những ngọn hải đăng quan trọng nhất ở vùng biển Trường Sa. Với vị trí nằm ở rìa phía Bắc của huyện đảo Trường Sa, khu vực này luôn có mật độ tàu thuyền qua lại đông đúc, gồm cả tàu cá lẫn tàu hàng. Vì thế, ngọn hải đăng cao tới gần 40 mét và có tầm nhìn dành cho tàu thuyền cách xa hơn 22 hải lý (tương đương đường kính 80 cây số) là người dẫn đường quan trọng trên một vùng biển rộng lớn. 

Một cán bộ canh giữ hải đăng ở đây cho biết, về nguyên tắc thì những người canh giữ đèn biển không nắm được thông tin về các tàu thuyền trong phạm vi “phủ sáng” của hải đăng. Bởi nhiều khi trời tối, tàu ở cách xa hàng chục cây số họ nhận biết được hải đăng qua tín hiệu chớp/tắt của đèn để tìm lộ trình hàng hải an toàn chứ người giữ đèn không nhìn thấy tàu. 

Tuy nhiên, dựa vào mật độ tàu thuyền qua lại trong khu vực, chúng tôi nghĩ rằng hải đăng ở đây đã giúp ích rất nhiều cho tàu thuyền, nhất là các tàu cá của ngư dân. Trong đêm tối, khi có mưa bão dù cách xa vài chục cây số, dựa vào tín hiệu đèn họ vẫn có thể tìm đến chính xác vị trí của đảo một cách an toàn, thay vì phó mặc số phận trên biển cả mênh mông. Vì thế, đèn biển như một “mắt thần” quan trọng vậy.

Theo thống kê, tại quần đảo Trường Sa hiện nay có khá nhiều ngọn đèn biển và hải đăng được xây dựng kiên cố với mục đích điều tiết, đảm bảo an toàn lưu thông hàng hải dành cho tàu thuyền cũng như đánh dấu cột mốc chủ quyền. 

Đó là các ngọn hải đăng ở đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Trường Sa, Sinh Tồn, Nam Yết, Tiên Nữ, An Bang, Đá Tây, Đá Lát. Các ngọn hải đăng này đều thuộc quản lý của Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải, thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Trong khi đó những ngọn đèn biển còn lại đều thuộc quản lý của Hải quân Việt Nam.

Ngỡ ngàng trước những “kỳ quan”

Có thể nói, không quá lời khi những ngọn hải đăng được coi là người dẫn đường quan trọng nhất với những ghe tàu trên biển, nhất là khi điều kiện thời tiết không thuận lợi. Hàng trăm ghe tàu cá của ngư dân ở vùng biển ngoài khơi Trường Sa có thể yên tâm đánh bắt, khai thác khi nhận được những tín hiệu của hải đăng, để biết mình vẫn nằm trong vùng an toàn. Đây còn là cột mốc chủ quyền, là “mắt thần” phát hiện những nguy hiểm từ xa.

Ngọn hải đăng trên đảo Song Tử Tây

Được anh Nguyễn Văn An, một người đang công tác ở ngọn hải đăng trên đảo Sinh Tồn dẫn lên đỉnh hải đăng, chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng trước không gian rộng lớn và đẹp đẽ của biển đảo, trời đất quê hương. Do yêu cầu, những ngọn đèn biển phải được đặt ở nơi cao nhất có thể, thường là trên đỉnh của hải đăng. Đứng trên đó, dõi tầm mắt xa xa nơi mênh mông đại dương một màu xanh vô tận mới thấy hết sự đẹp đẽ, kỳ vĩ của biển trời quê hương. Thế nhưng, đó cũng là nơi nguy hiểm, khó khăn vất vả với người giữ đèn. 

Anh An bảo, những đêm mưa gió, anh em trực giữ đèn phải buộc dây quanh người để kiểm tra, châm nguyên liệu. Nếu có sự cố thì phải trèo ra sửa chữa. Mà ở những nơi cao chênh vênh như thế, nguy hiểm vô cùng.

Thú thực, ngay từ khi chuyến tàu kiểm ngư đưa chúng tôi tới gần đảo Song Tử Tây, thứ đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy, cách xa tới mấy hải lý chính là ngọn hải đăng. Rồi khi đặt chân lên đảo Song Tử Tây, tôi cũng bất ngờ với tòa tháp xây kiên cố, rất đẹp đẽ này. 

Sau này, khi được thăm nhiều đảo nữa, được đi dạo trên những bãi cát dài trắng muốt ở đảo Sơn Ca hay cung đường xanh um rợp bóng cây mù u, cây phong ba trên đảo Sinh Tồn, chúng tôi mới thấy những ngọn hải đăng đẹp như một bức tranh. Nó không thua kém bất cứ địa danh du lịch nổi tiếng nào về vẻ đẹp, sự lãng mạn dù nơi đây vô vàn hiểm nguy và sóng gió đang chực chờ. 

Thậm chí, với vị trí xa xôi, cách trở và khó khăn như những hòn đảo ở Trường Sa, để xây được những ngọn hải đăng cao trung bình từ 20 tới 40 mét (tương đương với ngôi nhà 10 tầng) là điều vô cùng khó khăn. Nói không quá, đó là những “kỳ quan” của công sức, sự quyết tâm, nghị lực của những người đã tạo nên nó.

Đứng sừng sững giữa biển trời, những ngọn hải đăng ở Trường Sa ngày nay mang trong mình bao nhiệm vụ thiêng liêng mà đơn giản. Ở đó, hàng ngày ngọn đèn biển là người dẫn đường nhưng cũng là người bạn của cán bộ chiến sỹ hải quân, gắn liền cùng công việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của biển đảo nơi địa đầu Tổ quốc.

Đoàn Đại Trí
.
.
.