Những ân tình ở trung tâm dưỡng lão dưới chân núi Dương Bồ

Chủ Nhật, 22/09/2019, 14:59
Những cụ già neo đơn sống lay lắt giữa dòng đời, lúc ốm đau bệnh tật không người chăm sóc nay được tụ hợp về một chỗ, được bầu bạn, được chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, kể cả khi nhắm mắt xuôi tay về với cõi vĩnh hằng vẫn được lo tang chay chu đáo, được hương khói như chính những người thân trong gia đình. Ân tình với người dưng như thế vẫn đang nung nấu từng ngày tại Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam).


Khắc khoải với người dưng

Mất mẹ từ nhỏ, cha bước thêm bước nữa, mới hơn 5 tuổi, Trịnh Thị Lời (nguyên quán xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) phải sống nương tựa vào người cô nghèo khó. Trải qua những năm tháng thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ, cô luôn quyết tâm phấn đấu trên con đường học tập với hi vọng một tương lai tốt hơn.

Thời gian ngồi trên ghế nhà trường được nhận những món quà đong đầy tình yêu từ các nhà hảo tâm, cô đã tự nhủ mình phải học thật giỏi để sau này thành tài, có điều kiện giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh khác.

Cô Lời (bìa trái) luôn quan tâm, chăm sóc các cụ ông, cụ bà ở trung tâm như những người thân trong gia đình.

Mãi đến khi đã trở thành giáo viên của Trường Tiểu học Phù Đổng (xã Bình Tú), cô vẫn không thôi ý định. Dù lương giáo viên ba cọc ba đồng nhưng cô vẫn cố gắng trích một phần chi phí giúp đỡ những em học sinh khó khăn, mồ côi trong nhà trường.

Khi các con đã yên bề gia thất, được sự ủng hộ của chồng, ở tuổi 51, bà mạnh dạn xin nghỉ hưu sớm, bán hai căn nhà đang ở để lấy tiền xây dựng trung tâm dưỡng lão giúp đỡ người già, trẻ em khó khăn.

“Từ bé, là học sinh mồ côi nên tôi thường hay được các “Mạnh Thường Quân” giúp đỡ, tặng quà nên tôi đã nuôi ý định sau này sẽ giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh như mình. Hơn hết, vì là trẻ mồ côi nên tôi luôn khao khát có được tình yêu thương của cha mẹ. Nhận thấy ở đâu đó ngoài kia vẫn còn rất nhiều cụ ông, cụ bà, những người lớn tuổi nhưng lại phải sống neo đơn, không con cháu, không nơi nương tựa nên tôi muốn làm một việc gì đó để đỡ các cụ, cũng như những người thân trong gia đình”, bà Lời nói.

Với tâm huyết, quyết tâm to lớn là vậy, nhưng khi bước vào chặn đường, bà Lời gặp nhiều khó khăn. May sao, lãnh đạo huyện Hiệp Đức biết ý định này nên đã liên hệ, trao đổi, bàn kế hoạch thành lập trung tâm dưỡng lão ở địa phương này.

“Tuy thành lập trung tâm để giúp đỡ nhiều người nhưng vì không muốn ảnh hưởng đến các hộ dân khác, tôi đã chọn chân núi Dương Bồ để xây dựng", bà Lời tâm sự.

Cụ ông Nguyễn Đốc (92 tuổi, quê Thăng Bình) được các cán bộ trung tâm chăm sóc.

Chân núi Dương Bồ khi ấy vừa dốc, sỏi đá lại hoang vu, nguồn nước cũng khó khăn khi phải kéo ống từ trên núi xuống. Nhưng bằng tất cả quyết tâm của mình, đến tháng 6-2008, Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức cũng hình thành. Bà đã gửi công văn đến các xã giới thiệu và đón 11 cụ già neo đơn tại Hiệp Đức về phụng dưỡng, 26 trẻ khuyết tật câm điếc về dạy chữ, dạy nghề.

Lúc bấy giờ điều trăn trở nhất là kinh phí hoạt động của trung tâm. Dù kế hoạch ban đầu bà Lời và những người cộng sự chọn làm nước uống đóng chai “Nguồn Sống” nhưng kế hoạch bộc lộ những yếu điểm khi nguồn nước khó khăn, lại không đủ duy trì kinh phí. Sau đó bà tiếp tục chuyển sang nghề buôn bán cây cảnh để lấy kinh phí cho trung tâm hoạt động đến bây giờ.

Nương náu những ân tình

Đã hơn 11 năm trôi qua, Trung tâm Dưỡng lão Hiệp Đức giờ đây đã khang trang hơn với những gian phòng xây và những vật dụng được tài trợ của các hội đoàn từ thiện. Ở trong dãy nhà ấy, 28 cụ già neo đơn, ốm đau, bệnh tật trên khắp mọi miền của Tổ quốc được quây quần, sum vầy bên nhau cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các thành viên của trung tâm.

Bước ngang qua những hàng ghế ở khu vực ở dãy nhà A của trung tâm, tôi bắt gặp cụ Nguyễn Thị Bè (75 tuổi, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) ngồi vò những chiếc lá kỳ cọ hàng móng chân được sơn móng của mình. Miệng cứ lẩm bẩm “chà cho hết đau bụng, thuốc gì mà chà chà hoài không ra”.

Các cụ già được vui vẻ trò chuyện, hưởng cuộc sống an nhàn ở mái nhà chung.

Ngồi cách đó không xa, cụ Nguyễn Thị Mót (85 tuổi, quê xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức) vẫy tôi lại, miệng cứ tấm tắc: “Bữa rồi bà ấy cứ than đau bụng, mấy cháu đoàn từ thiện lấy sơn móng chân sơn cho. Rồi ngày nào bà ấy cũng lấy lá cây chà vào móng chân. Sơn móng mà bà ấy cũng hết đau bụng”.

Người già ra con trẻ. Ở tuổi này rồi, nhiều cụ cũng làm nũng, cũng dỗi hờn, cũng muốn được yêu thương, nhiều lúc chỉ cần những điều nhỏ nhặt, một sự quan tâm đơn giản trong cuộc sống là lòng cụ đã rất vui.

Xoay quanh câu chuyện ở trung tâm dưỡng lão, bà Mót dần kể cho tôi nghe câu chuyện của cuộc đời mình. Bà Mót cho biết, trước đây bà sống ở xã Quế Thọ, một thân một mình buôn bán lặt vặt kiếm cái ăn qua ngày, nhưng tuổi càng lớn, sức bà cũng ngày một yếu đi, căn bệnh hen suyễn cũng hành hạ, bà không còn đủ sức lo cho bản thân.

Mỗi ngày ai cho gì ăn nấy, hàng xóm giúp được gì thì bà nhờ cái nấy, nhưng lâu ngày ốm đau ngày càng nặng, một thân một mình bà không thể chống chọi. Thế rồi bà được người giới thiệu đến trung tâm dưỡng lão này, sau khi được làm các thủ tục, hơn 1 năm trước, bà chuyển lên đây.

“Lên đây, có người trò chuyện vui vẻ, lại được các cô chú ở đây chăm sóc, sức khỏe tôi cũng dần bình phục, giờ tôi có thể làm những việc đơn giản như nhặt rau, quét nhà để giúp đỡ mọi người”, bà Mót tâm sự.

Không chỉ cụ Bè, cụ Mót, ở mỗi căn phòng là những phận đời, những tính cách khác nhau. Có cụ nhà bị cháy không nơi nương tựa, có cụ già cả ốm đau, con gái bị câm, con trai thì tâm thần nhẹ, có cụ neo đơn tuổi già không ai chăm sóc, cụ thì mù, cụ thì điếc, người đãng trí… tất cả được tụ họp về mái nhà chung, được sắp xếp phù hợp theo từng tên của căn phòng Hòa nhã, Trung thực, Nhân ái, Hòa thuận.

“Có cụ rất khó tính, không cho ai ở chung, có cụ thì ở chung nhưng mình phải tìm người cho hợp tính. Mỗi phòng như thế, sẽ sắp xếp các mẹ, các ba có tính khí tương ứng nhau để dễ ở cùng và cấp dưỡng dễ lưu ý khi chăm sóc các mẹ”, ông Nguyễn Văn Cương (quản lí trung tâm, 64 tuổi, quê xã Bình Tú) cho tôi biết.

Mỗi cuộc đời một số phận, thế nhưng, các cán bộ trung tâm này đều không từ chối một ai. Hễ nghe thông tin từ đâu đều tìm cách đến xác minh, đưa về trung tâm chăm sóc. Nhiều người vì thế mà vượt qua những ốm đau bệnh tật, sống những ngày tháng an nhàn, mạnh khỏe về sau.

Gắn bó với trung tâm hơn 10 năm, tạo điều kiện chăm sóc biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, thế nhưng bà Lời cũng còn nhiều day dứt nhiều. Bởi nhiều cụ không giấy tờ tùy thân, khi làm được các giấy tờ, sắp xếp lại chỗ ở cũng như cân đối lại vấn đề kinh phí đón được cụ về thì cụ đã mất. Nhiều cụ trung tâm chưa biết đến để nhận về, chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ được tốt hơn.

“Bây giờ tôi cũng đã lớn tuổi, ốm đau bệnh tật rồi cũng sẽ ập tới, chỉ mong sao cho trung tâm ngày càng phát triển, tồn tại, sau này có người khác tiếp nối, duy trì trung tâm, nuôi dưỡng các cụ. Tôi cũng mong rằng các “Mạnh Thường Quân”, các hội thiện nguyện quan tâm, giúp đỡ các hoàn cảnh neo đơn cho dù bất cứ ở đâu. Và trung tâm ngày càng biết đến, nuôi dưỡng, chăm sóc nhiều cụ hơn nữa”, bà Lời chia sẻ.

Hà Vy
.
.
.