Những anh hùng giữa đời thường

Thứ Ba, 11/07/2017, 10:12
“Ai chỉ cho tôi Cảnh sát giao thông nào ở Tây Ninh nhận hối lộ, tôi sẽ trả lại họ gấp trăm lần số tiền họ bỏ ra để hối lộ” - Trung tá Phan Văn Triều - Trưởng phòng PC 67 tuyên bố chắc như đinh đóng cột, một lời tuyên chiến với các hiện tượng tiêu cực, thể hiện quyết tâm làm trong sạch hình ảnh CSGT tỉnh Tây Ninh.


Trung tá Triều cho biết, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, phong trào thi đua xây dựng văn hoá ứng xử được lên kế hoạch cụ thể và triển khai trong toàn lực lượng CSGT và Công an Tây Ninh nói chung.

Đây là một kế hoạch tổng hợp với nhiều biện pháp vận động, tổ chức học tập, triển khai sâu rộng, giám sát, kiểm tra chặt chẽ…

Nhiều chương trình học tập, nhiều hội thảo nghiên cứu hành vi văn minh giao tiếp, ứng xử, giúp nhận rõ, phân biệt các hành vi giao tiếp với công chúng... Được tổ chức thường xuyên với sự hướng dẫn của các chuyên gia văn hoá, tâm lý giúp các chiến sĩ CSGT phân biệt, nhận rõ các ứng xử giao tiếp, phân loại tinh tế như một chuyên gia tâm lý.

Các phương án giao tiếp cũng được thảo luận, lên kế hoạch như các đáp án cho các tình huống, giúp anh em thực hiện đúng các quy trình chức năng mà vẫn bảo đảm giữ tác phong và ứng xử phù hợp, tạo nên thế giữ vững cái lý mà rất có tình. Điều này làm cho người vi phạm dù có nóng cũng dễ nhanh chóng nhận ra lỗi, vừa tâm phục khẩu phục, vừa nể trọng.

Việc học tập từ thực tiễn được PC 67 Tây Ninh chú trọng. Mọi hình ảnh, clip về CSGT được sưu tầm hằng ngày và đem ra phân tích mổ xẻ, chỉ rõ cái được, cái chưa được trong từng tình huống để tìm ra cách làm ngày càng tốt hơn.

Các hình ảnh, clip về CSGT từ mọi nơi được sưu tầm, phân loại. Cái nào khen thì để học tập, tuyên dương. Cái nào bị chê, lập tức được nghiên cứu kỹ.

Mọi người tự đặt mình vào tình huống đó để tìm cách làm tốt hơn. Điều này như một bài tập hằng ngày, rèn luyện, suy nghĩ với những phương án sáng tạo. Có nhiều bài tập như vậy là có nhiều kinh nghiệm, tạo phản xạ nhanh, chính xác trong mọi tình huống.

Có nhiều cao điểm CSGT Tây Ninh đi làm không được đem theo điện thoại di động, để kiên quyết không chịu sự “can thiệp” từ những cuộc gọi của người thân quen nào. Mọi chuyện xử lý chỉ theo quy trình nghiệp vụ, bình đẳng ai cũng như ai.

Có nhiều cao điểm CSGT Tây Ninh đi làm được trang bị camera cúc áo, ghi lại mọi hoạt động, giao tiếp với dân… Các video này đều được đem ra mổ xẻ, nhận xét, là tài liệu sống để học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Sự giám sát thường xuyên này giúp thúc đẩy nhanh chóng, tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét.

Ngoài việc thường xuyên nâng cao kỷ luật, điều lệnh, quy trình xử lý chuyên môn, việc kiểm tra, giám sát luôn được thực hiện chặt chẽ.

Các tổ tuần tra điều lệnh luôn bám sát các tuyến đường. Đôi khi có cả lực lượng hoá trang để giám sát CSGT thực hiện các quy trình nghiệp vụ và văn hoá giao tiếp ứng xử, thực hiện đúng cam kết của mỗi chiến sĩ khi học tập nâng cao tác phong và văn hoá ứng xử.

Những người có “máu nóng” không phù hợp với vị trí công tác được điều chuyển sang công việc phù hợp, để “bộ mặt của bộ mặt” của tỉnh có nhiều lễ hội, khu du lịch này luôn thân thiện đón chào du khách.

Những chuyển biến mau lẹ và tích cực. Ngày càng xuất hiện nhiều gương tốt. Mỗi hành động tốt đều được kịp thời động viên, khen thưởng, biểu dương dưới cờ, trong các sinh hoạt tập thể.

Phần thưởng lớn nhất là sự ghi nhận của người dân. Trên mạng gần đây xuất hiện ngày một nhiều những lời khen của người dân, của những khách đến. Nhiều người bày tỏ ngỡ ngàng đến khó tin về những điều mắt thấy tai nghe về hình ảnh CSGT Tây Ninh.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt tour viết: “Là dân làm du lịch đi khắp nước, chưa thấy nơi nào CSGT lịch sự như vậy”.  Một người tên Vo Nam Trung viết trên Facebook: “Xử phạt bằng chữ tình.  Bất ngờ trước cách xử phạt có một không hai của CSGT Tây Ninh, cách cư xử đúng mực”.

Có rất nhiều ý kiến khen ngợi như của các facebooker Võ Thành Công, Hai Son Huynh, Minhkin Luong, Hồng Sumi, Chan Huu Loi…

Tại sao có nhiều lời khen như vậy? Trung tá Triều giải thích: Chúng tôi cho rằng nhiều người, nhất là khách ngoài tỉnh đến Tây Ninh du lịch, hành hương… Không thuộc đường, mải ngắm cảnh, lơ đãng nên gây vi phạm nhỏ do không để ý… được CSGT Tây Ninh nhắc nhở, hướng dẫn, chỉ đường, thậm chí đưa về… Họ không cố tình vi phạm, nên giúp họ chấp hành đúng luật, như giúp người nhà mình vậy.

Những người cố tình vi phạm, gây lỗi lớn không được bỏ qua, phải thực hiện đúng quy trình xử lý. Và họ không có cơ hội… hối lộ CSGT Tây Ninh. Nếu họ làm việc đó, chỉ có mắc thêm tội hối lộ…

- Nhiều người cho rằng CSGT Tây Ninh “hiền”, ăn nói và hành vi ứng xử rất đúng mực. Ngoài các nỗ lực trau dồi, bồi dưỡng tác phong nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát… Còn có lý do nào làm nên nhiều tiếng thơm này?

- Tây Ninh là quê hương cách mạng, có truyền thống đấu tranh trong kháng chiến, kiên cường và thuỷ chung. Con người Tây Ninh hiền hoà, trọng lẽ phải, khổ đau nhiều rồi, muốn xây dựng cuộc sống thanh bình, an toàn, văn minh… Và xây dựng cuộc sống văn minh là cần thượng tôn pháp luật.

 Đó cũng là công bền bỉ vận động, tuyên truyền cộng đồng của nhiều ngành, đoàn thể, trong đó có không ít công sức “đầu tư” của CSGT Tây Ninh, một lực lượng chủ lực kéo giảm sâu tai nạn giao thông trong những năm gần đây.

 Sáu tháng đầu năm nay, lực lượng CSGT Tây Ninh được nhận 5 bằng khen của cấp trên, góp thêm vào Phòng truyền thống đã đỏ đầy thành tích… Lặng lẽ làm bổn phận của mình, dù nhiều vất vả hy sinh, họ là những anh hùng giữa đời thường giữ dòng huyết mạch của quê hương Cách mạng luôn được an toàn, thông suốt…

Hà Linh
.
.
.