Những bài toán khó của du lịch Việt

Thứ Tư, 30/03/2016, 15:12
Đất nước ta có lợi thế về du lịch. Nhiều năm qua, du lịch dù tăng về lượng khách đến, nhưng vẫn còn vô số vấn đề bất cập phải giải quyết, để làm sao du khách đến Việt Nam rồi thì còn muốn quay trở lại những lần sau. Chuyện chặt chém du khách, nạn cướp giật hoành hành ở những điểm du lịch chẳng còn xa lạ trên báo chí, truyền thông.


Đảm bảo an ninh cho du khách

Những ngày vừa rồi, câu chuyện nữ du khách bị giật đồ tại Trung tâm quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh ngồi khóc nức nở đã lan truyền trên mạng xã hội, khiến cho những người có lương tâm phải giật mình xấu hổ. Chúng ta vẫn tự hào là đất nước giàu truyền thống văn hóa, hiếu khách, nhân văn nhưng những năm gần đây, việc đảm bảo an ninh cho du khách có nhiều vấn đề phức tạp. 

Ở một số Thành phố lớn, trung tâm du lịch, nơi tập trung rất nhiều khách nước ngoài, thường xuyên vẫn để xảy ra tình trạng trộm cướp gây nguy hiểm tính mạng và mất an toàn tài sản cho du khách. Trong thời buổi toàn cầu hóa, những thông tin dù tốt, dù xấu, có thể được truyền lan với tốc độ chóng mặt trên mạng. Hình ảnh một du khách run rẩy ngồi khóc, vì bị giật đồ giữa trung tâm một thành phố lớn có thể tạo ra một hiệu ứng tiêu cực mà ngành Du lịch sẽ phải trả giá. Khách du lịch quốc tế sẽ có tâm lý lo lắng khi đến Việt Nam. 

Bên cạnh việc khuếch trương thương hiệu, quảng bá các danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các điểm thu hút khách du lịch để mời gọi bạn bè quốc tế thì việc đảm bảo an toàn cho du khách là câu chuyện quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng bậc nhất. 

Người ta không thể nào muốn đến một đất nước để nghỉ ngơi, giải trí, thưởng lãm phong cảnh với một tâm lý bất an, rằng họ sẽ bị chặt chém về giá cả, hay bị móc túi, cướp giật mất cả tiền bạc lẫn hộ chiếu. 

Và còn ngại hơn nữa là các cơ quan an ninh, các nhà chức trách không hành động ngay, không ai đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phiền phức mà khách du lịch gặp phải trong thời gian lưu trú tại Việt Nam. 

Nạn chèo kéo làm phiền du khách khiến cho ngành Du lịch mất điểm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ câu chuyện khách du lịch bị giật đồ hoảng loạn ngồi khóc giữa trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, mới hay rằng ngành Du lịch và ngành Công an còn thiếu một sự phối hợp ăn ý để xử lý những sự cố như vừa rồi. Thực tế, nạn cướp giật từ lâu đã hoành hành ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố có tổ chức mấy đợt cao điểm để truy quét tội phạm này, nhưng xong rồi thì đâu vẫn vào đấy. 

Người phát ngôn của Hiệp hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, tiếng nói của ngành du lịch trong vấn đề đảm bảo an toàn cho du khách là chưa có trọng lượng, vì chưa có sự phối kết hợp liên ngành chặt chẽ. Vì thế dẫn đến việc, khách Du lịch bị giật đồ mà không biết quy trách nhiệm cho ai.

Theo thống kê của ngành Du lịch, chỉ tính riêng năm 2015, có tới 55/109 vụ cướp giật tài sản ở quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh có nạn nhân là du khách quốc tế. Không chỉ cướp, một số vụ nghiêm trọng hơn là bọn tội phạm manh động dùng hung khí tấn công du khách trước khi cướp tài sản. Chẳng hạn trường hợp du khách Đức bị nhóm côn đồ dùng dao chém vào đầu sau đó cướp tiền và điện thoại di động.

Ở các quốc gia có ngành công nghiệp phát triển, thường có đội ngũ Cảnh sát du lịch. Đây là lực lượng được trang bị kỹ năng kỹ càng, được đào tạo bài bản với nhiệm vụ bảo vệ an ninh an toàn cho du khách ở các điểm du lịch tập trung. 

Đã từng có nhiều ý kiến đề nghị cần phải có lực lượng an ninh riêng bảo vệ khách du lịch, nhất là ở một đất nước mà du lịch được xem là ngành mũi nhọn, đang được đầu tư mạnh mẽ như Việt Nam, nhưng xem ra vấn đề này chưa được các ngành chức năng quan tâm đúng mực. Vì thế, trước mắt, ngành Du lịch vẫn phải đơn thương độc mã, tự đề ra các biện pháp phù hợp nhất để giúp khách du lịch tự bảo vệ sự an toàn của mình. 

Chẳng hạn như nhắc nhở, tuyên truyền cho du khách cần hết sức cảnh giác trong các hoạt động tham quan, dã ngoại, quay phim chụp ảnh. Dù việc nhắc nhở tuyên truyền cảnh giác với nạn chặt chém hay cướp giật thật chẳng hay ho gì, nhưng trước khi có những biện pháp cứng rắn để giải quyết vấn nạn này thì đây vẫn là việc cần thiết phải làm để đảm bảo an toàn cho du khách. Hành động thiết thực để bảo vệ hình ảnh du lịch Việt là cần thiết, và đây không phải là câu chuyện của riêng ngành Du lịch. 

Cần một sự vào cuộc của rất nhiều ngành và của toàn dân. Văn minh, hiếu khách, ân cần với khách du lịch là điểm cộng để níu chân du khách đến rồi quay trở lại. Xin lỗi du khách là việc nên làm, khi xảy ra những tình huống không hay, nhưng quan trọng hơn vẫn là hành động. Chỉ có như vậy thì du lịch mới có cơ hội mở rộng và phát triển, trở thành một ngành mũi nhọn, tiềm năng trong tương lai.

Quảng bá du lịch qua điện ảnh Thế giới

Trong những ngày qua, đoàn làm phim bom tấn Hollywood Kong - Skull Island đã có mặt ở Quảng Bình, Ninh Bình và tiếp đó là Vịnh Hạ Long để thực hiện những cảnh quay quan trọng. Có thể thấy sự đặt chân của đoàn làm phim tới vùng đất này đã "thức giấc" các địa danh trên bản đồ du lịch Thế giới, đây sẽ là cơ hội tốt để quảng bá du lịch Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Tuy nhiên để tận dụng cơ hội quảng bá thành công hình ảnh điểm đến Việt Nam tới công chúng quốc tế, du lịch Việt cần tận dụng cơ hội như thế nào đang là bài toán đối với nhà quản lý.

Việc quảng bá du lịch ra nước ngoài qua điện ảnh tuy không mới ở nhiều quốc gia nhưng ở Việt Nam chỉ mới manh nha. Sự liên kết giữa du lịch và điện ảnh ở Việt Nam vẫn còn yếu kém hay nói cách khác các nhà làm du lịch và các nhà làm phim vẫn chưa học cách bắt tay với nhau để quảng bá du lịch nước nhà một cách hiệu quả khi mà chi phí làm phim rẻ, nhiều bối cảnh thiên nhiên đẹp.

Những bộ phim bom tấn được quay tại Việt Nam là cơ hội tốt để quảng bá du lịch. Trong ảnh nữ diễn viên Ngô Thanh Vân đang làm việc với đạo diễn phim Kong Skull Island quay tại Việt Nam.

Đầu những năm 90, nhờ hiệu ứng của bộ phim "Đông Dương" đạt giải Oscar cho hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, nhiều khách du lịch đã kéo đến Vịnh Hạ Long, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là những nơi xuất hiện trong phim để khám phá. Nhưng việc hợp tác với các nhà làm phim nước ngoài để quảng bá du lịch trong nước thì chỉ gần đây mới được chú ý đến và chúng ta vẫn chưa thực sự chủ động tận dụng những cơ hội quảng bá này khi mà phim "Pan" - bom tấn 3D của Hollywood có nhiều bối cảnh quay đẹp tại Quảng Bình, Ninh Bình và Hạ Long nhưng khán giả xem phim lại không biết đến. 

Mới đây nhất, đoàn làm phim King Kong 2 sẽ thực hiện phần lớn các cảnh quay tại Việt Nam nhưng phía Tổng cục Du lịch vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để quảng bá du lịch Việt Nam nhân cơ hội hiếm có này. 

Hiện tại, các nhà làm phim Ấn Độ đang được mời đến khảo sát các địa điểm quay phim tại Việt Nam nhưng phía Tổng cục Du lịch cũng không có kênh mở cung cấp clip giới thiệu về danh lam thắng cảnh Việt Nam để họ tìm hiểu trước khi quyết định chọn bối cảnh… 

Thêm nữa cơ chế xin giấy phép làm phim còn phức tạp như trở ngại ở khâu dịch kịch bản để xin phép và khâu hậu kỳ chưa tốt nên nhiều nhà làm phim quốc tế còn e ngại việc quay phim tại Việt Nam.

Ông Lê Công Năng- Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour cho rằng, quảng bá du lịch qua điện ảnh là một hình thức quảng bá đem lại hiệu quả cao. Điểm đến xuất hiện trên phim có sức lan toả rộng, hấp dẫn du khách. Không đâu xa nhìn ra các nước lân cận thì tính đến năm 2011 đã có đến hơn 500 bộ phim quay tại Thái Lan, trong đó "Chúa tể những chiếc nhẫn" giúp tăng 10% lượng khách đến từ Anh Quốc. 

Các bộ phim Hàn Quốc theo làn sóng Hallyu đổ bộ và thống lĩnh màn ảnh nhỏ của nhiều quốc gia châu Á góp phần đưa nhiều địa điểm du lịch đẹp của Hàn Quốc ra nước ngoài. Các nhà làm du lịch của họ cũng rất khéo léo khai thác các bối cảnh phim vào du lịch chẳng hạn như dựng tượng nhân vật nam nữ chính phim "Bản tình ca mùa đông" tại đảo Nami, cung cấp dịch vụ đạp xe đôi dọc con đường ngân hạnh bắt chước theo hành động lãng mạn của cặp đôi của phim… Nhờ thế, đảo Nami đã thu hút 2 - 3 triệu lượt khách đến tham quan mỗi năm. Đây là con số mơ ước của ngành Du lịch Việt.

Trong khi đó, đối với điện ảnh trong nước thì cho đến hiện tại, con số bộ phim tạo được hiệu ứng thu hút khách du lịch đến khám phá bối cảnh như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" gần đây hay như "Chuyện của Pao" một thập kỷ trước chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Ngoài được gửi đi tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế, điểm tựu trung của hai bộ phim này còn là kịch bản hay, sở hữu những thước phim về phong cảnh thiên nhiên đẹp từ cao nguyên vùng Đông Bắc Việt Nam với những hàng rào đá bên cánh đồng cải vàng, những ngôi nhà truyền thống của dân tộc Mông đến miền biển Phú Yên với những đồng lúa xanh ngút ngàn, mỏm đá trên biển đẹp ngoạn mục… 

Bộ phim truyền hình "Tuổi thanh xuân" hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng tạo được dấu ấn quảng bá du lịch Đà Nẵng đối với đông đảo công chúng Việt Nam, Hàn Quốc.

Có thể nói, điện ảnh là một trong những con đường hiệu quả quảng bá du lịch. Nhận thấy được hiệu ứng đó các đơn vị lữ hành đã tận dụng đưa các điểm du lịch "ăn theo" các bộ phim truyền hình, điện ảnh nổi tiếng vào các chương trình tour để tăng tính hấp dẫn, thu hút du khách đăng ký. 

Chẳng hạn như: Khu du lịch Hồ Pa Khoang nằm trong điểm đến tour Điện Biên và là bối cảnh chính trong bộ phim truyền hình nổi tiếng "Bí mật tam giác vàng". Đây là khu du lịch nằm giữa một vùng thiên nhiên cảnh đẹp hùng vĩ, ẩn hiện trong mây trời non nước. Trong khu vực lòng hồ có các bản dân tộc Thái, Khơ Mú là những dân tộc còn giữ được những phong tục tập quán, nét đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc. 

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc - Đồng Tháp nằm trong điểm đến tour Cần Thơ - TP. Hồ Chí Minh - Đồng Tháp - An Giang, nơi được chọn là bối cảnh chính cho bộ phim "Người tình" của đạo diễn Jean-Jacques Annaud; Vịnh Hạ Long nằm trong tour Hạ Long là bối cảnh của các bộ phim "Pan", "Đông Dương", "Giọt lệ Hạ Long" "Mùa hè chiều thẳng đứng"…

Phim "Mùa len trâu" được quay phần lớn ở An Giang và Kiên Giang bối cảnh mùa nước nổi ở vùng tứ giác Long Xuyên, Cà Mau, Châu Đốc và Hà Tiên nằm trong tour miền Tây Nam Bộ. Sủng Là - Đồng Văn là ngôi nhà cổ của người Mông trước đây dùng để quay phim "Chuyện của Pao" nằm trong tour Hà Giang. Đặc biệt gần đây nhất, sau hiệu ứng bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thì lượng du khách quan tâm đến du lịch Phú Yên tăng lên nhiều.

Sau khi tham gia đoàn khảo sát du lịch do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên tổ chức, Hanoi red tour, Vietrantour và nhiều đơn vị lữ hành đã nhanh chóng đưa vào khai thác các điểm đến như: Bãi Môn, nằm dưới chân Hải đăng Đại Lãnh - cực Đông Tổ quốc, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của đất nước, Gành Ông, Bãi Xép thuộc khu du lịch Sao Việt - Phú Yên là một trong những cảnh xuất hiện trong bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đang rất thu hút của đạo diễn Victor Vũ.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh quảng bá du lịch qua điện ảnh một cách hiệu quả, ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Lê Công Năng cho rằng các nhà làm phim và các nhà làm du lịch cần phối hợp chặt chẽ để tổ chức phát động các cuộc thi kịch bản hay quảng bá du lịch Việt Nam qua phim; Tích cực hợp tác với các nhà làm phim quốc tế để thực hiện các dự án phim đa quốc gia góp phần phát triển nền điện ảnh nước nhà và quảng bá du lịch ra nước ngoài; Tạo sự tiện lợi cho các nhà làm phim quốc tế đến Việt Nam thông qua: Xây dựng "ngân hàng dữ liệu mở" về các danh lam thắng cảnh ở Việt Nam, những nơi tiềm năng khai thác du lịch và làm bối cảnh phim để những nhà làm phim quốc tế, trong nước tìm hiểu trước khi quyết định chọn bối cảnh nhằm tiết kiệm chi phí và công sức. 

Cải tiến, đơn giản hóa quy trình, thủ tục xin cấp phép quay phim tại Việt Nam; Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực để cung cấp dịch vụ hậu kỳ tốt nhất cho các nhà làm phim trong nước và quốc tế…

Bên cạnh đó, bà Trần Thị Bảo Thu - Giám đốc Tiếp thị & Truyền thông Fiditour cho rằng, để đạt được thành công hơn trong việc thu hút du khách quốc tế, du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh hơn công tác quảng bá, giới thiệu những sự kiện điện ảnh, địa danh Việt Nam đã từng là bối cảnh chính trong những bộ phim nổi tiếng thế giới tại các hội chợ, hội thảo, triển lãm trong nước và quốc tế để quảng bá thường xuyên, rộng khắp đến du khách. 

Đặc biệt, với xu hướng phát triển mạnh mẽ của hoạt động digital marketing hiện nay, sẽ  rất thuận lợi để hỗ trợ công tác quảng bá. Bên cạnh đó, ngành Điện ảnh và Du lịch cũng cần có sự phối hợp đồng bộ, xây dựng chiến lược dài hơi để phát triển và thu hút các dự án du lịch, điện ảnh "bom tấn" khác trên thế giới trong tương lai.

Sao phải chờ chỉ thị của cấp trên mới xin lỗi?

Cứ tưởng dân sẽ vui khi nghe thông tin sẽ có những lớp dạy cho cán bộ công chức Nhà nước biết nói dạ, vâng, xin chào, xin lỗi, cảm ơn khi tiếp dân, nhưng ngẫm ra, đó chính là một thông điệp buồn. Một sự xấu hổ thì đúng hơn. Có những điều tưởng như thật bình thường lại hóa thành cao siêu xa lạ, một nét văn hóa rất bình thường, rất con người lại trở thành xa xỉ.

Bản thân mỗi một người nếu bắt đầu đi học từ khi lên hai tuổi (nhà trẻ) cho đến khi có tấm bằng đại học, đủ điều kiện để làm một công chức viên chức Nhà nước thì đã phải trải qua một chặng đường học tập liên tục hơn hai mươi năm chứ phải bỡn đâu. Thế mà chưa nói nổi lời cảm ơn, xin lỗi và tiếng dạ, vâng cho tử tế, phải học lại những lời nói cửa miệng được dạy dỗ từ thuở chập chững làm người.

Tôi còn nhớ một kỷ niệm nhỏ trong một chuyến đi tháp tùng ông Đinh La Thăng khi đó là Bộ trưởng bộ GTVT trên chuyến bay từ miền Trung ra Hà Nội. Tôi đã chứng kiến việc ông đã nổi nóng với hành động của cô tiếp viên hàng không ép một hành khách phải đổi chỗ ngồi cho một hành khách khác. Ông Thăng đã dứt khoát yêu cầu cô tiếp viên kia phải xin lỗi hành khách dù hành khách đó nhất định không đổi chỗ (khi đó cô tiếp viên chưa biết ông Thăng là Bộ trưởng) cô tiếp viên này hơi bị lì lặng lẽ bỏ đi chứ không xin lỗi. Tôi đã phải đứng dậy "phím" cho nàng ta phải xin lỗi ngay nếu không muốn sau chuyến bay này cô nghỉ việc, chỉ đến khi ấy cô nàng mới chịu nói lời xin lỗi. 

Kể lại kỷ niệm để muốn nói rằng đâu chỉ là công chức của các cấp các ngành hàng ngày hàng giờ tiếp xúc với dân, với doanh nghiệp mà ngay cả những con người làm việc ở một môi trường giao tiếp Quốc tế như thế mà việc nói lời xin lỗi hay cảm ơn cũng khó đến nhường nào. Nhân nói về du lịch, thì những cử chỉ đẹp trên các chuyến bay cũng chính là hình ảnh quảng bá tuyệt vời cho du lịch. Du khách quốc tế sẽ vô cùng ấn tượng khi cảm nhận được những hành xử văn minh trên những chuyến bay khi họ đến một đất nước, một quốc gia xa lạ. 

Sau sự kiện tiếp viên hàng không xin lỗi du khách, ông Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phát động phong trào hãy nói lời xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn trong toàn ngành GTVT. Một thái độ làm cho dân buồn, dân nổi giận và một lời nói làm cho dân hạ hỏa, dân vui không thể lại trở thành một lựa chọn khó khăn đến thế đối với những người làm công tác quản lý, những người làm hoạt động trong các ngành dịch vụ lấy việc hài lòng của dân làm kim chỉ nam hành động của mình? 

Khi đội ngũ cán bộ công chức nhà nước còn chưa là tấm gương trong thái độ ứng xử thì đừng hỏi vì sao xã hội còn thái độ sống vô cảm và người dân ứng xử với nhau còn thô tục. Đừng hỏi vì sao khi đi ra đường chỉ vô tình va chạm cũng dẫn đến ẩu đả hoặc thái độ thờ ơ và vô tâm. Và nữa, khi cha mẹ là công chức mà có thái độ ngạo mạn khinh khi với dân, tham lam quá mức thì chắc chắn những người con của họ cũng sẽ ảnh hưởng thái độ và tư tưởng của mẹ cha, dẫn đến thế hệ sau lại vẫn mang hình ảnh của thế hệ trước như là một sự trao truyền. 

Có lẽ một thời gian dài những "công bộc" của dân còn mang nặng tư tưởng phong kiến đã luôn nghĩ rằng mình là quan mà quan là "phụ mẫu chi dân" quan là "cai trị và chăn dắt" dân… Người ta luôn nghĩ mình là kẻ ban ơn, là kẻ được quyền "bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao". Người ta đã quên rằng khi chế độ dân chủ thì cán bộ công chức là người phục vụ nhân dân và nhân dân là người trả lương cho họ. 

Nói theo cơ chế thị trường thì cán bộ công chức là người phục vụ và dân là khách hàng mà khách hàng là thượng đế. Một xã hội mà kỉ cương phép nước không nghiêm, thái độ và trách nhiệm của công chức Nhà nước còn kém thì chắc chắn xã hội ấy sẽ trì trệ và kém phát triển nếu không muốn nói rằng những điều đó còn là nguy cơ rối loạn xã hội.

Vừa rồi, chúng ta chứng kiến, những người làm công tác đảm bảo an ninh trật tự phải đến tận nơi xin lỗi du khách bị giật đồ trên đường phố Sài Gòn, theo yêu cầu của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, ít nhiều đã lấy được thiện cảm của nhân dân và của khách du lịch. 

Nhưng thiết nghĩ, lời xin lỗi cần phải trở thành câu chuyện thường xuyên, liên tục, đương nhiên, khi xảy ra bất cứ vấn đề gì làm phiền muộn người dân. Người có trách nhiệm nói lời xin lỗi, và hành động sửa sai, thì hình ảnh sẽ chỉ đẹp hơn trong mắt người dân, sao phải chờ đến ý kiến chỉ thị của cấp trên rồi mới vào cuộc?

Đinh Nam Nghị
.
.
.