Những bạn trẻ "máu" đi cung: Cẩn thần sâu thánh phượt!

Thứ Hai, 02/06/2014, 08:00

Mấy hôm nay trên group (nhóm) công khai phuot.com với hơn 20.000 thành viên trên facebook đang ồn ào vụ nick name Huyen Reu (tên thật là Ngô Thị Huyền, 26 tuổi) "tố" leader Phượt Đê (còn có tên facebook khác là Đồng Hành, tên thật là Đỗ Công Hưng, 33 tuổi) "quỵt" tiền và chơi không đẹp. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên, cộng đồng du lịch bụi một phen dậy sóng khi có những người giữ vai trò là leader, đầu tàu chèo lái cả một đoàn phượt cho thành viên của mình "dính phốt".

Từ lời tố cáo quỵt 900.000 đồng

Nội dung mà facebooker Huyen Reu chia sẻ gói trọn trong mấy chữ "stt tìm người và tìm tiền" ("stt" ở đây là "status", nghĩa là trạng thái, tình trạng - PV). Huyền tìm người có tên facebook là Phượt Đê để đòi lại tiền vì sau khi có "ý kiến" với anh này thì cô bị chặn facebook, gọi điện thì anh kia không nghe máy. Đi cùng với status, Huyền đính kèm một bức ảnh chụp lại tin nhắn hứa hẹn trả tiền và tấm chân dung của leader Phượt Đê. Theo đó, Huyen Reu viết: "Phượt Đê, không biết giờ này anh đang ở đâu mà hẹn trả tiền em hết lần này lần khác không xong, gọi điện không liên lạc được...

Hẹn 1 lần là quá, đây đến dăm lần bảy lượt. Tiền đóng từ tháng 3 không làm sự kiện mà đến tháng 6 vẫn chưa trả lại thì anh định ngâm đến bao giờ anh Phượt Đê?". Status của Huyền mới đưa lên ngày 17/6 thì ngay ngày hôm sau, đã có gần 500 lượt người nhảy vào bình luận, ngoài những lời động viên, an ủi thì có không ít người nhân tiện vụ này, "tố" luôn facebook Phượt Đê.

Liên lạc với Huyen Reu thì chúng tôi được biết rằng facebooker Phượt Đê là người lập ra nhóm tên là Việt Phượt, xưng là leader rồi tuyển người đi cung liên tục. Vốn "máu" phượt, nên sau khi đọc được bài trên diễn đàn Phuot.com, Huyền đã đăng ký tham gia. Huyền cho biết lúc đó, cô đồng ý tham gia vì "phải công nhận cung đường của ông ấy vạch ra đáng đi lắm và dành cho mấy người ham khám phá, ham chạy offroad (tức là chạy những loại đường xấu, không bằng phẳng, ghồ ghề, sình lầy - PV), hơi hành xác nhưng trải nghiệm lạ. Cảm giác tay lái chinh phục được những cung đường khó đi hiểm trở như vậy thì đương nhiên rất đã".

Để bảo vệ mình, các phượt thủ hãy là một người phượt thông minh.

Cung đầu tiên mọi người đi với nhau là Sài Khao - Mường Lát, dọc con sông Mã huyền thoại. Chuyến đi này theo lời Huyền kể thì thành công và sau đó, tình cảm anh em, bạn bè trở nên thân thiết. Sau khi tính toán và trừ đi các khoản chi tiêu, chuyến đi ấy dư 1,2 triệu do leader này giữ và đến nay chưa có hoạt động nào để dùng nốt hoặc trả lại số tiền ấy cả.

Tuy nhiên, vì vui nên lúc đó chẳng ai nghi ngờ gì cả, cũng có một vài khúc mắc nhỏ nảy sinh thì lúc ấy đáng gì đâu, cho qua hết.

Chơi với nhau được một thời gian thì đến khoảng tháng 3 năm nay, group Việt Phượt rục rịch làm buổi ra mắt và tổ chức offline. Để tham gia, mỗi thành viên đóng 300.000 đồng làm sự kiện, cộng với tiền in áo là 150.000 đồng/người. Cũng từ đây, mọi người mới phát hiện sự nhập nhèm, không rõ ràng trong việc thu quỹ và in áo.

Cộng với việc, Phượt Đê tổ chức thêm mấy cung mà anh em tham gia đều phàn nàn nên mọi người bắt đầu dè chừng và lật lại các vấn đề cũ. "Lúc này, các thành viên mới thấy bộ mặt có vẻ không chơi được của leader Phượt Đê nên đồng loạt bỏ group. Vì thế, vụ ra mắt bất thành. Phượt Đê đóng cửa group, đồng thời "xù" cả tiền áo, tiền tham gia sự kiện luôn", Huyen Reu kể.

Số tiền mà Huyền "tố" thánh phượt Phượt Đê quỵt của mình là 900.000 đồng. Với nhiều người và với cả chính bản thân Huyền, số tiền cũng không phải là quá to tát. Tuy nhiên, đâu chỉ có một Huyen Reu? Và không chỉ có vụ lùm xùm liên quan tới việc đóng offline và in đồng phục này, Phượt Đê còn bị tố liên quan tới việc nhập nhèm chuyện tiền nong.

Chân dung leader Phượt Đê, người bị các thành viên tố "quỵt" tiền.

Đó là tiền đi các cung còn thừa, tiền mọi người đóng vào để đi mà vì nhiều lí do nên hủy cũng chưa thấy trả lại. Thậm chí, tiền người ta nhờ mua xe mà mãi chẳng thấy xe đâu. Theo những phượt thủ này kể, những người bị "chậm tiền" mà không biết ngày nào được trả lên đến con số vài chục triệu đồng. Lẽ dĩ nhiên, vì ngại nên nhiều người đành ngậm bồ hòn. Cho tới khi Huyền công khai đòi tiền thì cộng đồng phượt mới được một phen giãi bày.

Thế là bao nhiêu uất ức, đúng kiểu "con giun xéo lắm cũng quằn", các bạn thi nhau vào bóc trần bộ mặt thật của leader Phượt Đê. Bạn Lê Thu Quỳnh tự nhận mình may mắn hơn: "Dính rồi,  đi Tây Côn Lĩnh đó. Chị chờ cả nửa tháng mới lấy đc xiền đoá, may chưa Huyen Reu?". Bạn có facebook tên là Ben Khoa: "Tôi có 20 nạn nhân chờ anh lên tiếng đây"...

Facebooker Thanh Nguyen viết: "Đã trả đâu ạ! 3 triệu của em ạ! Em vẫn liên lạc được với anh Phượt Đê và anh ấy lại khất hẹn nhưng vẫn chưa thấy tăm hơi mặt mũi anh ấy đâu ạ! Em vẫn đang chờ tiền của em ạ!".

"900 ngàn đồng không thiếu nhưng không biếu cho những người nhập nhèm"

Đó là lời của facebooker Nguyễn Minh Kế để lại trong một cơn mưa "bình luận" sau khi status của Huyen Reu đăng tải. Cũng nhiều facebooker, đồng thời là dân phượt cũng đồng tình với Kế. Ngoài việc có rất nhiều người ủng hộ việc công khai của Huyen Reu, cũng có rất nhiều lời bình luận tỏ ý nghi ngờ: "Lớn rồi phải đi làm đi ăn, chứ đi phượt hoài, suốt ngày, phải nghi vấn chứ. Chẳng lẽ bố mẹ chu cấp?", "Có khi nào ổng lợi dụng đam mê của mọi người để cá kiếm hơm?"...

Từ số điện thoại và thông tin mà các phượt thủ cung cấp, tôi liên lạc với facebooker Phượt Đê nhưng điện thoại ở tình trạng thuê bao tạm thời không liên lạc được. Trong khi đó, các cung phượt do facebooker này lập ra liên tục, mới đây nhất là cung "Tây Côn Lĩnh ngày trở lại" sẽ được tổ chức đi từ 26/6-29/6/2014 tới đây, được thông báo trên group "Con đường Việt". Điện thoại ò í e nhưng dường như facebook này vẫn cập nhật internet thường xuyên vì khi tôi click chuột xin gia nhập vào group trên thì chừng 10 phút sau, facebook Đồng Hành (tên một facebook khác của vị leader này) đồng ý cho tôi tham gia group.

Vậy, thực hư câu chuyện này như thế nào? Và đây không phải là lần đầu tiên, cộng đồng những người du lịch bụi vướng phải những "scandal" không đáng có như thế này. Thậm chí, để cảnh báo những bạn trẻ mê phượt về những leader, group phượt "hành xử thiếu văn hóa phượt", nhiều group, nhiều topic trên các diễn đàn ra đời. Trong đó đáng kể nhất là “black list” (dịch là “danh sách đen”) "Cảnh báo những thành viên không minh bạch về tài chính, những địa điểm đen cần tránh" trên mạng lưới ttvnonl.com nổi tiếng.

Vụ việc rồi sẽ đi đến đâu, status của Huyen Reu sẽ kéo theo thêm bao nhiêu lượt người vào bình luận nữa, bao nhiêu người tự nhận mình là nạn nhân nữa và Phượt Đê có theo dõi và biết những điều mà các thành viên của phuot.com đang bàn luận về mình hay đang lang thang ở góc trời nào đó - có trời có đất biết được. Thế nhưng, qua câu chuyện này, việc chúng ta cần xem lại một số vấn đề được xem làm "con sâu" trong làng phượt hiện nay - nên chăng là một điều cần thiết. Vì phượt đang là trào lưu của giới trẻ. Việc tìm xế, tìm ôm, tự tổ chức cung đường đi là liên tục. Ở đây, phóng viên không nói về "mốt" phượt này như thế nào cũng không nói về những leader đúng nghĩa. Điều tôi muốn nói, đó chính là lợi dụng nhu cầu của những người "máu" phượt mà một số người tự nhận là leader để rồi từ mong ước chạm những chân trời mới lạ của những người ưa khám phá, tìm hiểu, thì nay, trở thành lí do để một số con sâu nhảy vào kiếm chác. Trả lại môi trường trong sáng, lành mạnh cho cộng đồng phượt, đó là nguyện vọng khẩn thiết của các phượt thủ thông qua vụ lùm xùm giữa Huyen Reu và Phượt Đê. Và trước khi vụ việc đến "tai" các cơ quan chức năng, thì những người mê phượt hãy là một người phượt thông minh và biết cách bảo vệ mình.

Chân dung leader Phượt Đê, người bị các thành viên tố "quỵt" tiền.

Facebooker Độc hành, cũng là một người thích đi phượt chia sẻ: "Tớ cũng hay đi, nhưng mấy tháng mới đi một chuyến, và không bao giờ tham gia các tour do mấy bác suốt ngày tổ chức, chưa đi xong chuyến này đã lập cung tour khác. Bọn tớ đi là anh em quen với nhau từ trước, góp tiền đi chung, thủ quỹ luôn là người khác, tớ chẳng bao giờ giữ tiền. Nói thẳng thế cho nó dễ sống. Còn mấy bác suốt ngày lập cung, mỗi tuần đến 2 - 3 chuyến thì kiểu gì cũng kiếm chác trong tiền anh em đóng góp. Ngoài ra, group bọn mình luôn để tình trạng bí mật, vì chỉ có mấy chục con người trong đó đi với nhau, một năm chỉ đi vào các dịp lễ lớn, được nghỉ lâu lâu mới đi. Kinh nghiệm để các bạn nhận dạng loại Lead tổ chức tour nhằm kiếm tiền của anh em như sau: 1, Mỗi tour họ lập một Group trên facebook. 2, Đi quảng cáo spam tuyển khắp các nơi, mục đích là tìm gà mới. 3, Lead luôn tự giữ tiền, thu chi một bữa bao nhiêu chẳng bao giờ công khai".

Đậu Dung
.
.
.