Ngôi mộ tập thể chôn cất 103 nghĩa sỹ Cần Vương:

Những bí mật lịch sử dần hé lộ dưới lòng đất Hạ Hòa

Thứ Ba, 25/11/2014, 09:00

Hơn 20 năm qua, ông Bùi Kim Duyệt, hậu duệ của cụ Bùi Hữu Khanh (tức Lãnh Khanh) - người dưới trướng lãnh tụ phong trào Cần Vương đất Bắc Ngô Quang Bích - đã gõ cửa không biết bao nhiêu đơn vị chỉ để đòi lại công bằng và sự sòng phẳng thuộc về giá trị lịch sử của Nghĩa Trủng Xuân Áng (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ). Đây là nơi quy tập mộ của 103 nghĩa sỹ đã tử trận ở mặt trận phía Bắc Tiên Động trong suốt 3 năm trời và nói như GS Sử học Lê Văn Lan, đây có lẽ là "di tích cực kỳ quý hiếm còn sót lại đến nay của phong trào Cần Vương tiêu biểu cho cả nước mà cần được quan tâm". Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ngôi mộ tập thể này vẫn bơ vơ và chưa được nhìn nhận thấu đáo.

M cũng bơ vơ như người

Về Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, hỏi ông Bùi Kim Duyệt, hậu duệ của cụ Lãnh Khanh không ai không biết. Ông là người đã viết đơn "xin" các ngành, các cấp xem xét lại ngôi mộ tập thể của 103 nghĩa sỹ Cần Vương, bắt đầu từ năm 1993. Tính đến nay, ông đã lầm lũi làm cái công việc mà với nhiều người là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" đó hơn 20 năm.

Ông bảo nếu ông không làm việc này, sẽ chẳng có ai làm cả và như thế, thì có lỗi với những bậc tiền nhân lắm. Đó là những con người, dưới trướng của ngọn cờ hồng (ý chỉ phong trào Cần Vương), đã đứng lên thề giành độc lập tự do và rồi trở thành những linh hồn phiêu dạt thác nơi quê người. Cụ Lãnh Khanh đã đứng lên cùng với các nghĩa sỹ họ Lê, họ Hà, họ Ngô, họ Nguyễn, họ Bùi Xuân quy tập xác của những nghĩa sỹ này ròng rã 3 năm trời thành nghĩa trủng chung, để rồi chính cụ có một thời kỳ dài bị hiểu nhầm thành "giặc cỏ". "Ngoài mong muốn di tích này được công nhận về mặt lịch sử, tôi cũng mong rửa sạch nỗi oan cho cụ nhà tôi (tức cụ Lãnh Khanh - PV)", ông Duyệt nói.

Khu tưởng niệm những anh hùng áo vải ở thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tuy nhiên, đến nay, không biết qua bao nhiêu đời chủ tịch xã, chủ tịch huyện, thậm chí cũng đã có cuộc hội thảo về vấn đề này vào năm 2012, do Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức, khẳng định chuyện ngôi mộ này là có thật - Nghĩa Trủng Xuân Áng vẫn bơ vơ và lưu lạc như chính số phận những nghĩa sỹ đã ngã xuống. Ông Duyệt, người bỏ bao nhiêu tâm sức, tiền bạc hơn 20 năm qua buồn bã kể lại, "thậm chí, có thời kỳ, khu mộ chung này còn bị san ủi để làm trại lợn".

Đó là thời gian từ năm 1960 tới năm 1964, hưởng ứng phong trào hợp tác hóa, thực hiện dồn điền đổi thửa, chính quyền địa phương đã cho san phẳng để làm trại chăn nuôi. Song theo lời của nhiều bô lão làng Xuân Áng kể lại, lúc đó chẳng biết có phải vì ngôi mộ linh thiêng không mà việc chăn nuôi thất bát, không ai dám trồng cấy, xây dựng hoặc làm việc gì. Bởi làm cái gì cũng hỏng. Hoa màu còi cọc, không lớn được. Lợn nuôi không mang lại giá trị kinh tế. Vài lần, sét cứ trại lợn mà đánh. Thành ra, trại lợn bị dẹp và khu này lại biến thành bãi trồng hoa màu rồi đất hoang, bọn trẻ con đến chơi đá bóng.

Hiện tại, khu Nghĩa Trủng được xây dựng khá khang trang nhưng đó chỉ là nơi tưởng niệm, hương khói của gia tộc họ Bùi vào chiều 23 tháng Chạp hằng năm, còn khu mộ tập thể, cách đó 50 mét, hiện tại là một bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm. Chưa có đoàn nào, đơn vị nào về và bắt tay vào việc khai quật để tìm hiểu và làm rõ. 50 mét, là con số mà nhiều tài liệu lịch sử để lại. Lịch sử vẫn còn nằm lại dưới lòng đất Hạ Hòa.

Nhng căn c hé m

Nhưng nói thế, không có nghĩa đây là một khu mộ "khống" do họ Bùi dựng nên. Bởi câu chuyện cụ Lãnh Khanh cùng với các nghĩa sỹ khác đi nhặt xác của 103 nghĩa sỹ Cần Vương rồi về chôn chung tại Nghĩa Trủng Xuân Áng cả huyện Hạ Hòa ai cũng biết. Thậm chí năm 1960, khi khu đất này bị san ủi để làm trại lợn, nhiều người lúc đó là thanh niên, bây giờ đã là những ông lão bà lão xác nhận có xương đựng trong các tiểu gỗ, sành ở đó. Cụ Thụ, một người dân sống tại Xuân Áng, trước đây là cán bộ và cũng là người tham gia đợt cào bằng này là một trong số đó.

Bia tưởng niệm tạc lại bút tích của GS Sử học Lê Văn Lan.

Ngoài ra, hoạt động chống Pháp của cụ Lãnh Khanh và câu chuyện Nghĩa Trủng cũng đã được ghi nhận trong các cuốn sách của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú (nay được tách thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ). Đó là cuốn "Những vấn đề lịch sử tỉnh Vĩnh Phú", "Lịch sử tỉnh Vĩnh Phú" của 2 tác giả  là Lê Tượng và Vũ Kim Biên, xuất bản năm 1975 và năm 1980. Các tác giả viết: "Việc cụ Lãnh Khanh tham gia phong trào kháng Pháp là có thật. Song sự hy sinh của cụ năm 1890 là lúc đó phong trào kháng chiến còn mạnh. Vì vậy, sự hy sinh của cụ Khanh, sử sách chưa đủ tài liệu để xác minh, chỉ mới dựa một phần tư liệu của gia tộc họ Bùi và trong dân gian. Riêng, sự nhầm lẫn trong nhân dân đối với những sỹ phu và các thổ hào tham gia kháng chiến chống Pháp lần thứ nhất thường được gọi là "giặc" thì đây là hiện tượng phổ biến, không phải chỉ với cụ Lãnh Khanh. Lý do đơn giản là do kẻ địch xuyên tạc để dễ bề cô lập, đàn áp phong trào".   

Những dòng mà GS Sử học Lê Văn Lan thảo ra được gia đình họ Bùi Hữu tạc trên bia tưởng niệm cũng góp phần xác nhận điều đó. Nguyên văn như sau: "Năm 1887, Lãnh Khanh cùng các ông Ngô Văn Thân (tức Hiệp Thân), Ngô Văn Thọ (tức Đốc Ngọ) và các họ Bùi, Ngô Nguyễn, Hà, Lê đã quy tập các nghĩa sỹ Cần Vương, đứng đầu là thần chủ là Đội Trụ (tức Nguyễn Văn Trụ, quê ở Xuân Lũng, huyện Lâm Thao) và Cai Mười cùng 103 nghĩa sỹ đã bỏ mình vì nước, được gọi là "Nghĩa Trủng". 

Những dòng này được GS Lê Văn Lan thảo ra sau một chuyến đi cùng đoàn làm phim VTV1 lên Hạ Hòa làm phim "Danh nhân đất Việt". Trong quá trình làm phim, GS đã vô tình gặp được cụ Bùi Kim Duyệt và những bí mật lịch sử dưới lòng đất Hạ Hòa bắt đầu được hé mở. "Được các cụ ở địa phương cung cấp tài liệu, người thực, cảnh thực, chúng tôi thấy có thêm một tư liệu đáng quý về phong trào Cần Vương trên đất Phú Thọ", GS viết lại trong bài viết có tên "Lãnh Khanh, vị tướng Cần Vương của khởi nghĩa Tiên Động do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo".

"Ngày 15/1 năm Canh Dần, Pháp bắt được cụ Lãnh Khanh cùng một số nghĩa binh. Chúng dụ dỗ, tra tấn, nhưng không khuất phục được cụ nên ngày 7-2 cùng năm đó, chúng mang chém cụ tại Gành Cây Dâu của Ngòi Lao, rồi thuê người có tên là Vương Văn Áng vứt xác xuống sông Thao. Tuy nhiên, ông này không đi vứt mà lại lén đi chôn ở bãi cát rồi cắm cây dâu vào làm dấu, sau đó liên lạc với gia đình và dân làng. Đồng thời với cái chết của cụ Lãnh Khanh, gia đình cụ cũng bị dồn tới con đường cùng. Bơ vơ, tan đàn xẻ nghé, nhà cửa bị phá hoại, phải trốn chạy tha phương cầu thực khắp nơi. May có một người chú tên là Bùi Hữu Thịnh cứu sống được chị dâu và đứa cháu trai", ông Duyệt kể lại thời loạn ly của gia tộc mình.

Cụ Bùi Kim Duyệt đang tìm lại những tài liệu lịch sử về khu Nghĩa Trủng.

Việc khảo cứu, điều tra và xem xét để trả lại giá trị lịch sử cho ngôi mộ tập thể này thiết nghĩ là việc cần làm sớm. Đó là một việc làm có ý nghĩa, không chỉ ghi nhận công lao của các nghĩa sỹ Cần Vương trong cuộc kháng Pháp lần đầu tiên của dân tộc, qua đó cổ vũ lòng yêu nước mà còn là cách để mở lại một lịch sử đã ngủ quên dưới lòng đất. Lịch sử ấy, không chỉ có máu, nước mắt, không chỉ có vinh quang và tự hào. Lịch sử ấy, không chỉ là câu chuyện số phận của đất nước, mà còn là số phận của một gia đình, một dòng họ. Một lịch sử đầy thân phận!

- "Nghĩa trủng" là từ Hán Việt, tương đương từ "nghĩa trang" hiện nay. "Trủng" là mồ mả. Ngoài nghĩa là cái mộ xây cao lớn, chỗ đất cao để tế tự, còn có nghĩa là chính, lớn. "Nghĩa trủng" là nơi chôn cất những người làm việc nghĩa. Theo ông Bùi Kim Duyệt, thực chất tên đầy đủ là "Nghĩa trủng gia", trong đó, "nghĩa" là nghĩa quân và "nghĩa trủng" hiểu đơn giản chính là nghĩa trang tập thể. Còn theo  ông Ngô Quang Nam, hậu duệ của tướng Ngô Quang Bích lại cho rằng: "Nghĩa Trủng là cách gọi theo lối chữ Nôm. Chữ Trủng được hình thành bởi hai chữ "Thổ" và "Gia" có nghĩa: "Anh em một nhà nằm cùng trên một miếng đất". Nghĩa Trủng là nơi an nghỉ cho những người có công với đất nước, còn người dân bình thường khi chết thường được chôn tại nghĩa địa hay tha ma".

- "Việc tu bổ, tôn tạo nếu chỉ để một chi họ Bùi ở làng Xuân Áng lo chịu là chưa đủ. Trước hết cần xếp hạng di tích. Có lẽ, đây là di tích cực kỳ quý hiếm còn sót lại đến nay của phong trào Cần Vương tiêu biểu cho cả nước cần quan tâm chứ chẳng của riêng họ Bùi làng Xuân Áng và càng sớm cần được bảo vệ, phát huy giá trị của di tích, giáo dục truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc. Thiết tưởng, quy mô di tích này cần được cấp tỉnh và quốc gia quan tâm vào cuộc, xây dựng cho đúng tầm của một di tích đặc biệt quý hiếm này".

(GS Sử học Lê Văn Lan)

Đậu Dung
.
.
.