Chào mừng ngày nhà giáo việt nam 20-11

Những bó hoa dại ấm lòng thầy cô

Thứ Tư, 18/11/2015, 12:00
Nhiều năm qua, có những lớp học chỉ có 2, 3 học sinh nhưng các cô giáo ở đây vẫn kiên trì đứng lớp. Nếu không có lòng yêu nghề, lo cho tương lai của những đứa trẻ nơi đây chắc hẳn họ không thể làm được điều ấy. 

"Các em có thể đội mưa, vượt suối, vượt rừng để đến trường thì tại sao mình không thể đi dạy? Mình chỉ thiếu thốn về điều kiện công tác, trong khi học sinh nơi đây cái gì cũng thiếu. Nếu bỏ nhiệm vụ, thì điều tối thiểu nhất là được đến trường của học sinh vùng sâu có lẽ cũng không còn, thế nên chẳng ai nỡ…"- Cô Lã Thị Uyển (47 tuổi) giáo viên dạy điểm lẻ Trường Tiểu học Dương Hưu (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) tâm sự.

Tình trò níu giữ chân cô

5h sáng, cơn mưa đầu đông vẫn tầm tã. Cái lạnh ở vùng núi kèm theo mưa càng thêm buốt giá. Nhìn đồng hồ, cô Uyển vội vàng khoác áo mưa, dắt xe máy ra cổng rồi vội vã phóng đi. Con đường từ nhà cô đến trường khoảng 20 km đường núi. Phải vượt qua cả chục con dốc, quanh co không một bóng người. Cô bảo: "Tôi đi con đường này cả chục năm rồi, cũng thành quen. Trường Tiểu học Dương Hưu còn có 6 điểm trường lẻ nằm rải rác khắp các bản. Điểm xa nhất cách trung tâm gần 20km. Giáo viên ở đây ai cũng vậy đâu chỉ riêng tôi."

Cô Uyển hướng dẫn học sinh học bài.

Đã từng có khoảng thời gian dài, nhiều người nghĩ rằng, cuộc sống của đồng bào nơi đây sẽ mãi "tù mù" theo cả hai nghĩa: Không có ánh điện và không có tri thức. Thế nhưng, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, người ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi dù khó khăn trăm bề nhưng "xứ mù" ấy bỗng sáng lên bởi ý chí vươn lên và sự hiếu học của các em học sinh.

Hiện thôn Mục chỉ với hơn 30 nóc nhà nhưng cũng có đến hàng chục người đã tốt nghiệp và đang theo học tại các trường danh tiếng trên cả nước. Để có được niềm tự hào đó, bên cạnh sự cố gắng của các em học sinh, còn có sự hi sinh thầm lặng của những giáo viên như cô Uyển.

Những ngày mưa, sân trường nhão nhoét bùn đất. Từ cổng vào, cả cô và trò đều phải xắn quần, xách dép lội bùn để vào lớp. Trường có đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 5. Nhưng mỗi lớp chỉ có khoảng 7 học sinh, lớp nhiều nhất là 10 học sinh.

Hơn 10 năm, cô Uyển đi sớm về khuya gắn bó với vùng đất khó khăn này. Ngày mới ra trường, cô cũng được phân công về dạy ở một số trường trung tâm, trường điểm. Sau một thời gian, cô được luân chuyển về dạy ở các điểm trường lẻ ở huyện. Ngày đầu nhìn con đường dẫn đến bản, nhìn lớp chỉ có dăm ba học sinh, cô buồn bã không muốn đứng lớp. Nhưng sau nhiều năm gắn bó với bản nghèo, cô lại không thể rời bỏ được nơi đây. Chính vì thế, dù đã hết "nhiệm kỳ" nhưng cô vẫn xin ở lại để dạy trò nghèo. Với cô, chính sự nghèo khó, sự thiệt thòi của học sinh là động lực giúp cô vững tâm gieo chữ.

Cô kể, đường vào bản bây giờ đã dễ đi hơn trước rất nhiều. Những năm chưa làm đường, các thầy cô phải đi ủng, dắt xe hàng giờ đồng hồ để đến trường vì đường lầy lội khó đi. Có hôm trời mưa rét đến cắt da, đường trơn trượt, xe bị hỏng ngang đường, cô chỉ muốn bỏ quay về. Nhưng nghĩ đến học sinh đang chờ, cô lại kiên nhẫn bấm từng ngón chân bám đường để đến lớp dạy.

Những ngày đầu, đường sá khó khăn nên cô phải ở lại trường. Thứ sáu cô về với gia đình, chiều chủ nhật, cô lại một mình lên bản dạy chữ. Dù thời tiết xấu đến đâu cô cũng đều cố gắng lên bản. Có lần, đến 6h tối vẫn không thấy cô lên, người dân trong bản rủ nhau xuống núi đón cô.

"Có hôm mưa lớn, tôi lọ mọ đến gần 8h tối mới đến đầu bản. Đến nơi, thấy cả bản từ học sinh đến phụ huynh đứng đốt đuốc đợi, đón tôi. Tôi xúc động lắm, thấy gắn bó với mảnh đất này vô cùng", cô Uyển nói.

Sau này, khi không phải ở lại trường, cứ sáng sớm cô đến lớp, chiều tối lại về cùng gia đình. "Có lần trời mưa to, tôi đến lớp muộn gần 2 giờ đồng hồ, tôi cứ nghĩ các em sẽ bỏ về hết. Vừa lếch thếch chân thấp chân cao đẩy xe đến cổng trường, các em từ trong lớp ùa ra vây xung quanh. Có em xách dép, em xách cặp, có em tíu tít hỏi tôi có bị lạnh không… Chính những tình cảm này đã níu chân tôi hơn 10 năm qua", cô Uyển nói.

Dù trời mưa hay nắng, giáo viên vẫn cố gắng đến lớp.

Lớp cô Uyển chủ nhiệm hiện tại chỉ có 6 học sinh. Niềm vui lớn nhất với người giáo viên này là thấy các em học sinh đến lớp đầy đủ. Cô kể, có năm lớp chỉ có 2 học sinh, có hôm trời mưa to, cả 2 đều nghỉ học. Đến lớp nhìn bàn ghế không ai ngồi, cô buồn muốn khóc. Sau đó, cô quyết định lặn lội đến nhà từng em rồi cõng các em vượt suối đến trường. Thấy cô giáo nhiệt tình, từ hôm sau, dù mưa to thế nào, phụ huynh cũng cố gắng đưa con đến lớp.

Còn với cô giáo Hoàng Thị Huế (26 tuổi) - gắn bó với trường gần 5 năm thì tâm sự: "Hình ảnh đầu tiên trong  ngày đầu tiên tôi dạy ở đây là các em học sinh với những bộ quần áo rách rưới, rất nhiều em chân đất co ro trong cái lạnh thấu xương. Nhìn các em, tôi không cầm được nước mắt. Các em dù đói, rét nhưng lại ngoan ngoãn khoanh tay chào tôi rất lễ phép".

Cô Huế kể, mỗi lần trời mưa, nước lại dâng lên ngập đường, cô phải mò mẫm cõng các em qua suối. Có hôm đưa được 2 em qua suối, mệt quá, cô ngồi nghỉ một lát thì các em học sinh bên kia đứng khóc. Cô vội vàng lội sang thì các em ôm chầm lấy cô giáo nức nở nói: "Cô ơi, cô đừng bỏ lại chúng em nhé. Chúng em muốn đến lớp cùng cô". Nghe thế, nước mắt cô gái trẻ cứ thế chảy ra. Cả cô và trò cùng ôm nhau khóc.

Cô Huế sinh ra và lớn lên ở thị trấn huyện Sơn Động. Đủ thời hạn công tác ở vùng sâu có thể xin về địa điểm trung tâm ở thị trấn để dạy. Nhưng đã gắn bó với nơi này, cô Huế không nỡ rời đi. Cô bảo mỗi lần nhìn những đôi mắt chăm chú, nuốt từng lời giảng; mỗi lần nhìn thấy học trò dù trời lạnh, rét run vẫn chăm chỉ tới trường, cô lại có thêm nghị lực. 

"Khó khăn thế nào, tôi cũng không bao giờ chuyển nghề, dù cơ hội có tốt hơn nữa nhưng tôi sẽ cố gắng để bù đắp phần nào những thiệt thòi cho những học sinh vùng sâu. Bởi các em học sinh còn có thể vượt suối, vượt rừng đến lớp, thì tại sao chỉ vì điều kiện công tác mà mình không thể đi dạy. Tôi sẽ gắn bó lâu dài với nơi này", cô Huế nói.

Ham học là món quà lớn nhất

Ngày nhà giáo, dù chạnh lòng so với các đồng nghiệp thành phố; song với mỗi giáo viên điểm trường lẻ, ai cũng thấy ấm lòng và càng thương học sinh nghèo hơn.

Nói về ngày 20/11, cô Uyển không khỏi xúc động cho hay, vào Ngày Nhà giáo Việt Nam, quà cho giáo viên chỉ là một bông hoa dại, tấm thiệp do học sinh tặng. Với những giáo viên nơi đây, quà gì cũng vui, cũng hạnh phúc.

Lớp của cô Uyển chỉ có 6 học sinh, nhưng hôm nào các em cũng đến lớp đầy đủ.

"Tôi còn nhớ mãi hình ảnh một học trò nghèo, em đi chân đất, quần áo mong manh trong cái rét đứng lấp ló ở cửa lớp không dám vào. Tôi bước ra thì thấy em cầm một bó hoa dại trên tay nói tặng cô. Hỏi chuyện, em lí nhí nói rằng, vì không có tiền mua hoa hồng đẹp tặng cô nhân ngày 20/11 nên đã leo lên núi mất nửa ngày để... hái hoa làm quà. Nghe em nói, tôi phải quay mặt giấu giọt nước mắt vì xúc động. Tôi giữ mãi bó hoa ấy, đến nay chúng chỉ còn là một vài chiếc lá khô", cô Uyển tâm sự.

Kể lại câu chuyện cách đây 3 năm, cô Vy Thị Ngát (49 tuổi) cũng không khỏi xúc động: "Hồi ấy có một học sinh dân tộc Tày tên Vi Văn Tuyên do hoàn cảnh khó khăn nên thường xuyên nghỉ học. Biết hoàn cảnh gia đình em khó khăn, nên tôi thường xuyên tới nhà vận động gia đình và động viên em tới lớp. Điều tôi bất ngờ nhất chính là ngày Nhà giáo Việt Nam năm đó, em mang tới cho tôi một túi to gồm rau ngót rừng, khoai sọ, ngô và nói: "Em cảm ơn cô. Em sẽ không bỏ học nữa. Cô ở đây cùng chúng em mãi nhé".

Với cô Ngát, đó chính là món quà ý nghĩa nhất mà cô từng nhận. Những tình cảm chân thành ấy, không dễ gì ai cũng có được. "Với chúng tôi, mỗi ngày đến trường nhìn thấy các em còn chân đất nhưng ánh mắt luôn hiện lên sự ham học, khát khao học tập là món quà lớn nhất", cô Ngát nói.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Vũ Văn Mười, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Hưu cho hay, theo quy định, các thầy, cô dạy được 5 năm đủ quy định là xin chuyển đi. Địa điểm trường toàn xã có đến 2/3 giáo viên ở thị trấn, dưới xuôi luân chuyển về dạy. Tất cả những giáo viên đã gắn bó với nơi đây đều tâm huyết với nghề.

Những năm gần đây, nhờ có sự cố gắng của các giáo viên, học sinh đến lớp, đến trường đầy đủ hơn. Gần như không có học sinh nào bỏ học và phải đi vận động.

"Ở các khu lẻ, số lớp và số học sinh rất ít. Mỗi lớp đông nhất cũng chỉ 10 học sinh. Có năm mỗi lớp chỉ có 3, 4 học sinh nhưng chúng tôi vẫn cố gắng phân mỗi cô một lớp. Bởi như thế để các cô có thể tập trung dạy cho các em được tốt nhất", ông Mười nói.

Phong Anh - Ong Lý
.
.
.