Những bộ phim “3Đ - đố đỡ được”!

Thứ Hai, 21/11/2011, 18:25

Khán giả Việt Nam có lẽ là những khán giả yêu phim Việt nhất, khi chỉ cần có một bộ phim tạm xem được đã ủng hộ nhiệt tình, như trường hợp “Hotboy nổi loạn” vừa qua là một ví dụ. Thế nên, họ cảm thấy phẫn nộ khi đi xem những bộ phim ngô nghê, xa lạ với hiện thực và ngớ ngẩn trong ngôn ngữ điện ảnh. Điều này, thật đáng tiếc, lại rơi nhiều vào những bộ phim của các đạo diễn từ nước ngoài về, tưởng như một niềm kỳ vọng, chẳng hạn như trường hợp “Cảm hứng hoàn hảo” đang chiếu tại rạp.

Công nghệ làm phim và chiếu bóng đang “nóng” với dòng phim kỹ thuật 3D thì cư dân mạng đặt tên cho những bộ phim ngớ ngẩn này của Việt Nam một cái tên mới, phim “3Đ” – đố đỡ được!

Những bộ phim xa lạ

Trước tiên, xin nhìn lại dòng chảy phim Việt kiều vốn được kỳ vọng từ khi nó bắt đầu manh nha. Đạo diễn Ringo Lê đã dành nhiều tâm huyết của mình cho bộ phim “Sài Gòn tình ca”, với dàn diễn viên được coi là “hot” thời đó, với Ngô Thanh Vân, Yến Vy và Hứa Vĩ Văn. Bộ phim bị ách lại một thời gian dài, vì sự cố phim sex của Yến Vy. Nhưng rồi, sau khi đi vòng quanh nhiều liên hoan phim ở nước ngoài, cuối cùng phim cũng được ra mắt khán giả Việt Nam.

Bộ phim kể về một câu chuyện tình cảm của đôi trai gái những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng câu chuyện cứ vừa kể vừa giật cục, bối cảnh xa lạ, ngôn ngữ và lời thoại của nhân vật cũng xa lạ, như thể ở một nơi nào đó khác. Khán giả xem phim mà không nhận ra được chính mảnh đất mà mình đã và đang sống. Nhiều khán giả lớn lên trong những năm tháng ấy khi xem bộ phim này đều cảm thấy, chính tác giả đang dồn tâm huyết cho một bộ phim có bối cảnh mà anh không hiểu lắm. Những gì anh thể hiện chỉ là cái vỏ bề ngoài chứ không đi được vào bề sâu văn hóa, khiến khán giả rơi từ sự hy vọng thành thất vọng.

Sau bộ phim không gây được tiếng vang ở nơi mà lẽ ra nó phải được nồng nhiệt đón nhận, Ringo Lê dường như lặng lẽ hơn và anh đã không xuất hiện trong vai trò đạo diễn phim nữa. Câu chuyện nghe có vẻ buồn, nhưng đó cũng là một sự thật khắc nghiệt: phim ảnh phải thật hơn đời sống thật, chứ không phải là những gì mô phỏng, bắt chước hiện thực, bởi các nhân vật cần được đạo diễn xây dựng thuyết phục, đặt họ trong một bối cảnh chân thực, để họ được sống thực sự chứ không phải chuẩn bị để sống…

“Sài Gòn nhật thực” cũng là một tâm huyết của đạo diễn Othelo Khanh. Bộ phim quy tụ dàn sao rất “khủng” của phim ảnh Việt Nam, như Như Quỳnh, Trương Ngọc Ánh, Dustin Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn… Phim kể về một nàng Kiều hiện đại, gặp và yêu chàng Kim – một đạo diễn Việt kiều về Việt Nam làm phim. Và cô bị cha dượng gán nợ vì thua bạc! Mẹ cô, bà Tú, luôn niệm Phật tụng kinh, dạy con lễ giáo, nhưng sẵn sàng chấp nhận cho con gái hiến thân cho một lão già để xóa nợ. Một ông già sống giữa Sài Gòn như ông Chen lại dùng súng, giết người rải tro trên sông, không khác gì xã hội đen, nhưng lại không hề bị hình phạt nào của luật pháp. Những cảnh bán thân tràn ngập trong bộ phim này, và khán giả ngán ngẩm vì không hiểu bộ phim được đặt bối cảnh nào, ở xã hội nào. Nó bị nhầm lẫn và xa lạ đến mức quá ngô nghê.

Đó là chưa kể quá nhiều lỗi kỹ thuật, sai logic từ kịch bản cho đến sơ xài trong dàn dựng khiến cho bộ phim trở thành một màn sắp đặt vụng về của đạo diễn. Mặc dù Othello thanh minh mình cóp nhặt từ những câu chuyện có thật từng chứng kiến và dồn tâm huyết rất lớn (thực tế thì anh cũng không quá giàu mà dám dốc hết tiền vào bộ phim mình tâm huyết cũng là một hành động dũng cảm, chỉ thật tiếc là sự dũng cảm đó lại không mang lại hiệu ứng như cần có), nhưng dư luận khoảng tháng 5/2007 phản ứng dữ dội. Vấn đề căn cốt nhất chính là, Othello xây dựng một câu chuyện cho có vẻ ly kỳ hấp dẫn mà bỏ quên một vấn đề là câu chuyện đó diễn ra ở đâu và được xử lý trong không gian và thời gian nào. Yếu tố logic không được đảm bảo, yếu tố hiện thực bị bỏ quên, cách dàn dựng ngô nghê đã biến một khoản tiền lớn thành một sản phẩm tồi. Dù ít khi nói ra, nhưng không ít diễn viên tham gia bộ phim ấy cảm thấy xấu hổ mỗi khi nhắc lại vai diễn của mình…

“14 ngày phép” của Nguyễn Trọng Khoa cũng mắc một lỗi tương tự của “Sài Gòn nhật thực” là xây dựng một hiện thực đen tối nhưng… xa lạ, không đúng với thực tế Việt Nam. Dũng, một kỹ sư công nghệ thông tin ở Mỹ về thăm quê, bị Lâm lôi kéo vào những chốn ăn chơi rồi gặp cô gái bán bia ôm tên Thảo. Tuy làm bia ôm, nhưng Thảo được miêu tả là cô gái cực xinh, trong sáng vô ngần. Thảo ham đọc sách, thích trở thành luật sư, nhưng đạo diễn không nói vì sao cô bị đẩy vào con đường bán bia ôm. Và cô bia ôm này nai tơ đến mức sẵn sàng cho khách dẫn về nhà, vào phòng ngủ uống rượu mà chẳng biết là sẽ bị… “làm thịt”.

Đến khi được Dũng cứu khỏi vòng tay sói độc, cô cũng thốt một câu nhẹ nhàng và ngọt ngào như tính cách của đạo diễn: “Bạn anh là người không tốt”! Còn Dũng thì thấy gái bia ôm nhưng vẫn mê đắm đuối, yêu cuồng điên, không cần biết em là ai… Thảo đưa Dũng về quê Sóc Trăng để giới thiệu cảnh đẹp miền Tây, và từ đoạn này bộ phim bị biến thành… clip quay quảng bá du lịch! Thiếu cao trào, xa thực tế, chi tiết ngớ ngẩn, bộ phim dù được không ít giải thưởng nhưng vẫn bị khán giả trong nước quay lưng. Thực tế này cho thấy, dù được đánh bóng bằng đủ mỹ từ, được mạ kền bằng đủ thứ vương miện và giải thưởng, thì tác phẩm điện ảnh vẫn phải chịu một sự “kiểm định” khắt khe nhất từ khán giả. Khán giả sẽ chỉ chấp nhận những bộ phim hay, hấp dẫn và các nhà làm phim tỏ ra hiểu khán giả của mình muốn gì và cố gắng tôn trọng họ. Khán giả bây giờ đã không còn là những chú nai tơ để bị đạo diễn dắt đi chơi như trước nữa…

Mới đây, một bộ phim ra rạp lặng lẽ và cũng kết thúc lặng lẽ là “Giữa hai thế giới”, với dàn diễn viên được kỳ vọng như Dustin Nguyễn, Đinh Ngọc Diệp. Nhưng sự phi lý và cách dàn dựng sơ sài khiến phim rơi vào tình trạng “nhát ma” khán giả. Bộ phim kinh dị tâm linh nhưng khán giả xem chỉ thấy bật cười. Có lẽ chính tác giả kịch bản cũng cảm thấy ngỡ ngàng khi xem lại bộ phim do mình viết ra, bởi dường như đạo diễn đã cố tình không đi theo tinh thần mà kịch bản muốn truyền tải, mà sa đà vào một câu chuyện phi logic, được lý giải vội vã…

Phim “14 ngày phép”.

“Cảm hứng hoàn hảo” – vô lý toàn tập!

Bộ phim của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Lê Dũng mang tên khá hấp dẫn “Cảm hứng hoàn hảo”. Được biết, ngày đầu casting phim, diễn viên đến tham dự rất rầm rộ. Nhưng những diễn viên được mời sau đó (như trường hợp ca sỹ Nguyễn Hồng Ân) đã lần lượt tìm cách từ chối. Bởi vì ngay từ đầu, những người tinh ý đã nhận ra đây là một kịch bản khiên cưỡng và “có vấn đề về quan điểm”. Và rất mất công, nhà sản xuất cũng như đơn vị phát hành mới nhận được sự chấp thuận của hội đồng duyệt phim quốc gia (giấy phép phát hành chỉ có trước ngày công chiếu một ngày, đó là lý do bộ phim được PR khởi chiếu cùng đợt với “Hotboy nổi loạn” của Vũ Ngọc Đãng nhưng đã phải dời lại gần một tháng).

Thông thường, như một thứ luật bất thành văn, phóng viên mảng văn nghệ được mời đi xem công chiếu phim sẽ viết bài giới thiệu phim mới nếu phim tốt, hoặc sẽ… im lặng ít nhất 2 tuần (nếu phim không hay) để giúp phim phát hành tốt hơn. Nhưng dường như làn sóng phẫn nộ đã không thể kìm lại, rất nhiều báo ngày hôm sau đã có bài chê trách bộ phim mà đạo diễn mang tới 80% kinh phí từ nước ngoài về Việt Nam thực hiện một mơ ước là làm ra một “tác phẩm hoàn hảo”.

Và trên thực tế, bộ phim chỉ được phát hành ở những rạp nhỏ tại TP Hồ Chí Minh như Thăng Long, Đống Đa, Toàn Thắng… Xuất chiếu 19h10 ngày 8/11 tại rạp Thăng Long (có số lượng trên dưới 1.000 chỗ ngồi) chỉ có hơn 10 khán giả. Dù chỉ có hơn 10 khán giả, nhưng những đợt vỗ tay và những tràng cười thi thoảng vẫn rộ lên. Không phải vì phim hấp dẫn, thú vị, mà vì quá ngô nghê, khiên cưỡng, phi lý, phản khoa học.

“Cảm hứng hoàn hảo” bắt đầu bằng cảnh họa sỹ Hải cùng vợ bơi và tình tứ trong một căn hộ sang trọng như resort, bỗng Hải giận dữ lao lên giật bỏ váy đầm và vương miện cô dâu của cậu con trai bé xíu đóng giả làm cô dâu chú rể. Sau đó là cảnh khai trương triển lãm tranh, rồi Hải gào thét, bất an khi nhận được bức tranh khỏa thân vẽ 3 chị gái ruột của mình, bức vẽ giúp anh giành loại ưu trong lễ tốt nghiệp trường Mỹ thuật.

Khi vợ anh giận dữ vì anh bị bức tranh ám ảnh quá mức, muốn vứt bức tranh, thì Hải phải kể lại quá khứ của mình. Hải là người đồng tính, mê và bị Phong, một gã trai đểu giả lừa tiền. Các chị gái của Hải, vốn là ba cô gái sàn tuổi nhau, và là người chăm sóc cho Hải từ bé sau khi bố mẹ mất vì tai nạn xe hơi, đã bất ngờ phát hiện ra em trai mình không bình thường. Nếu theo logic thông thường của đời sống hiện đại, người thân thường đi từ bất ngờ, đau đớn cho đến hoặc là chối bỏ hoặc là chấp nhận sự thật về việc người nhà là người đồng tính. Nhưng đạo diễn lại coi đồng tính là một căn bệnh và hoàn toàn có thể… chữa được, bằng việc đẩy một cô gái (không biết là gái điếm hay… gái nhà lành) đến quyến rũ Hải, khiến Hải sợ hãi bỏ chạy đến mức làm cô gái kia ngã lăn trên cầu thang, băng bó đầy mình. Và đó là… kế hoạch của ba cô chị gái lạ đời.

Sau khi chiến dịch nhờ người lạ không thành, ba cô chị gái thích chơi trò… loạn luân tìm cách ăn mặc hớ hênh, mở phòng tắm và nude trước mặt em trai để… kích thích bản năng đàn ông trong cậu em đồng tính. Một khán giả bình luận trên mạng: “Dân gay mà nhìn thấy phụ nữ khiêu gợi là muốn ói, chứ sao mà tự dưng thúc đẩy bản năng đàn ông? Chưa kể, lại là các bà chị ruột nữa. Nếu là gay thực sự, thì họ sẽ rất thân thiết với các chị gái của mình, chứ không bao giờ có chuyện bỗng dưng đam mê xác thịt. Vừa loạn luân vừa phi lý”.

Xem “Cảm hứng hoàn hảo”, cảm giác như không phải là bối cảnh cuộc sống ở Việt Nam mà là nơi nào đó xa lạ, các nhân vật ăn nói cũng như hành xử cũng khác thường như một phim… giả tưởng, kịch bản nhiều chi tiết thừa và nhiều chi tiết phi lý đến ngớ ngẩn…

Nếu bạn đã đọc những cuốn tiểu thuyết diễm tình in chữ thật to, giấy thật đen và bìa “chim hoa cá gái” được bán từng cặp ở các quầy sách, thì “Cảm hứng hoàn hảo” chính là cuốn tiểu thuyết ấy bằng hình ảnh. Bởi nó đầy rẫy sự tưởng tượng đến hoang tưởng, đầy rẫy những mâu thuẫn không được giải quyết bằng hành động mà chỉ đơn giản là được khỏa lấp bằng một câu nói bâng quơ và quá nhiều sự tình cờ đến nực cười. Chính vì thế, khán giả đang bàn tán trên các trang mạng cá nhân của mình rằng, đây là bộ phim 3Đ – “Đố Đỡ Được” về độ ngớ ngẩn và phi lý!

Điều đáng nói là, không phải bộ phim nào dở cũng có khả năng kiếm doanh thu 42 tỷ như phim “Long ruồi”. Thế nên, “Cảm hứng hoàn hảo” có lẽ là một bộ phim nên xem của các đạo diễn, để biết công thức làm ra một bộ phim dở thì cần những gì!

Phạm Tất Nhiên
.
.
.