Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Tây Hồ:

Những bông hoa lửa

Thứ Năm, 09/07/2020, 09:40
"Nhất thủy, nhì hỏa". Nguồn lợi mà nước và lửa đưa lại là vô cùng lớn nhưng tai họa mà nước và lửa gây ra cũng vô cùng kinh hoàng, và ở đâu còn tiềm ẩn những rủi ro mất an ninh, an toàn về cháy, nổ, tai nạn, lũ lụt… ở đó luôn có mặt những người lính PCCC - CNCH.


Sáng 30/6 tại trụ sở làm việc của Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PCCC- CNCH) Công an quận Tây Hồ vắng hơn hẳn mọi ngày, vì gần như toàn bộ quân số ở đây đã được chi viện cho vụ hoả hoạn xảy ra vào khoảng 7h15’ tại kho hàng ở Đức Giang, gần khu dân cư và các kho hàng hóa, xăng dầu thuộc phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội.

Giữa những ngày đỉnh điểm nắng nóng, liên tục các vụ cháy lớn xảy ra trên khắp địa bàn cả nước, nhất là dải đất miền Trung nắng và gió Lào, vụ cháy rừng ngập trong "bão lửa" ở Nghệ An và Hà Tĩnh thiêu những cánh rừng thông trước đó còn xanh mướt vào ngày cuối tháng 6 này được những thước phim ghi lại thật kinh hoàng. 

Tại những thành phố lớn, nắng nóng dữ dội hoành hành, con người và cây cỏ cũng cảm giác như khô kiệt và rất dễ xảy ra cháy nổ. Chỉ cần một tàn thuốc lá, một ổ điện chập chờn, một thiết bị điện gặp sự cố … tất cả những gì tưởng như vô tình đấy cũng có nguy cơ biến thành hoả hoạn.

Trong vòng tay các chú, con đã được bình yên.

Hơn 30 năm công tác trong lực lượng phòng cháy chữa cháy, trải qua nhiều cương vị và đơn vị khác nhau, thượng tá Nguyễn Xuân Tuấn, hiện là Phó trưởng Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã có biết bao kỉ niệm gắn bó với nghề. 

Từ khi còn là một chiến sĩ trẻ đầy nhiệt huyết lúc mới ra trường cho đến những năm tháng sau này được tôi luyện, trưởng thành, từng vụ cháy trên địa bàn thủ đô anh đều nhớ tường tận vì anh luôn là người "trong cuộc" trực tiếp xông pha trong biển lửa, nhưng ám ảnh anh nhất vẫn là vụ cháy chợ Đồng Xuân vào năm 1994 thế kỷ trước. 

Ngày đó Hà Nội chưa có siêu thị hay nhiều toà nhà cao tầng như bây giờ, chợ Đồng Xuân được coi là trung tâm mua sắm lớn nhất của thủ đô, hàng trăm tiểu thương nuôi sống được gia đình nhờ vào khu chợ. Ngoài hàng hoá để lại khu chợ, họ còn có thói quen cất tiền và vàng trong bao nhiêu năm buôn bán tích luỹ, vụ hoả hoạn trong nháy mắt đã cuốn đi tất cả và trả lại cho họ đám tro tàn. 

Lúc đấy anh là lính trẻ của lực lượng phòng cháy chữa cháy, có mặt tại hiện trường, cùng với các đồng đội của mình chứng kiến cảnh đám cháy thiêu rụi khu chợ trong đêm: 

Những khuôn mặt tiểu thương thất thần, ngơ ngác như không tin vào sự thật. Ngoài tàn tích của khói là biển người hỗi loạn. Những tiếng kêu thất thanh vang lên, những tiếng gào khóc ai oán xé trời, những khuôn mặt người già người trẻ, cả đàn ông và đàn bà nhoè nhoẹt nước mắt. 

Cả thập niên sau, nhiều gia đình tiểu thương vẫn còn rơi vào cảnh lao đao, bế tắc nợ nần vì vụ cháy kinh hoàng năm đó. Và anh biết tuy có gian khó đến đâu cũng sẽ gắn bó với nghề và làm cách nào để giảm thiểu nhất cho người dân khi có hoả hoạn xảy ra.

Sau vụ cháy khu chợ lớn nhất Hà Nội, các chợ tạm được dựng lên bằng tre nứa như chợ Phùng Khắc Khoan, dãy ki ốt trên phố Phùng Hưng, Cửa Đông… và thêm một kỷ niệm đẹp nữa mà anh còn nhớ mãi… 

Giáp tết Ất Hợi (1995), các anh được điều động làm nhiệm vụ bảo vệ bắn pháo hoa đêm giao thừa ở khu chợ tạm, có nghĩa là các anh phải đón giao thừa ở… ngoài đường. Rồi đến khi giờ khắc thiêng liêng của năm mới sắp tới, các anh lính cứu hỏa thấy một đoàn người tay xách nách mang tìm đến... Chỉ một loáng sau, bánh, mứt, kẹo, bia, sâm panh của người dân nhà gần đấy đã được mang đến cho những người lính cứu hoả. 


Kim đồng hồ nhích sang 12 giờ, và khi bông pháo hoa đầu tiên tung lên rực rỡ trên bầu trời Hà Nội, thì cũng là lúc những ánh mắt, những nụ cười của người dân và người lính cứu hoả cùng hoà mình trong bầu không khí chung của dân tộc để đón chào năm mới.

Thượng tá Nguyễn Xuân Tuấn bảo: Khi đất nước thanh bình lặng yên không còn tiếng súng, nhưng những người lính cứu hoả vẫn âm thầm làm nhiệm vụ. Vụ cháy cây xăng vào ngày 13-6-2013 tại 2B đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) trong khi lao vào khống chế đám cháy, mặc dù đã được trang bị đầy đủ đồ dùng chuyên dụng nhưng những vỉa dầu, xăng bắn tung toé, khiến cho nhiều chiến sĩ PCCC - CNCH bị bỏng, ngạt khói. 

Một phóng viên đã nhanh tay chụp lại những khoảnh khắc sống động ấy. Và tấm ảnh trong khoảnh khắc giữa biển lửa hiện ra cả ba chiến sĩ mặt mày lấm lem, bê bết khói đen chỉ hở ra đôi mắt sáng. Tấm ảnh đấy được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong một thời gian dài để lại niềm tin yêu sâu sắc trong lòng người dân về những người lĩnh cứu hoả vì nước quên thân vì dân phục vụ. 

Thượng tá Nguyễn Xuân Tuấn phó Trưởng Công an quận Tây Hồ- Hà Nội.

Vụ cháy khu đô thị Xa La, Hà Đông vào tối 11-10-2015 gây ấn tượng mạnh cho những người lính cứu hoả, vì đây là một khu chung cư cao tầng với ba toà nhà nằm liền kề và có mật độ dân cư đông đúc. Lực lượng PCCC - CNCH Hà Nội đã có mặt kịp thời và cứu sống được hàng trăm người dân đang sinh sống trên các tầng. 

Là người trực tiếp tham gia vào chữa cháy, thượng tá Nguyễn Xuân Tuấn nhớ lại: Khi đến hiện trường, các nhóm trinh sát nhanh chóng toả ra các ngả của từng tầng trong toà chung cư, ngoài việc dập đám cháy các anh còn có nhiệm vụ đưa người dân thoát xuống mặt đất an toàn. 

Khi đa phần người dân cùng hợp tác thì có một đôi vợ chồng vừa mới sinh con từ bệnh viện về tới nhà. Nhìn thấy khói lan và tiếng chân người chạy rầm rập ở hành lang, người phụ nữ hoảng loạn ôm con cố thủ trong nhà nhất định không chịu đi. 

Chiến sĩ phải làm công tác tâm lý, vừa nhẹ nhàng khuyên vừa dìu người phụ nữ này ra khỏi toà nhà và một chiến sĩ khác bế em bé khẩn trương ra khỏi hiện trường đám cháy. 

Một phóng viên ảnh đã bắt được khoảnh khắc đẹp như mơ đó khi người chiến sĩ mặt mũi bê bết vì khói đen, còn thiên thần nhỏ nằm cuộn tròn trong cánh tay săn chắc của anh bay ra từ hiện trường vụ cháy, xa xa ánh đèn đường sáng lấp lánh như những vì sao đêm.

Thiếu tá Phạm Thế Vĩnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC- CNCH  Công an quận Tây Hồ nhớ lại: Vào buổi trưa cuối năm 2017, vụ cháy lớn Golden Westlake 151 Thụy Khuê, đây là khu chung cư thuộc địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội. 

Nhận được tin báo cháy, Đội Cảnh sát PCCC- CNCH Công an quận Tây Hồ, cùng lực lượng các đơn vị cảnh sát PCCC - CNCH của các quận lân cận như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy… đến tham gia chữa cháy. Các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy được trang bị bình thở, cứu nạn cứu hộ lên toà nhà. 

Đầu tiên trinh sát hiện trường, tìm điểm cháy ban đầu để có phương án tối ưu nhất, đồng thời sơ cứu người dân và hướng dẫn người dân thoát nạn bằng hành lang thoát nạn không bị nhiễm khói. Ở những tầng trên cao bị nhiễm khói vào thì các chiến sĩ phải hướng dẫn người dân thoát ra bên ngoài bằng giỏ thang cứu hộ áp sát ở bên ngoài lan can. 

Việc thoát nạn qua giỏ thang với những người sợ độ cao thì quả là một nỗi ám ảnh khủng khiếp, nắm được tâm lý của người dân nên một chiến sĩ đứng bên ngoài và trong giỏ thang luôn có 1 chiến sĩ PCCC- CNCH túc trực, ân cần hướng dẫn, đỡ người dân vào trong giỏ. 

Một giỏ thang chỉ vận chuyển tối đa được 4 người. Giỏ thang liên tục hoạt động lần lượt đưa hết những người dân ra khỏi khiện trường vụ cháy. Trong vụ cháy đó, các anh đã cứu được hơn 40 người thoát nạn.

Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC- CNCH  quận Tây Hồ cho biết: "Ngạt khói, một người bình thường chỉ chịu được từ 2-3 phút, sau đó sẽ không thể thở được nữa", nhưng rất may bằng bản lĩnh của người lính vì dân và kinh nghiệm nhiều năm trong công tác PCCC - CNCH, các anh đã tận hiến hết mình, cố gắng không để xẩy ra một sơ suất nào dù nhỏ để giảm thiểu tối đa thiệt hại người và của do các vụ cháy gây ra.

"Nhất thủy, nhì hỏa". Nguồn lợi mà nước và lửa đưa lại là vô cùng lớn nhưng tai họa mà nước và lửa gây ra cũng vô cùng kinh hoàng, và ở đâu còn tiềm ẩn những rủi ro mất an ninh, an toàn về cháy, nổ, tai nạn, lũ lụt… ở đó luôn có mặt những người lính PCCC - CNCH. Các anh mãi mãi là hình tượng đẹp, là những bông hoa lửa cháy mãi trong lòng biết ơn của người dân.

Trần Mỹ Hiền
.
.
.