Những bước chân "tầm nã" không mệt mỏi

Thứ Hai, 30/11/2015, 09:00
Nếu Hà Nội nổi tiếng với lính hình sự số 7 Thiền Quang thì Nam Định nổi tiếng với "địa chỉ đỏ" 54 Quang Trung. Nơi đây được mệnh danh là "Ác mộng của tội phạm" với những chiến công đã đi vào lịch sử của lực lượng Công an Nam Định, trong đó phải kể đến lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm. Dù mới chỉ thành lập chưa lâu, đa phần là cán bộ chiến sĩ trẻ nhưng Phòng Cảnh sát truy nã (PC52) Công an tỉnh Nam Định đã đạt được những thành tích đáng nể.

Đến Phòng PC52 Công an tỉnh Nam Định, nếu không hẹn trước chúng tôi rất khó gặp được các trinh sát kì cựu, bởi phần lớn họ đang theo một chuyên án hoặc đi cơ sở để điều tra, xác minh thông tin một đối tượng bị truy nã. Là người có thâm niên trong nghề truy bắt tội phạm, không vụ án nào không có sự góp mặt của anh, Trung tá Nguyễn Vũ Hải, Đội trưởng Đội truy bắt chia sẻ, đối với lực lượng Cảnh sát truy nã, quan trọng nhất vẫn là công tác vận động đầu thú.

Phải nắm bắt được tâm lý đối tượng, quan tâm, giúp đỡ người thân, gia đình đối tượng, từ đó là làm cơ sở để vận động, thuyết phục đối tượng ra đầu thú, tránh được nguy hiểm cho chính lực lượng vây bắt. Chuyên án vây bắt Đỗ Mạnh Cường (tức Cường "trố"), 32 tuổi, ở thôn Đại Đê, xã Đại An (huyện Vụ Bản, Nam Định), bị truy nã về tội giết người, sau gần 4 tháng lẩn trốn đã chứng minh điều đó. Theo đó, đối tượng Cường "trố" là kẻ chuyên sống bằng nghề gá bạc, cho vay nặng lãi và còn nghiện ma tuý nặng. Tên này có 3 tiền án, trong đó có 2 tiền án về tội cố ý gây thương tích, 1 tiền án về tội cướp tài sản, cùng 2 tiền sự liên quan đến ổ nhóm côn đồ...

Ngày 11-2-2015, anh Trần Văn Sùng, 35 tuổi, trú tại phường Trường Thi, thành phố Nam Định lái xe taxi đến nhà Cường "trố" để chuộc chiếc xe máy Jupiter mà anh Sùng đã cầm cố trước đó. Sau một hồi cự cãi về vấn đề tiền chuộc, giữa hai người đã xảy ra xô xát. Sau khi đấm đá liên tiếp vào người anh Sùng, Cường rút súng bắn anh Sùng tử vong tại chỗ. Gây án xong Cường "trố" bỏ trốn khỏi địa phương.

Các cán bộ Phòng PC52 Công an tỉnh Nam Định họp bàn một chuyên án.

Có một điều đặc biệt là khi Cường "trố" bị truy nã thì bố hắn cũng bị bắt vì hành vi làm con dấu giả, còn em trai bị bắt vì tội cố ý gây thương tích. Để bắt được Cường "trố", các trinh sát đã phải rất vất vả lặn lội trong Nam ngoài Bắc để xác minh thông tin và truy tìm dấu vết, thậm chí 2 lần bắt hụt đối tượng. Do vụ án xảy ra gần Tết âm lịch, gây hoang mang dư luận nên Ban Giám đốc Công an tỉnh Nam Định đã yêu cầu Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an huyện Vụ Bản nhanh chóng xác lập chuyên án để truy bắt.


Đối tượng Cường "trố" bị bắt sau 4 tháng lẩn trốn.

Một bản lý lịch chi tiết về Cường "trố" được dựng lên ngay sau đó để lần tìm các đầu mối. Cường "trố" vốn quê gốc Thanh Hoá, thời kỳ còn đi tù, hắn rất thân thiết với ba người bạn tù, một ở Thanh Hoá, một ở TP Hồ Chí Minh và một ở Đắc Nông. Nắm bắt được thông tin này, một tổ trinh sát do chính Trung tá Nguyễn Vũ Hải chỉ huy đã đi khắp các tỉnh để xác minh. Tuy nhiên, tên này tỏ ra là kẻ rất khôn ngoan, lọc lõi, cứ khi các trinh sát đến nơi thì hắn đã tẩu thoát khỏi nơi trú ẩn.

Triển khai kế hoạch truy bắt một đối tượng.

Nhận định Cường "trố" đang bị viêm gan B, viêm gan C và suy thận nặng, bắt buộc hắn phải sống gần đường ô tô để nhận tiền viện trợ và thuốc men từ gia đình, nên các trinh sát tập trung vào địa điểm nhà bác Cường ở Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá. Quả nhiên, không ngoài dự định, nhận được nguồn tin Cường "trố" xuất hiện ở nhà bác mình, các trinh sát đã lên kế hoạch vây bắt chi tiết, tỉ mỉ.

Điều hài hước nhất trong chuyên án này mà đến giờ khi nhắc lại, các trinh sát vẫn phải phì cười là việc bắt được Cường "trố" ngày hôm ấy lại quá dễ dàng, khi hắn núp trong chuồng gà, không còn đủ sức chống cự vì trước đó hắn bị ngã gãy 4 cái xương sườn. Các anh phải dùng sức mãi mới lôi được hắn ra khỏi chỗ ẩn nấp. Tại cơ quan điều tra, hắn vẫn một mực khai nhận do khẩu súng bị cướp cò và khẩu súng ấy là do hắn được một người bạn tù tặng cho.

Là những người chuyên đi tầm nã, công việc của các chiến sĩ phòng PC52 chẳng khác gì "mò kim đáy bể", các đối tượng truy nã luôn rất gian ngoan, xảo quyệt, dùng mọi thủ đoạn thay tên đổi họ, trốn tránh sự truy lùng của lực lượng Công an. Có những đối tượng trốn chạy hàng chục năm, điềm nhiên làm ăn kinh tế, xây dựng gia đình ở địa phương khác. Vì thế việc lên kế hoạch vây bắt, truy tìm các manh mối thường gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, bằng trí thông minh, khả năng phán đoán nhạy bén, các trinh sát Phòng PC52 vẫn khiến kẻ thủ ác phải lộ diện.

Lật lại vụ án, năm 1991, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, đối tượng Phạm Hữu Dũng, sinh năm 1967, trú tại phường Nguyễn Du, Nam Định đã ra tay sát hại anh Lâm Văn Thanh cùng trú tại thành phố Nam Định. Sau khi gây án, tên này bỏ trốn vào phía Nam và liên tục thay tên đổi họ, di chuyển chỗ ở để tránh sự theo dõi của lực lượng Công an.

Điều khó khăn nhất với các trinh sát là gia đình đối tượng cũng đã bán nhà, di chuyển đến nơi khác sinh sống từ năm 1995, xác minh quê quán của hắn ở Ý Yên cũng không hề có manh mối nào. Trong suốt 9 năm liền từ 1991 đến 2010, nhiều tổ trinh sát được cử đi xác minh, thu thập thông tin tại những địa chỉ nghi vấn đối tượng lẩn trốn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh nhưng tin tức về Dũng vẫn bặt vô âm tín.

Các chiến sĩ Công an góp phần mang lại sự bình yên cho thành Nam.

Tháng 10-2010, Phòng PC52 được thành lập, hồ sơ chuyên án được chuyển giao lại cho ban chuyên án mới của PC52. Và một kế hoạch đấu tranh chi tiết được vạch ra. Trong một lần tình cờ phát hiện chị gái của Dũng đưa đón con tại trường Tiểu học Trần Quốc Toản, các trinh sát đã tìm cách tiếp cận và vụ án tưởng chừng bế tắc dần dần được hé mở.

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, Bộ Công an ở phía Nam, tổ trinh sát  Phòng PC52 Nam Định đã phát hiện nơi ở của Phạm Hữu Dũng tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau 20 năm lẩn trốn, Dũng đã lấy vợ và có con. Chỉ đến khi Dũng bị bắt, vợ Dũng cũng như những hàng xóm xung quanh mới bàng hoàng khi biết hắn là tội phạm trốn truy nã vì tội giết người.

Trong câu chuyện với các trinh sát ngày bị bắt, tên tội phạm giết người ân hận thú nhận: khoảng 5 năm sau ngày gây án, hầu như đêm nào Dũng cũng cảm thấy lo lắng, sợ sệt, không yên. Sau này, tưởng rằng mọi người đã quên vụ án nên Dũng mới yên tâm lấy vợ và lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trong một chuyên án khác truy bắt đối tượng Nguyễn Ngọc Đương, trú tại Hưng Yên, kẻ gây ra một loạt vụ trộm cắp cổ vật tại các đình chùa ở Nam Định những năm 2000 cũng là một chiến công xuất sắc của lực lượng Cảnh sát Truy nã Nam Định. Đương là đối tượng nghiện ma tuý, cờ bạc, khi đang bị truy nã vì tội đánh bạc tại Hưng Yên, Đương tiếp tục sang Nam Định gây án. Ban đầu Đương được đồng bọn "gọi" tham gia theo "đơn đặt hàng".

Tuy nhiên sau khi tham gia, thấy việc trộm cắp quá dễ dàng, giá trị lớn, Đương đứng ra thành lập một nhóm mới gây ra hàng chục vụ trộm cắp ở Nam Định. Sau khi đồng bọn bị bắt, một mình Đương tẩu thoát và bị truy nã. Xác minh lại toàn bộ các mối quan hệ của Đương ở Hưng Yên, các trinh sát phát hiện Đương dù có vợ con đàng hoàng nhưng lại cặp bồ với một phụ nữ tên Hoa hiện đang hành nghề massage tại Việt Yên, Bắc Giang.

Nhưng khi lên Bắc Giang thì Đương đã cùng với một cô gái làm trong quán của Hoa về Nghệ An du lịch. Một nguồn tin cơ sở cho biết các trinh sát xác định được Đương đang ở Mường Lát, Thanh Hoá, quê của cô gái kia. Ngay lập tức một tổ công tác lên đường. Phải di chuyển một quãng đường dài từ thành phố Thanh Hoá vào đến bản Páo của xã Trung Lý, huyện Mường Lát, các anh mới tiếp cận được vị trí của Đương.

Nhận định Đương đang tham dự một đám cưới của người dân tộc, một phương án vây bắt tỉ mỉ được vạch ra, đề phòng tên này thấy động bỏ trốn và ảnh hưởng đến đám cưới của bà con dân tộc. Chuyên án kết thúc thắng lợi, sau nhiều năm lẩn trốn, cuối cùng kẻ phạm tội cũng sa lưới.

Chia sẻ về những khó khăn, vất vả của lính tầm nã, Trung tá Nguyễn Vũ Hải chỉ cười, bởi với các anh, chẳng có chuyến tầm nã nào là không thấm đẫm mồ hôi, công sức và thậm chí cả hiểm nguy. Có những chuyến đi kéo dài hàng tháng trời, liên tục di chuyển từ Bắc vào Nam. Khó khăn, vất vả chẳng thể nào kể hết, nhưng sau mỗi chuyên án kết thúc thắng lợi, chưa kịp nghỉ ngơi, họ lại sốt sắng lao vào những cuộc chiến mới, với những bước chân tầm nã không mệt mỏi.

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.