Những bước đi cho tương lai

Thứ Tư, 16/12/2020, 07:14
Mọi chuyện đã kết thúc chưa? Có vẻ là như vậy, khi Tòa án tối cao Mỹ đã tuyên bố không xem xét vụ kiện chưa từng có mà tiểu bang Texas khởi xướng, với sự tham gia của 17 tiểu bang khác, nhằm đòi hỏi lật ngược kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.


Với rất nhiều người, chuyện đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn còn kêu gọi những người ủng hộ mình "Tiếp tục chiến đấu" đơn thuần chỉ còn là những phản kháng cuối cùng. Nhưng, thực ra, ông vẫn còn những lý do khác ngoài cuộc đua tổng thống năm nay, để vẫn chưa thể dừng lại và nhận thua.

Điều chưa từng xảy ra

Không chỉ dẫn đầu 18 tiểu bang đòi hủy bỏ kết quả kiểm phiếu và lật ngược kết quả bầu cử, thậm chí đã có những luồng dư luận ở bang Texas nghiêm túc đề cập đến khả năng tổ chức trưng cầu dân ý, nhằm tách Texas khỏi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Lý do được đưa ra là: "Chính quyền liên bang bị mất kiểm soát và không còn đại diện cho những giá trị của người dân Texas. Đó là lý do tôi dự định đệ trình lên cơ quan lập pháp bang một văn bản pháp lý cho phép tiến hành trưng cầu ý dân để bang Texas trở thành quốc gia độc lập", Hạ nghị sĩ Kyle Biedermann, một trong những người đầu tiên đề cập tới và ủng hộ mạnh mẽ nhất cho ý tưởng này, nói.

Ông Donald Trump còn nhiều lý do khác ngoài cuộc đua Tổng thống năm nay để chưa nhận thua.

Song song với điều đó, Texas đệ đơn lên Tòa án tối cao Mỹ, kiện bốn bang chiến địa Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin nhằm ngăn cử tri đoàn xác nhận chiến thắng của người được cho là đã đắc cử - ông Joe Biden. Texas lập luận đại cử tri ở các bang không nên được phép bỏ phiếu vì những bang này đã thay đổi quy trình bầu cử để nhận thêm phiếu bầu qua thư một cách vi hiến, tạo điều kiện cho "gian lận nghiêm trọng", sau đó che giấu bằng chứng phe Dân chủ đã "đánh cắp bầu cử".

Động thái đó của bang Texas nhận được sự ủng hộ của 17 bang nghiêng về phe Cộng hòa khác, và dĩ nhiên, được ông  Donald Trump nhiệt liệt tán thưởng. Đối với ông, đó là một "vụ kiện lớn", bởi "Nước Mỹ cần một chiến thắng".

Tuy vậy, những thành viên của Tòa án Tối cao Mỹ lại không nghĩ như thế. Cho dù trong 9 người đó có tới 6 người thuộc phe Cộng hòa, và có tới 3 người được chính ông Donald Trump đề cử vào vị trí danh giá trọn đời ấy, câu trả lời được đưa ra vẫn là: "Texas không có đủ tư cách pháp lý để khởi kiện trong vụ việc này".

Ba thẩm phán được đề cử bởi Tổng thống Donald Trump - Amy Coney Barrett, Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh - đã ký vào lệnh bác đơn mà không đưa ra bình luận. Hai thẩm phán khác được cho là có quan điểm bảo thủ - ông Samuel Alito và ông Clarence Thomas -  nói tòa án nên chấp nhận đơn kiện của Texas nhưng sẽ không ngăn cản 4 bang chiến địa xác nhận kết quả bầu cử.

Ông Donald Trump vẫn có ý định sẽ trở lại làm ông chủ nhà Trắng.

Phản ứng của đương kim Tổng thống Donald Trump cũng như những người ủng hộ ông, sau tuyên bố trên của Tòa án Tối cao Mỹ, là vô cùng dễ đoán. Nói ngắn gọn, những cơn tức giận của họ vẫn tiếp tục bùng nổ, theo nhiều cách.

Trên các phương tiện truyền thông, ông Trump tuyên bố: "Chúng tôi đã chứng minh được có gian lận xảy ra nhưng không thẩm phán nào đủ can đảm, kể cả Tòa án Tối cao. Tôi thực sự thất vọng về họ"; "Tòa án Tối cao, tất cả những gì họ nói là chúng tôi không có vị thế. Vậy hóa ra họ đang bảo rằng về cơ bản thì Tổng thống Mỹ và bang Texas cũng như các bang khác, những bang tuyệt vời, đều không có vị thế?".

Còn trên các đường phố Mỹ, các cuộc tuần hành của những người ủng hộ đương kim tổng thống vẫn liên tục nổ ra. Người ta vẫn kêu gọi nhau "đừng bỏ cuộc", "tiếp tục chiến đấu" "vì những giá trị Mỹ đích thực", vẫn quyết liệt giữ vững đòi hỏi duy nhất và không thể thay đổi: Hủy bỏ kết quả kiểm phiếu mà qua đó liên danh Joe Biden - Kamala Harris được xem là đã đắc cử. Thậm chí, đã có những ý tưởng phác thảo về một cuộc nội chiến trong lòng nước Mỹ.

Và thực tế là trên phương diện tư tưởng, một hố sâu chia rẽ quá lớn đã xuất hiện, chia đôi cường quốc số 1 thế giới, kể từ đầu đến cuối cuộc bầu cử đầy tranh cãi này.

Đường vẫn còn dài 

Tại sao ông Trump và các chính trị gia đứng về phía mình lại vẫn cứ hành động mang màu sắc "cố đấm ăn xôi" như vậy, kể cả khi gần như không còn cơ hội nào? Tại sao ngay trước ngày đại cử tri đoàn họp bầu cử lần cuối để ấn định một cuộc chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng, ông Donald Trump vẫn tuyên bố rằng ông đã bị "đánh cắp chiến thắng", và hăm dọa rằng ông và những người ủng hộ mình mới chỉ "bắt đầu chiến đấu"?

Người ủng hộ ông Donald Trump biểu tình ở Washington D.C.

Về hành động của bang Texas và 17 bang sát cánh cùng họ, ông Mark Joseph Stern, một chuyên gia phân tích chính trị Mỹ, nhận định: "Chúng ta nên nghĩ rằng những tổng chưởng lý của các tiểu bang này đều rất lý trí. Họ là những chính trị gia đang tìm kiếm lợi ích tốt nhất cho bản thân. Giống như hầu hết chính trị gia Cộng hòa khác, họ hiểu rằng họ cần sự ủng hộ từ những cử tri đứng về phía Trump cho sự nghiệp của mình".

Theo ông, tuyên bố ủng hộ đơn kiện của Texas là công cụ để các tổng chưởng lý thuộc phe Cộng hòa thể hiện lòng trung thành với ông Trump trước hàng chục triệu cử tri đứng sau ông. "Các cử tri Cộng hòa tại 17 bang này có thể yên tâm rằng tổng chưởng lý của họ đã chiến đấu vì Trump tới giây phút cuối cùng. Trong bối cảnh toàn bộ 50 bang và thủ đô Washington đã chứng nhận kết quả bầu cử, sự bất chấp thực tế dường như là một cách thử lòng các thành viên đảng Cộng hòa".

Cũng bởi lý do đó, rất có thể các cuộc chiến pháp lý ủng hộ ông Trump sẽ tiếp tục diễn ra, kể cả sau ngày 20-1, ngày chuyển giao quyền lực chính thức, bởi các tổng chưởng lý ủng hộ ông Trump sẽ không rời ghế cùng Tổng thống sau ngày đó. Những trợ lý của họ cũng vậy, trong đó nhiều người là thành viên Hiệp hội Luật sư theo Chủ nghĩa Liên bang và có khát vọng vươn lên vị trí cao hơn.

Tại sao ông Trump vẫn cố gắng theo đuổi những nỗ lực pháp lý vô vọng, và vẫn "khua chiêng gióng trống" kêu gọi những người ủng hộ mình đừng nản chí, sau hết lần này đến lần khác những nỗ lực đó đâm vào ngõ cụt? Đến mức độ trước khi Texas đệ đơn, gần như toàn bộ các chuyên gia pháp lý về Hiến pháp Mỹ đã nhận định rằng Toà án Tối cao sẽ không xem xét đơn kiện này, nhưng nó vẫn cứ được triển khai và thổi phồng thành một chiến dịch quan trọng?

Có những điểm tinh tế ít được chú ý. Thứ nhất, ông Trump, đại diện cho hàng chục triệu cử tri phe Cộng hòa, căm ghét và đánh giá rằng mọi đường lối mà đảng Dân chủ thực hiện trong hai nhiệm kỳ của cựu tổng thống Barack Obama đều sai lầm, và đều cần phải bị lật ngược.

Người biểu tình tụ tập trước cổng Nhà Trắng.

Những ngày cuối cùng trên đỉnh quyền lực của nhiệm kỳ này, song song với các hành động pháp lý, ông Trump cùng chính quyền Cộng hòa của mình vẫn đang ráo riết thực hiện những bước đi cả về ngoại giao lẫn nội trị, mà nếu muốn thay đổi, ông Joe Biden cùng đảng Dân chủ sẽ phải tốn rất nhiều thời gian cũng như công sức. Mới nhất, có thể kể tới việc ông Trump hăm dọa dùng quyền phủ quyết của tổng thống để bác đạo luật Chi tiêu quốc phòng Mỹ, đồng thời thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông mới với việc Morocco trở thành quốc gia Arab Hồi giáo tiếp theo bình thường hóa quan hệ với Israel. 

Không chỉ vậy, ông Trump cũng không giấu giếm ý định sẽ còn trở lại vũ đài chính trị, trong những cơ hội khác - ví dụ như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Nghĩa là, trong sâu thẳm, có thể ông đã xác nhận rằng mình đã thua, nhưng vẫn phải chuẩn bị cho một hành trình dài tiếp nối. Gần đây, đã có nhiều nhân vật trong đảng Cộng hòa công khai chỉ trích ông Trump cố bám víu quyền lực. Điều dễ hiểu là họ đã bắt đầu cuộc đua để trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa cho năm 2024, và họ bắt đầu bằng việc hạ bệ ông Trump trong nội bộ đảng, bởi ông là đối thủ lớn nhất.

Với những đối thủ cùng phe ấy, ông Trump còn phải thể hiện được sự vững vàng nhiều hơn cả đối với các địch thủ đảng Dân chủ. Và hơn hết, là một chính trị gia "tay ngang" trở thành tổng thống, ông còn cần phải duy trì được tinh thần cho khối quần chúng khổng lồ đã lựa chọn đi theo những quan điểm của ông. Bằng cách không chấp nhận đầu hàng, Trump đang bảo đảm rằng cho dù rời khỏi cương vị, bóng dáng của ông vẫn sẽ hiện hữu ở bất cứ ngóc ngách nào của nền chính trị Mỹ, để đợi một ngày trở lại.

Thiên Thư
.
.
.