8 người tử vong vì Methanol trong rượu ở Lai Châu:

Những cái chết oan uổng

Thứ Sáu, 24/02/2017, 16:21
8 người chết, 178 người có dấu hiệu ngộ độc được đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị là diễn biến mới nhất của vụ ngộ độc rượu ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.


Chỉ sau một bữa cỗ, nhiều người đàn ông là trụ cột trong gia đình đã không trở về, người may mắn sống sót thì đang hôn mê phải lọc máu, chạy thận nhân tạo. Đại tá Bùi Xuân Phong, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu khẳng định, nguyên nhân chính dẫn tới 8 nạn nhân tử vong ở thôn Tả Chải, xã Ma Ly Chải là do ngộ độc methanol.

Nỗi đau dưới chân núi

Sau 1 tuần xảy ra vụ ngộ độc rượu khiến 8 người chết, chúng tôi tới bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ. Nằm dưới thung lũng rợp bóng cây, bản Tả Chải đã bớt “căng thẳng” hơn mấy ngày trước. Không khí u ám và tang thương đã giảm bớt. Trong nhà, ngoài đường đã có bóng người đi lại. Trẻ con chơi ngoài sân, ngước đôi mắt tò mò nhìn chúng tôi, chỉ mấy ngày trước chúng theo gia đình bỏ lên nương vì sợ bệnh tật.

Giải thích với chúng tôi, ông Phu Cha Pô, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Một ngày có tới 7 người trong xã chết đã khiến nhân dân hoang mang, nhiều gia đình ở bản Tả Chải dọn lên lán ở vì họ sợ bệnh tật. Cô giáo tới lớp không có học sinh nên phải tạm nghỉ. Ngày 14-2, các ban, ngành trong huyện đã lên lán vận động và nói rõ người chết là do uống rượu chứ không phải dịch bệnh. Đến nay chúng tôi đã vận động họ trở về nhà hết rồi”.

Tới nhà ông Phu Vần Lèng – nơi 1 tuần trước diễn ra bữa cỗ đám ma ông Lèng xảy ra ngộ độc khiến 7 người thiệt mạng, trong nhà vắng lặng như tờ bởi 4 người con ông Lèng (2 con trai, 1 con gái, 1 con rể) đều đang cấp cứu trong bệnh viện. Đây là gia đình có người chết và bị thương nhiều nhất ở Ma Ly Chải.

Kể lại sự việc vừa qua, bà Chang Lử Mẩy (vợ ông Lèng) không cầm được nước mắt. Bà cho biết, thường ngày ông Lèng hay mua rượu tại cửa hàng tạp hóa Hương Dìn của Phùng Thị Hương ở chợ Sì Lở Lầu (xã Sì Lở Lầu) về uống. Ngày 10-2, ông Lèng mua 1 lít rượu ở hàng tạp hóa Hương Dìn về uống.

Đến trưa ông có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, không nhìn thấy gì. Bà Lèng lúc này đang làm nương thì thấy con gọi điện bảo bố bị đau đầu mẹ về ngay. Hấp tấp chạy về, vừa bước vào nhà, bà choáng váng thấy sắc mặt ông Lèng tái nhợt, liên tục kêu đau đầu, hoa mắt. Tuy vậy, ông Lèng vẫn tiếp tục uống thêm một chén rượu nữa. Một lát sau, biểu hiện bệnh của ông càng nặng hơn, sau đó là tử vong khi chưa kip đưa đi cấp cứu. Cứ nghĩ rằng chồng chết do bị bệnh, cả gia đình bà Mẩy không ai nghi ngờ mà tổ chức đám tang cho ông theo phong tục của người Hà Nhì.

Các bác sỹ tại Bệnh viện đa khoa Lai Châu tận tình cứu chữa người bệnh.

Ngày 12-2, gia đình bà Mẩy làm cơm mời chòm xóm và họ hàng trong bản để chuẩn bị đưa ông Lèng ra đồng. Con trai bà Mẩy lên hàng tạp hóa Hương Dìn mua một can rượu 30 lít. Trong bữa cỗ, số rượu này được rót ra mời khách. Chúng tôi hỏi gia đình có pha thêm rượu khác vào không, bà Mẩy khẳng định: “không pha gì vào rượu, mua thế nào thì uống như thế”.

Theo bà Mẩy thì gia đình bà chưa bao giờ mua rượu Trung Quốc về uống. Bánh kẹo Trung Quốc mua về cho bữa cỗ đám ma cũng chưa kịp ăn, hiện đã bị tịch thu để kiểm tra. Đến chiều tối, các con bà có biểu hiện chóng mặt, hoa mắt nên đi nghỉ. Không ngờ đến sáng hôm sau 4 người con của bà đều có hiện tượng nặng, mê man không biết gì, bà vội vàng gọi người đưa đi cấp cứu.

Nhắc tới nỗi đau này, bà Mẩy không khỏi lo lắng vì 4 người con đang trong bệnh viện không biết sống chết ra sao. Trong đó 2 anh con trai là Phu A Tư, Phu A Sử là 2 bệnh nhân nặng phải thở máy. Nỗi áy náy dâng tràn trên khóe mắt của người phụ nữ Hà Nhì vì bữa cỗ ở nhà mình mà đã kéo theo nhiều người thiệt mạng.

Sau khi 7 người tử vong trong một ngày sau bữa cỗ, lật lại cái chết của ông Lèng, cơ quan chức năng mới đưa ra nguyên nhân ông Lèng chết không phải bị bệnh mà là do uống rượu có chứa methanol.

Ma Ly Chải là xã biên giới, 100% là dân tộc Hà Nhì sinh sống, 75% là hộ nghèo, đời sống của đồng bào còn vô vàn khó khăn. 8 nạn nhân tử vong đều là trụ cột chính trong gia đình, khó khăn với người ở lại càng thêm chồng chất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các nạn nhân trên thường mua rượu ở chợ Sì Lở Lầu về uống nhưng chưa bao giờ bị ngộ độc.

Những thùng ủ rượu đã bị niêm phong.

Kể về nỗi đau mất chồng, chị Cồ Hừ Sừ, 40 tuổi nức nở: “Tôi đang ở trên lán thì thằng con trai lớn hớt hải lên gọi bố bị ốm. Vừa về tới nhà đã thấy anh ấy rơi vào hôn mê. Nghe cháu nói sau khi ăn cỗ về bố đi ngủ, nhưng khi tỉnh dậy thì choáng váng, đau đầu, hoa mắt, không nhìn thấy gì. Sau 2 tiếng đưa đến trung tâm y tế thì anh ấy rơi vào hôn mê sâu không cứu được, gia đình xin về, sau 30 phút anh ấy tử vong”.

Chồng chị Sừ là anh Ma Gà Po, Phó Chủ tịch HĐND xã Ma Ly Chải. Mất chồng trong chớp mắt, chị Sừ vẫn chưa hết bàng hoàng, nỗi đau đang gặm nhấm đến tận tâm can... Bỏ lại 4 đứa con, đứa lớn nhất học lớp 10, đứa nhỏ nhất lên lớp 3, anh Po ra đi khi còn bao dự định phía trước chưa kịp thực hiện.

Tử vong vì methanol

Mặc dù đã cấm sản xuất rượu, đóng cửa các cửa hàng kinh doanh rượu, niêm phong toàn bộ rượu thu được và đến từng gia đình tuyên truyền vận động người dân không uống rượu không rõ nguồn gốc, các đám ma, đám cưới không được uống rượu, nhưng đến ngày 18-2 ở Lai Châu vẫn tiếp tục có người nhập viện vì ngộ độc rượu.

Lý giải vấn đề này, chính quyền xã Ma Ly Chải cho biết, do phong tục tập quán canh tác của người dân, khi lên nương họ cũng mang rượu theo. Chính vì thế những ca ngộ độc phải nhập viện gần đây chủ yếu là người dân sống ở trên nương không biết sự cố ngộ độc rượu gây chết người vừa xảy ra nên vẫn uống rượu, dẫn tới phải nhập viện.

Cơ sở nấu rượu của Phùng Thị Hương mất vệ sinh nghiêm trọng.

Theo BS chuyên khoa 2 Đỗ  Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu thì ngày 18-2, có một nhóm 7 người ở bản Tả Chải (trong đó có 2 bố con trong một gia đình) có uống rượu nhưng ở trên nương cách nhà 10km bị ngộ độc. Người nặng nhất là ông Chang A Hờ, 67 tuổi khi phát hiện ra thì đã bị giãn đồng tử, hôn mê, được đoàn công tác đưa về Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cấp cứu.

Trên đường đi nhiều lần ông Hờ bị ngừng tim, ngừng thở nhưng được cấp cứu suốt dọc đường. Khi bệnh viện tiếp nhận thì ông Hờ đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu và tiếp tục được thở máy, chạy thận nhân tạo. “Bệnh nhân vừa ngộ độc methanol, vừa có bệnh tim phổi mãn tính đang trong tình trạng nguy kịch, nguy cơ tử vong cao”- ông Giang cho biết.

Bên trong phòng cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, chúng tôi gặp anh Chang Hờ Dìn, con trai ông Chang A Hờ với gương mặt mệt mỏi. Anh Dìn cho biết, một tuần trước, ông Hờ có mua 1 can rượu 30 lít của Phùng Thị Hương. Ông Hờ chắt ra 5 lít mang lên nương để uống. Ai ngờ vừa uống có vài chén ông đã bị hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dữ dội. Khi mọi người phát hiện thì ông đã ở vào thể nghiêm trọng.

Nằm cạnh giường ông Dìn là ông Chẻo A Hào, ở bản Xín Chải, xã Sì Lở Lầu cũng đang phải thở máy, có nghi ngờ kèm theo bệnh tai biến mạch mãu não, nguy cơ tử vong cao. Con trai ông Hào là anh Chẻo A Tảo cho biết, ông Hào mua 2 lít rượu của Phùng Thị Hương về uống tối 15-2 thì sáng 16-2 phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng rất nặng, huyết áp tụt, đồng tử lờ đờ và được đưa vào lọc máu, chạy thận nhân tạo. Trước đó ông Hào thường xuyên mua rượu của Phùng Thị Hương nhưng chưa xảy ra ngộ độc. Theo ông Bùi Văn Giang thì bệnh nhân Hào đang được điều trị tích cực, chưa thoát khỏi nguy hiểm.

Đại diện Báo CAND động viên và trao tiền hỗ trợ gia đình có người thân tử vong.

Chứng kiến sự bận rộn và vất vả của tập thể y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Lai Châu, chúng tôi mới thấy hết được sự mệt mỏi của họ để lo cho các bệnh nhân trong 1 tuần vừa qua.

Theo ông Đỗ Văn Giang thì hiện bệnh viện còn 14 bệnh nhân trong diện ngộ độc rượu ở đám tang ông Lèng, trong đó có 3 ca chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai đã qua giai đoạn sốc và chỉ điều trị giai đoạn di chứng; 7 ca vừa thở máy vừa chạy thận nhân tạo; 4 ca đang phải lọc máu.

“Nếu như các bệnh nhân ban đầu không được cấp cứu kịp thời, không được hội chẩn nhanh thì sẽ có 4 người không qua khỏi. Bệnh viện hết sức sáng tạo, chủ động, tích cực và tìm tòi các nguyên nhân, đánh giá bệnh nhân từng giờ, từng phút. Với sự giúp đỡ, hỗ trợ điều trị theo hướng điều trị của Bệnh viện Bạch Mai nên việc điều trị đã thành công, không có thêm bệnh nhân tử vong”- ông Giang cho biết.

Đột nhập cơ sở sản xuất rượu của Phùng Thị Hương ở chợ Sì Lở Lầu, chúng tôi choáng bởi tình trạng mất vệ sinh ở đây. Cơ sở nấu rượu là một khu nhà nằm đằng sau kiot bán hàng. Các thùng đựng rượu, bã rượu, ủ rượu để trên những tấm lưới sắt, ngay ở dưới là chuồng lợn bốc mùi hôi thối. Nồi nấu rượu cáu bẩn, khu nhà chật chội, nước lép nhép. Sau khi Phùng Thị Hương bị Công an tỉnh Lai Châu tạm giữ để điều tra, kiot bán hàng và cũng là chỗ ở của gia đình Hương đã đóng cửa. Chồng và con của Hương đều không ở đây, chỉ có mẹ đẻ là bà Tẩn Lở Mẩy đến để trông nom nhà.

* Đại tá Bùi Xuân Phong, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: “nguyên nhân chính dẫn tới 8 người tử vong sau khi tham gia đám ma tại nhà ông Phu Vần Lèng là do ngộ độc methanol. Trong các mẫu thức ăn tại đám ma và các bữa ăn phát sinh khác không có độc. Hiện Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lai Châu đang tiếp tục làm rõ các nguyên nhân khác cũng như nguồn gốc rượu”.

* Ngày 18-2, đoàn công tác XHTT Báo Công an nhân dân đã đến thăm và trao 8 triệu đồng hỗ trợ cho 8 gia đình có người tử vong do ngộ độc methanol ở xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Trần Hằng – Nguyễn Hương
.
.
.