Những cái chết thương tâm từ bom mìn sót lại sau chiến tranh

Chủ Nhật, 10/09/2017, 14:41
Cơn mưa rào bất chợt ập đến giữa buổi chiều ở miền sơn cước hòa trong tiếng khóc than não nề của những thân nhân tiễn đưa 6 người tử nạn sau vụ nổ đạn pháo kinh hoàng đã khiến cho không gian một xóm nhỏ ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) càng thêm ảm đạm, tang thương.


Vụ tai nạn này gióng lên hồi chuông cảnh báo những ai bất chấp tử thần có ý định tháo gỡ, cưa xẻ bom, mìn, đạn pháo sót lại sau chiến tranh…

1.Vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào sáng 18-8-2017, tại sân vườn nhà ông Bo Bo Sượng (55 tuổi), trú ở thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn. Chưa hết bàng hoàng, đau xót, ông Cao Hương – một nông dân ở cách hiện trường vụ nổ khoảng 50m đau đớn kể lại: “Lúc đó, tui mới bày mâm cơm ra sàn nhà. Bất chợt một tiếng nổ lớn dội vang, rung chuyển nền đất khiến tui thót tim vì hoảng hốt. Sau vài giây suy tính, tui bước ra ngoài và đi về nơi có mùi thuốc nổ còn lan tỏa. Tui rùng mình kêu la khi chứng kiến một thảm cảnh kinh hoàng, sân vườn nhà ông Sượng bê bết máu, thi thể 6 người chết sau vụ nổ không còn nguyên vẹn...”.

Đại tá Nguyễn Tiến – Trưởng Công an huyện Khánh Sơn cho biết, phải mất nhiều giờ rà soát mới xác định được 6 người tử nạn là Mấu Quốc Dương (60 tuổi), Bo Bo Siếp (35 tuổi), Cao Thị Thanh Vân (10 tuổi), Cao Hồng Phi (3 tuổi), Mấu Minh Nghĩa (9 tuổi) và Mấu Minh Ngữ (3 tuổi).

Người bị thương là ông Bo Bo Sượng (55 tuổi) đã phải chuyển tiếp đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng nguy kịch. Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp – ông Nguyễn Quốc Thái, xác nhận các nạn nhân đều là người đồng bào dân tộc Raglai sinh sống trong 3 căn nhà ở thôn Tà Lương và thuộc diện hộ gia đình nghèo.

Trước khi chuyển giao thi thể 6 nạn nhân cho người thân mai táng, các cơ quan chức trách đã xác định vật liệu nổ là quả đạn pháo 105 mm trong chiến tranh còn sót lại.

Ngồi bên 4 chiếc quan tài khâm liệm người chồng là Bo Bo Siếp cùng hai đứa con trai Mấu Minh Nghĩa, Mấu Minh Ngữ và người cha ruột là Mấu Quốc Dương trong  ánh ngày sắp tắt, chị Mấu Thị Khuyên khóc tức tưởi.

Các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Khánh Hòa và Công an huyện Khánh Sơn dầm mình dưới mưa để khoanh vùng, khám nghiệm vụ nổ bom ở làng Tà Lương, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.

Nghe hung tin khi đang cuốc đất, dọn cỏ trên nương rẫy, chị Khuyên hối hả vượt chặng đường gần chục cây số với hy vọng sẽ nghe người chồng và hai con nói một câu gì đó, nhưng chị không ngờ thi thể người thân đã bị chất nổ cắt xé thảm thương. Bà Mấu Thị Hiền - mẹ ruột của chị Khuyên tất bật từ nương rẫy về đến nhà chứng kiến thảm cảnh đau lòng, chỉ trong phút chốc người phụ nữ ấy như kẻ điên dại vì đã mất chồng cùng hai đứa cháu ngoại và người con rể.

Đưa đôi bàn tay gầy guộc trên mặt gỗ những chiếc quan tài, bà Hiền kêu gào: “Tui gọi mãi mà không ai dậy, gia đình tui, mẹ con tui mất bốn người rồi. Mai, mốt tui phải sống sao đây”.

Cùng tâm trạng đó, bà Cao Thị Dim như kẻ mất hồn khi có 3 người thân thương vong trong vụ nổ. Hai người con là Cao Thị Thanh Vân, Cao Hồng Phi tử vong, trong khi người chồng là Bo Bo Sượng trở thành tàn phế do bị thương.

Nằm trên giường bệnh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa sau ca phẫu thuật cắt bỏ hai chân, ông Bo Bo Sượng thừa nhận, trước đó hai người con của ông trên đường lên nương rẫy tình cờ phát hiện quả đạn 105 mm.

Sau khi khiêng về nhà được vài ngày, ông Bo Bo Sượng rủ Bo Bo Siếp đến phía sau vườn nhà cùng nhau hì hục cưa quả đạn 105 mm để lấy vỏ thép bán cho lò rèn sản xuất dao, rựa. Trong lúc họ đang cưa thì ông Dương cùng bốn đứa trẻ Nghĩa, Ngữ, Vân, Phi đến xem.

Không ngờ tai họa ập đến trong chớp nhoáng sau tiếng nổ kinh hoàng. Thêm một tình tiết bất ngờ là khi khám nghiệm hiện trường, Cơ quan Công an thu được trong sân vườn ông Bo Bo Sượng một nửa quả đạn pháo 105 mm có dấu vết cưa xẻ, trong khi đó một số người cho biết người đàn ông này đã vài lần cưa xẻ đạn pháo...

Cùng với việc hỗ trợ mỗi người tử nạn 8 triệu đồng, người bị thương 3 triệu đồng, ngay trong buổi chiều ngày 18-8, ông Nguyễn Duy Bắc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trực tiếp đến thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn để chỉ đạo khắc phục hậu quả, thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau với người thân của các nạn nhân.

Điều đáng tiếc là theo ông Nguyễn Văn Hòa – Bí thư Đảng ủy thị trấn Tô Hạp, cho biết, 2 trong số 6 nạn nhân tử vong từng là cán bộ ở địa phương. Ông Bo Bo Sượng đã có một thời đảm nhiệm chức trách Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Tô Hạp, ông Mấu Quốc Dương đã làm Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh thị trấn Tô Hạp, nên họ có đủ nhận thức pháp luật về quản lý vũ khí – vật liệu nổ và tính chất nguy hiểm của bom, mìn, đạn pháo rơi vãi trong chiến tranh chưa thu gom, tiêu hủy được.

2.Ngoại trừ những vụ tai nạn bom, mìn, đạn pháo do vô tình vướng vấp khi khai hoang cày xới đất đai, đào đắp công trình xây dựng dân dụng, thủy lợi…trong những năm qua đã có không ít vụ tai nạn bom, mìn, đạn pháo do con người tự ý tháo gỡ, cưa xẻ để lấy chất nổ, sắt thép và do trẻ em đùa nghịch.

Điểm lại trong thời chiến đã có hơn 15 triệu tấn bom, mìn, đạn pháo trút xuống dải đất Việt Nam. Từ nhiều năm qua, Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan chức trách và một số tổ chức hợp tác quốc tế đã triển khai thực hiện nhiều dự án, chương trình khảo sát, rà phá, tiêu hủy bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Phước… thế nhưng đến nay vẫn còn hàng trăm ngàn tấn bom, mìn, đạn pháo, vật liệu nổ vùi lấp rải rác dưới lòng đất ở nhiều địa phương.

Tiếc rằng bên cạnh những người dân nhận thức pháp luật và tính chất nguy hiểm của bom, mìn, đạn pháo đã khẩn báo cho cơ quan chức trách xử lý khi tìm thấy, vẫn còn một số người liều lĩnh tháo gỡ, cưa xẻ để lấy chất nổ, sắt thép, dù họ biết trước tử thần sẽ ập đến bất chợt, gây ra những cái chết thảm thương.

Nạn nhân Bo Bo Sượng may mắn thoát chết nhưng bị tàn phế hai tay và hỏng hai mắt.

Ngoài vụ nổ kinh hoàng ở phố núi Tô Hạp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) khiến 6 người tử nạn, 1 người bị thương sáng 18-8-2017, trước đó đã có nhiều vụ tai nạn kinh hoàng do tháo gỡ, cưa xẻ bom, mìn, đạn pháo.

Như vụ ông Phạm Văn Cường (41 tuổi), trú ở xã Nam Hưng, huyện Nam Trực (Nam Định) đưa quả bom 100kg ra phía trước căn nhà 15-TT19 ở Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông (TP Hà Nội) do ông thuê làm cơ sở mua bán phế liệu để cắt.

Trong lúc ông Cường sử dụng đèn khò để cắt quả bom đã bị nổ, khiến ông Cường và 3 người dân đi đường tử nạn, 10 người bị thương, 36 căn hộ gia đình ở gần hiện trường bị hư hỏng nặng, 95 căn hộ khác nứt tường, bung cửa, vỡ kính. Trước đó, tại xóm Tân Lập 1, xã Trung Minh, TP Hòa Bình (Hòa Bình) đã xảy ra vụ nổ khiến hai người dân địa phương là ông Nguyễn Văn Khánh (28 tuổi) và Nguyễn Văn Dương (22 tuổi) tử nạn.

Người thân của nạn nhân.

Khi Công an TP Hòa Bình vào cuộc khám nghiệm, điều tra đã xác định trước đó Khánh và Dương phát hiện, trục vớt quả đạn pháo 105 mm từ dưới sông Đà đưa lên, rồi cưa xẻ để lấy chất nổ, sắt thép nhưng đã bị tử thần cướp mất sinh mệnh.

Một vụ nổ khác xảy ra ở thôn Chư Bồ, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ (Gia Lai) khi ba ông Nguyễn Văn Thông (31 tuổi), Phan Đình Thu (34 tuổi) và Nguyễn Tấn Quang (31 tuổi) đang hì hục cưa quả bom trong vườn cao su bên chân dốc Chư Bồ.

Sau tiếng nổ dữ dội, hai ông Thu, Quang tử vong tại hiện trường. Ông Thông đang đi ra con suối gần đó múc nước nhưng vẫn bị thương do trúng mảnh bom nên bị tàn phế …

3.Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu những cái chết đã được báo trước do bom, mìn, đạn pháo sót lại trong chiến tranh gây ra, các cấp chính quyền cùng tổ chức đoàn thể cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ… cùng với việc hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn bom, mìn, đạn pháo, các cơ quan chức trách cần kịp thời xử lý bom, mìn, đạn pháo theo đúng quy trình kỹ thuật…

Theo Đại tá Nguyễn Tiến Nghị - Chủ nhiệm bộ môn thuốc phóng, thuốc nổ của Học viện Kỹ thuật quân sự, mỗi loại bom, mìn, đạn pháo đều có cấp độ an toàn, nhưng những loại còn sót lại trong chiến tranh có độ nguy hiểm rất nhiều. Khi bom bung ra khỏi máy bay thì chốt bảo hiểm đã mở giữa chừng.

Sau một chặng thời gian bị vùi lấp dưới lòng đất và tác động của thời tiết nắng, mưa bào mòn, hoen rỉ, biến dạng, những quả bom, mìn, đạn pháo đó có thể phát nổ bất kỳ lúc nào nếu có tác động ngoại lực.

Vì thế khi phát hiện vật thể nào nghi vấn là bom, mìn, đạn pháo, tuyệt đối không được dịch chuyển, tháo gỡ, cưa xẻ, đập phá mà phải khoanh vùng cách ly vật nổ, cắm biển báo hiệu nguy hiểm và khẩn báo cho cơ quan Công an, Quân đội ở nơi gần nhất.

Sẽ không còn những cái chết được báo trước do bom, mìn, đạn pháo sót lại sau chiến tranh nếu như con người nhận thức tính chất nguy hiểm, không dịch chuyển, tháo gỡ, cưa xẻ khi phát hiện.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.