Những cái chết thương tâm từ… rượu

Thứ Tư, 17/10/2018, 14:53
Thời gian vừa qua, trên địa bàn miền núi tỉnh Quảng Nam liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu dẫn đến nhiều cái chết thương tâm.


Để đề phòng ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã tăng cường các biện pháp phòng, chống ngộ độc rượu, đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn…

Những cái chết thương tâm

Chúng tôi đến nóc Tu Tót, thuộc thôn 1, xã Trà Don, huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, người dân sinh sống nơi đây vẫn còn bàng hoàng khi nhắc đến cái chết thương tâm của 2 cậu cháu Nguyễn Văn Mêng (41 tuổi) và Vũ Quang Vinh (23 tuổi). 

Sáng 28-8, Vinh và Mêng vào rừng đào rễ cây mang về, sau đó anh Vinh đến quầy tạp hóa của bà Hồ Thị Vân ở đầu nóc mua rượu trắng, rồi đem rễ cây đào được rửa sạch, chặt ngắn và cho vào ngâm rượu. 

Đến khoảng 20h cùng ngày, Vinh rủ Mêng uống rượu vừa ngâm tại lán gần nhà. Tới 22h đêm hôm đó, Mêng có biểu hiện quậy phá tại nhà giống người điên, co giật rồi tử vong lúc 23h30. Người nhà Mêng thấy vậy nên chạy đến nhà Vinh xem thì phát hiện anh Vinh cũng đã chết trên võng…

Chai rượu ngâm rễ cây khiến 2 cậu cháu Nguyễn Văn Mêng và Vũ Quang Vinh tử vong.

Cũng từ mớ rễ cây do Vinh và Mêng đào ở rừng đem về, cha của Vinh là ông Vũ Đình Văn (45 tuổi) lấy một ít nấu nước uống và sau bữa trưa ngày 28-8, ông Văn uống 1 ly nhựa khoảng 100-150ml. Sau khi Vinh và Mêng tử vong, ông Vinh cũng bị đau đầu, chóng mặt, tê tay chân nên được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cấp cứu. 

Theo chẩn đoán ban đầu, ông Văn bị ngộ độc rễ cây, không rõ chủng loại. Sau khi sự việc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, lấy mẫu vụ ngộ độc gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, nguyên nhân gây ngộ độc là do độc chất nhóm alkaloid (Koumine và Gelsemine, độc chất trong cây lá ngón).

Không chỉ ở vùng cao Nam Trà My, tại xã Cà Dy, huyện miền núi Nam Giang cũng xảy ra vụ ngộ độc rượu khiến 4 người tử vong, hơn 20 người khác phải nhập viện điều trị. 

Các nạn nhân tử vong gồm: ALăng Minh (43 tuổi), BNướch A Chưm (57 tuổi), AViết Giang (36 tuổi) và Hối Nhân (48 tuổi). Thông tin cho biết, tất cả cùng uống rượu của bà KPhu Nga (thôn Pà Băng, xã Cà Dy). Sau khi trở về nhà, các nạn nhân lần lượt có triệu chứng buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, hôn mê sâu, tím tái, khó thở. 

Lãnh đạo Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Nam cho biết, nguyên nhân của vụ ngộ độc này đang được cơ quan Công an điều tra làm rõ. Tuy nhiên, dựa vào dịch tễ học và kết quả theo dõi, chuẩn đoán của Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Nam Giang, nguyên nhân vụ ngộ độc này nghi do uống rượu có chứa chất methanol…

Một trường hợp ngộ độc rượu được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam.

Không để "mất bò mới lo làm chuồng"…

Qua tìm hiểu được biết, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, người dân có thói quen uống rượu rất nhiều. 

Để đáp ứng nhu cầu của người dùng rượu, nhiều cơ sở sản xuất rượu theo hình thức thủ công ra đời và sản xuất số lượng lớn rượu ra thị trường mỗi ngày. 

Ở miền núi, nhất là vùng cao hẻo lánh, khí hậu rất lạnh vào ban đêm, trong khi đó người dân sống nhờ vào núi rừng nên đi núi cần rượu như chất kích thích chống lạnh. 

Đã vậy, các vùng núi cao thường có nhiều loại cây có dược tính cao và người bản địa thường xuyên ngâm rượu với các bộ phận rễ, cũ, lá cây để uống. Tuy nhiên, việc người dân tự ngâm rượu chỉ ngâm theo cảm tính nên dẫn đến những hệ lụy khôn lường. 

Theo ông Nguyễn Cam, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Nam, về nguyên tắc, methanol có trong rượu ethylic (rượu uống) thấp dưới mức cho phép (mức độ mà với mức độ đó người uống không bị ảnh hưởng đến sức khỏe). 

Song vì lợi nhuận người làm rượu đã dùng loại cồn kém chất lượng, có hàm lượng methanol aldehyt, aceton cao vượt tiêu chuẩn; dẫn đến rượu có nhiều methanol, aldehyt. Có một thực tế, người làm rượu thường cho loại cồn khô (chứa methanol) vào khi chưng cất, pha rượu từ cồn kém chất lượng có chứa methanol. 

"Methanol cũng là sản phẩm phụ của quá trình chưng cất rượu và là chất lỏng đầu tiên ngưng tụ khi rượu được nấu theo cách chưng cất truyền thống. Người nấu rượu thủ công không biết loại bỏ phần rượu chứa methanol lúc đầu cũng có thể làm rượu uống nhiễm methanol. 

Các cách chế biến như vậy người ta thường tạo ra các loại rượu trôi nổi có hàm lượng methanol trong rượu rất cao, dễ gây ngộ đôc. Rượu uống (rượu ethanol/ethylic) được cơ thể con người chuyển hóa thành các sản phẩm ít, hoặc không độc và thải ra ngoài. 

Nhưng Methanol rất độc đối với con người, bởi cơ thể người sẽ chuyển hóa methanol thành formaldehyde và tiếp đến là oxy hóa thành axit formic rồi tấn công não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác và các bộ phận mô mềm khác như thận và gan. 

Theo các chuyên gia, chỉ cần l0ml methanol lẫn vào đồ uống là đủ để gây ra mù vĩnh viễn. Một người lớn có thể ngộ độc phải cấp cứu khi uống lml dung dịch 100% là methanol. 

Ngoài ra, người uống có thể bị mù, ngộ độc dẫn tới tử vong nếu uống và đưa chỉ 30 ml dung dịch nồng độ 40% methanol vào cơ thể", ông Cam giải thích.

Người dân xã Cà Dy đau buồn trước cái chết đột ngột của những nạn nhân bị ngộ độc rượu.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, để được cấp phép sản xuất rượu, người sản xuất rượu phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, như mang mẫu rượu đi kiểm nghiệm chất lượng, đăng ký tại Chi cục ATVSTP để có được bản công bố hợp quy sản phẩm; đăng ký cấp giấy phép sản xuất rượu tại Sở Công Thương (nếu quy mô lớn, vừa), hoặc Phòng Kinh tế - hạ tầng cấp huyện nếu quy mô nhỏ; đăng ký thuế để được dán tem, áp thuế... 

Tuy nhiên, hiện nay tại tỉnh Quảng Nam và các địa phương khác vẫn còn tồn tại rất nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất rượu thủ công không đảm bảo an toàn với các dụng cụ, thiết bị tự chế sơ sài, không đảm bảo ATVSTP. Nhiều cơ sở sản xuất rượu "chui"… 

Cụ thể như, cơ sở kinh doanh rượu của bà KPhu Nga, ngay sau khi vụ ngộ độc tại Cà Dy xảy ra, Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Nam kiểm tra cho thấy, đây là cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, bán hàng bao gói sẵn, có phòng bán hàng riêng biệt nhưng hàng hóa sắp xếp không ngăn nắp, cơ sở không có giấy tờ gì liên quan đến việc bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Còn cơ sở sản xuất rượu bà ARất Chiếu (thôn Pà Băng), nơi sản xuất rượu cung cấp cho tạp hóa bà KPhu Nga, thì nấu rượu trong nhà tôn nhỏ, chung quanh không có vách che, dụng cụ chứa rượu chưa nấu (cơm ủ men) là xô nhựa. 

Nồi nấu và chụp hút hơi rượu, ống ngưng tụ bằng nhôm, ngưng tụ trong thùng chứa nước lạnh là thùng phuy bằng sắt. Cơm nấu xong để nguội qua đêm trong các thau bằng nhựa, không đậy, sáng hôm sau dậy trộn men vào cơm rồi cho nước lã vào hỗn hợp ngay sau khi trộn men, ủ trong xô nhựa khoảng 6 ngày thì chưng cất. Nguồn nước nấu rượu là nguồn nước tự chảy, bắt nguồn từ khu vực trồng trọt…

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, Sở đã chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Đặc biệt, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, các cơ sở sản xuất rượu thủ công. 

Ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu ngâm các loại thảo mộc không rõ nguồn gốc, gây ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là các địa phương miền núi. 

"Chúng tôi đã cử cán bộ phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng ở miền núi đến từng bản, làng tuyên truyền, khuyến cáo người dân tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hoặc rượu ngâm các loại thảo mộc không rõ nguồn gốc để uống, nhằm phòng, tránh những vụ ngộ độc rượu, ngăn chặn những cái chết đau lòng có thể xảy ra", ông Văn khuyến cáo. 

Hà Vy
.
.
.