Những câu chuyện đặc biệt ở làng pháo Bình Đà

Thứ Hai, 27/01/2014, 16:03

“Nhất pháo Bình Đà, nhất cà Ninh Dương, nhất tương Kỳ Đà” đó chính là câu ca người xưa vẫn truyền tai nhau ca ngợi những đặc sản nổi tiếng trong vùng, trong đó pháo Bình Đà luôn được xếp hàng đầu. Dù rất lâu rồi không còn nghe tiếng pháo nổ mỗi dịp tết đến, xuân về nhưng trong ký ức người dân nơi đây nghề làm pháo vẫn được coi là nghề truyền thống đã làm nổi tiếng quê mình.

Lật lại ký ức

Thấm thoát đã 20 năm kể từ ngày đầu tiên thực hiện Quyết định 406/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm vận chuyển, sản xuất và sử dụng pháo nổ, chúng tôi lại có dịp trở về thăm làng pháo Bình Đà vào những ngày giáp Tết Giáp Ngọ 2014. Về tới đầu làng, vẫn một không khí nhộn nhịp của ngày nào vào những ngày giáp tết, nhưng nó là không khí của buổi chợ phiên tấp nập chứ không phải là cái cảnh khẩn trương của chợ pháo Bình Đà cách đây đúng 20 năm. Quanh làng trẻ con thoải mái vui chơi, đùa nghịch một cách chứ không phải giúp bố mẹ tiêm pháo, cuộn pháo như ngày nào, những người lớn tuổi thì vẻ mặt thật bình thản không còn sự âu lo đến tính mạng như khi còn làm cái nghề “cưỡi trên lưng hổ”.

Biết chúng tôi về làng sau hai thập kỷ đoạn tuyệt với nghề làm pháo nổ, cụ Nguyễn Tiến Triệu (83 tuổi) một người từng được coi là “cây đa, cây đề” với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề làm pháo phấn khởi chia sẻ: “Nói đến pháo thì nổi tiếng nhất là pháo làng tôi, vì pháo ở đây nổ to nhất, đẹp nhất. Nói không phải nói quá chứ từ xưa đến nay ở khắp đất Bắc kỳ này không nơi đâu làm nhiều và nổi tiếng như làng pháo Bình Đà”.

Cách đây khoảng hơn 20 năm khi đó phong trào làm pháo, đốt pháo còn rất được người dân ưa chuộng, nhất là trong những ngày Tết, ngày hội thì trong làng Bình Đà từ trẻ con đến người già ai nấy đều tập trung vào công việc duy nhất là làm pháo. Khi được gợi lại những kỷ niệm xưa cụ Tiến như quay về với dĩ vãng: “Tôi nhớ lắm những ngày này, nhà nào cũng vậy trẻ con thì tiêm thuốc, cuốn pháo, những người có kinh nghiệm thì hốt thuốc, vào khuôn, mỗi người một công đoạn. Pháo chất đầy nhà chỗ nào cũng thấy những nguyên liệu để làm pháo, có nhà còn xây cả một kho để chứa pháo. Chợ pháo luôn tấp nập từ sáng sớm đến khi tối mịt, người ta từ mọi nơi có khi tận Cao Bằng, Bắc Cạn cũng về tận đây lấy pháo về buôn. Từ đầu làng đến cuối làng ai cũng khẩn trương mong sao làm và bán được nhiều pháo để có cái tết thật sung túc”.

Trong lúc cụ Tiến đang say sưa với những ký ức của hơn 20 năm trước, bà Nguyễn Thị Duệ (68 tuổi, một người dân) cũng hồ hởi góp ý: “Ngày trước cả làng làm pháo, chẳng hiểu từ bao giờ con người nơi đây đã coi làm pháo là một nghề truyền thống của mỗi gia đình, từ người già đến trẻ con ai cũng biết làm pháo, nó là nghề để nuôi sống cả nhà. Biết đó là nghề nguy hiểm nhưng vẫn làm vì từ đời ông cha mình vẫn sống bằng nghề này mà”. Bà nhớ về những ngày còn sống chết với nghề: “Hai mươi năm trước đây thôi những tháng cuối năm này, bước chân vào đầu làng xác pháo la liệt đầy đường, chỉ nghe người ta đốt thử pháo thôi cũng đủ đinh tai nhức óc rồi nhưng nhớ nhất vẫn là khoảnh khắc giao thừa lúc đó nhà nhà đốt pháo, người người đốt pháo để đón mừng năm mới, xác pháo phủ kín khắp mọi ngõ ngách trong làng, tất cả mang một màu đỏ tươi”.

Khi được hỏi về những kỷ niệm ấn tượng nhất về làng mình hơn 20 năm về trước, tất cả mọi người nơi đây đều nhớ về ngày hội làng được tổ chức từ mùng 1 đến mùng 6 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây chính là ngày hội thi pháo của làng, ngày người dân thể hiện ai là nghệ sỹ làm và đốt pháo giỏi nhất của năm. Kỷ niệm về những ngày hội thi pháo vẫn còn in sâu trong tâm trí mỗi người dân nơi đây, đặc biệt đối với ông Nguyễn Đình Có (65 tuổi, cựu trưởng thôn Bình Đà năm 1999 đến năm 2003), ông là người rất tâm huyết với nghề làm pháo, cũng như cùng với xóm mình nhiều năm giành giải nhất trong các cuộc thi pháo của làng.

Ông Có nhớ lại: “Ngay trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất thì tiếng pháo Bình Đà vẫn nổ rộ trong những ngày Tết, từ ngày mùng một tết là tất cả mọi người trong làng kéo nhau ra sân vận động để xem thi đốt pháo. Không chỉ có người làng mà rất đông du khách khắp nơi cũng đổ về đây chỉ để được chiêm ngưỡng cuộc thi có một không hai này. Để có được những cây pháo nổ to nhất, đẹp nhất thì các đội phải chuẩn bị mất cả mấy tháng trời với những nguyên liệu tốt nhất”.

Cũng theo ông thì để có được những cây pháo độc thì mỗi đội thi cũng cần nghiên cứu cho mình một bí quyết chế tạo rất riêng và đặc biệt, để giành được giải thưởng có khi đội của ông phải thức trắng cả đêm tìm tòi cách làm sao cho pháo của đội mình mới lạ hơn. Vẫn như còn miên man trong những ký ức ngày xưa, ông tiếp tục kể: “Sáu ngày hội diễn ra thật nhanh, đến ngày cuối rồi mà du khách cũng chẳng muốn ra về, khi ra về ai cũng mua theo một bánh pháo về làm quà. Bây giờ ngày tết không nghe tiếng pháo cảm giác nó thiếu đi mất một hương vị truyền thống, ngày xưa thì mọi người đến xem mình đốt pháo, còn bây giờ giao thừa con cháu mình phải lên tận Hà Nội mới được xem pháo hoa, quả thật tôi vẫn có sự luyến tiếc một chút khi bỏ hẳn cái nghề mà ngàn đời nay truyền lại”.

Nghề “cưỡi trên lưng hổ”

 Làng Bình Đà hôm nay đã đổi mới rất nhiều, phố phường đông đúc với rất nhiều cửa hàng phục vụ, nhà cao tầng mọc lên san sát, người dân đi lại buôn bán tấp nập, đời sống vật chất được nâng cao một cách rõ rệt. Người dân nơi đây vui vẻ, rạng ngời chứ không lúc nào cũng sặc mùi khét lẹt của thuốc pháo ngày xưa. Trẻ con bây giờ dường như không biết được mình sinh ra trong ngôi làng được coi là đất tổ của nghề pháo, chúng cũng chẳng phải bỏ học giúp gia đình làm pháo kiếm tiền mà được đến trường, được thỏa thích vui chơi những trò mà chúng thích.

Khu đất trước đây là nơi tổ chức hội thi pháo giờ cũng được nâng cấp thành sân vận động khang trang để mọi người tham gia tập luyện thể dục thể thao. Sống trong một cuộc sống tốt đẹp, yên bình, người dân Bình Đà vẫn không khỏi rùng mình khi nghĩ tới những tai nạn, những nguy hiểm thường trực khi còn gắn bó với nghề làm pháo.

Ông Có, cụ Tiến.

Bà Duệ còn nhớ như in cái ngày mình mất đi một người thân trong gia đình vì bị nổ thuốc pháo: “Hôm đó cũng vào những ngày tháng 12 khi cả nhà tôi đang làm pháo thì nghe một tiếng nổ lớn nhà bên cạnh, tôi vội vàng chạy sang thì người anh họ của tôi đã bị thuốc pháo đốt cho cháy đen. Từ đó mỗi lần nghe có tiếng nổ trong làng là tôi lại cảm thấy rất sợ, và biết là lại có người bị thương do pháo nổ”.

Cũng theo ông Có thì trước đây khi còn làm pháo hàng năm trong làng thường xuyên xảy ra tai nạn làm cho hàng chục người chết và rất nhiều người bị thương do nổ thuốc pháo gây ra. Người ta nói người làm pháo như “cưỡi trên lưng hổ” kể ra cũng rất đúng vì trong quá trình chế thuốc chỉ không cẩn thận một chút thôi là có thể gây ra tai nạn ngay. Hay như trong những đêm giao thừa, đám cưới khi đốt pháo mà không cẩn thận để trẻ con lại gần cũng dễ xảy ra tai nạn thương tâm. Trong làng vẫn còn đó rất nhiều người mang trên mình những thương tật như: cụt tay, cụt chân… cũng là do pháo gây ra.

Bình Đà hôm nay đã đổi mới, người dân nơi đây không còn sống vào nghề làm pháo, bán pháo như xưa nữa, mỗi người tự tìm cho mình một công việc riêng làm sao cho cuộc sống của gia đình mình ngày càng tốt đẹp hơn, sung túc hơn. Tuổi đã cao, cụ Tiến tìm vui với công việc quản trang tại nghĩa trang liệt sỹ của xã, ông Có hài lòng với một quán nước nhỏ gần trường học góp thêm chút tiền sinh hoạt cho gia đình, còn bà Duệ vui vẻ với các cháu của minh. Họ không còn nặng lòng với nghề làm pháo như trước nữa mà bây giờ họ chỉ nhớ đến nó như một nghề truyền thống các cụ mình từ xa xưa truyền lại, và cái nghề đó làm cho vùng quê nghèo này trở nên nổi tiếng khắp đất Bắc kỳ, đó là “làng pháo Bình Đà”

Nguyễn Luật
.
.
.