Những cây cầu treo nguy hiểm ở Nam Trà My

Thứ Hai, 21/03/2016, 16:35
Để bước lên được những cây cầu lỏng lẻo "đến phát sợ" này, người đi qua phải lần dò từng bước nếu không muốn lọt xuống suối sâu. Cái được gọi là "lan can" cũng chỉ là 2 sợi dây thép buộc vào 2 gốc cây ở hai bên bờ suối, bên dưới được lát những mảnh gỗ tạm bợ, còn "đường dẫn" lên cầu được kê mấy cây gỗ mục…


"Rón rén" vừa đi, vừa sợ

Những cây cầu không thể nguy hiểm hơn nằm ở xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Một trong những cây cầu treo nguy hiểm nhất phải kể đến cây cầu tại thôn 5 xã Trà Nam, là "huyết mạch" của đồng bào Ca Dong ở làng Long Túc bắc ngang qua con suối sâu. Cầu dài trên 20m, chiều rộng hơn nửa mét, bên dưới là dòng nước chảy xiết.

Vào những ngày giữa tháng 3/2016, người dẫn đường cho chúng tôi "vượt cầu treo" là anh Trần Quốc Bảo, cán bộ phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nam Trà My đã cho biết: Bây giờ mùa khô, nước suối cạn có thể lội được qua suối nên người dân ít sử dụng cầu treo để đi, còn mùa mưa thì không thể lội suối được nên cầu treo lúc này mới phát huy hiệu quả.

Cây cầu treo không thể nguy hiểm hơn ở thôn 5 xã Trà Na.

Cây cầu này đồng bào đi quen rồi nên không bị rớt xuống suối, còn mình không quen nếu đi không cẩn thận dễ bị rớt như chơi. Huyện Nam Trà My này có hàng trăm cây cầu treo lớn nhỏ đều của người dân tự làm để vượt qua sông qua suối. Nhiều cây cầu ngay cả cán bộ huyện cũng không biết, không rõ là người dân làm ở đoạn suối nào. Để có cầu treo đa số bà con tự làm, huyện chỉ hỗ trợ dây cáp. Còn việc bảo dưỡng cũng là do một tay của bà con lo liệu.

Khi tận chân đi trên những cây cầu treo mà thường ngày  người dân qua lại và gọi là cầu "rón rén" này, quả thật vì không phải là người "bản địa", nên chúng tôi phải vừa đi vừa dò nếu không muốn lọt xuống suối khi qua cầu.  Dây an toàn duy nhất đối với chúng tôi, cũng được gọi là "lan can cầu"  chỉ là 2 sợi thép cột vào 2 gốc cây ở 2 bên suối, còn ván cầu bên dưới được lát những mảnh gỗ tạm bợ.

"Đường dẫn" lên cầu thì chỉ kê mấy cây gỗ mục, khiến người đi trên nó mỗi bước chân là mỗi lần phải "rón rén" . Và cũng chỉ đến giữa cầu, dù rất muốn qua bên kia, nhưng chúng tôi đã quyết định quay lại vì không dám tiến xa hơn, lo sợ sự an toàn cho chính mình bởi cầu liên tục "rung và lắc" và những cây gỗ lót mặt cầu đã "rơi rụng" gần hết…

Gặp PV, nhiều đồng bào Ca Dong nơi đây đã chia sẻ sự khó khăn của mình: "Nếu cán bộ muốn đi kiểm tra tất cả các cây cầu treo như vầy trên địa bàn có khi phải mất vài tháng mới hết, bởi phải đến gần 100 cây cầu treo nằm rải rác ở khắp các xã… Nhiều lần bà con được hứa hẹn sẽ có cây cầu qua suối, qua sông nhưng chờ đợi mãi, nhiều đoàn đến khảo sát rồi đi nhưng chiếc cầu treo cho người dân Ca Dong, Xê Đăng vẫn chưa có mô".

Không có cầu, người dân vượt sông, suối bằng… lốp xe?!

 Cũng vẫn ở huyện miền núi Nam Trà My, không phải là vượt cầu treo "rón rén" đầy nguy hiểm, nhưng hằng ngày người dân ở thôn 1, xã Trà Mai và thôn 4 xã Trà Tập thì phải dùng những con thuyền mỏng manh hay những chiếc lốp xe cũ kỹ để qua sông, qua suối.

Đáng nói, nằm chắn ngang là con sông Tranh xanh thẳm và cuồn cuộn chảy, bên này sông là thôn 1 xã Trà Mai, bên kia sông là thôn 4 xã Trà Tập, nơi có hơn 100 hộ dân từ bao đời nay muốn ra ngoài mua bán hay lên trung tâm huyện, xã chỉ có một cách là đi thuyền nếu không thì đi bộ cả ngày đường rừng.

Còn trên bến sông chỉ có vài con đò nhỏ xíu, mỏng manh của dân được trưng dụng triệt để để chở hàng và người cùng phương tiện.

Con đò chở khách và phương tiện hết sức mỏng manh ở 2 xã Trà Mai và Trà Tập.

Theo lái đò có thâm niên ở đây là ông Trương Quang Thiều (46 tuổi, trú thôn 4, xã Trà Tập) cho biết: Bên kia sông Tranh là làng Tắc Rối thuộc thôn 4, xã Trà Tập có khoảng hơn 100 hộ dân. Bao đời nay, người dân làng Tắc Rối muốn đi lên trung tâm huyện hay xã chỉ có cách phải dùng lốp xe ôtô hay thuyền mới đi lại được, nhưng ở đây cũng chỉ có một vài chiếc thuyền nhỏ để qua lại, còn mùa mưa nước dâng cao, chảy xiết thì không thể nào qua sông được.

Lo ngại nhất, hiện tại thôn 4 xã Trà Tập này hằng ngày có gần 70 con em học sinh của đồng bào đi học ở trung tâm xã phải qua sông Tranh mới đến trường được. Phương tiện chủ yếu là dùng lốp xe, hay dùng thuyền nhỏ tự chế người dân.

Mùa nắng đi lại được chứ mùa mưa thì người dân không thể qua sông, do nước lũ dâng cao nên mọi việc qua lại, buôn bán, trao đổi hàng hóa rất khó khăn. PV hỏi ông Thiều sao lại phải dùng lốp ôtô qua sông mà không dùng thuyền?…

Ông Thiều thở dài ở đây dân nghèo lắm, tiền đâu ra mà mua thuyền to. Dưới bến chỉ có vài chiếc thuyền đưa khách,  khi chủ thuyền bận việc mà người dân cần thì phải dùng lốp ô tô xe đưa hàng qua sông chứ không ai muốn vì quá nguy hiểm...! 

Được biết, vào năm học 2013-2014, có hai nữ sinh ở Tắc Rối đang học lớp 8 là Hồ Thị Hưng và Hồ Thị Thơ đã bỏ mạng trong lúc vượt sông đi học. Tháng 10/2013, hà bá còn cướp đi sinh mạng ông Hồ Văn Tiến (49 tuổi), ở nóc Tắc Rối. Năm 2015, trong lúc qua nóc Tắc Rối dạy học, một giáo viên tiểu học cũng đã bị chết đuối.

Trao đổi với PV về việc xây cầu treo dân sinh qua sông cho người dân nơi đây, ông Nguyễn Đình Tân - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Nam Trà My - đã cho rằng: Trước đây Bộ GTVT có chương trình cầu treo dân sinh trên cả nước, trong đó tỉnh Quảng Nam được phân bổ 14 cây cầu và huyện Nam Trà My "được hưởng" 1 cây cầu.

BQL Công trình 5 thuộc Tổng cục Đường bộ cũng đã đến tận nơi khảo sát nhiều lần từ năm 2014, sau đó huyện tiến hành giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn để làm đường vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng nhưng đến nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Dự kiến cầu treo nối thôn 1 xã Trà Mai và thôn 4 xã Trà Tập dài 100m, rộng 2m, với số vốn dự kiến khoảng 6-7 tỉ đồng.

Người dân làng Tắc Rối dùng ruột xe bơm căng làm phương tiện vượt sông.

Đây là số tiền quá lớn so với ngân sách của huyện, khúc sông này không thể làm cây cầu nhỏ hơn vì khoảng cách sông rộng và phải vượt lũ. Riêng về những "cầu treo rón rén" trên địa bàn, nguy hại đến an toàn và tính mạng của người dân, ông Nguyễn Đình Tân cũng cho biết:  Hiện trên địa bàn huyện có hàng chục địa điểm cần phải làm cầu treo cho người dân đi và hàng chục cây cầu treo khác cần phải sửa chữa; tuy nhiên ngân sách của huyện không thể bỏ ra để xây dựng nên rất cần nguồn vốn đầu tư của nhà nước và của cả xã hội. Năm ngoái có một công ty hứa đầu tư cây cầu treo trị giá 2 tỉ đồng ở thôn 5 xã Trà Nam nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai…

Hiện, "Huyện đã gởi văn bản đến Tổng cục Đường bộ nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Hỏi BQL Công trình 5 thì họ nói chưa có tiền. Chính quyền huyện, xã đã hứa với đồng bào là tháng 5-2015 sẽ có cầu nhưng đến nay đã tháng 3-2016 vẫn không có cầu cho người dân… Những cây cầu treo an toàn bắc ngang qua sông, suối cho người dân hiện vẫn tiếp tục "treo" trong sự chờ đợi của người dân các xã vùng xa của huyện Nam Trà My - ông Tân chia sẻ…

Hoài Thu - Trí Công
.
.
.