Những chiến binh sau tấm biển “khu vực cách ly đặc biệt”

Thứ Tư, 12/02/2020, 10:03
Trưởng khoa cấp cứu trực chiến từ đầu mùa dịch chưa nghỉ, điều dưỡng dọn đồ vào ở luôn trong bệnh viện, cô lao công ướt đẫm mồ hôi dù ngoài trời rét căm căm. Đằng sau tấm biển báo “khu vực cách ly” đặc biệt kia, mỗi con người đều có một tâm sự riêng nhưng đều cùng chung ước muốn đợt dịch nhanh kết thúc.


Sẽ vẫn ở đây đến khi hết dịch

Những ngày này, khu vực khoa cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ở Đông Anh, Hà Nội im lìm, vắng lặng. Băng qua khu vực có dây barie kéo ngang qua những tấm biển có nội dung “khu vực cách ly”, “khu vực cách ly đặc biệt”, “không phận sự miễn vào”, chúng tôi có chút chùn chân, và tự hỏi liệu có phải mình đang quá liều lĩnh?.

Đầu hành lang vào khoa cấp cứu là phòng Bác sĩ Trưởng khoa Nguyễn Trung Cấp. Chúng tôi đến vừa kịp lúc bác sỹ đi thăm bệnh nhân về. Biết chúng tôi đến hỏi thăm, bác sỹ mở cửa phòng vẫy vẫy tay, ý mời vào, hình như anh vẫn đang bận nghĩ điều gì đó.

Trong phòng làm việc gần như rất ít đồ đạc, vị trưởng khoa ngồi xuống chiếc ghế sô pha, mái tóc điểm bạc có vẻ đã hơi dài, đôi mắt hơi đỏ vì đã nhiều ngày thiếu ngủ. Trên bàn dù có đủ ấm trà, khay nước nhưng dường như tất cả cũng đã lâu ngày chưa dùng đến.

“Những ngày này nếu dùng từ rất bận hay vô cùng bận thì không thể tả đủ tình trạng công việc của chúng tôi. Ngày cao điểm có đến hơn 200 người đến khám và làm xét nghiệm, áp lực vô cùng. Chúng tôi phải chăm sóc những ca dương tính, phải tiếp nhận và làm xét nghiệm cho những ca nghi nhiễm, phải làm công tác an toàn cho cán bộ nhân viên, tập huấn, hướng dẫn cho các đồng nghiệp tuyến dưới… và còn phải đối phó với những thông tin giả. 

Cũng may mọi người đều quyết tâm chiến đấu, tôi chỉ sợ tất cả những người ở đây, từ y bác sỹ, điều dưỡng cho đến người dọn vệ sinh, bảo vệ, bất kỳ ai nghỉ hay nhiễm bệnh thì công việc sẽ đảo lộn vô cùng”, vừa chia sẻ với chúng tôi, bác sỹ Cấp vừa phải liên tục giải quyết công việc.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp.

Ở khoa cấp cứu này, hầu hết các điều dưỡng viên đều còn rất trẻ, chưa có gia đình. Để tiện cho công việc, để cách ly với gia đình, nhiều người trong số họ đã dọn đồ đạc đến ăn ngủ ngay tại bệnh viện trong những ngày chống dịch.

Dịch bùng phát kể từ trước Tết, cũng kể từ đó, “thế giới” của họ gói gọn trong những bệnh phòng của khoa cấp cứu, bị “phong tỏa” bởi những tấm biển “khu vực cách ly”, bởi những dây barie dọc hành lang hun hút. Dù vậy, khi được hỏi rằng công việc vất vả thế nào, họ gần như rất kiệm lời, không kể lể, than vãn. Có lẽ đối với họ đó vẫn chỉ là công việc thường ngày, là việc họ đã chọn, có chăng họ chỉ mỉm cười vì sự cống hiến của mình được người khác quan tâm hỏi đến.

Thế nhưng không phải ai cũng hiểu, cũng chia sẻ, cũng cảm thông và trân trọng những mồ hôi họ đã rơi, những nguy cơ họ đã đối mặt. Chị Nguyễn Thị Dung, một nữ điều dưỡng trẻ tâm sự: “Chúng em không nề hà gì công việc vất vả hơn thường ngày. Từ khi có dịch, chúng em là những người ở đây đang phải chiến đấu với dịch. 

Khi nhiều người biết điều đó, đáng ra họ nên trân trọng sự cố gắng, những thiệt thòi của chúng em khi không được nghỉ tết, phải hạn chế gặp bạn bè, người thân, thì ngược lại họ lại xa lánh, thậm chí là kỳ thị. Bạn em còn nói nửa đùa nửa thật rằng “khi nào hết dịch thì chúng ta lại làm bạn nhé”, nghe thấy như thế nói thật chúng em rất đau lòng”.

Bùi Thị Lan Anh cũng là một điều dưỡng viên trẻ, cô chưa có gia đình và đang ở trọ cùng bạn tận Hà Đông, cách bệnh viện hơn 20km. Lan Anh bị chính một người làm công tác y tế ở khu mình trọ đặt điều rằng cô bị nhiễm virus. Rồi tổ dân phố đã họp và quyết định “trục xuất” cô. Kể từ đó Lan Anh dọn đồ dùng cá nhân vào ở luôn trong bệnh viện.

“Em buồn vì nhiều người không hiểu biết, không thông cảm cho công việc của mình. Nhưng em thấy đau lòng, rất đau lòng vì một người làm ngành y tế lại không sẻ chia cho đồng nghiệp, còn đặt điều vu khống để lạm tổn thương nhau. Cũng may ở đây mọi người sống như một gia đình, đùm bọc, san sẻ và giúp đỡ nhau mọi chuyện”, Lan Anh tâm sự.

Có nhiều điều dưỡng viên dọn đồ đạc đến bệnh viện ở trong những ngày trực chiến như Dung và Lan Anh. Khi được hỏi họ định khi nào sẽ về, tất cả đều có cùng câu trả lời rằng “khi nào Việt Nam công bố hết dịch thì chúng tôi về”.

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nghi nhiễm virus.

“Mình sợ, mình không làm thì ai làm”

Trong “trận chiến” này, đồng minh của đội ngũ y bác sỹ và nhân viên y tế còn có những người lao công, dù không trực tiếp liên quan đến việc khám chữa bệnh nhưng họ lại được đánh giá là quan trong không thể thiếu trong chiến dịch này. Dù vậy, ngoài những người làm trong bệnh viện, hầu như không ai để ý đến những cống hiến âm thầm của những còn người này.

Tại khoa cấp cứu chỉ có 2 người lao công chịu trách nhiệm làm sạch tất cả những bề mặt con người có thể chạm đến. Với khối lượng công việc khổng lồ, để môi trường khám chữa bệnh luôn sạch sẽ, ngăn chặn việc virus có thể bám trên các bậu cửa, sàn nhà, thành giường, họ đã nỗ lực hết mình, mồ hôi ướt áo ngay giữa những ngày rét giá.

Theo phân công, chị Đàm Thị Thời chịu trách nhiệm lau dọn ca sáng, từ 6 giờ cho đến 14h. Mỗi buổi sáng, chị Thời bắt đầu công việc của mình khi bệnh viện còn đang vắng lặng.

Những ngày này, bệnh viện đang có những bệnh nhân nhiễm virus, và mỗi ngày có khi đến cả vài trăm người khả nghi nhiễm virus vào khám bệnh, vì thế nguy cơ virus bám vào những bề mặt con người có thể chạm tới là có khả năng, quy trình lau dọn cũng vì thế mà vất vả hơn nhiều.

Mỗi chi tiết trong phòng bệnh đều phải lau đến 3 lần, lần 1 lau bằng nước, lần 2 lau bằng hóa chất sát trùng y tế, lần 3 là lau khô. Cô Thời chỉ có 2 giờ đồng hồ để lau dọn. Đúng 8h sáng, khi ngày làm việc mới bắt đầu, mọi bề mặt đều yêu cầu phải sạch sẽ và khô ráo.

Sau khi lau chùi xong, cô lại bắt tay vào công việc thu gom rác. Vì có dịch nên quy trình thu gom rác cũng trở nên phức tạp.

Đồ bảo hộ mà đội ngũ y tế thay ra, cùng với những rác thải từ khu cách ly đặc biệt sẽ được xếp vào nhóm rác thải nguy hại, có nguy cơ lây nhiễm. Chúng cần được bọc trong nhiều lớp nilon, phun nhiều lần hóa chất rồi bọc kín trước khi bàn giao cho đơn vị xử lý.

Bắt đầu công việc ở đây khi bệnh viện mới đi vào hoạt động, công việc lao công trong bệnh viện bắt buộc phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn khắt khe, và chị Thời có thể được coi là một chuyên gia trong công việc của mình.

Những người chiến sĩ trong cuộc chiến chống dịch.

Khi được hỏi rằng có khi nào chị thấy sợ không, chị Thời trả lời rằng: “Mình sợ, mình không làm thì ai làm, ở đây bệnh viện trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang, găng tay đầy đủ, không việc gì phải sợ”.

Chị Thời tâm sự: “Từ trước tết, khi có dịch thì lượng bệnh nhân tăng đột biến, công việc vất vả hơn nhiều. Có những khi trời giá rét căm căm nhưng mồ hôi ướt đẫm, bệnh nhân nhìn thấy, họ hỏi thì m ình mới để ý. Cứ mải làm việc vì sợ không kịp thời gian, việc dồn lại làm không hết. Tôi đi làm ở đây các con cũng lo lắm, nhưng tôi bảo không sao cả, ở đây các bác sỹ cũng như mình, không việc gì mà sợ”.

Theo bác sỹ Cấp thì công việc lao công dù ít người để ý nhưng lại vô cùng quan trọng. Ngoài việc đảm bảo môi trường sạch sẽ, tránh lây nhiễm thì việc lau dọn cũng khiến bệnh nhân đồng cảm hơn với nhân viên bệnh viện, từ đó họ sẽ hợp tác hơn, giảm áp lực đối với đội ngũ y tế, vì thế mà công tác khám chữa bệnh cũng hiệu quả hơn.

Bên trong những căn phòng cách ly đặc biệt, các bệnh nhân đã dần hồi phục, bước đầu có những kết quả âm tính và nếu tiến triển tốt thì sẽ được xuất viện trong thời gian tới. 

Sức khỏe, sự hồi phục của bệnh nhân được đổi bằng đôi mắt đỏ vì những ngày thiếu ngủ của bác sỹ trưởng khoa, đổi bằng những ngày không nghỉ tết của đội ngũ nhân viên y tế, đổi bằng tấm áo đẫm mồ hôi của chị lao công ở một góc khuất đâu đó trong bệnh viện. 

Những con người đó, gương mặt đều khuất một nửa sau lớp khẩu trang. Ít người thấy rõ và nhận ra được họ là những ai, nhưng tất cả họ đều xứng đáng với hai tiếng “người hùng”.

Đinh Hiền
.
.
.