Những chiến binh trên mặt trận kinh tế

Thứ Hai, 27/06/2016, 07:00
Nhiều vụ án tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giá trị lớn đều được cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an tỉnh Hà Tĩnh đưa ra ánh sáng.


Vẫn biết phá án kinh tế là một lĩnh vực nhạy cảm và hết sức phức tạp và không chắc chắn về nghiệp vụ, pháp luật và không có bản lĩnh chính trị vững vàng thì rất khó đấu tranh với loại tội phạm này.

Năm 2015, Phòng đã lập được nhiều thành tích khi phá thành công nhiều vụ án tham nhũng lớn. Cụ thể là vụ hô biến đất công thành đất tư để chiếm đoạt tiền giải phóng mặt bằng của đối tượng Nguyễn Văn Bổng. Đối tượng này nguyên là Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh.

CBCS phòng PC46 Công an tỉnh Hà Tĩnh vinh dự đón nhận bằng khen của Bộ Công an.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, khi được giao làm Chủ tịch Hội đồng bồi thường huyện Kỳ Anh trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khu tái định cư phục vụ cho vụ án Formosa, ông Bổng cùng một số thuộc cấp và cán bộ xã Kỳ Long, Kỳ Lợi, Kỳ Phương đã hợp thức toàn bộ đất công không được bồi thường giao cho hộ dân sử dụng.

Trên cương vị là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, ông Bổng đã ký Quyết định số 1767 ngày 28-8-2013 và Quyết định số 1423, ngày 3-12-2013 phê duyệt kinh phí bồi thường cho UBND xã Kỳ Thượng số tiền là 4,7 tỉ đồng với phương thức khai khống hồ sơ, khai khống nguồn gốc đất để rút tiền của Nhà nước sử dụng sai quy định, sai mục đích.

Không dừng ở đó, đối tượng Nguyễn Văn Bổng tiếp tục chỉ đạo cấp dưới thành lập tổ kiểm kê để lập biên bản kiểm kê có hơn 80ha đất khai hoang thành đất nông nghiệp thuộc các xã Kỳ Long, Kỳ Lợi, Kỳ Phương. 678 hồ sơ khống đã được lập ra giao cho Phạm Huy Tường - nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận để áp giá và ra quyết định chi trả của UBND các xã nói trên, bỏ qua khâu thẩm định của Sở Tài chính. Hậu quả gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền lên tới 14 tỉ đồng.

Vẫn trên cương vị là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Nguyễn Văn Bổng đã trực tiếp ký các quyết định phê duyệt kinh tế bồi thường, hỗ trợ gây thất thoát ngân sách nhà nước với số tiền lên tới 16,5 tỉ đồng. Đồng thời đối tượng này cũng phê duyệt kinh phí hỗ trợ xây dựng công trình trên đất nông nghiệp vượt thẩm quyền với số tiền là 7,4 tỉ đồng.

Trong vụ án này, PC46 Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố và bắt tạm giam 4 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Bổng, Phạm Huy Tường - nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kỳ Anh, Lê Hữu Diện - nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Long, Bùi Quang Hà - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Long, Lê Anh Đức - nguyên cán bộ hội đồng bồi thường tái định cư huyện Kỳ Anh về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư.

Đại tá Nguyễn Văn An, Trưởng phòng PC 46 Công an tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: "Cái khó trong điều tra của tội phạm kinh tế là có sự can thiệp ngầm vì đối tượng thường có rất nhiều mối quan hệ. Từ mối quan hệ đó có sự chỉ đạo ngầm dẫn đến làm cản trở trong công tác điều tra. Đối tượng sai phạm thường sử dụng tối đa các mối quan hệ để hợp thức chứng cứ và tìm cách đối phó với cơ quan điều tra".

Cũng trong năm 2015, PC46 đã điều tra và khởi tố 3 đối tượng: Trần Ngọc Sơn (59 tuổi) - nguyên Giám đốc Công ty Cao su Hà Tĩnh, Nguyễn Thị Thạch Quỳnh (35 tuổi) - thủ quỹ, Nguyễn Thị Hiền (44 tuổi) - Phó phòng Tổ chức lao động tiền lương công ty về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo tài liệu của PC46, trong thời gian từ tháng 11-2011 đến tháng 12-2013, Trần Ngọc Sơn đã cùng kế toán, thủ quỹ tùy tiện chi tiêu, sử dụng ngoài sổ sách gây thất thoát của Nhà nước số tiền lên tới 5,2 tỉ đồng. Sơn cùng cấp dưới của mình đã lợi dụng chủ trương của Tập đoàn Cao su Việt Nam trong việc cấp kinh phí để khắc phục hậu quả bão lụt. Bằng thủ đoạn thông đồng với giám đốc và kế toán 10 nông trường lập hồ sơ nâng khối lượng chênh lệch so với thực tế số tiền 5,2 tỉ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh những năm gần đây các vụ án kinh tế chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực như: Đất đai, giải phóng mặt bằng, hoàn thuế, lừa đảo xuất khẩu lao động, tham ô trong các cơ quan sử dụng nguồn vốn nhà nước… Trong đó tội phạm thuộc lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng ngày một nhiều và thủ đoạn vô cùng tinh vi. Ngày 23-7-2015, PC46 đã tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Đình Quốc - Giám đốc và Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu SCI về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo lời khai của đối tượng Nguyễn Văn Chung tại cơ quan điều tra thì từ hơn một năm trở lại đây, Chung nắm bắt được chính sách khuyến khích xuất khẩu hàng hóa trong nước sang Lào được hoàn thuế giá trị gia tăng nên đã quyết định lập khống Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu SCI. Mặc dù là người chủ trì nhưng Chung lại để Lê Đình Quốc làm Giám đốc còn anh ta chỉ giữ chức Phó Giám đốc công ty.

Cán bộ, chiến sĩ PC 46 Công an tỉnh Hà Tĩnh công bố lệnh bắt giam đối tượng Nguyễn Văn Bổng.

Để hợp thức hóa thủ tục thanh toán tiền hàng của công ty, Chung đã sang Lào ký kết hợp đồng với một công ty. Sau đó Chung sẽ chuyển tiền sang cho công ty này và công ty này lại chuyển tiền lại cho công ty của Chung. Việc làm này chỉ để chứng tỏ có hoạt động buôn bán ngoại thương và để đánh lừa các cơ quan chức năng.

Để hợp pháp, Chung đã liên hệ với các chủ xe chở hàng sang Lào để mở tờ khai hải quan kiếm hóa tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) và Hải quan Lào. Sau khi hoàn thành xong mọi thủ tục hải quan, Chung trả lại xe hàng để các chủ xe đi giao bên nước bạn.

Với phương thức đó, chỉ trong khoảng 8 tháng, hai đối tượng Quốc và Chung đã mở được 114 tờ khai hải quan với tổng trị giá lên tới 150 tỉ. Sau đó Chung liên hệ mua hóa đơn giá trị gia tăng của 11 doanh nghiệp ở các tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An sau đó chỉ đạo kế toán lập hồ sơ xin hoàn thuế.

Kết quả, Công ty của Chung đã qua mặt Hải quan Cầu Treo và Cục Thuế Hà Tĩnh lập được 3 bộ hồ sơ xin hoàn thuế và thu lợi bất chính là 8,4 tỉ đồng. Khi bị bắt, cơ quan điều tra còn thu giữ tại nhà Chung và Quốc 55 hóa đơn đầu vào và phù hợp với 36 tờ khai xuất nhập khẩu với trị giá hàng hơn 61 tỉ đồng chưa kịp làm thủ tục hoàn thuế.

Trong 2 năm vừa qua, PC46 Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cho Ban Giám đốc chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã tập trung đấu tranh tội phạm trên 3 lĩnh vực, đó là: Đất đai; xây dựng nông thôn mới và chính sách xã hội. Đây là 3 loại tội phạm xuyên suốt và nổi cộm trên địa bàn Hà Tĩnh.

Đấu tranh phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực hết sức nhạy cảm đó cũng chính là thử thách của các cán bộ, chiến sĩ PC46 Công an tỉnh Hà Tĩnh. Đại tá Nguyễn Văn An chia sẻ: "Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế đòi hỏi lực lượng Cảnh sát kinh tế phải trang bị cho mình kiến thức vững vàng để chủ động phân biệt, phát hiện những sơ hở thiếu sót mà bọn tội phạm lợi dụng hoạt động

Với những thành tích xuất sắc, năm 2015, Phòng PC46 Công an tỉnh Hà Tĩnh đã được Tổng cục Chính trị CAND tặng cờ thi đua xuất sắc, 2 lần được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen, 3 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. Đồng thời cũng là đơn vị được công nhận đơn vị văn hóa gương mẫu chấp hành điều lệnh CAND…

Ngọc Anh
.
.
.