Những chiêu lừa đảo núp bóng đa cấp

Thứ Hai, 25/04/2016, 12:07
Với chiêu bài huy động vốn được hưởng lãi suất cao, Nguyễn Thế Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868 (Công ty PGB) đã huy động gần ba trăm tỉ đồng với hàng nghìn hợp đồng hợp tác kinh doanh núp bóng đa cấp.


Nhiều người được trả lãi suất cao thời gian đầu đã mù quáng, tin tưởng mà ném tiền vào công ty của hắn, đến khi tiền vốn không đòi lại được, lãi suất không thấy đâu, trong khi công ty đóng cửa, ban giám đốc bặt vô âm tín, họ mới làm đơn tố cáo tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46-Bộ Công an). 

Khi người trong cuộc tố cáo

Theo đơn tố cáo của chị Đ.K.H, trú tại Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, thông qua người quen giới thiệu về Công ty PGB chị được biết, công ty đang cần hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng hệ thống cà phê, nấm linh chi đỏ, xây dựng chuỗi siêu thị mini tự chọn, xây dựng cửa hàng vật tư nông nghiệp, xây dựng tour du lịch.

Đồng thời chị được Nguyễn Thế Anh tư vấn giới thiệu là đối tác chính thức của tập đoạn Organo-Gold của Mỹ và đề nghị hợp tác với 2 mức đầu tư. Mức 1: Gói 36,6 triệu đồng, nếu tham gia sẽ được 5 hộp cà phê hoặc 1 thẻ vip 500 lần uống cà phê.

Để được trở thành "cổ đông" của Công ty PGB, khách hàng phải đóng từ 12 đến 72 triệu đồng.

Tháng thứ nhất sẽ nhận 9 triệu đồng tiền hoa hồng. Tháng thứ hai 12 triệu, tháng thứ ba 24 triệu, tháng thứ 4, tháng thứ 5 và tháng thứ 6 khuyến mãi đều là 27 triệu. Tổng số tiền nhận được sau 6 tháng góp vốn là 126 triệu đồng.

Mức 2 là gói 72,6 triệu đồng. Người tham gia cũng sẽ được 5 hộp cà phê hoặc 1 thẻ vip 500 lần uống cà phê. Tháng thứ nhất sẽ nhận 9 triệu đồng tiền hoa hồng. Tháng thứ hai 12 triệu, tháng thứ ba 24 triệu, tháng thứ tư, tháng thứ năm 27 triệu, tháng thứ sáu 60 triệu, tháng thứ bảy 150 triệu, tháng thứ tám 250 triệu, tháng thứ chín 500 triệu, tháng thứ mười 1 tỷ.

Tổng thu nhập sau 10 tháng là 2,062 tỷ. Người đầu tư được tái đầu tư từ tháng thứ 6 với mức tái đầu tư là 12 triệu -100 triệu - 150 triệu và 500 triệu và hưởng lãi suất 5%/năm. Lãi lấy hằng tháng và số tiền tái đầu tư sẽ được trả lại sau 36 tháng. Việc hợp tác kinh doanh có hợp đồng cụ thể, chữ ký của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Anh và đóng dấu công ty.

Nghe bùi tai và thấy lãi suất cao, nên ngày 16-11-2015 chị H. đã đăng ký tham gia 5 mã số gói 72,6 triệu đồng với số tiền là 363 triệu và một mã gói 36,6 triệu. Tuy nhiên đến đầu tháng 1-2016 thì chị H. không nhận được tiền hoa hồng như đã hứa dù chị đã gọi điện và hẹn gặp Nguyễn Thế Anh rất nhiều lần.

Tổng số tiền chị đã gửi vào Công ty PGB là 399,6 triệu đồng nhưng phần chị nhận về chỉ là 10 hộp cà phê và 2 thẻ uống cà phê nhưng không có chỗ quẹt, còn ban giám đốc công ty vẫn bặt vô âm tín.

Nguyễn Thế Anh (bên trái), Tổng Giám đốc Công ty PGB vừa bị bắt.

Cũng giống như chị Đ.K.H, anh N.X.S trú tại Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư vào Công ty PGB với số tiền là 956,4 triệu đồng. Không những thế anh còn lôi kéo vợ mình đầu tư 1 tỷ 784,4 triệu đồng. Cháu ruột anh và em vợ anh cũng đầu tư mỗi người một mã 72,6 triệu đồng.

Trước lời đường mật của các thành viên Công ty PGB, anh V.T.H. trú tại Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cùng vợ đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty PGB với số tiền là 730,6 triệu đồng. Tuy nhiên, 3 tháng sau anh cũng không nhận được bất cứ tiền hoa hồng nào như hợp đồng đã ký. Phía Công ty PGB liên tục viện lý do bằng những thông báo qua Zalo nhằm kéo dài thời gian thực hiện cam kết trong hợp đồng.

Ngày 1-3-2016 và ngày 7-3-2016, công ty này lại thông báo mọi người đến các địa điểm 176 Lê Văn Sĩ, quận 3 hoặc 98 Chu Văn An, quận Bình Thạnh để chuyển đổi hợp đồng sang Công ty Organo hoặc hủy hợp đồng cũ, kí lại các hợp đồng đã tham gia với điều khoản khác hợp đồng ban đầu.

Trong khi đó, các văn phòng đại diện cũng như chi nhánh của công ty đều đã đóng cửa. Mọi người chỉ nhận được thông báo của tổng giám đốc hoặc phó giám đốc qua Zalo mà không hề liên lạc lại được.

Khác với những bị hại trên, chị V.T.H, trú tại quận 2, TP Hồ Chí Minh vừa là trung gian nhưng vừa là bị hại. Theo đơn tố cáo của chị, chị và người thân, bạn bè có đầu tư vào Công ty PGB với số tiền là 1,464 tỷ đồng. Sau 3 tháng đầu, chị được hoàn vốn và hoa hồng đầy đủ. Thấy lợi nhuận lớn từ việc đầu tư vào PGB, nhiều người bạn đã đến nhờ chị đóng giúp tiền đầu tư vào công ty.

Từ ngày 10-11-2015 đến ngày 30-12-2015, chị đã nộp về công ty 6,102 tỷ đồng. Tuy nhiên về sau chị H nhận thấy công ty không thực hiện đúng cam kết như trong hợp đồng với các nhà đầu tư nên chị đã liên hệ và được đại diện công ty hứa sẽ đảm bảo thanh toán lại số tiền trên đúng như cam kết.

Yên tâm nên chị H đã lấy tiền túi ra để ứng trước cho các nhà đầu tư với số tiền là 250 triệu đồng cho đúng thời hạn trả tiền hoa hồng ghi trong hợp đồng. Thế nhưng từ đó đến nay, chị H không nhận được một đồng tiền nào của Công ty PGB như đã hứa. Chị H cho biết, ngoài chị ra còn có rất nhiều bị hại cũng là nạn nhân của những trò lừa đảo của Công ty PGB.

Chân dung và thủ đoạn của kẻ lừa đảo

Nguyễn Thế Anh (SN 1979), quê gốc ở Đà Nẵng, đã có vợ con nhưng ly hôn. Tháng 11-2014, Thế Anh thành lập Công ty Thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 68, tại 131 Bạch Đằng, thành phố Vũng Tàu và mở 1 chi nhánh tại thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, kinh doanh về lĩnh vực đồ uống cà phê giải khát.

Một chi nhánh của Công ty PGB.

Do huy động vốn bằng hình thức kinh doanh đa cấp nên Công ty Thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 68 của Thế Anh bị cơ quan chức năng Gia Lai phạt 20 triệu đồng, Bình Định phạt hành chính 12 triệu đồng, thu hồi giấy phép kinh doanh, buộc trả lại tiền cho nhà đầu tư.

Để tiếp tục huy động vốn, đến tháng 9-2015, Nguyễn Thế Anh tiếp tục thành lập Công ty PGB, địa chỉ tại: đường K2 phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cũng kinh doanh về lĩnh vực đồ uống cà phê giải khát, đồng thời Thế Anh thành lập nhiều chi nhánh tại thành phố Buôn Ma Thuột, thành phố Nha Trang, quận Tân Bình, quận Gò Vấp, quận 3 TP Hồ Chí Minh, Hà Nội nhưng chỉ là địa điểm ăn ở, đón tiếp nhà đầu tư, tổ chức hội thảo câu lạc bộ cà phê nấm linh chi đỏ và huy động vốn.

Thế Anh còn mở 7 chi nhánh chưa có giấy phép nhưng vẫn giao dịch bán cà phê với chuỗi quán Vina Mart cà phê tại các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, thực tế đây chỉ là nơi Thế Anh bàn bạc, giao dịch với các nạn nhân. Đồng thời với việc mở chi nhánh, Thế Anh chỉ đạo cho các nhân viên dưới quyền của công ty đi tuyên truyền chính sách chi trả lợi nhuận của công ty để người tham gia tin tưởng với lãi suất dao động từ 35% đến 54%/ tháng.

Thực tế công ty không có hoạt động kinh doanh sinh lãi để trả cho nhà đầu tư mà lấy tiền huy động vốn để trả một phần lợi nhuận cho chính nhà đầu tư trước đó, và sử dụng vào các chi tiêu khác như phát hành khoảng 30.000 thẻ uống cà phê miễn phí, có các mệnh giá từ 500.000 đồng trở lên để phát cho các nhà đầu tư được hưởng chế độ uống cà phê miễn phí nhưng thực tế không có địa điểm nào sử dụng thẻ quẹt để uống cà phê của công ty này; sử dụng tiền thu được để mua 1924 mã cà phê của nhãn hàng Organo-Gold để hưởng chiết khấu nhưng thực chất việc này cũng như việc mở các quán cà phê không phải để kinh doanh cà phê mà để tạo vỏ bọc doanh nhân để các nhà đầu tư tin tưởng, tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư mới góp tiền vào công ty, chính là đã tiếp tay cho Nguyễn Thế Anh vươn rộng phạm vi lừa đảo của mình tới nhiều nạn nhân của hắn trong cả nước.

Cảnh giác với các chiêu lừa đảo đa cấp

Kinh doanh đa cấp mang tính lừa đảo đều có chung phương thức, thủ đoạn, đó là: Người tham gia làm thành viên của mạng lưới đa cấp phải đặt cọc, phải mua lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả khoản tiền để tham gia; lợi nhuận phát sinh không từ kinh doanh bán hàng mà phát sinh từ việc tuyển dụng người tham gia, mục đích là lấy tiền, vốn của người sau để trả cho người trước.

Nói cách khác, người tham gia hưởng hoa hồng, thu lợi kinh tế từ việc lôi kéo thêm người tham gia vào mạng lưới đa cấp (đây là điểm khác biệt với bán hàng đa cấp hợp pháp).

Để tránh bị thiệt hại khi tham gia góp vốn và kinh doanh đa cấp, người dân hãy cảnh giác, thận trọng trước những lời mời tham gia hấp dẫn về lãi suất, những hứa hẹn hão huyền hay sự phô trương về hình thức và vật chất. Việc thêm một công ty đa cấp bị phanh phui hành vi lừa đảo một lần nữa khẳng định việc ngăn chặn các công ty đa cấp biến tướng hoàn toàn có thể làm được và là lời cảnh báo cho những ai đã, đang và sẽ tham gia các công ty đa cấp.

Ngày 16-4-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thế Anh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời đồng loạt thi hành lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc tại các chi nhánh Công ty PGB tại nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc và hiện đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Đề nghị những ai là nạn nhân của đối tượng Nguyễn Thế Anh, liên hệ Phòng 13-C46 - Bộ Công an, ĐT: 069333788, số 258 Nguyễn Trãi quận 1, thành phố Hồ Chí Minh để được hướng dẫn giải quyết.
Ngọc Trâm
.
.
.