Những chuyện tình cay đắng của lão nông có mái "tóc rồng"

Chủ Nhật, 30/06/2013, 16:18

Với mái tóc hình rồng kỳ lạ, lão nông Nguyễn Văn Long (73 tuổi, thôn Duệ Đông, thị trấn Lim, Bắc Ninh) trở nên nổi tiếng khắp đất kinh Bắc. Không chỉ có mái tóc đặc biệt, lão còn được biết đến như một kẻ lập dị sống cô đơn, có tài chữa bệnh bằng thuốc nam và ngày ngày đọc kinh nhà Phật.

Lão tự nhận mình là có căn duyên với nhà Phật. Nhưng sâu thẳm trong con người đó có lẽ đang đi tìm cho mình một lối thoát, sự thanh thản sau quá nhiều đổ vỡ? Năm bà vợ, năm cuộc kết hôn, năm lần ly hôn để rồi những năm tháng cuối đời lão sống cô đơn dưới căn nhà cũ nát.

Mái tóc độc nhất vô nhị

Có lẽ chỉ cần nhìn vào cái nơi mà lão Long đang ở cũng đủ thấy chủ nhân của nó là người lập dị đến mức nào. Phía ngoài sân, cỏ mọc cao gần bằng đầu người. Nếu chỉ thoáng nhìn vào nhiều người sẽ tưởng đó là căn nhà bỏ hoang không có người ở. Phía trong là ngôi nhà 2 tầng vàng ệch, nham nhở rêu phong.

Tầng 2 của ngôi nhà đã bị phá nóc, tầng dưới là ngổn ngang quần áo, bát đũa, nồi xoong. Phía bên phải ngôi nhà hai tầng là một gian nhà ngang lụp xụp. Bên trong chỉ có chiếc ti vi cũ rích là đáng giá, một chiếc quạt điện, trên chiếc sập thấp bày la liệt những sách bàn về kinh phật.

Nói chuyện với chúng tôi, hễ đụng đến đâu lão Long cũng đều mang sách Phật ra dẫn chứng. Tiếp chúng tôi, lão Long cười hiền hậu: "Nhà tôi không bao giờ khóa cửa cả. Tài sản quý nhất chỉ là những cuốn kinh nhà Phật thôi".

Thấy chúng tôi đổ dồn ánh mắt vào mái tóc kỳ dị của mình, lão Long tỏ vẻ hài lòng. Lão vừa lắc mái tóc vừa nói: "Cô cậu thích mái tóc của tôi phải không? Phải thích mới nói chuyện được với nhau. Trước có người vào nhà chưa kịp nói câu gì đã tỏ ra phàn nàn về mái tóc rồi khuyên tôi cắt bỏ, tôi đuổi ra khỏi nhà ngay".

Để mình trần, lão ra sức mài con dao to bản nơi góc sân, lão tiếp chuyện chúng tôi như thể đã thân quen từ lâu lắm. Các chuyện triết học, đạo Phật đông tây kim cổ lão kể tất.

Lão kể câu chuyện về sự xuất hiện mái tóc của mình đầy vẻ tự hào. Khoảng tháng 6 năm 1994, hôm đó trời nắng nóng như rang, lão bỗng ngước mắt lên trời nhìn hàng giờ đồng hồ mà không chớp mắt. Thế rồi tự nhiên lão muốn về đất Phật Yên Tử (Quảng Ninh).

Mái tóc 17 năm không đụng dao kéo.

Trời nắng, đường xa, non cao cũng không ngăn nổi lão Long về Yên Tử lễ Phật. Đúng 12 giờ trưa, trời như thiêu đốt, mồ hôi ướt đầm đìa lão bỗng nhìn thấy bóng người cứ vẫy tay ra hiệu đi theo. Cứ thế lão mải miết chạy theo mà không biết mệt mỏi, thấy càng đi càng khỏe mạnh hơn.

Lễ Phật xong đâu đấy về nhà lại thấy người có sự đổi khác đặc biệt. Bỗng dưng lão thấy quý trọng mái tóc của mình hơn bất kể cái gì mà lão đang sở hữu. Gật gù bên hàng chục cuốn kinh Phật lão chia sẻ: "Với tôi mái tóc như một điều kỳ diệu, tiếp thêm sức mạnh khi nghiên cứu sách báo hay làm gì khó khăn".

Những năm đầu mái tóc của lão Long thả xuống vai như của một thiếu nữ. Rồi dần dần, mái tóc của lão cứ thế bết lại và trên trái phía đỉnh đầu tóc dính vào nhau thành lọn tròn. Lọn tóc cứ  thế lớn dần, dài ra dù nhìn bề ngoài tóc có màu vàng như tóc chết. Gỡ ra cũng không được, chải xuống thì càng không thể và cứ thế lão mặc cho tóc phát triển tự nhiên. Lão cười hóm hỉnh: "Mái tóc này không phải ai cũng có được đâu. Thôi cũng là do trời cho mà được".

Cứ như thế, sau 17 năm mái tóc tiên của lão biến thiên qua nhiều dạng khác nhau. Khi được duỗi ra như một con rắn hổ mang. Khi lại gấp khúc buộc lại thì mái tóc này chẳng khác con rồng đang tư thế chuẩn bị bay. 

Những cuộc tình cay đắng

Từ những năm 1930, cụ thân sinh ra lão Long là người thông minh, học cao biết rộng, đặc biệt rất giỏi tiếng Tây (tiếng Pháp) nhưng lại không màng tới chốn quan trường. Cụ về quê làm nghề thợ hồ sống qua ngày cùng con cháu. Cha mẹ dần già yếu, lão Long lúc bấy giờ là con cả phải gồng mình nuôi năm miệng ăn.

Mãi cho tới 24 tuổi lão nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình riêng cho mình. Cưới vợ chưa được mặt con nào lão lại lên đường nhập ngũ. Lão rưng rưng kể lại câu chuyện buồn với người vợ thứ nhất: "Tôi đi bộ đội một mạch 12 năm không về. Thực lòng là chiến tranh ác liệt không có thời gian thăm gia đình. Bà ấy còn trẻ lại thiếu thốn tình cảm thế là trao thân cho người ta để được thỏa mãn cả công danh và dục vọng. Họ cũng có với nhau được một người con trai. Từ đơn vị trở về tôi không truy cứu chuyện đó. Gia đình tôi không chấp nhận thế rồi bà ấy tự nguyện bỏ đi".

Năm 1969 lão Long về Tổng cục Hậu cần công tác và tìm lại tương lai hạnh phúc cho mình. Tướng mạo, phong độ cộng với tài ăn nói chẳng khó khăn để lão đánh gục trái tim một nữ công nhân nổi tiếng xinh đẹp của công ty may Chiến Thắng.

Căn nhà xập xệ của lão Long.

Năm 1970 họ quyết định đi tới hôn nhân, cuộc sống càng hạnh phúc, viên mãn khi họ có với nhau một cô con gái xinh đẹp. Nhưng càng sống lâu, lão Long càng nhận ra người vợ của mình không chỉ xinh đẹp mà còn rất lẳng lơ. Những lời đồn thổi về người vợ không chính chuyên liên tiếp ập đến tai lão, tình cảm vợ chồng vì thế mà lục đục.

Trong khi ấy, cô con gái đầu lòng của vợ chồng lão lại bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Phát hiện ra cũng là lúc bệnh đã vào giai đoạn vô phương cứu chữa. Con gái mất, sợi dây duy nhất có thể níu kéo được tình cảm của lão Long dành cho vợ cũng mất luôn. Cuối cùng họ chia tay nhau. Một lần nữa lão lại trắng tay khi bước sang dốc bên kia của cuộc đời.

Nhiều người nói, nếu muốn hỏi về tóc, về kinh Phật thì lão có thể kể cả ngày không hết chuyện. Nhưng hễ động đến chuyện vợ con là lão nhăn mặt và gạt đi ngay. Bởi theo quan điểm của lão thì một khi đã theo kinh Phật thì không nên đụng đến những chuyện bụi trần nữa.

Vì thế, phải khó khăn lắm chúng tôi mới gợi được để lão kể về cuộc sống riêng tư của mình. Cứ mỗi lần kể xong chuyện lấy vợ rồi bỏ vợ lão lại buồn buồn buông một câu y hệt như nhau: "Thôi đã trót kể rồi thì kể cho hết vậy".

Cuốn kinh phật lão Long tâm đắc.

Sau khi chia tay với người vợ thứ hai cũng là lúc lão xuất ngũ trở về quê hương với hai bàn tay trắng. Vốn có nghề thợ hồ lão lại lang thang nay đây mai đó kiếm tiền nuôi bố mẹ già. Không hiểu cuộc sống đưa đẩy thế nào, trong một lần sang Bắc Giang làm lão Long gặp lại người đồng đội cũ.

Cảm thông số phận của bạn mình, người bạn mời lão về nhà chơi rồi thẳng thừng "tặng" luôn cô em gái cho lão. Ước mơ nhỏ bé có một gia đình đầm ấm lại trỗi dậy trong lão. Lão Long đồng ý ngay lập tức rồi đưa người phụ nữ đó về nhà. Kể đến đây mắt lão Long bắt đầu ngấn nước: "Chẳng hiểu cái số tôi thế nào! Ở với nhau vỏn vẹn được 2 năm, cô ấy sinh cho tôi một người con gái rồi cũng bỏ tôi mà đi. Trước khi đi cô ấy để lại đứa con cho tôi, chỉ mang theo cái bụng bầu. Mà cái bụng bầu lại là sản phẩm của người đàn ông khác. Cay đắng quá!".

Người vợ thứ 4 với lão cũng chỉ như 3 người phụ nữ đã từng đi qua cuộc đời mình. Hôm đó lão được ông bác nhờ sang sửa hộ nhà. Thấy lão là một thợ giỏi nghề, khỏe mạnh lại có hoàn cảnh đặc biệt cô gái hàng xóm lại đem lòng thương mến.

Cũng như những lần khác họ đưa nhau về quê, làm thủ tục kết hôn, ra mắt họ hàng rồi cùng về chung sống. Có với nhau được một người con gái, cô vợ thứ 4 ép lão về ở rể nhưng lão không nghe. Không ai chịu ai thế là họ lại chia tay nhau.

Trong suốt buổi trò chuyện về những người vợ với chúng tôi rất hiếm khi thấy lão Long cười. Nhưng đến cô vợ thứ năm này bỗng thấy mắt lão ánh lên niềm vui. Lão nói: "Thực sự người vợ thứ năm này là tôi thương tình. Tôi cưu mang bà ấy lúc gặp hoạn nạn. Khoảng năm 1983 tôi làm ở một trại điều dưỡng ở khu vực Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) cùng người ở Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc). Anh đó có mời tôi về nhà chơi. Khi về nhà thì mới biết anh này ở rể. Bà mẹ vợ thấy tôi đáng tin nên gọi ra than rằng: "Thằng con rể tôi mất dạy lắm, nó đánh đập vợ con liên miên. Anh làm thế nào cứu mẹ con nhà nó".

Tôi cũng chỉ nghe câu chuyện rồi để đấy. Ai ngờ, bốn năm sau tôi có dịp qua nhà thì bà cụ đó đã mất. Hai mẹ con cô ấy tiền không còn một xu, gạo không còn một hạt. Nhớ lời bà cụ bốn năm về trước tôi liền đưa hai mẹ con họ về nhà tôi. Chúng tôi sống như vợ chồng với nhau, tôi nuôi đứa con nhỏ lớn khôn rồi gả chồng cho nó".

Nói đến đây lão Long cười chua chát: "Sau này tôi thiền, đọc kinh nhà Phật cô ấy không chịu được và có ý muốn đi lấy chồng. Thế rồi cô ấy cũng sang Thuận Thành (Bắc Ninh) lấy người đàn ông khác. Vậy là mình đứng ra cưới cho cả hai mẹ con nhà cô ấy".

Lão Long bảo, giờ tôi hướng Phật nên mọi thứ đều vô vi hết, thật giả, giả thật đã không còn quan trọng nữa. Không biết lão đã ngấm được đến đâu và đắc đạo được chừng nào nhưng nhìn một cách đời nhất thì lão là một người bất hạnh. Có nhiều đấy nhưng lại chẳng có gì…

Mái tóc đặc biệt của lão nông Nguyễn Văn Long có thể biến hóa thành những hình thù khác nhau. Lúc đầu thì là hình con sư tử, sau là hình con đại bàng và đến giờ là hình con rồng có mắt. Với mái tóc độc nhất vô nhị của mình nên vào những ngày lễ hội vùng Kinh Bắc, lão Long có thể kiếm bộn tiền nhờ dịch vụ đứng chụp ảnh cùng du khách.

Hầu hết những du khách đến hội Lim đều muốn có một tấm ảnh với người đàn ông có mái tóc "dị" này. Thế nên vào những ngày hội chính, số tiền mà lão Long thu được có khi lên tới hơn chục triệu.

Phong Anh
.
.
.