Những chuyến xe ân tình

Thứ Tư, 19/06/2019, 09:24
Là trại giam lớn nhất cả nước, Trại giam Thủ Đức đầu tiên đưa ra ý tưởng và tổ chức các chuyến xe đưa đón thân nhân từ TP HCM đến trại thăm phạm nhân. Từ năm 2007 đến nay mỗi ngày đều đặn có 3 - 4 chuyến xe (25 - 30 chỗ) xuất phát từ Bến xe miền Đông như vậy. Trên những chuyến xe thăm gặp phạm nhân, mỗi người, mỗi gia đình một hoàn cảnh nhưng ai cũng kỳ vọng người thân của mình yên tâm cải tạo tốt để sớm được trở về…


"Nhìn con vui mỗi lần thấy mẹ vào thăm là tôi mãn nguyện rồi"

Dù các chuyến xe hơn 4h sáng mới xuất phát, nhưng hơn 3h sáng tại khu vực ngay gần cổng ra của Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh, TP HCM) trên quốc lộ 13, nhiều thân nhân của phạm nhân đang thi hành án tại Trại giam Thủ Đức đóng tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đã tay xách nách mang những giỏ đồ nặng trĩu hướng về những chiếc xe chuyên chở thân nhân đi trại giam này… 

Và có lẽ do đã quá quen với mọi việc và hành trình của chuyến xe này, những thân nhân này trước đó đã tới một căn nhà trong hẻm 153 quốc lộ 13 sát bên bến xe để mua vé cho chuyến đi - về.

Do là lần đầu đi cùng chuyến xe này nên tôi khá bỡ ngỡ. Ngược lại những hành khách của các chuyến xe này họ đã quá quen với các bác tài của ba chuyến xe nên gần như không cần hỏi gì, sau khi đã mua vé họ nhanh chóng đi đến đúng từng xe. Hôm đó có ba chuyến xe sẽ xuất phát đi trại giam. Trên chuyến xe tôi có mặt, hành khách chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi và trung niên. Có hai chị đưa theo hai con gái để cùng vào thăm chồng - cha.

Một người phụ nữ chừng hơn 60 tuổi cho biết, bà đi thăm con trai đang thụ án tại Phân trại 3 của Trại giam Thủ Đức. Gần như không cần hỏi, bà cứ như tự chia sẻ mọi chuyện. 

Con trai bà mang án 14 năm tù vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Nhà bà ở Bến Tre, mỗi tháng một lần bà lại cặm cụi đi mấy chặng đường - từ quê lên Bến xe miền Tây rồi bắt xe buýt tới Bến xe miền Đông, để từ đây mới theo chuyến xe của trại vào thăm con trai mình.

Những chuyến xe ân tình thăm nuôi phạm nhân.

Bà bảo con trai bà vốn thích ăn thịt kho tàu nên nhiều lần kho cả 5kg thịt kho tàu rồi bỏ bịch mang theo vào cho con và các bạn cùng ăn. Thấy tôi chú ý đến chiếc đai lưng bà đang đeo, bà chia sẻ rằng mình bị đau lưng do thoái hóa cột sống, nên thường xuyên phải đeo đai, hạn chế ảnh hưởng tới cột sống.

"Lớn tuổi lại đau bệnh nhưng cũng phải cố chú ạ. Một tháng được thăm con có một lần. Sức khỏe của người già cũng chẳng biết ra sao nên ngày nào còn đi thăm con được là tôi đi. Nó dù sai phạm thế nào cũng là con mình mà. Nhìn con vui mỗi lần thấy mẹ vào thăm là tôi mãn nguyện rồi", bà dịu giọng.

Chẳng hiểu sao tôi không muốn hỏi thêm gì ở bà hay về tội trạng của con bà mà cứ tự cảm nhận một điều gì đó thật bao la, thật thương cảm trước tình mẫu tử của người mẹ.

Hơn 4 giờ, đoàn xe thăm gặp phạm nhân từ Bến xe miền Đông thẳng hướng trại giam lăn bánh. Trên xe, mọi người do còn ngái ngủ nên có người tranh thủ chợp mắt thêm. Nhưng có lẽ phần nhiều không thể ngủ tiếp được do lỡ giấc và nhất là sự mong ngóng được gặp chồng con khiến họ bâng khuâng.

Đi cùng con gái chừng 11-12 tuổi vào thăm chồng, chị H. (49 tuổi, ngụ Tây Ninh) chia sẻ, chồng chị đang chấp hành án phạt 7 năm tù giam tại Phân trại 1. Lâu nay chị thường đi một mình mang đồ vào thăm nuôi chồng, nhưng lần này do con gái đang nghỉ hè nên đòi theo mẹ vào thăm ba. Hai mẹ con chị phải lặn lội đi gần 1h đêm để xuống TP HCM ra Bến xe miền Đông cho kịp giờ xe chạy. 

"Con gái tôi tuổi này nên nó cũng biết mọi việc rồi. Nghỉ hè là nó nói đi nói lại xin được cho đi cùng vào thăm ba. Hoàn cảnh như vậy nên cũng phải chấp nhận và cũng mong thấy vợ con mà anh ấy lo cải tạo để được giảm án", chị H. tâm sự.

Những chuyến xe nhân ái

 Dọc đường, bác tài cho xe dừng lại đón thêm hai vị hành khách đã gọi điện hẹn trước vì nhà gần đường đi. Xe chạy được gần một giờ đồng hồ thì bác tài cho xe dừng lại nghỉ chân tại một quán bên đường. Tại đây có bán nhiều đồ ăn thức uống. Mọi người tranh thủ mua thêm ít bánh trái, trong đó xe bán bắp luộc được các bà các chị chú ý và mua nhiều nhất.

Một người đàn bà cỡ chừng ngoài 60 tuổi có vẻ khá mệt mỏi, vừa mua 5 trái bắp ra ngồi chiếc ghế nghỉ chân. Hỏi chuyện, bà cho hay, con trai bà rất thích ăn bắp, nhưng "giá bán ở đây mắc quá, ở TP HCM 10 ngàn đã mua được 4 bắp mà ở đây một bắp bán 5 ngàn".

Bà cho biết mình ở Long An, đi thăm con trai đang thụ án 12 năm ở trại. Con trai bà khi đang học lớp 12, một ngày được nghỉ lễ nên đã cùng bạn bè đi quán karaoke rồi ăn nhậu. Sau đó, dù có hơi men trong người, con bà chở hai bạn học trên chiếc xe máy gây tai nạn, gây thương tích nặng cho một người đi đường. Ra tòa, con trai bà bị tuyên án 3 năm cho hưởng án treo để tiếp tục học hết lớp 12.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh này đi học nghề và làm nhiều việc như sửa điện thoại, tài xế xe du lịch… Nhưng rồi theo bạn bè xấu, con trai bà dính vào tội mua bán ma túy và nhận thêm án 9 năm tù giam. Do vẫn còn thời gian thử thách nên 3 năm án treo bị cộng dồn vào thành 12 năm tù giam. Kể cho tôi nghe về tội trạng của con mình mà bà như không kìm được cảm xúc nghẹn ngào - "Con dại cái mang, chú ạ".

Nghe câu chuyện của chúng tôi, một người phụ nữ khác cũng tầm hơn 60 tuổi bắt chuyện. Bà cho biết mình cùng chồng đưa con dâu vào thăm con trai đang thụ án ở Phân trại 6. Theo lời người mẹ chồng này thì đúng ra con trai bà chưa đăng ký kết hôn với con dâu nhưng hai đứa đã tổ chức đám cưới và sống chung một thời gian. Sau đó, con trai bà mang tội Cố ý gây thương tích phải chịu án tù nhưng con dâu bà vẫn ở bên nhà chồng.

Bà chia sẻ: "May mắn là con dâu rất thương cha mẹ chồng và chồng nó. Nó chăm chỉ làm nghề buôn bán nhỏ, rồi hằng tháng cùng chúng tôi đi thăm chồng nó. Nhìn con dâu như vậy, vợ chồng tôi mừng lắm. Nhất là cứ mỗi lần vào tới nơi, thấy cảnh con trai tôi mừng rỡ, hạnh phúc, tôi càng tin con trai tôi sẽ có thêm động lực để cải tạo tốt, sớm được trở về với gia đình"…

Trong câu chuyện với chúng tôi anh lái xe Nguyễn Văn Trường bảo rằng gần như hiểu về hoàn cảnh của các hành khách đặc biệt của mình.

"Với công việc của mình, tôi chỉ muốn chở bà con thuận lợi, đi tới nơi về tới chốn an toàn thôi. Tôi cũng hiểu họ vì hoàn cảnh gia đình, chồng con mà phải lặn lội đường xa đi lại mệt nhọc nên tôi luôn vui vẻ với họ, giúp được gì thì tôi giúp để họ bớt vất vả hơn", bác tài cho hay.

Trại giam Thủ Đức là trại đầu tiên trên cả nước đưa ra ý tưởng tổ chức các chuyến xe đưa đón thân nhân đi thăm.

Theo tài xế Trường, anh đã có thâm niên hơn 10 năm chạy cho tuyến đường này về trại giam. Nhưng mỗi tháng tài xế sẽ thay đổi tuyến đường giữa các phân trại. Giả sử tháng này chạy Phân trại 4, Phân trại 1 thì tháng sau sẽ chạy Phân trại 6 và Phân trại 7… Cứ thế, các tài xế thay phiên nhau chạy giữa các "K" (phân trại).

Sau khoảng 3 giờ đồng hồ, chuyến xe đã tới Trại giam Thủ Đức, trời lúc này đã sáng rõ, trạm dừng chân gần nhất là Phân trại 1. Một số người đã mang đồ xuống xe và chuẩn bị vào thăm chồng, con chấp hành án tại đây. Và tại các phân trại khác cũng vậy.

Qua câu chuyện của họ, chúng tôi tin rằng sự chăm sóc của cha mẹ, của vợ con như vậy, những phạm nhân sẽ thức tỉnh và chăm chỉ cải tạo, để được sớm trở về với gia đình, với xã hội.

Theo quy định, hiện người thân chỉ được thăm nuôi trong vòng 1 giờ. Phạm nhân được thăm nuôi phải cải tạo tốt và không vi phạm quy định của trại. Cũng có trường hợp cải tạo xuất sắc, trại sẽ xét kéo dài việc thăm nuôi nhưng không quá 3 giờ.

Trung tá Vũ Hồng Kiên, Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ, Trại giam Thủ Đức cho biết, đây là trại đầu tiên trên cả nước đưa ra ý tưởng tổ chức các chuyến xe đưa đón thân nhân đi thăm. Năm 2007, trại đã tổ chức chuyến xe đầu tiên và từ đó đến nay mỗi ngày đều đặn có 3-4 chuyến xe (25 - 30 chỗ) xuất phát từ Bến xe miền Đông chở thân nhân đi thăm. Vào dịp cuối tuần hay lễ, tết, trại phải tăng cường thêm nhiều chuyến xe mới đáp ứng đủ nhu cầu.

Nói về ý tưởng lúc đầu để thực hiện những chuyến xe này, Đại tá Trần Hữu Thông, nguyên Giám thị Trại giam Thủ Đức, cho biết cách đây hơn 10 năm, có nhiều doanh nghiệp bên ngoài tranh giành nhau chở khách tới trại gây khó khăn cho bà con, thậm chí cũng có lúc vì tranh giành khách đã dẫn tới gây gổ, gây mất an ninh trật tự trại. 

Trước thực tế đó, Ban Giám thị Trại giam Thủ Đức mới quyết định sẽ thành lập một điểm cố định ở TP HCM để người thân phạm nhân có đầu mối liên hệ và có xe chở đi thẳng vào trại thăm thân, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bà con. Sau đó, Trại cử cán bộ đến làm việc với lãnh đạo Bến xe miền Đông và đã được tạo điều kiện để có mặt bằng thuận lợi cho các chuyến xe đi - về.

"Đúng ra, lúc đầu cũng có nhiều ý kiến do đụng chạm đến quyền lợi của một số doanh nghiệp, nhưng Ban Giám thị trại đã quyết tâm thực hiện việc này nên mới trở thành hiện thực và từ đó đến nay những chuyến xe này vẫn phát huy hiệu quả", Đại tá Trần Hữu Thông cho biết thêm.

Đánh giá về hiệu quả của các chuyến xe, Trung tá Vũ Hồng Kiên bổ sung: "Việc tổ chức các chuyến xe này cũng nhằm mục đích giảm bớt thủ tục hành chính trong việc thăm nuôi phạm nhân. Thân nhân thay vì phải đi xe nhiều chặng mới tới được trại, rồi phải làm thủ tục thăm nuôi thì nay chỉ cần tới Bến xe miền Đông sẽ được hướng dẫn mọi thủ tục thăm nuôi, rất thuận tiện. Và hầu hết các thân nhân đều thấy được hiệu quả của các chuyến xe này".

Cũng theo Trung tá Vũ Hồng Kiên, trước đây có những trường hợp thân nhân tự ý đi nhưng khi xuống có thể không được thăm vì chưa đến dịp thăm nuôi hoặc phạm nhân vi phạm quy chế của trại và không được thăm nuôi. Nhưng với địa điểm ở Bến xe miền Đông, khi đến đăng ký đi xe, cán bộ tiếp nhận sẽ gọi điện về trại để kiểm tra, sau đó thông báo cho thân nhân trường hợp này được thăm nuôi hay không. 

Việc này sẽ giúp thân nhân không phải mất công đi lại mà còn tạo thuận lợi cho họ - nhất là với những người đăng ký lần đầu. Và hơn 10 năm qua những chuyến xe này đã là hành trình quen thuộc, thuận lợi của rất nhiều người có người thân đang thi hành án của trại.

Phú Lữ - Đức Cương
.
.
.