Những điểm nhấn từ phiên tòa xử 2 cựu Bộ trưởng trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG

Thứ Tư, 01/01/2020, 07:48
Phiên tòa xét xử 14 bị cáo có liên quan trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG vừa kết thúc với cái kết chung thân cho cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son.

Đây cũng được coi là một phiên tòa lịch sử bởi đối tượng bị đưa ra xét xử là cán bộ cấp cao. Trong đó có 2 bị cáo nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng,  đều từng nắm giữ vai trò lớn và có mức án cao nhất.

Phiên tòa đặc biệt

Trong quá trình diễn ra phiên tòa, trước lời bào chữa của các bị cáo, đại diện VKSND Tối cao đã đưa ra những luận cứ thuyết phục chứng minh cáo trạng truy tố đối với các bị cáo, khiến tất cả phải cúi đầu thừa nhận nội dung cáo trạng.

Đại diện cơ quan công tố cho rằng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người có chức vụ cao, giữ cương vị quan trọng trong cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nhà nước nhưng không giữ được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, kỷ luật.

Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ MobiFone mua AVG.

Hành vi của các bị cáo xâm hại đến sự đúng đắn, trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước và uy tín, đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức, tạo ra dư luận xấu trong xã hội. Đó là một trong các biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức công vụ của một số bộ phận cán bộ công chức, một phần của tệ nạn tham nhũng, thể hiện lợi ích cục bộ của cá nhân, doanh nghiệp.

Hậu quả hành vi phạm tội của các bị cáo không chỉ gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế, tác động rất xấu đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm niềm tin của người dân.

Cũng vì sự nghiêm trọng của vụ án, HĐXX đã có bản án đúng người đúng tội đối với các bị cáo, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.  Cụ thể, bị cáo Nguyễn Bắc Son - cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT bị tuyên 16 năm tù cho hành vi “Vi phạm quy định quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”; hình phạt chung thân cho hành vi “Nhận hối lộ”. Tổng hình phạt là chung thân.

Bị cáo Trương Minh Tuấn - cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT lĩnh án 6 năm tù cho hành vi “Vi phạm quy định quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”; 8 năm tù cho hành vi “Nhận hối lộ”. Tổng hình phạt là 14 năm tù.

Bị cáo Lê Nam Trà - nguyên Chủ tịch HĐTV MobiFone lĩnh án 7 năm tù cho hành vi “Vi phạm quy định quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”; 16 năm tù cho hành vi “Nhận hối lộ”. Tổng hình phạt là 23 năm tù.

Bị cáo Cao Duy Hải - nguyên Tổng Giám đốc  MobiFone 4 năm tù cho hành vi “Vi phạm quy định quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”; 10 năm tù cho hành vi “Nhận hối lộ”. Tổng hình phạt là 14 năm tù.

Cũng tại phiên tòa này, nhiều chi tiết đặc biệt được các luật sư cho rằng ít xảy ra tại các phiên tòa trước đó. Đầu tiên là việc HĐXX cho dừng phiên tòa 1 ngày để bị cáo Nguyễn Bắc Son gặp gia đình; đáp ứng ý nguyện giúp ông này khắc phục hậu quả từ số tiền 3 triệu USD đã nhận từ Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch AVG). Ngày 19-12, HĐXX đã tạm nghỉ 1 ngày để tạo điều kiện cho ông Nguyễn Bắc Son được gặp gia đình tại Trại tạm giam T16.

Việc nộp khắc phục hậu quả khi đang xét xử của gia đình ông Son cũng là điểm đặc biệt thứ hai của phiên tòa. Ngày 23-12, gia đình bị cáo đã nộp 21 tỷ đồng và thêm 45 tỷ đồng vào trước ngày tuyên án. Ở các vụ án liên quan đến việc nộp tiền khắc phục cho Nhà nước với khoản đã chiếm đoạt trước đó, thông thường gia đình các bị cáo nộp trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra hoặc nộp trước phiên tòa phúc thẩm.

Thứ ba, đó là trường hợp bị cáo Phạm Nhật Vũ nằm bệnh viện trong suốt những ngày xét xử. Do sức khỏe yếu nên bị cáo này chỉ xuất hiện tại tòa 2 ngày, vì thế đã không có lời tự bào chữa trước tòa cũng như lời nói sau cùng khi tòa vào nghị án.

Điểm đặc biệt cuối cùng cũng thuộc về bị cáo Vũ khi luật sư của bị cáo cho biết, đã có 1.731 chữ ký và đơn xin khoan hồng, giảm nhẹ tội cho bị cáo được gửi đến VKS. Cùng với đó là hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho bị cáo Vũ. Đây là điều chưa bao giờ diễn ra đối với một bị cáo tại một phiên tòa.

Tiếp đó gia đình bị cáo Phạm Nhật Vũ cũng nộp lên các giấy tờ xác nhận bị cáo đã làm từ thiện trong nhiều năm qua với số tiền 1.300 tỷ đồng. Luật sư cũng đưa ra 10 tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Vũ. Có thể nói bị cáo này là trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhất khi bị truy tố ra tòa.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son.

6 điều rút ra từ vụ án

Mới đây, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của ngành Kiểm sát nhân dân, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh qua các vụ án kinh tế, tham nhũng trong thời gian qua, chúng ta đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong xử lý vụ việc. Nhất là trong năm 2019, các vụ án đã được tiến hành điều tra, truy tố, xét xử một cách khoa học, bài bản, chắc chắn, thực hiện đúng quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt thông qua vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG vừa được đưa ra xét xử, Thường trực Ban Bí thư nêu 6 điểm nhấn đáng chú ý sau phiên xét xử.

"Chúng ta tạm rút ra 6 điều từ vụ án. Đây là lần đầu tiên làm rõ vụ án đúng là vụ án tham nhũng và tham nhũng với quy mô lớn. Thứ hai, đối tượng phạm tội là cán bộ cấp cao, 2 bị cáo nguyên là 2 Ủy viên Trung ương, đều ở vai trò lớn, ở mức án phải nói là cao nhất", Thường trực Ban Bí thư nói.

Vấn đề thứ ba, đó là về vấn đề khắc phục hậu quả, từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra đã thu hồi 8.000 tỷ đồng, các số tiền đưa hối lộ và nhận hối lộ đã được thu hồi.

Thứ tư, đó là chất lượng điều tra, truy tố, xét xử đạt chất lượng cao. Đây được coi là một vụ án điển hình về điều tra, thu thập chứng cứ, kết luận điều tra; xét xử công minh, dân chủ, khách quan; đối đáp giữa luật sư, Viện Kiểm sát rất rõ ràng.

“Các đồng chí trong ngành cũng biết, điều tra, xét xử một vụ tham nhũng, đưa hối lộ không dễ, vì toàn là chứng cứ gián tiếp. Nên đây là cố gắng rất lớn của đơn vị điều tra, kiểm sát viên. Bây giờ, các bị can đứng trước tòa đều công nhận, cảm ơn cơ quan điều tra, tòa án, xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân,... ", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Vấn đề thứ năm, đó là việc thực hiện tố tụng đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có phân hóa đối tượng. Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Đại diện VKS trong phiên tòa đã rất cân nhắc và trong phiên tòa chúng ta sẽ tiếp tục cân nhắc. Với tinh thần 'trị bệnh cứu người', nếu ai khắc phục đúng tinh thần của Đảng, khắc phục được hết thì chúng ta khoan hồng".

Vấn đề cuối cùng là vấn đề bao trùm được Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh là việc xử lý thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm và làm triệt để.

Thường trực Ban Bí thư đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: "Mấy năm vừa qua, điều chúng ta thành công cả về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, qua đó đã khẳng định với nhân dân một điều: chúng ta chưa làm hết, nhưng chúng ta đã thấy rõ được “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất”. 

Trước đây chúng ta đặt câu hỏi “một bộ phận không nhỏ” là ai, nhưng giờ đã xác định được hình hài của nó, từ cán bộ cấp thấp cho đến cấp cao, không phải hỏi việc này ở đâu để khởi tố".

Thường trực Ban Bí thư cũng cho biết, trong thời gian qua, VKSND Tối cao, Bộ Công an, TAND Tối cao, Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng làm rõ hành vi phạm tội. Chú trọng áp dụng nhiều biện pháp bảo đảm thu hồi tài sản và đã yêu cầu thu hồi hơn 35.000 tỷ đồng cho Nhà nước (tăng 12,8%). 

Từ đó đã xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đinh Hiền
.
.
.