Những dự án quan trọng góp phần xây dựng Chính phủ điện tử

Thứ Tư, 28/10/2020, 14:02
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an được giao trọng trách xây dựng 3 dự án. Trong đó, có Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD).

Những dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước về ANTT, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thẻ CCCD có gắn chíp giúp hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính

Ngày 3-9-2020, dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt chủ trương đẩu tư dự án và đang thực hiện các công việc phục vụ cho việc cấp thẻ CCCD có gắn chíp điện tử trên phạm vi toàn quốc, dự kiến từ tháng 11-2020.

Theo Cục Cảnh sát Quản lí hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân. Đáng chú ý, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chíp thì sẽ thực hiện được các giao dịch. Ngoài ra, việc tích hợp chíp trên CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan Công an. Dữ liệu trên chíp có thể truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.

Chíp sử dụng trên thẻ CCCD tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chíp có thực hiện ký số do vậy khó làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch. Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay) cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người. Qua đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính. Khi đề xuất sử dụng CCCD có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp; phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu đảm bảo bảo mật trước khu đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội.

Theo quy định của Luật CCCD và pháp luật hiện hành, công dân vẫn được sử dụng các loại thẻ cũ gồm CMND 9 số, CMND 12 số và CCCD mã vạch đến khi hết giá trị sử dụng. Bộ Công an khuyến khích người dân thực hiện đổi sang thẻ CCCD có gắn chíp điện tử khi Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD được triển khai.

Công an tỉnh Hòa Bình thu thập, phúc tra, kiểm tra thông tin công dân tại xã Đông Bắc, huyện Kim Bôi.

Cần thiết xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Hiện nay ở nước ta việc quản lý dân cư mang tính đơn lẻ, từng bộ, ngành quản lý, theo dõi riêng biệt. Để phục vụ công tác quản lý Nhà nước của bộ, ngành mình, đồng thời bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng bộ, ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý Nhà nước đều cấp cho công dân một số loại giấy tờ khác nhau như: Giấy khai sinh, CMND, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ… Tuy nhiên, việc quản lý đơn lẻ dẫn tới gây lãng phí về kinh tế, nguồn nhân lực khi thực hiện thủ tục hành chính, người dân phải mất thời gian đi sao, chứng thực các giấy tờ để chứng minh nhân thân, trong khi những loại giấy tờ liên quan đều chỉ sử dụng chung những thông tin về công dân giống nhau.

Cùng với quá trình phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong các mặt công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác nghiệp vụ của ngành Công an là xu hướng không thể đảo ngược, nhiều nước trên thế giới đã có bước tiến xã trong lĩnh vực này. Muốn làm được điều này, cần phải xây dựng và kết nối được hệ thống các cơ sở dữ liệu với nhau, trong đó cốt lõi là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Như vậy, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc để thu thập, cập nhật được thông tin cơ bản của công dân Việt Nam nhằm phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân, khắc phục được các hạn chế, bất cấp nêu trên là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số.

Ý nghĩa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với việc bỏ sổ hộ khẩu

Ngày 30-10-2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ/CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Trong đó, quy định “Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân”. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm tiến tới quản lý dân cư dựa trên ứng dựng khoa học kỹ thuật thông qua mã số định danh cá nhân. Do đó, khi công dân có các giao dịch chỉ cần có số định danh cá nhân để chứng minh nhân thân, không cần thiết xuất trình Sổ hộ khẩu.

Theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, số định danh cá nhân được sinh ra sau khi thông tin về công dân được thu thập vào hệ thống một cách đồng bộ, thống nhất. Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc cấp cho công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Số định danh cá nhân có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối, liên thông giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trong đó hệ thống quản lý dân cư trên toàn quốc được coi là hệ thống thông tin chủ đạo kết nối với các hệ thống thông tin chuyên ngành khác của bộ, ngành thông qua mã số định danh cá nhân.

Việc bãi bỏ Sổ hộ khẩu là bước đột phá trong việc quản lý dân cư, thay thế phương thức quản lý dân cư từ thủ công sang quản lý điện tử bằng mã số định danh cá nhân xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Số định danh cá nhân được ghi tên giấy khai sinh và thẻ CCCD để phục vụ công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Thẻ CCCD gắn chíp có tính ưu việt, đảm bảo an ninh an toàn thông tin.

Tính bảo mật thông tin của công dân trên hệ thống

Theo quy định của Luật CCCD thì công dân có quyền được đảm bảo bí mật cá nân, gia đình và trách nhiệm của cơ quan quản lý phải đảm bảo an toàn, bí mật thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai, Bộ Công an đã chỉ đạo thiết kế xât dựng hạ tầng, đường truyền riêng thông suốt từ Trung ương đến địa phương, có phương án để kết nối, chia sẻ thông tin từ các bộ, ngành liên quan. Hệ thống được trang bị bảo mật tiên tiến, nhiều lớp như: Chia vùng phần cứng và phần mềm chuyên dụng, bảo mật đường truyền mã hóa dữ liệu thông tin kết hợp với quản lý người dùng. Vì vậy, đảm bảo thông tin của công dân được an toàn, bảo mật tuyệt đối.

Đáng chú ý, công dân có quyền được đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định; yêu càu cơ quan quản lý CCCD cập nhạt, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu CCCD hoặc thủ CCCD chưa chính xác hoặc có thay đổi thay quy định của pháp luật.

Ngoài ra, công dân còn khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xây dựng các chức năng cho phép công dân được tra cứu các thông tin của mình qua cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, công dân có nhu cầu khai thác thông tin thì làm văn bản yêu cầu nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần khai thác và đến Công an địa phương (cấp huyện, xã thuộc hệ lực lượng Cảnh sát QLHC) xuất trình thẻ CCCD để cơ quan Công an kiểm tra, xác định đúng người trước khi yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin của mình.

Qua triển khai dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD, thông tin của người dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu CCCD và trao đổi với Cơ sở dữ liệu quôc gia về dân cư để thống nhất, quản lý. Thông tin có độ chính xác cao, có ảnh chân dung, vân tay lăn và các thông tin cơ bản của công dân do vậy phục vụ rất đắc lực cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, truy nguyên các thông tin như truy tìm tung tích nạn nhân, mất tích, chết không rõ nguyên nhân, nhận diện khuôn mặt, đối sánh vân tay, quản lý danh sách đối tượng theo quy định; phục vụ cơ quan điều tra thực thi các hoạt động điều tra, truy xét theo quy định một cách nhanh chóng, chính xác.

Hệ thống được thiết kế mở có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống khác của ngành Công an như Cơ sở dữ liệu về tội phạm, nhận diện khuôn mặt, hộ chiếu, truy nã, truy tìm… và tạo thành một cơ sở dữ liệu liên thông, thống nhất, đầy đủ của Bộ Công an góp phần xây dựng các chương trình kế hoạch để Bộ Công an ra được các quyết nghị về tác chiến, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm truy nã, truy tìm, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng CAND…


Minh Hiền
.
.
.