Những đứa trẻ bán hàng rong nơi Côn Đảo

Thứ Bảy, 30/05/2015, 14:00
23h, Côn Đảo chìm trong đêm vắng, chỉ còn vài ánh đèn vàng vọt trong các nhà hàng lớn. Tiếng nhạc karaoke di động vẫn bập bùng, réo rắt giọng gào thét của những kẻ say men. Cả đêm hôm ấy, ba đứa trẻ mưu sinh duy nhất ở Côn Đảo không bán được đồng nào. Nhưng mặt chúng rạng rỡ và tỏ vẻ khoái chí với một bữa tiệc "nhạc rong" đầy phấn khích.

1.Đêm Côn Đảo, gió biển ào ạt, hơi sương lạnh buốt rủ xuống những tán bàng cổ thụ, Vi vận chiếc áo khoác màu cháo lòng, đội chiếc nón rách vành sụp xuống mặt. Trên tay nó xách độ chục bọc lạc rang. Nó không rao bán, không mời gọi kỳ kèo nỉ non như những đứa trẻ cùng nghề ở Sài Gòn. Nó lặng lẽ cầm món hàng vừa đủ để người ta nhìn thấy và biết nó đang đi bán. Nó cho biết, ở Côn Đảo chỉ có ba đứa trẻ độc quyền bán hàng rong về đêm, chẳng có ai bon chen, đố kỵ, cũng chẳng phải tranh giành khách với ai.

Nó chìa bọc lạc rang ra, cười toe toét giới thiệu: "Em tên Nguyễn Thanh Vi, nhưng chị cứ gọi là Vi lạc rang cho khỏi nhầm với các bạn cùng tên". Nó có khuôn mặt thon nhỏ, da đen cháy, tóc dài thướt tha. Chỉ tay sang đứa bên cạnh đang mân mê vạt áo, Vi khoe: "Còn nó là Dẹn "vé số", là bạn thân của em". Dẹn "vé số" ngước mắt lên nhìn tôi, vén vội mấy sợi tóc đang chườm vào mắt. Nó khoái chí cười giòn tan, để lộ hàm răng trắng tăm tắp.

21h, có gánh hát rong đỗ lại trước cửa quán, nó nép mình vào bờ tường, đứng thật lâu nhìn vào chiếc xe ấy. Khi anh chàng mở nhạc và bắt đầu hát những bài ai oán não nề về kiếp cầm ca, mắt nó sáng lên, nó đứng chết chân ở một góc dõi ánh nhìn hau háu về phía chiếc máy tính đặt trên yên xe máy. Rồi, như không thể kiềm chế được, nó nhào tới gánh hát rong, chăm chú nhìn hàng chữ karaoke đang chạy trên màn hình laptop.

Vi, Dẹn dán mắt vào màn hình karaoke di động để hát.

Những vị khách đầu tiên hát, nó đứng kiễng chân lên và cất giọng theo. Chiếc nón lật ngửa phía sau, để lộ ra khuôn mặt của nó mới dễ thương làm sao. Nó say sưa hát, hát như chưa bao giờ được hát. Con Dẹn cũng nhào tới, căng mắt ra đánh vần chữ và chụm miệng vào màn hình nghêu ngao. Giọng ca hai đứa trẻ trong trẻo, hòa cùng tiếng gào thét hào sảng, điên cuồng của các vị khách đã ngà ngà hơi men.

Tôi khẽ khàng vỗ vai, kéo Vi quay lại để mua bịch lạc rang. Phải đến lần thứ ba nó mới ngoảnh đầu lại, nói gọn lỏn: "Em đang bận hát, không bán đâu". Dẹn tay cầm xấp vé số thật chặt cũng chẳng thèm mời mua vé. Dường như, thú vui được hát trước công chúng, trên một sân khấu chỉ có mặt đường và ánh điện vàng vọt đã là món quà rất lớn cho một đêm mưu sinh. 23h, Côn Đảo chìm trong đêm vắng, chỉ còn vài ánh đèn sáng trong các nhà hàng lớn. Tiếng nhạc karaoke di động vẫn bập bùng, choang choác, réo rắt giọng hát gào thét của kẻ say men.

Dẹn (trái) khao khát được sở hữu chiếc điện thoại.

Cả đêm hôm ấy, ba đứa trẻ mưu sinh duy nhất ở Côn Đảo không bán được đồng nào. Nhưng mặt mày chúng rạng rỡ và tỏ ra khoái chí với một bữa tiệc "nhạc rong" đầy phấn khích. Vi cười khanh khách nói với tôi: "Ngày mai bọn em dậy sớm đi bán bù, còn tối nay hát cho đã". Nó thuộc rất nhiều bài hát thiếu nhi và nhạc vàng, nhưng chưa  bao giờ được hát công khai như hôm nay. Nó chỉ nghe bằng điện thoại và thì thầm hát trên cung đường vắng mỗi đêm về nhà.

2.13 tuổi, Vi mới học lớp ba. Hỏi vì sao học muộn thế, hay là học dốt bị ở lại lớp? Nó cong môi lên giải thích: "Vì hồi bé em bị suy dinh dưỡng, người bé như củ khoai nên bà ngoại không cho đi học. Em học mẫu giáo mấy năm mới được vào lớp một".

Là chị cả của ba đứa em, nó đang gánh trên vai nỗi lo cơm áo, gạo tiền cho cả gia đình. Cha mẹ nó ở đất liền, biền biệt năm này qua năm khác. Bốn chị em nó được đưa ra đảo sống cùng bà ngoại từ khi còn "đỏ hỏn". Nó không nhớ cha mẹ, vì chẳng hình dung ra mặt mũi đấng sinh thành như thế nào. Cả bốn chị em của nó đều như thế. Nhưng nó lại rất nhớ đảo những ngày theo bà ngoại vào đất liền khám bệnh. Vi từng được vào đất liền thăm cha mẹ hai lần, nhưng nó không mấy ấn tượng với cha mẹ ruột của mình.

Được vài hôm, nó nằng nặc đòi ra đảo. Vi hồn nhiên bảo: "Không biết cha mẹ em làm nghề gì ở đất liền, nhưng không thấy ra đảo thăm bà cháu em. Nhiều hôm bà ốm em phải nghỉ học ở nhà chăm bà và chăm cả em út nữa". Tuổi thơ của nó gắn với bà ngoại và những ngày quăng thân ra đường lầm lũi lao động, nó đã quá dạn dĩ và chai sạn với ánh mắt thương hại của người đời.

Các em là những đứa trẻ duy nhất mưu sinh về đêm ở Côn Đảo.

 Bà ngoại nó năm nay 70 tuổi, hàng ngày cặm cụi rang lạc chia vào các bao nilon nhỏ cho hai đứa cháu đi bán dạo. Một buổi đi học, còn lại đi bán lạc rang, chủ yếu vào ban đêm là chính. Đôi chân bé quắt của nó dạo khắp các nhà hàng, quán ăn ở Côn Đảo, ai mua thì gọi lại chứ nó chẳng tha thiết gì mời. Nó cho biết: "Em không có thói quen mời chào, ngượng lắm".

Cứ 18h mỗi đêm, hai chị em nó lại vụt ra khỏi nhà, chạy sang rủ con Dẹn "vé số". Đội quân ba đứa bấu chụm vào nhau, vừa đi vừa rôm rả chuyện trò. Mắt chúng sáng long lanh giữa màn đêm huyền ảo ở nơi được xem là "địa ngục trần gian". Chúng lao động âm thầm, lặng lẽ... Không ít người đã bỏ qua sự xuất hiện của chúng. Chúng thì không quan tâm và không cần sự chú ý, bởi niềm vui của chúng không phải chỉ là bán được hàng, không phải được khách du lịch cho tiền.

0h30 đêm chúng mới về nhà, mệt rồi ngủ lả đi. Thế còn học hành thì sao? Vi đáp: "Buổi sáng em dậy sớm, tranh thủ ôn lại bài rồi đi học. Vậy mà năm nào cô giáo cũng cho giấy khen học sinh tiên tiến, có năm được cả học sinh giỏi". Con Dẹn nghe nó kể thì chồm lên cãi: "Cô giáo thấy nhà nó nghèo nên cho giấy khen chứ nó không học giỏi đâu". Trong lớp học, Vi là học sinh duy nhất phải đi làm. Cô giáo và các bạn đều biết nhưng cũng không ai xa lánh em. Còn Vi thì xấu hổ lắm. Mỗi khi đi bán nhìn thấy bạn học là Vi tìm chỗ ẩn náu. Có lần vào quán cà phê bán, cô giáo thấy học trò gọi lại mua nhưng Vi không dám lại. Vi lẻn ra ngoài rồi chạy biến mất.

3. Dẹn 13 tuổi, đã nghỉ học từ năm lớp hai. Hễ con Vi kể đến sự học là nó tỏ vẻ thèm thuồng, khao khát. Dẹn có cha mẹ sống ở đảo nhưng vì nhiều lý do mà nó phải nghỉ học. Dẹn là chị cả của hai đứa em. Từ ngày nghỉ học, Dẹn gia nhập vào "lãnh địa" bán rong của chị em Vi "lạc rang". Ba lao động nhí duy nhất trên đảo là ba đứa bạn thân nhất của nhau.

Vì khoảng cách số phận với những đứa trẻ trên đảo nên chẳng ai chơi với chúng. Dẹn có mái tóc dài chấm gót, da mặt rám nắng bởi những tháng ngày phơi gió phơi sương ngoài đường. Đêm nào ba đứa cũng tập trung tại gốc bàng khổng lồ cạnh nhà tù Phú Hải (thuộc chuỗi nhà lao Côn Đảo từng giam cầm những người tù chính trị trong hai cuộc kháng chiến). Chúng không bao giờ tách rời nhau và có phong cách bán hàng không mời chào.

Ở Côn Đảo đây là gánh hát rong duy nhất phục vụ niềm vui cho các vị khách.

Côn Đảo về khuya, gió lạnh đổ về, không còn thời gian để hỏi chuyện, tôi ghi vào tờ giấy nhỏ địa chỉ nhà khách đưa cho Vi. Vi cầm tờ giấy tỏ vẻ ngạc nhiên rồi cười một cách rất sành đời. Nó móc trong giỏ ra chiếc điện thoại Smartphone to bằng bàn tay, bấm số của nó cho tôi. Vi nói đầy hãnh diện: "Cầm tờ giấy này sợ mất, có gì chị cứ gọi điện thoại, em tới liền". Dẹn đứng bên ngó sang đầy ghen tỵ, Dẹn buông lời: "Con Vi sướng hơn em nhiều, được bà ngoại mua điện thoại cho". Vi gân cổ lên giãi bày: "Bà chỉ cho tao cầm khi nào đi làm thôi, chứ đi học và ở nhà là không được dùng".

Sáng hôm sau, có hai chiếc xe đạp dựng trước cửa nhà khách chờ tôi. Vi và Dẹn nở nụ cười đầy sức sống. Dẹn gói cẩn thận xấp vé số vào ba lớp bọc, rồi giấu ở giỏ xe. Còn Vi đi tay không. Thế không mang hàng đi bán à? Tôi hỏi. Vi trả lời: "Em tới chơi với chị thôi. Chị mua vé số của Dẹn đi". Dẹn ngồi bệt xuống sân, không quan tâm đến chuyện bán mua, mắt nó hau háu nhìn vào chiếc điện thoại. Nhìn vào mắt Dẹn, tôi hiểu đươc sự khao khát "báu vật" trên tay Vi.

Vẫn câu chuyện tối qua, Dẹn nói giọng hờn trách: "Ba mẹ nói em chịu khó bán vé số rồi sẽ mua điện thoại cho. Em đi bán hai năm nay rồi vẫn chưa có…". Mắt nó mọng nước rồi trào ra hai dòng không ngăn nổi. Nó hờn giận vô cớ rồi khóc hồn nhiên, đúng với bản chất một đứa trẻ. Vi đưa điện thoại cho Dẹn mượn để an ủi, thế là Dẹn lại cười khách khách, mặc kệ nước mắt vẫn tràn trên má. 

Trong mắt tôi, Côn Đảo đẹp và thơ mộng, không có người nghèo cũng không có kẻ ăn xin. Vi "lạc rang", Dẹn "vé số" là bức tranh lao động đẹp đến ngỡ ngàng. Chúng mưu sinh bằng mồ hôi, nước mắt và sự trong sáng không tô hồng hay đánh bóng. Chúng không phải gồng mình bon chen lên trước sự khó khăn, chật vật của cuộc sống. Chúng kiếm tiền bằng sức lao động trong sáng, nhờ cả sự hào phóng của khách du lịch. Vi thật thà cho biết: Có đêm em kiếm được 800 ngàn. Trong đó tiền bán lạc chỉ có 300 thôi, còn lại mấy cô chú khách du lịch cho". Nghe Vi trải lòng tôi thầm mừng cho em…

Ngọc Thiện
.
.
.