Những đứa trẻ làm nghề “chim lợn”

Thứ Tư, 03/10/2018, 11:43
Dưới mác đánh giày, vé số, chúng có nhiệm vụ chính là làm “tai mắt” cho các đại ca ở bệnh viện, khu chợ, phố đi bộ... “Chim lợn” hoạt động âm ỉ, lặng lẽ. Giấu mình trong thân phận những đứa trẻ đáng thương để chờ ngày đủ lông đủ cánh.

Đứa trẻ đánh giày

Nhật Tài, biệt danh “Sóc Đen” (15 tuổi) loắt choắt, đen đúa nhưng cực kỳ lì đòn và bặm trợn. “Sóc Đen” có thâm niên “xã hội” được hơn 5 năm nên thuộc hàng đàn anh của mấy đứa 17, 18 tuổi mới vào nghề. 

“Sóc Đen” quê ở Long An, 10 tuổi mẹ bỏ theo người khác nên cậu cũng bỏ học theo cha lên TP Hồ Chí Minh kiếm sống. Hai cha con chọn nghề đánh giày ở Chợ Lớn. Làm một thời gian thấy không cạnh tranh nổi với băng nhóm cùng nghề nên dạt về bệnh viện Chợ Rẫy, rồi Từ Dũ. Cha 

“Sóc Đen” vốn là dân chạy chợ nanh nỏ và hoạt bát nên không ngán ngẩm gì cảnh bát nháo, trắng đen ở những khu vực đông đúc. Khoảng gần một năm thông thuộc địa bàn, quen với hơi thở cuộc sống náo nhiệt, bụi bặm, cha “Sóc Đen” bắt đầu kết thân với một nhóm “cò chợ” chuyên môi giới, bảo kê các dịch vụ ở bệnh viện. Rồi ông ta ập vào ma túy, hút hít chích choác đến nỗi thân tàn ma dại.

“Sóc Đen” ngán cảnh cha xơ xác tiều tụy, luôn nhìn nó bằng ánh mắt vằn vện, mỗi khi hết tiền mua ma túy. Y như rằng, những trận đòn thừa sống thiếu chết quất lên thân hình còm cõi của nó. Nó không chịu nổi, bỏ nhà đi bụi cùng vài đứa bạn giang hồ nhí ở chân cầu Ông Lãnh. 

Trong một chiều mưa xối xả của tháng 10-2016, thằng Hải “ma” (Lê Tuấn Hải) tìm nó cấp báo hung tin, cha nó bị bắt vì liên quan đến ma túy. Nó choáng váng một lúc rồi ngồi thừ ra đất, buông một câu gọn lỏn: “Cho ổng đi cai còn ra con người, tao khỏi bị đánh”.

Hải “ma” (dấu X) hòa vào dòng người chờ khám bệnh trước cửa bệnh viện.

“Sóc Đen” trở thành giang hồ vặt, được giới thiệu làm “chim lợn” cho bà đại Hai Mập trong các phi vụ dẫn mối bốc số khám bệnh hoặc tìm kiếm dịch vụ sinh nở. Ngoài khoản tiền thu nhập từ việc đánh giày, “Sóc Đen” được bà chủ cho ăn ngày 2 bữa, bảo vệ trước các thế lực “chim lợn” khác và được chia hoa hồng mỗi khi dẫn mối thành công. 

“Sóc Đen” tiết lộ, ở cổng Cống Quỳnh có một con hẻm nhỏ dẫn vào khu nhà trọ của những người đi chữa hiếm muộn nên cậu phải “tai mắt” rất vất vả để “tia con mồi” và tiếp cận một cách nhanh nhất. Nếu dẫn được một mối thuê phòng, “Sóc Đen” được trả 100.000 đồng. Có ngày cậu làm được 5 mối, bỏ túi nửa triệu ngon lành. 

Ngoài ra, “Sóc Đen” còn nhận hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ cho người đi chữa đẻ, bao gồm phòng khám, bác sĩ tư vấn, thụ tinh nhân tạo... Khách hàng không bị ép buộc bất cứ điều lệ nào, cảm thấy thoải mái thì nhận lời. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì những người đi chữa hiếm muộn có cảm giác rất sợ hãi và đề phòng cao độ cánh “chim lợn” như “Sóc Đen”. 

Chị Lê Thị Huyền T. (Đắk Nông) cho biết: “Lần đầu hai vợ chồng tôi tới đây còn ngơ ngác không biết gì, bị cánh “cò” xúm vào lôi kéo sử dụng dịch vụ của họ. Chúng tôi được dẫn vào một con hẻm ngoằn ngoèo, hun hút, phòng trọ chật chội, tối tăm ẩm ướt, đã thế còn chen chúc như cá mòi. Chúng tôi không đồng ý ở thì bị “cò” đòi tiền công môi giới. Chồng tôi cự lại liền bị dứ nắm đấm với lời đe dọa: “Không trả tiền thì không ra khỏi khu vực này đâu”. Tôi ngậm đắng nuốt cay trả cho xong để yên thân”. 

Những câu chuyện cười ra nước mắt của người bệnh đã gián tiếp tố cáo cách làm ăn kiểu giang hồ của “chim lợn”. Thật ra, những đứa trẻ như “Sóc Đen” vốn lớn lên trong môi trường đầy rẫy thủ đoạn, chúng có nền tảng bụi đời, chợ búa nên hành xử kiểu “xã hội đen” là điều tất nhiên.    

Trong vai một “con mồi” đi bốc số khám bệnh, chúng tôi được “Sóc Đen” tiếp cận không khác nào một vệ sĩ bảo vệ thân chủ. “Sóc Đen” hướng dẫn chúng tôi ra ngoài quán cà phê ở đường Cao Thắng ngồi cho mát, chỉ cần chờ khoảng một tiếng là tới số, được vào khám luôn. Tiền thù lao cho việc “lách số” này là 200.000 cứng. Nếu thấy “ưng cái bụng” thì khách có thể boa thêm bao nhiêu, tùy.

Để tạo niềm tin, “Sóc Đen” tiết lộ: “Bây giờ các bệnh viện siết chạy việc lách số nên làm rất khó. Nếu không có mối “trong” thì phải có mối “ngoài”. Dạo này mối lái bị lộ nên bọn em phải đứng xếp hàng luôn, giá tiền đó (200.000) chỉ đáng giá tiền công lao động thôi”. Ngồi một lúc, những cuộc gọi, tin nhắn điện thoại liên tục đổ vào máy của “Sóc Đen”. Thoắt cái cậu ta đã mất hút vào dòng xe kẹt cứng trước cửa bệnh viện.

“Sóc Đen” (dấu X) đứng bên hàng rào bệnh viện ăn bữa trưa.

Ẩn mình chờ thời

Một “chim lợn” khác là Hải “ma”, chuyên thám thính lực lượng chức năng đi dẹp loạn ở cổng bệnh viện. 13 tuổi, Hải gầy ốm và cao lêu khêu, lúc nào cũng mang bộ mặt đen đúa của dân chạy chợ khiến người khác có cảm giác đáng thương. Tuy nhiên, đó là chiêu ăn khách của Hải “ma”. 

Ông Cao Văn T., bán nước ở gần Bệnh viện Từ Dũ cho biết, Hải “ma” vào nghề được hơn 2 năm và là “camera” của “bà đại, ông đại” ở đây. Mấy thanh niên “nanh vuốt” này không sợ bất cứ điều gì, thậm chí sẵn sàng đổ máu để dành phần lợi thế. Trong nhiều năm bán nước, ông T. đã chứng kiến nhiều vụ “dằn mặt” nhau giữa nhóm “chim lợn” này với nhóm “chim lợn” khác. Ban ngày chúng hòa vào dòng người bệnh, ngắm nghía “tỉa tót” được gì thì được, nhưng ban đêm chúng “làm ăn” rất mạnh.   

Hải “ma” nhận đánh giày nhưng không bao giờ ngồi gần khách. Cậu đưa cho khách một đôi dép lê rồi xách hộp đồ nghề ra xa ngồi cặm cụi đánh. Trong những câu hỏi đứt quãng, chúng tôi chắp vá được vài nội dung về lý lịch của Hải “ma”. 

Hải kể, khi mới vào nghề, cậu bị nhóm giang hồ nhí ở cầu Rạch Ông đánh liên tục, cũng chỉ cái tội làm ăn lương thiện. Có đêm, cậu bị lột sạch tiền của cả ngày quần quật làm việc, đến nỗi có cái bánh bao mua chưa kịp ăn cũng bị chúng cướp luôn. 

Quá cay cú, Hải “ma” quyết đổ máu. Hải rút con dao gọt trái cây để sẵn trong hộp đánh giày, vung một nhát thật mạnh vào cánh tay của thằng cầm đầu tên Tiên khiến hắn không kịp trở tay. Máu phun thành đường, thằng Tiên ôm tay kêu la thảm thiết, hô ba thằng còn lại xông lên. 

Ba tiểu giang hồ thấy con dao đẫm máu cùng với khuôn mặt đầy sát khí của Hải “ma”, hoảng sợ bỏ chạy mất dép. Ngày hôm sau, Hải “ma” tới hẳn lãnh địa của Tiên nằm dưới gầm cầu Rạch Ông nghênh chiến tiếp. Thằng Tiên ôm cánh tay băng bó trắng toát cùng bộ mặt méo xệch ra… đón tiếp. Nó nói với Hải “ma”: “Mày có muốn gia nhập đội không?”… Từ đó, Hải “ma” trở thành thành viên của giang hồ nhí Rạch Ông. Sau này lực lượng chức năng truy quét dữ quá, chúng dạt sang quận 8 rồi về quận 6.

Khu vực ngoài bệnh viện là nơi “chim lợn” ẩn mình hoạt động.

Nếu chỉ làm nghề đơn thuần thì sẽ không thể sống và tồn tại được nên nhóm giang hồ của Hải “ma” đều chọn làm “chim lợn”, đầu quân cho các nhánh khác mạnh hơn để được bảo vệ an toàn. Chúng tôi cố gắng hỏi thăm về “bà đại, ông đại” nhưng tuyệt nhiên không ai hé răng nửa lời. Mọi thông tin giao dịch, liên lạc của cánh “chim lợn” đều thông qua một “con chim lớn hơn” có biệt danh là Heo. Tuy nhiên, người ta chỉ biết Heo là đàn ông, khoảng ngoài 40 tuổi, chạy xe ôm.

Hải “ma” bật mí, trong thế giới “chim lợn” đều có luật riêng, với những “chim lợn” còn “xanh” như Hải “ma”, “Sóc Đen”, Tiên thì mục đích chính là có một chỗ dựa an toàn, mỗi ngày được ăn cơm no, đêm về có giấc ngủ bình yên là quá đủ. 

Đây là cách ẩn mình an toàn nhất để chờ ngày mọc đủ lông đủ cánh bay vào vùng trời tự do. Các “bà đại, ông đại” của chúng cũng trưởng thành từ đời “chim lợn” như thế. Họ hiểu quá rõ và đừng bao giờ giở trò để qua mắt họ. Cái giá phải trả là không thể lường trước được. 

Ngọc Thiện
.
.
.