Thú chơi đào "khủng" ngày Tết:

Những gã "khùng" mê hoa đào

Chủ Nhật, 05/02/2012, 13:48

Ở trong vườn của người trồng đào có nhiều "bậc" cây khác nhau. Nếu là những cây đào "thường thường bậc trung" người ta sẽ chăm bón cho cây theo định kỳ, làm đồng loạt thì với mỗi cây đào "khủng" lại là cả một hành trình kỳ công. Với những cây đào "cụ" khi đã có gốc ưng ý hàng năm phải tốn khoảng 1,6 đến 1,8 triệu đồng cho chi phí, như: Đất, thuốc, công… cách chăm sóc đặc biệt hơn những cây khác.

Đào kén người chơi

Với người dân miền Bắc, hoa đào tượng trưng cho mùa xuân, ngày Tết. Sự đủ đầy, ấm cúng được tô điểm thêm bằng màu hồng rực rỡ của cánh hoa đào. Nó là sự may mắn, thành đạt và hạnh phúc. Những năm của thập kỷ 80 trở về trước, người Hà Nội chơi đào cành cắm lọ lục bình trong ba ngày Tết thì nay người chơi đào có xu hướng chơi đào thế. Để có được cây đào thế ưng ý người chơi phải bỏ khá nhiều công sức và tiền bạc. Thế cây uyển chuyển, mềm mại vừa uốn lượn, lại phải vươn cao, hay có những thế gọi là kinh điển: Phụ tử, mẫu tử, huynh đệ, trực ngôn, hình hài linh vật…, cầu kỳ hơn nữa còn cấy đào vào phôi đá.

Trong tiết trời se lạnh, mưa xuân lất phất, chúng tôi tìm đến vườn đào của ông Tư Khương - người nổi tiếng "chơi ngông" tại làng đào Nhật Tân. Mấy ngày cận Tết thời tiết cũng đã ấm dần lên, đây cũng là lúc dân trồng đào Nhật Tân hối hả, tất bật cho những chuyến đào. Ấy vậy mà, Tư Khương lúc nào cũng mơ màng, ung dung, chốc lại nhấp một hớp rượu bên đám than hồng nổ lách tách, cười khoái chá. Như một kẻ hiền triết thâm sâu ông nói: "Đào của tôi không phải đào chợ nên không cần vội, hầu như cây nào cũng có người đặt hết cả".

Với ông Tư Khương cũng như giới chơi đào sành, việc sở hữu được một cây đào thế ưng ý không phải là dễ. Bởi ông coi đó là cái duyên của người chơi, cây đào đẹp không phải cứ có tiền là sẽ sở hữu được. "Vườn đào của tôi bên cạnh những cây bình thường thì có khoảng hơn 10 cây "khủng". Những cây đào này gần như đã có chủ hết. Chủ nhân của những cây đào này họ không còn quan trọng về tiền nữa, miễn cây của mình được ưng ý" - ông Khương chia sẻ. Với ông Khương những cây đào khủng hay còn gọi là những gốc đào "hóa rồng" không phải người nào đến ông cũng bán hay cho thuê. Thậm chí với những người thực sự yêu đào, hiểu được cái thần sắc trong mỗi thế đào ông mới chịu "vời" đến, chỉ cho những dáng độc, cây độc mà mình đã tỉ mẩn làm ra suốt bao nhiêu năm trời.

Với ông Khương cây đào to thế này chưa phải là cây đào "khủng".

Ở người đàn ông "bụi bụi" và có vẻ bất cần người mua này dễ dàng nhận được niềm đam mê hoa đào của ông. Ông khác hẳn với những người trồng đào khác, cho dù có tiền nhưng ông cũng phải chọn mặt gửi vàng. Nhấp chén rượu đưa mắt nhìn về phía gốc đào cổ quái trong vườn, ông tâm sự: "Có nhiều lần các đại gia vác cả cục tiền muốn sở hữu một gốc đào của tôi nhưng cũng không được. Tiền thì cần thật nhưng những người tâm huyết và yêu đào không thể giao cây tùy tiện. Người chơi đào "khủng" phải là những người có tâm, người hiểu biết và thực sự yêu đào tôi mới để cho. Đào đẹp cũng cần người chơi "đẹp" nữa".

Trong những ngày giáp Tết việc mua bán có phần chững hơn mọi năm, các chủ vườn đào nháo nhác, người này than người khác đào bán chậm. Nhưng dường như cái sự bán chậm hay nhanh cũng không còn quá ảnh hưởng đến những người trồng đào “khủng”, đặc biệt với "lão ngông trồng đào" Tư Khương. Phong thái của ông dường như chúng tôi cảm nhận được việc ông trồng đào ngoài mục đích kinh tế mà nó còn là cái thú. Trồng đào, chăm sóc đào như cái cớ để ông thưởng cái đẹp, để thỏa thú chơi, để gặp gỡ, giao lưu với những người bạn thực sự yêu đào.

"Vừa rồi tôi có bán cho một gia đình tại Hà Nội một cây đào thế (phụ tử). Mấy anh em chuyển đào đến nhà gia chủ nhìn thấy đã mê tít. Nhà họ trải thảm đỏ nhưng ông chủ vẫn bảo anh em giày dép bê bết đất khênh đào vào nhà. Ông còn biếu bao nhiêu là thịt hoẵng. Kể cũng sướng! Đứa con tinh thần của mình được người ta yêu, người ta chấp nhận" - ông Khương vui vẻ kể. Đôi khi, người trồng đào và người mua đào lại trở thành những người bạn tâm giao. Người mua thấy được tâm huyết và sức lực của người trồng, người trồng lại quý sự trân trọng, yêu đào của người mua. Cứ như thế họ lại đến với nhau, cùng nhấp chén rượu cũng chỉ để nói chuyện về đào.

Bên cạnh những cây đào "ruột", những cây chỉ để cho những người được coi là bạn tâm giao thì ở vườn đào Nhật Tân cũng có rất nhiều cây “khủng”. Tại vườn đào gia đình ông Đỗ Văn Hà có tới hơn 50 gốc (cả đào cổ thụ đến đào thất thốn). Giá của mỗi cây khoảng 70 triệu đến 100 triệu đồng, thậm chí có cây còn hơn. "Nhìn chung những cây đào này đều có thị trường riêng của nó, đó là những đại gia, tuy không mê đào nhưng cũng mua về để biếu hay "khoe" trong những ngày Tết" - ông Hà chia sẻ. Những cây đào đặc biệt tại Nhật Tân được ông Hà gọi là "cây đào quan chức".

Có câu chuyện đó bởi cách đây vài năm có một vị khách mua cây đào tận Nhật Tân sau đó gặp may mắn được thăng chức và ra Hà Nội nhận công tác. Từ đó vị quan này phất lên trông thấy. Chính từ cái ngẫu nhiên đó bỗng cây đào trở thành "bùa hộ mệnh" cho chủ. Chính điều này những người vốn duy tâm lại càng tin hơn. Chúng tôi may mắn được tiếp xúc với một đại gia cũng có những sở thích đặc biệt, thích sưu tầm những hàng quý hiếm, đặc biệt mỗi dịp xuân về. Anh N.T.Q (Tổng giám đốc của một công ty BĐS tại Tây Hồ) tâm sự: "Một người giàu có và đẳng cấp thật sự thì không chỉ biết kiếm tiền mà còn phải biết cách tiêu tiền, tiêu tiền một cách thông minh và đẳng cấp. Chính vì thế không phải bỗng nhiên người ta đi truy lùng và đổ tiền vào các sản vật quý giá, độc nhất vô nhị…".

Kén cả người trồng

Cứ mỗi độ xuân về, làng Nhật Tân lại phơi phới niềm vui, ngập tràn sắc đào, tấp nập người mua kẻ bán. Tuy nhiên để trồng được những cây đào “khủng”, cây đào đặc biệt không phải người dân nào của Nhật Tân cũng có thể làm được. Và việc chăm sóc cho những gốc đào quý cũng thật đặc biệt và công phu. Tỏ vẻ ưng ý với cây đào ông cho là khủng nhất nhì ở Hà Nội hiện nay, ông Khương tâm sự: "Việc có được gốc khủng như thế này phải mất vài chục năm, hơn nữa còn phải nhờ vào tạo hóa nữa. Sau đó mình phải chăm sóc, cắt tỉa rồi tạo dáng cho nó. Công phu lắm!".

Cây đào thuộc hạng khủng nhất nhì Hà Nội.

Ở trong vườn của người trồng đào có nhiều "bậc" cây khác nhau. Nếu là những cây đào "thường thường bậc trung" người ta sẽ chăm bón cho cây theo định kỳ, làm đồng loạt thì với mỗi cây đào "khủng" lại là cả một hành trình kỳ công. Với những cây đào "cụ" khi đã có gốc ưng ý hàng năm phải tốn khoảng 1,6 đến 1,8 triệu đồng cho chi phí, như: Đất, thuốc, công… cách chăm sóc đặc biệt hơn những cây khác. Khi hết mùa chơi đào Tết, những gốc cây được hạ xuống đất và chăm bón. Vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 8 âm lịch người ta đã phải lấy đất phơi khô (cho đất tơi xốp và hết sâu bệnh) sau đó trồng đào. Mỗi ngày người chủ phải đi lại, ngó nghiêng đến từng chiếc lá, đốt mầm để xem bệnh tình, sức khỏe của cây.

Hơn thế, những cây đào đã có chủ tức là những cây đào mà khách mua hoặc đặt hằng năm, người chăm sóc phải cực kỳ công phu. Nếu không có cách chăm sóc đặc biệt đào sẽ không theo ý chủ, coi như năm đó thất bại. Ông Đỗ Văn Hà chia sẻ: "Bên cạnh những kỹ thuật chăm bón của mình thì những vị khách có đào đặt trước, hay những vị khách có những cây đào "ruột" họ sẽ thăm hỏi thường xuyên. Phải cắt tỉa theo ý của họ. Có lần một cành nhỏ bị khô lá, chủ nhân trách móc tôi bao nhiêu ngày". Những khách chơi duy tâm quan niệm cây chơi xuân mà khô héo thì coi như sự đen xui. Vì thế chủ vườn phải biết tính toán sao cho cây đào nở hoa đúng ngày, cây đào phải đảm bảo khỏe, có hoa, có lộc, có quả…

Nhắc đến chuyện chăm đào ông Tư Khương kể lại những kỷ niệm mà mình không thể nào quên. Còn gì tự hào hơn khi chính vườn đào của ông nhiều lần đã được thuê để bày trong những buổi họp cấp cao. Ông kể: "Nhiều lần đào của tôi được thuê trong những cuộc họp cấp cao. Những lần như thế thấy tự hào lắm. Mỗi lần đào được đi như thế đều phải cử một người đi cùng, chăm sóc và theo dõi. Sau buổi họp đó lại theo xe trở về vườn. Đi mà không có người đi cùng là tôi không yên tâm".

Những người làm nhiệm vụ đó thường được ông Khương gọi là bác sĩ. Khi những cây đào quý được bán hay cho thuê ông Khương luôn để số điện thoại cho khách liên hệ 24/24h. Nếu cây đào có hiện tượng khác lạ là gọi điện tư vấn. "Khi họ mang đào về nhà tôi sẽ cho số điện thoại để họ gọi nhờ tư vấn. Nếu đào mắc bệnh nặng chúng tôi sẽ đến tận nhà để "thăm khám" và có cách chữa trị" - ông Khương cho hay. Nói chưa dứt lời ông cười khoái chí: "Nhiều khi chủ đào gọi điện bảo đến khám đào nhưng thực ra đó chỉ là cái cớ, họ mời tôi uống rượu nói chuyện đào là chính".

Thú chơi đào ngày Tết của người miền Bắc đã lan tỏa đến các miền quê cả nước, rồi bay sang cả nước ngoài. Nhờ khoa học kỹ thuật, công nghệ cấy ghép người ta đã tạo được những giống đào mới phù hợp với môi trường. Ở Đà Lạt, cao nguyên Lâm Đồng là những nơi đã làm được điều ấy. Tuy vậy những người tâm huyết với cây đào Nhật Tân vẫn không khỏi lo lắng cho số phận của nó.

Rồi đây thú chơi đào Tết của người Hà Nội liệu còn được như xưa? Bởi lẽ những người thực sự yêu đào, đam mê và gắn bó với từng thế đào, nhất là người trẻ hiện nay không thật nhiều, họ chủ yếu chơi theo phong trào. Hơn nữa, khi đất trồng đào Nhật Tân ngày càng thu hẹp, phục vụ cho những việc khác sinh lợi hơn thì người trồng đào nơi đây số lượng cũng ngày càng ít đi. Ai cũng mong cho con cái sớm học thành tài. Mấy ai muốn con bám trụ với cái nghề vô cùng kén chọn người chơi này đâu!

Tiêu Phong
.
.
.