Những giọt "nước ngọt nghĩa tình"

Thứ Năm, 05/05/2016, 15:11
Người dân Nam bộ hiện vẫn đang oằn mình hứng chịu cơn hạn mặn nặng nề nhất trong hàng thập kỷ. Cơn khát nước ngọt đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng triệu người dân. Vì thế, với họ nước ngọt lúc này được ví quý như vàng. Trước thực trạng này, nhiều cơ quan, tổ chức đã cùng chung tay đưa những giọt "nước ngọt nghĩa tình" đến với người dân vùng hạn, mặn…


Bến Tre là một trong những tỉnh đang hứng chịu tình trạng đất đai, sông ngòi bị xâm nhập mặn nặng nề nhất ở miền Tây. Những ngày này, đi tới đâu cũng thấy người dân than thở thiếu nước ngọt. Cây cối, lúa chết úa vàng vì bị nhiễm mặn, hạn hán…

Theo thống kê của UBND tỉnh, Bến Tre có 162/164 xã, phường, thị trấn đều bị nước mặn "bủa vây" gây thiệt hại lớn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú… bị nhiễm mặn nghiêm trọng và nước ngọt nơi đây đang cực kỳ khan hiếm.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng bà con nhân dân uống thử nguồn nước đã qua xử lý của máy lọc.

Có khoảng 10.500/14.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Cây ăn trái và hoa kiểng thu hoạch hàng năm nên chưa thống kê được… Riêng tại huyện Ba Tri, theo ông Nguyễn Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện, hiện có 11.800 ha lúa và hơn 197 ha hoa màu bị thiệt hại do nhiễm mặn, 15.000 hộ dân trong huyện bị thiếu nước ngọt để uống.

Trong khi đó, thống kê từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai, tính đến ngày 24-4, cả nước có trên 350.000 hộ thiếu nước tương đương gần 2 triệu người thiếu nước sinh hoạt, về nông nghiệp đã có 240.000 ha lúa và 500.000 ha các cây nông nghiệp khác bị thiệt hại.

Tổng giá trị thiệt hại khoảng 5.000 tỉ đồng. Mà theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương trong năm 2016, mùa mưa tại các tỉnh thành phố khu vực phía Nam sẽ đến muộn từ cuối tháng 6 và trung tuần tháng 7.

Trước tình hình này, nguồn nước ngọt được người dân quan tâm hơn bao giờ hết. Theo đó, với nước ít nhiễm mặn, người dân phải mua có nơi đến 100-200.000 đồng/m3… Để góp phần vơi bớt khó khăn, cực nhọc của người dân, nhiều cơ quan, tổ chức đã chung tay đưa những giọt "nước ngọt nghĩa tình" đến với người dân vùng hạn, mặn…

Ngày 24-4-2016, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Bến Tre đã lắp đặt và khánh thành máy lọc nước mặn thành nước ngọt phục vụ miễn phí cho bà con vùng hạn mặn tại xã An Đức, huyện Ba Tri. Đây là máy lọc nước mặn thành nước ngọt TN6000 đầu tiên của chương trình "Nước ngọt nghĩa tình" do Trung ương Đoàn phát động với kinh phí 210 triệu đồng/máy.

Mỗi ngày, máy này có thể lọc được khoảng 6.000 lít nước ngọt từ nước mặn, công suất 300 lít/giờ, phục vụ cho khoảng 300 lượt người dân. Theo dự kiến, 9 máy còn lại sẽ được lắp đặt trong thời gian tới để kịp đáp ứng nhu cầu của người dân vùng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài tỉnh Bến Tre được lắp thêm 4 máy, các máy còn lại sẽ được lắp đặt tại Sóc Trăng, Cà Mau, Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh trong thời điểm người dân ở các tỉnh này đang rất "khát" nguồn nước sinh hoạt hàng ngày. Tổng kinh phí lắp đặt 10 máy này khoảng hơn 2,1 tỷ đồng do tập đoàn Tân Hiệp Phát tài trợ.

Nhà sản xuất hướng dẫn quy trình sử dụng máy lọc nước cho người dân.

Có mặt tại buổi khánh thành máy lọc nước mặn thành nước ngọt từ rất sớm, bà Bùi Thị Nhọng (76 tuổi, ngụ ấp 9, xã An Đức) cho biết, hai bà cháu bà mỗi tháng phải mua hai khối nước với giá 60 nghìn đồng để sử dụng, nhưng nước vẫn còn mặn. "Bây giờ có được nguồn nước sạch miễn phí như thế này nên chắc bà cháu tôi sẽ đỡ khổ", bà Nhọng cười rạng rỡ.

Chia sẻ tại buổi khánh thành máy lọc nước mặn thành nước ngọt, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến hết sức phức tạp.

Do ảnh hưởng xâm nhập mặn, nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống dân sinh của 10/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, có khoảng 204.000 hộ gia đình (khoảng 800.000 người) bị thiếu nước. Thậm chí tại tỉnh Bến Tre, người dân phải mua 60.000-200.000 đồng/m3 nước, một bình nước 20 lít tại địa phương hiện có giá từ 10.000 đồng đến 18.000 đồng khiến người dân càng thêm khốn khổ.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tìm nhiều giải pháp để giúp đỡ người dân nghèo, trong đó có giải pháp liên hệ các doanh nghiệp tài trợ hệ thống xử lý nước mặn thành nước ngọt.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, ngoài việc lắp đặt hệ thống máy lọc nước mặn thành nước ngọt, Trung ương Đoàn sẽ định hướng thanh niên địa phương vào các hoạt động thiết thực, cụ thể, như đào, lắp đường ống dẫn nước ngọt; hỗ trợ nhân dân khoan giếng, đào giếng, xây dựng bể chứa nước; hỗ trợ vận chuyển nước ngọt cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn; xây dựng các mô hình tưới nước tiết kiệm; tham gia đắp đập ngăn mặn...

Cùng chung tay giúp đỡ đồng bào vùng hạn, mặn, ngày 9-4, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội đã trao tặng 150 triệu đồng tiền mặt và 70 bồn chứa nước bằng nhựa cho bà con vùng hạn mặn Bến Tre thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Các bồn chứa này có dung tích 500 lít nước, trị giá mỗi bồn 1,5 triệu đồng. 

Người dân xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre háo hức chờ đợi lấy nước ngọt trong cái nắng gay gắt.

Trước đó, trong ngày 7 và 8-4, Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long và Công ty TNHH Nhựa Miền Tây (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) phối hợp trao tặng 210 kiệu chứa nước sạch (dung tích 240 lít, trị giá 650.000 đồng/kiệu) cho các hộ nghèo thuộc xã Phú Hưng, Sơn Đông (TP Bến Tre); xã Bình Thành, thị trấn Giồng Trôm (huyện Giồng Trôm); xã Đại Hòa Lộc, Bình Thắng (huyện Bình Đại).

Việc làm đầy ý nghĩa này đã giúp người dân có thêm điều kiện tích trữ nước sạch. Riêng tại huyện Bình Đại, chương trình sẽ trao tặng thêm 10 bồn chứa lớn có dung tích 2.000 lít cho 10 xã bị thiệt hại nặng do xâm nhập mặn để chứa nước ngọt sử dụng chung.

Ngày 29-3, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã tổ chức đoàn đến cứu trợ khẩn cấp nước uống cho trên 800 hộ nghèo ở các xã Lương Hòa, Lương Qưới, Phong Mỹ (huyện Giồng Trôm, Bến Tre). Theo đó, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 2 bình nước lọc, 2 can đựng nước (loại 20 lít/can) và 100 viên lọc nước.

Theo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tới đây sẽ có kế hoạch hỗ trợ nhiều địa phương thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt để giúp cho địa phương khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt bền vững hơn, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra cũng trong đợt cứu trợ này, Hội Chữ thập đỏ huyện Giồng Trôm đã xuất quỹ cứu trợ khẩn cấp 400 thùng nước cho hộ nghèo bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn trong mùa khô năm 2016 tại các xã Long Mỹ, Phước Long, Sơn Phú và Lương Phú (huyện Giồng Trôm)…

Bên cạnh những hoạt động khánh thành các máy lọc nước hay trao tặng bình chứa nước… nhiều hoạt động thiết thực của Đoàn Thanh niên tại nhiều địa phương cũng đã được tổ chức để góp phần giúp người dân vùng hạn mặn vơi bớt khó khăn.

Dù đã lắp đặt và đưa vào vận hành 20 vòi nước công cộng phục vụ nước miễn phí tại huyện Tân Phú Đông (huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, nằm ngay cửa biển nên bị nước mặn bao vây. Toàn bộ kênh rạch cạn khô hoặc bị nhiễm mặn.

Người dân phải đổi nước ngọt với giá 150.000 - 200.000 đồng/m3), nhưng vẫn không đủ đáp ứng  đặc biệt là bà con xa khu trung tâm. Vì thế, nhiều đoàn công tác cứu trợ chở nước miễn phí đã liên tục được thực hiện.

Ngày 16-4, một nhóm sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cùng các Mạnh Thường Quân mượn hai xe bồn chở 44m3 nước sạch từ quận 7 (TP Hồ Chí Minh) về cứu khát cho hàng trăm hộ dân xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre). Nhóm Mạnh Thường Quân này cũng hỗ trợ chi phí xăng dầu cho Huyện đoàn Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) để chở nước ngọt miễn phí cho dân…

Có thể nói, dù những việc làm và hành động kể trên chưa thể đáp ứng hết những mong muốn hay nhu cầu sử dụng nước ngọt của người dân vùng hạn, mặn nhưng nó cũng đã giúp giải quyết được một phần cơn khát nước sạch sinh hoạt cho người dân trong hoàn cảnh thiếu nước ngọt nghiêm trọng như hiện nay. 

Ánh Xuân - Ngọc Chi
.
.
.