Những góc nhìn về mùa lễ hội

Thứ Năm, 16/02/2017, 16:21
Diễn đàn đầu năm về lễ hội của CSTC cung cấp cho độc giả nhiều góc nhìn về lễ hội từ các nhà nghiên cứu và những người trong cuộc.


Mỗi mùa lễ hội, chúng ta lại nghe, chứng kiến những hình ảnh phản cảm nơi đất Thánh, cửa Phật. Quá nhiều tiêu cực, bất an xuất hiện trên báo chí và mạng xã hội. PGS. TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) cho rằng: “Nên có những nhìn nhận đa chiều về lễ hội, chính truyền thông đang góp phần đẩy những cái xấu của lễ hội lên cao khi chỉ tập trung phê phán một chiều”.

Diễn đàn đầu năm về lễ hội của CSTC cung cấp cho độc giả nhiều góc nhìn về lễ hội từ các nhà nghiên cứu và những người trong cuộc.

Thầy Thích Tâm Thành, Trụ trì Chùa Cổ Am (Nghệ An): Người ta đi đâu cũng phải có phong trào, đó là việc bình thường

Đi lễ đầu năm từ lâu đã là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt với mong ước một năm mới mưa thuận gió hòa, cầu an, may mắn, sức khỏe cho gia đình và bản thân. Tuy nhiên,  ta có thể thấy rằng, nét đẹp văn hóa ấy đang càng ngày càng  biến tướng khi sự hỗn loạn, tranh giành, giẫm đạp, thậm chí… đổ máu lên ngôi, mê tín dị đoan quá đà.

Những nơi thờ tự - đáng lẽ cần sự tôn nghiêm, thành kính bỗng chốc trở thành nơi chứng kiến những gì phàm tục nhất, xấu xa nhất. Những cụm từ như  “cướp lộc”, “cướp ấn”, “cướp hoa tre”, “cướp phết”... mà báo đài nói nhiều trong thời gian qua là những biểu hiện cho thấy văn hóa đi lễ đang xuống cấp nghiêm trọng.

Lễ hội Ná Nhèm ở Bắc Sơn- Lạng Sơn vẫn giữ được nhiều tục hèm cổ xưa.

Để giải quyết vấn đề mê tín vô độ, biến tướng lễ hội ấy, phải nâng cao nhận thức người dân, nhận thức của Phật tử. Tôi cho rằng, khi có nhận thức rồi, những điều biến tướng kia cũng không còn. Mà để vậy, trách nhiệm thuộc về  những người lãnh đạo, “cầm trịch” lễ hội đó. Chính họ sẽ là những người tác động, làm cho lễ hội mang đậm tính chất văn hóa, thay vì biến tướng, mê tín dị đoan hay không.

Cũng có nhiều người cho rằng hiện nay, dân Việt mình đi lễ đầu năm theo tâm lý đám đông, chứ không phải là nhu cầu tự thân của họ. Tâm lý “bầy đàn” đó làm cho tính chất linh thiêng của lễ hội không còn, thậm chí bị méo mó và hiểu nhầm.

Với cá nhân tôi nghĩ, nói như vậy có phần phiến diện quá chăng? Lễ hội nào, bao giờ cũng vậy, cần phải có phong trào. Đi đông hay đi ít không phải là câu chuyện để đưa ra nói ở đây. Lễ hội đó biến tướng hay đi đúng quỹ đạo như tôi nói ở trên, đều do những người lãnh đạo. Còn tâm lý đám đông, tâm lý bầy đàn mà nhiều người vẫn than vãn trong thời gian qua, tôi nghĩ, chỉ một số ít thôi. Đa số người dân tham gia lễ hội là một việc làm tốt. Họ mong một năm mới bình an, cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến bản thân và gia đình, nhớ người đã khuất. Truyền thống uống nước nhớ nguồn – đáng hoan nghênh chứ.

Bây giờ, chúng ta đâu có thể đánh vào tâm lí người dân. Đức Phật thường nói: “thập loại chúng sinh” cơ mà. Người dân là muôn màu.

Lễ hội đó nếu được định hướng và kiểm soát tốt thì mọi thứ sẽ tốt. Ngược lại, hướng đi sai, kiểm soát không tốt thì theo một cách nào đó, đã vô hình trung tiếp tay cho sự xấu xa trước mắt thánh thần.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Trình độ tín ngưỡng đang ở mức không thể kiểm soát

Trong xã hội hiện đại, các lễ hội được phục dựng và nhiều năm nay nảy sinh những hiện tượng biến tướng ở nhiều hình thái tín ngưỡng. Trong đó có những vấn đề ngày càng trở nên bức xúc, được phản ánh nhiều trên công luận, như hiện tượng kinh doanh các dịch vụ tâm linh ở đền bà Chúa Kho, chùa Hương, Đền Trần.

Ở đây, trong xu thế phát triển văn hóa nói chung, việc biến các lễ hội thành sản phẩm du lịch trở nên một nhu cầu thiết yếu. Bởi thế, việc cố gắng tận thu tiền bạc của du khách bốn phương là một hệ quả không thể khác. Có thể thấy, nguồn thu từ các hoạt động tâm linh tín ngưỡng quả là siêu lợi nhuận.

Xã hội càng tín ngưỡng, càng mê đắm bao nhiêu, các đình, chùa, đền, miếu... càng có nguồn lợi lớn bấy nhiêu. Chính vì vậy ở nhiều nơi, quyền cai quản cơ sở tín ngưỡng đã được chính quyền tổ chức đấu thầu hệt như một đầu mục thương mại địa phương. Tùy vào tiếng tăm linh thiêng của những ngôi đền mà người ta sẽ quyết định mức giá. Có những nơi sau khi thắng thầu, thủ nhang đồng đền phải nộp vào ngân sách địa phương hàng tỉ bạc mỗi năm.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền.

Nhiều năm qua, báo chí cùng các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh mọi thực trạng đáng quan ngại, được xem như hệ lụy của phong trào đua chen tín ngưỡng với nhiều vấn nạn nhức nhối. Ở đây, hệ thống quản lý Nhà nước dường như phải mở cuộc chạy đua với đời sống tín ngưỡng trong xã hội mới. Cấm, cho phép, cấm... luôn là quá trình vận động vá víu, đối phó với thực tiễn từ nhiều chục năm nay của các nhà quản lý.

Chuyện “bắt cóc bỏ đĩa” là thực trạng thường thấy. Trên thực tế, việc đòi hỏi khâu tổ chức lễ hội trở nên quy củ, an toàn lành mạnh và trong sáng dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Thứ nhất, xưa các lễ hội chủ yếu chỉ quy tụ dân cư thu hẹp trong từng vùng. Nay, với sự quảng bá hấp dẫn của truyền thông, số lượng người hành lễ, chơi hội đổ về luôn quá tải trên mọi địa bàn. Do vậy, việc khống chế, kiểm soát lượng người trong những không gian nhỏ hẹp là điều bất khả kháng với ban tổ chức. Thứ hai, khi phục hưng các lễ hội, rất nhiều tín ngưỡng dân dã có dấu vết từ thời nguyên thủy cũng đồng thời “hồi sinh”, đánh thức sự trục lợi bản năng của con người với thần linh. Thực tế cho thấy, sự mê đắm của đám đông tín ngưỡng khổng lồ rất dễ biến thành thảm họa bởi hiệu ứng tâm lý đám đông, khả năng kiểm soát an ninh dường như là điều không thể.

Nhiều năm qua, việc hàng vạn người giẫm đạp lên nhau để cướp ấn đền Trần, hay lượng người hành lễ khổng lồ tràn ngập chặn đứng giao thông Ngã Tư Sở trước cổng chùa Phúc Khánh để dâng lễ xin sao giải hạn, cầu tài lộc... đã chứng minh sức mạnh kinh hoàng của niềm tin tín ngưỡng “hồn nhiên” như thế nào! Ở đây, vấn đề không chỉ nằm ở khâu tổ chức, mà điều quan ngại chính là trình độ tín ngưỡng, tạm coi như “tín ngưỡng trí” của xã hội, hiện đang ở mức không thể kiểm soát.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy: Không nên đi theo con đường tâm linh để thu hút khách du lịch

Tôi nghĩ, hình như chúng ta đang đi theo con đường tâm linh để thu hút khách du lịch. Đó là một sai lầm. Phải đi bằng con đường văn hóa. Đưa tâm linh vào dễ biến con người thành mù quáng.

Ở những nơi không phải tâm linh, đừng dựng nên câu chuyện tâm linh. Họ nghĩ rằng tâm linh là giáo dục truyền thống là sai. Điều đáng kể là chúng ta đã đẩy tâm linh lên quá mức mà người dân họ không hiểu, không nhận thức được vấn đề. Như việc dâng sao giải hạn là công việc của Đạo giáo chứ không phải của Phật giáo mà các nhà sư đang làm. Tôi đi ở các Thiền viện Trúc Lâm, một nhánh của Phật giáo, thấy mọi thứ đều có trật tự, thắp hương cũng phải có quy tắc, không có chuyện thắp quá nhiều hương. Không có chuyện nhét tiền vào tay Thánh, các lễ vật đưa lên tay Phật. Tại sao thế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy.

Cũng người Việt, đi sang Thiền viện Trúc Lâm thì khác, sang chùa này thì khác. Như vậy không phải người Việt xấu, họ được đặt trong môi trường đúng thì họ đúng, còn đặt vào những môi trường tranh cướp sẽ gây ra những tranh cướp.

Cho nên tôi muốn nhấn mạnh cốt lõi vấn đề là phải tổ chức cho tốt và khoa học. Đó không chỉ là công việc của nhà văn hóa, mà phải là sự liên ngành các nhà toán học, điều khiển học cùng tính toán, giải quyết. Bên cạnh môi trường là hệ thống pháp luật văn minh thì đâu sẽ vào đó, rồi từ đó sẽ nâng cao dần ý thức của người dân.

Hà - Dung
.
.
.