Những hàng rào dễ vượt qua

Thứ Ba, 07/03/2017, 13:15
Việc 4 nước Trung Âu (Ba Lan, Slovakia, Cộng hòa Czech và Hungary) kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đối xử bình đẳng với tất cả các nước thành viên, trước thềm hội nghị EU sẽ diễn ra vào ngày 25-3 cho thấy, hạn ngạch phân bổ người nhập cư của EU bị nhiều nước phản đối mạnh.

Trước đó, Chính phủ Áo thông qua dự luật ngừng cung cấp chỗ ở và thực phẩm cho những người bị bác đơn xin tị nạn và từ chối rời khỏi nước này. 

Bộ trưởng Nội vụ Áo Wolfgang Sobotka khẳng định, những người nhập cư không được cấp quy chế tị nạn mà không chịu hồi hương sẽ phải gánh chịu hậu quả. Và dự luật nhằm bảo đảm sự thượng tôn pháp luật, khuyến khích những người bị bác đơn xin tị nạn tự nguyện rời khỏi Áo.

Chính phủ Hungary vừa thông báo, nước này bắt đầu xây dựng hàng rào thứ hai (công nghệ cao được lắp camera hồng ngoại, thiết bị cảm biến nhiệt và chuyển động) dọc biên giới dài 175km với Serbia để chặn người nhập cư.

Trước đó, hàng rào thử nghiệm dài khoảng 10km đã được dựng lên ở biên giới giáp với Serbia. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, việc này có thể giảm số binh sỹ và cảnh sát làm nhiệm vụ tuần tra biên giới với Serbia.

Chính phủ Đức cũng vừa thông qua các biện pháp giúp đẩy nhanh tiến độ trục xuất những người bị từ chối đơn xin tị nạn. 

"Nếu một người nào đó đã gọi điện thoại đến Sudan 90 lần và tuyên bố đến từ Eritrea. Việc truy cập điện thoại sẽ giúp chúng tôi tìm chứng cứ cho thấy người này thực sự là người Sudan", Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere khuyến cáo về tình trạng gian dối trong khai báo để xin tị nạn ở nước này. 

Theo giới truyền thông, các biện pháp mới sẽ cho phép truy cập vào điện thoại hoặc các thiết bị kỹ thuật khác của người nộp đơn xin tị nạn, để xác định danh tính và quê quán của người đó nếu họ báo mất hộ chiếu.

Những động thái kể trên diễn ra sau khi EU công bố kế hoạch (2-3) tăng cường trục xuất những người nhập cư trái phép. Bởi dòng người nhập cư không có dấu hiệu giảm, bất chấp nhiều biện pháp đã được đưa ra.

Trong khi đó, Ủy viên châu Âu về Di cư, Nội vụ và Quốc tịch Dimitris Avramopoulos lại cảnh báo các quốc gia thành viên EU từ chối tiếp nhận hạn ngạch người tị nạn - nếu không hoàn thành nghĩa vụ sẽ bị kiện ra tòa!

Trước đó, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cũng đưa ra khuyến cáo tương tự. Tòa án Hiến pháp EU vừa từ chối thụ lý đơn kiện của 3 người xin tị nạn về thỏa thuận của Brussels với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn dòng người di cư.

Người nhập cư trái phép sẽ khó có cơ hội đặt chân đến EU.

Ngày 3-3, Ủy viên EU phụ trách viện trợ nhân đạo và quản lý khủng hoảng Christos Stylianides khẳng định, việc mang lại cơ hội học tập cho trẻ nhập cư là một trong những ưu tiên của EU. Và Ủy ban châu Âu đã quyết định tài trợ (2,8 triệu euro) cho chương trình giáo dục đặc biệt nhằm tạo điều kiện học tập cho 2.500 trẻ nhập cư tại Hy Lạp. Tổ chức di trú quốc tế (IOM) chịu trách nhiệm triển khai dự án kể trên.

Theo giới truyền thông, việc sa thải người đứng đầu Văn phòng lãnh sự ở thành phố Erbil, Iraq (sau thông tin nói thị thực ở đây được bán với giá hàng nghìn euro) cho thấy, Chính phủ Italia quyết nói không với vấn đề này. Bởi cơ quan điều tra Italia đã phát hiện ít nhất 152 trường hợp vi phạm, thậm chí một số thị thực đã được cấp cho những đối tượng từng bị các nước châu Âu từ chối vì lý do an ninh.

Theo tờ Corriere della Sera, người tị nạn Syria và người Kurd đã buộc phải chi 10.000 euro/thị thực để vào Italia, thay vì mức 90 euro/thị thực. Ngoài việc phải trả những khoản phí "trên trời" để có thị thực vào Italia, nhiều người di cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, còn đối mặt với tình trạng bạo lực tình dục và bóc lột khác.

Trước đó, Chính phủ Italia đã thông qua một loạt biện pháp mới nhằm quản lý tốt hơn dòng người di cư vào nước này, như tăng cường hồi hương người nhập cư bất hợp pháp, rút ngắn thời gian xem xét đơn xin tị nạn của người di cư.

Bộ trưởng Nội vụ Marco Minniti cho biết, Italia sẽ thiết lập thêm các trung tâm tạm giữ người di cư bất hợp pháp thuộc diện chờ bị trục xuất. Theo ông Marco Minniti, Italia phải trục xuất những người nhập cư vi phạm luật pháp và không đủ tiêu chuẩn để được bảo vệ. Ngày 3-3, lực lượng bảo vệ bờ biển Italia đã giải cứu 900 người di cư trên biển, trong đó có 7 trẻ nhỏ.

Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Libya (CRL) vừa cho biết, giới chức nước này đã phát hiện 13 người bị chết ngạt trong container của một chiếc xe tải tại bãi biển ở thành phố Khoms, cách Thủ đô Tripoli 115 km về phía Tây. 13 người kể trên nằm trong số 69 người di cư bất hợp pháp và họ bị nhốt trong container 4 ngày, tới khi được phát hiện chỉ có 56 người sống sót.
Anh Phương
.
.
.