Bỏ ngỏ việc lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện đi cai nghiện bắt buộc - tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp về ANTT

Những hệ lụy khôn lường... trong thời kỳ chưa có chế tài xử lý

Thứ Tư, 12/11/2014, 20:00

Có một thực tế không thể phủ nhận đó là nghiện ma túy là nguyên nhân phát sinh tội phạm, trong đó có những tội danh đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản…Việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các trung tâm chữa bệnh bắt buộc vừa giúp người nghiện từ bỏ được ma túy, phần khác cũng là biện pháp phòng ngừa và làm giảm đầu vào của tội phạm. Song gần một năm nay, do thiếu văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền nên các địa phương nếu có bắt giữ được các con nghiện thì cũng chỉ dừng lại  ở việc nhắc nhở, không thể lập hồ sơ đưa người nghiện đi chữa bệnh. Điều này vô hình trung tiềm ẩn sự gia tăng của tội phạm liên quan đến các đối tượng nghiện…

Ngáo đá gây trọng tội…

Chỉ cần tra google trong vài giây, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm vụ án do các đối tượng sử dụng ma túy bị ảo giác gây ra như gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, giết người… Nói về tác hại của việc sử dụng ma túy đá, bác sỹ Hùng, cán bộ Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 cho biết: người sử dụng  ma túy 'đá' thường xuyên sẽ bị các triệu chứng như mất ngủ, rối loạn hệ thần kinh, loạn thị, suy nhược cơ thể, giảm sức đề kháng. Sử dụng ma túy đá trong thời gian dài có thể bị đột quỵ do hiện tượng thiếu máu não, tăng nhịp cơ tim gây ra. Mức độ nghiêm trọng nhất sẽ là hoang tưởng, ảo giác…và rối loạn hành vi, nhân cách. Trong khi đó, các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy có tới 72% người sử dụng ma túy tổng hợp là giới trẻ, ở độ tuổi 18-30, độ tuổi trên 30 chiếm 26%, riêng độ tuổi dưới 18 ở mức 2% nhưng có xu hướng gia tăng.

Xin dẫn chứng về một vụ giết người do một ca sỹ phòng trà thực hiện tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) xảy ra cách đây không lâu. Đối tượng gây ra vụ án này là Nguyễn Hữu Chính (SN 1979, trú tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Nguyễn Hữu Chính là con thứ hai trong một gia đình trung lưu tại huyện Khoái Châu. Học hết lớp 9, đối tượng này bỏ học, sau đó lập gia đình với một phụ nữ kém Chính một tuổi. Sau những cuộc cãi vã như đổ lửa, vợ chồng Chính dắt díu nhau ra tòa, hai đứa con được giao cho vợ Chính chăm sóc và nuôi dưỡng. Sau khi bản án ly hôn có hiệu lực, Chính bỏ nhà ra Hà Nội thuê nhà sinh sống. Với tài lẻ là ca hát, Chính kiếm sống bằng việc làm MC cho các đám cưới, đồng thời là ca sỹ nghiệp dư cho các phòng trà…

Có tiền, Chính lao vào các cuộc chơi với ma túy và gái đẹp.  Chính quen Hằng khoảng hơn một tháng trước thời điểm vụ trọng án xảy ra, qua mạng xã hội Facebook… Ngày 13/12/ 2013, Hằng đến phòng trọ của Chính và ở lại đó. Trong thời gian ở với Hằng, Chính sử dụng ma túy tổng hợp nên giữa Chính và Hằng đã xảy ra xô xát và cãi vã. Về phần Chính, sau khi sử dụng ma túy bị ảo giác, anh ta không kiểm soát được hành vi. Theo lời khai của Chính thì anh ta nghĩ rằng Hằng là một con yêu tinh, nếu anh ta không giết Hằng thì Hằng cũng giết anh ta….

Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội) bắt giữ một đối tượng mua bán trái phép chất ma túy.

Sau khi gây án, Chính vào nhà vệ sinh trốn và ngủ lại ở trong đó cho đến sáng ngày hôm sau. Khoảng 11 giờ ngày 14/12/2013, khi Chính đi xuống tầng 1 thì bị nhân viên của phòng trọ nghi ngờ giữ lại, báo cho Công an đến đưa về trụ sở làm việc. Đó chỉ là một trong số hàng trăm vụ án do đối tượng nghiện ma túy đá gây ra trong thời gian qua. Không chỉ ở Hà Nội, tại thành phố Hồ Chí Minh tình trạng đối tượng sử dụng ma túy đá, cai nghiện tại nhà gây trọng án cũng khiến nhiều người phải lo ngại. Vụ đối tượng Ngô Quốc Huy (28 tuổi, ngụ phường 1, quận 10, TP Hồ Chí Minh) gây án là một ví dụ. Chiều 23-4, Huy sử dụng ma túy, không làm chủ được hành vi của mình đã tấn công bà Nguyễn Thị Tuyết (70 tuổi, bà nội của Huy). Không dừng lại ở đó, Huy tiếp tục gây án đối với cháu Ngô Thị Như Ý (12 tuổi) và Ngô Minh Thành (7 tuổi, đều là cháu ruột của Huy)…

Cần sớm có văn bản hướng dẫn

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ trong lĩnh vực phòng chống tội phạm ma túy cho biết: Luật xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 và riêng các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 nhưng đến nay vẫn không thể lập được một hồ sơ nào mới đưa các đối tượng đi cai nghiện, nguyên nhân bắt nguồn từ việc thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết việc thi hành Luật. Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì trước hết phải xác định được thế nào là người nghiện ma túy. Khái niệm này, trong luật cũng chưa cụ thể: Người nghiện ma túy là người phụ thuộc vào ma túy. Vậy thế nào là phụ thuộc vào ma túy ?.

Để chứng minh điều này không dễ dàng vì thực tế hiện nay cho thấy số đối tượng nghiện ma túy rất đa dạng không chỉ có đối tượng không có nghề nghiệp, số đối tượng có tiền án, tiền sự…mà còn có cả học sinh, sinh viên. Trong khi đó, các đối tượng nghiện khi bị bắt giữ, kiểm tra có kết quả dương tính đều khai rằng họ sử dụng ma túy lần đầu. Cũng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì trong trường hợp xác định được đối tượng phụ thuộc vào ma túy thì phải đưa vào quản lý tại xã, phường theo Nghị định 111.

Mặt khác, kể từ ngày 15/2/2014, việc lập hồ sơ xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo Nghị định số 221/2013/ NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ, Nghị định này chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định, không áp dụng đối với người đang tham gia các chương trình cai nghiện ma túy tại cộng đồng, người đang tham gia điều trị chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Ngòai ra còn một số người đang áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo Nghị định 94 /CP và một số đối tượng bỏ đi nơi khác, không có mặt tại địa phương mà không theo dõi, nắm bắt được hoạt động của đối tượng. Do vậy, đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bị thu hẹp. Lúc này, lại nảy sinh một vấn đề khác đó là tại Điều 10 của Nghị định quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì thẩm quyền xác định người nghiện ma túy là bác sỹ, y sỹ thuộc trạm y tế cấp xã,  bệnh xá quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên, phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền…Nhưng cho đến nay, sau hơn nửa năm Nghị định 221 có hiệu lực thi hành thì hầu như các phòng khám ở các tỉnh, thành phố và các huyện, thị chưa có chứng chỉ này.

Tại khoản 3, Điều 103 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013 quy định, sau khi lập xong hồ sơ, cơ quan đã lập hồ sơ phải thông báo cho người bị đề nghị áp dụng hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ. Những người có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Sau đó, hồ sơ này được gửi đến Trưởng phòng tư pháp cấp huyện, quận, thành phố… Trong thời gian đó, Trưởng phòng tư pháp các cấp có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của các hồ sơ gửi phòng lao động thương binh và xã hội cùng cấp. Trong 7 ngày, các phòng lao động và thương binh và xã hội thực hiện quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị TAND áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì giao cơ quan Công an thu thập đầy đủ tài liệu hồ sơ … thì thời gian để hồ sơ được đưa đến TAND các cấp tối đa là 17 ngày, đó còn chưa tính đến thời gian TAND các cấp xem xét ra quyết định. Vì thế, nhiều đối tượng khi biết bị lập hồ sơ đưa cai nghiện thì bỏ đi một thời gian dài mới trở về địa phương nên không thể thực hiện được quyết định. Mặt khác, tại Điều 11 Nghị định 221 quy định, sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ  quan lập hồ sơ thông báo bằng văn bản về việc lập hồ  sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Người được thông báo có quyền ghi chép, sao chụp hồ sơ… phát biểu ý kiến. Trong khi đó, một vấn đề thực tế là kể cả người nghiện ma túy và bản thân gia đình họ đều ít nhiều không muốn hợp tác với cơ quan chức năng…Vì vậy, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời hạn từ 15-30 ngày như luật định có thể dẫn tới tình trạng trốn tránh của người nghiện như không tới dự phiên họp của Tòa để nhận quyết định…Với những người nghiện không có nơi cư trú ổn định, việc yêu cầu họ tham gia quá trình thụ lý vụ án và dự phiên tòa xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính lại càng khó khăn, phức tạp hơn.

Việc đưa người nghiện vào chăm sóc, chữa bệnh tại các trung tâm cai nghiện do Nhà nước quản lý vừa giúp người nghiện được chăm sóc về sức khỏe y tế, đồng thời cũng góp phần làm giảm đầu ra của tội phạm. Trong giai đoạn hiện nay, việc bỏ ngỏ các con nghiện ngoài cộng đồng,  ngoài việc ảnh hưởng đến ANTT còn là một trong những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh các tệ nạn xã hội… Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, cách tốt nhất là vận động các gia đình đưa con, em đi cai nghiện tự nguyện tại các trung tâm do tư nhân quản lý, đồng thời cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn, tạo điều điều kiện cho việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện

Xuân Mai
.
.
.