Những hiện vật thiêng liêng

Thứ Sáu, 31/08/2018, 15:54
Nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, sáng 29/8 tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật năm 2018, đồng thời giới thiệu những tài liệu, hiện vật mới sưu tầm trong một năm qua. 


Hơn 80 tài liệu, ảnh, hiện vật, tác phẩm nghệ thuật, ấn phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các cá nhân, tập thể lưu giữ trong nhiều năm, nay trao lại cho bảo tàng, làm phong phú thêm những tư liệu về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Nhóm hiện vật phong phú nhất Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận trong một năm qua có thể kể đến nhóm hiện vật của cố Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trý. Nhóm hiện vật bao gồm 4 lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ trưởng Hoàng Tích Trý năm 1947, 5 chứng minh thư Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp cho Bộ trưởng có bút tích chữ ký của Người, 1 khẩu súng Colt Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp cho Bộ trưởng sử dụng trong khoảng thời gian 1950-1958.

Bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được gia đình cố họa sĩ Petrov tặng lại cho Bảo tàng.

GS. Bác sĩ Hoàng Tích Trý là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam chuyên ngành vi trùng học, người đã có công xây dựng hệ thống các Viện Vi trùng học từ khi Nhà nước Việt Nam mới giành được độc lập. Ông là một trong số các nhân sĩ, trí thức yêu nước sớm đi theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia kháng chiến kiến quốc.

GS. Hoàng Tích Trý sinh trưởng trong một gia đình nho học yêu nước ở Hà Nội. Ông đến Pháp du học ngành Y khoa tại Pháp năm 29 tuổi và trở về Tổ quốc mang kiến thức mình học được phục vụ đồng bào. Ban đầu, ông được giao trọng trách nghiên cứu khoa học tại Viện Pasteur Hà Nội, nay là Viện Vệ sinh dịch tễ  Trung ương. 

Ông đã có những công trình khoa học mở đường cho  huyết học, vi sinh vật học và ký sinh trùng học, là các lĩnh vực chủ đạo của việc phòng chống bệnh xã hội và bệnh dịch, thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn. Sau Cách mạng Tháng Tám, GS. Hoàng Tích Trý tham gia Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lần lượt giữ chức vụ Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Y tế. 

Những hiện vật, tư liệu quý giá được trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trong suốt những năm công tác của mình, GS. Hoàng Tích Trý đã nhiều lần được Bác Hồ gửi thư, khi thì động viên, khi thì phân công công việc. Người cũng thường xuyên quan tâm cấp phát các vật dụng cần thiết để GS. Trý thuận lợi trong điều hành công việc lãnh đạo cũng như nghiên cứu khoa học của mình.

Tại buổi lễ tiếp nhận hiện vật, ông Hoàng Thủy Lạc, con trai cố Bộ trưởng Hoàng Tích Trý cho biết, những kỷ vật từ Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được GS, cố Bộ trưởng Hoàng Tích Trý và gia đình gìn giữ cẩn thận trong suốt 70 năm qua, như một cách để bày tỏ tình cảm trân trọng, thiêng liêng đối với vị lãnh tụ kính yêu, vị Cha già của dân tộc. 13 hiện vật về Người nay được gia đình cố Bộ trưởng quyết định hiến tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh là những tài liệu, hiện vật gốc, lần đầu tiên được công bố. 

Gia đình cố Bộ trưởng tin tưởng rằng, những hiện vật quý giá này khi được lưu giữ, trưng bày ở bảo tàng sẽ phát huy những giá trị của chúng, góp phần giúp cho nhân dân có thêm tư liệu về cuộc đời của người lãnh tụ kính yêu. 

Các cá nhân trao tặng những hiện vật quý giá cho Bảo tàng Hồ Chí Minh sáng 29-8
Nữ anh hùng Nguyễn Thị Diên bên những hiện vật bà trao tặng cho Bảo tàng.

Trong các hiện vật của GS. Hoàng Tích Trý, có một khẩu súng Colt. Ông  Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: Sau hơn 2 tháng, với sự hợp tác của Bộ Công an để làm giảm công lực của khẩu súng Colt và cấp phép, toàn bộ các tài liệu hiện vật đã hoàn thành thủ tục để trưng bày.

Cũng tại buổi tiếp nhận hiện vật mới này, một bức tranh vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được một họa sĩ nước ngoài vẽ đã thu hút sự chú ý của những người có mặt. Bức tranh có chất liệu sơn dầu, kích thước 64cmx74cm, được họa sĩ người Bungari Petrov vẽ năm 1957 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ đến thăm đất nước Bungari. Họa sĩ Petrov là người đã vinh dự có mặt trong buổi Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Bungari tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam. 

Cảm phục con người, nhân cách Hồ Chí Minh, họa sĩ đã vẽ bức chân dung Người. Bức tranh thể hiện thần thái giản dị và gần gũi của Bác Hồ, người bạn vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới. Họa sĩ Petrov đã treo bức tranh trong ngôi nhà của ông, như một cách bày tỏ lòng tin yêu, ngưỡng mộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước khi qua đời, họa sĩ gửi lại bức tranh này cho người em gái ruột. Người em gái của họa sĩ trước khi mất đã trao lại bức tranh này cho con trai của bà lưu giữ. Và gia đình của họa sĩ Petrov đã quyết định trao tặng lại bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Một câu chuyện vô cùng cảm động trong buổi tiếp nhận hiện vật, là câu chuyện về người nữ anh hùng có 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Đó là bà Trương Thị Diên, năm nay đã 78 tuổi. Bà kể lại: “Năm 1966, vì có thành tích đặc biệt trong công tác y tế, tôi được ra Hà Nội dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua cứu nước. Tôi đem theo con gái nhỏ mới được 6 tháng tuổi. 

Tại Đại hội, tôi đã vinh dự 2 lần được gặp Bác. Lần đầu là ngày 30/12/ 1966. Bác đến dự khai mạc đại hội. Giờ nghỉ giải lao, Bác xuống hội trường nói chuyện với các đại biểu. Những đại biểu hân hạnh được Bác trò chuyện gồm có Nguyễn Thị Suốt, Lê Thị Phấn, Đặng Gia Tất, tôi và một vài người khác. Bức ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với một số đại biểu về dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước” chính là bức ảnh đã ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời đó. Bác hỏi tôi: “Cô này làm chi?”. 

Tôi chưa kịp trả lời thì ông Đặng Gia Tất trả lời thay tôi: “Thưa Bác, cô này làm công tác y tế ạ”. Mấy ngày sau, tôi được phóng viên mang đến tặng cho bức ảnh này. Trong bức ảnh tôi là người mặc áo bông và quàng khăn trắng. Thời điểm đó Hà Nội lạnh lắm, thực hiện chỉ thị của Bác, chị em chúng tôi mỗi người được phát một chiếc áo bông  để mặc hôm đó. Tôi rất tiếc là mình không còn giữ được chiếc áo bông đến hôm nay. Riêng bức ảnh, tôi giữ gìn như một báu vật. 

Năm 1983, khi con gái Tố Uyên của tôi sang học tập ở Hungari, tôi tặng cho con làm hành trang mang theo, để con luôn hướng về Tổ quốc, về Bác Hồ, và nhớ đến kỷ niệm khi con mới 6 tháng tuổi tôi đã bế con ra Hà Nội dự đại hội và được gặp Bác.

Tôi viết sau tấm ảnh trước khi trao cho con gái: “Mạ cho con tấm ảnh kỷ niệm khi bế con ra Hà Nội gặp Bác Hồ, tháng 10 năm 1966”. Khi Tố Uyên về nước, bức ảnh đó lại được cất giữ trong album của gia đình. Lần gặp Bác thứ 2 là sau Đại hội, cả đoàn đại biểu chúng tôi được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch. Bác tặng mỗi người chúng tôi một tấm huy hiệu và dặn dò chúng tôi cố gắng phục vụ nhân dân tốt hơn nữa”.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác, bà Nguyễn Thị Diên được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1967. Bà luôn khắc sâu trong lòng những lời dặn dò của Bác. Nay tuổi đã cao, bà quyết định tặng lại bức ảnh ghi lại khoảnh khắc được gặp Bác năm xưa cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Hơn 80 hiện vật được hiến tặng cho Bảo tàng lần này, cùng với các chủ nhân của nó đã mang đến những câu chuyện vô cùng xúc động, thấm thía về cuộc đời và nhân cách Hồ Chí Minh. Một hiện vật nhỏ bé như chiếc khăn quàng đỏ của ông Đinh Ngọc Thỉ, người chủ nhiệm HTX Măng Non Duy Viên (Vĩnh Linh, Quảng Trị) được Bác Hồ gửi thư khen năm xưa đã mang theo nó bao nhiêu là kỷ niệm. 

Được là đại biểu về dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua năm 1966, người thanh niên sôi nổi Đinh Ngọc Thỉ khi đó được Bác Hồ tặng cho một chiếc khăn quàng đỏ. “Tôi rất hạnh phúc khi nhận được món quà này của Bác Hồ. Tôi luôn có ý thức giữ gìn chiếc khăn cẩn thận và chỉ mang chiếc khăn quàng đỏ này trên vai một lần duy nhất trong buổi gặp mặt các đội viên HTX Măng Non khi tôi từ Hà Nội trở về”. 

50 năm trôi qua, rất nhiều thứ đã hư hỏng, đã mất, nhưng chiếc khăn quàng đỏ vẫn còn tươi màu nhờ sự gìn giữ nâng niu của ông Thỉ. Ông đã luôn sống và làm theo những lời dặn ân cần của Bác. Chiếc khăn quàng đỏ tươi đó từ nay được nằm trong Bảo tàng Hồ Chí Minh, một kỷ vật tuy nhỏ nhưng chan chứa tình yêu và lòng kính trọng Bác của một người con đất Quảng Trị.

Tại lễ tiếp nhận hiện vật, tư liệu quý về Bác Hồ, ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh xúc động gửi lời tri ân tới các tập thể, cá nhân đã tin tưởng, hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng và mong muốn nhận được sự quan tâm rộng rãi hơn nữa trong nhân dân, nhằm góp phần sưu tầm, lưu giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị của tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong và ngoài nước.

Hội Vũ
.
.
.