Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

Những hình ảnh trường tồn với thời gian

Thứ Năm, 30/04/2015, 19:00
Sự có mặt của Nick Ut, Al Rockoff, Tony Clifton, Lance Woodruff, Loren Jenkins… những phóng viên chiến trường của các hãng thông tấn và báo chí nổi tiếng trên thế giới như AP, Reuters, US National, Newsweek, từng tác nghiệp trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam trước năm 1975 tại Tuần lễ báo chí nước ngoài được tổ chức từ 25/4 đến 1/5 tại TP HCM được dư luận quan tâm. Bởi đây là một trong những cơ hội để họ gặp gỡ và quay trở lại Việt Nam trong một giai đoạn mới. 

Vì chiến tranh đã trôi qua, những vết thương chiến tranh đã và đang được nhân dân cùng chính phủ 2 nước Việt-Mỹ tích cực hàn gắn bằng những hoạt động thân thiện và hiệu quả. Tuần lễ báo chí nước ngoài được Bộ Ngoại giao cùng UBND TP HCM phối hợp tổ chức.

Ngày 22/4, hãng Reuters đăng bài cùng chùm ảnh về các nạn nhân của chất độc da cam/dioxin, hậu quả của việc Mỹ đã gieo rắc trong cuộc chiến ở Việt Nam hơn 40 năm trước của nhiếp ảnh gia Damir Sagolj. Tác giả đã sang Việt Nam để tìm hiểu và được Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) cho biết: hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã tiếp xúc với loại chất độc này và hơn 3 triệu người đã mắc những căn bệnh chết người do ảnh hưởng của nó. Tuy Mỹ đã ngừng rải chất độc da cam ở Việt Nam năm 1971 và chiến tranh kết thúc năm 1975, nhưng những đứa trẻ và bố mẹ chúng vẫn phải chịu nỗi đau của chất độc da cam/dioxin.

Bức ảnh cô bé 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc bị cháy hết quần áo của Nick Ut.

Trước đó (21/4), 6 bộ phim "Cô giáo Hạnh" (1966), "Du kích Củ Chi" (1967), "Tổng tấn công Tết Mậu thân" (1968), "Đường ra trận" (1969), "Những người dân quê tôi" (1971) và "Em bé Hà Nội" (1974) đã được Quỹ tư liệu hình và tiếng của Phong trào Công nhân và Dân chủ Italy (AAMOD), Cục điện ảnh Italy và chính quyền vùng Lazio và thủ đô Rome trình chiếu.

6 bộ phim kể trên nằm trong số 31 phim tài liệu và phim truyện được quay từ 1963 đến 2003, được các nhà tổ chức chiếu và đây là những phim hầu như chưa từng được chiếu đầy đủ tại Italy. Được biết, ý tưởng tổ chức một tháng phim (kết thúc ngày 30-4) về chủ đề chiến tranh Việt Nam, do nhà nghiên cứu và phê bình phim hàng đầu của Italy Giandomenico Curi khởi xướng nhằm giúp công chúng nước này hiểu "Việt Nam không chỉ là tên của một cuộc chiến tranh, mà là tên của một dân tộc anh hùng và một đất nước yêu hòa bình".

Ông Giandomenico Curi đã nghiên cứu và sưu tầm các phim về chiến tranh Việt Nam từ lâu, dựa trên các tư liệu của AAMOD, và hiện đang lưu giữ nhiều tài liệu về chiến tranh Việt Nam nhất ở châu Âu.

Hơn 10 ngày trước (11/4), nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại thành phố Malakoff, ngoại ô thủ đô Paris, Pháp, Hội "Những người bạn của Leo Figueres" (ALF) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Việt Nam từ đấu tranh giải phóng dân tộc đến hiện nay". Đông đảo hội viên Hội ALF, đại diện lãnh đạo và người dân thành phố Malakoff đã tham dự buổi tọa đàm.

Hội ALF hoạt động nhằm tiếp nối sự nghiệp của Leo Figueres, một chiến sĩ cộng sản chống chủ nghĩa thực dân, từng là Thị trưởng thành phố Malakoff trong 31 năm (1965-1996), nguyên Ủy viên Trung ương đảng Cộng sản Pháp (1945-1976), Tổng biên tập tờ "Avant-garde" và tạp chí lý luận "Les Cahiers du communisme", từng là Tổng thư ký Hiệp hội thanh niên Cộng hòa Pháp, đã đến Việt Nam (tháng 2/1950) dự Đại hội thanh niên Việt Nam và được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn cứ kháng chiến.

Ông Leo Figueres đã viết nhiều phóng sự về cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuốn "Tôi trở về từ Việt Nam tự do" in năm 1950 đòi chính phủ Pháp chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam của ông Leo Figueres đã gây tiếng vang lớn (in lần đầu với 10.000 bản, được tái bản 11 lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và vừa tái bản hồi tháng 3/2015).

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, riêng năm 1968, mỗi ngày chi phí cho cuộc chiến xâm lược Việt Nam lên tới 100 triệu USD, gấp 10 lần chi phí cho cuộc chiến chống đói nghèo, gấp 4 lần chi phí chương trình nghiên cứu vũ trụ và bằng một nửa số tiền Mỹ viện trợ cho nước ngoài trong 20 năm. Và nếu so sánh giá của chiến tranh với các chương trình có tính chất tiêu biểu mà Washington từng thực hiện thì Việt Nam vẫn đắt tiền nhất lịch sử vì tiêu hết 676 tỷ USD.
Lưu Tuấn Nghĩa (tổng hợp)
.
.
.