Những hội “chơi đồ” quái đản trên mạng xã hội

Thứ Tư, 19/02/2020, 20:50
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội kỳ quặc như “Hội Chơi bàn thờ Việt Nam”; “Hội chơi quạt”; “Hội mê bồn cầu”; “Hội chơi vàng mã”; “Hội chơi xe lăn” thậm chí là cả Hội chơi… quan tài.

Tưởng chừng đây chỉ là những trò “vô bổ” của giới trẻ nhưng thực tế đó là chiêu trò để tăng tương tác cho những người bán hàng online.

Ôm nồi cơm điện đi khắp nơi chụp ảnh đăng facebook

Thời gian gần đây, với những người nghiền mạng xã hội chắc chắn không xa lạ gì với những bức ảnh vô cùng độc lạ khi đi du lịch. Các bức ảnh này càng làm biểu cảm, hành động hay dáng chụp khác người, “dị” một chút là bộ ảnh check in sẽ dễ dàng nhận được sự chú ý của mọi người nhiều. Như mới đây, trên Facebook lan truyền hình ảnh cảnh một chàng trai check in khắp nơi tại Đà Lạt cùng một chiếc nồi cơm điện.

Hội những người chơi vàng mã cũng đã bắt đầu được thành lập.

Chủ nhân của bộ ảnh đặc biệt này là một Facebooker có tên “Đà Lạt và Tôi”. Trong ảnh, anh chàng xách trên tay một chiếc nồi cơm điện mini và chụp check-in tại một số địa điểm du lịch nổi tiếng tại thành phố sương mù như góc "Hong Kong bên hông chợ Đà Lạt", quảng trường Lâm Viên, đồi chè Cầu Đất… 

Những hình ảnh chụp cùng nồi cơm điện được cho là có nguồn gốc từ một nhóm công khai nổi đình đám mang tên "Hội anh em đam mê nồi cơm điện Việt Nam" với khá đông thành viên trên Facebook. Nhiều người đã chụp màn hình tên group và bày tỏ sự tò mò vì không ngờ cũng có sự tồn tại của hội này, lại còn thu hút đông người tham gia đến thế. 

Không những vậy, sau khi tìm hiểu “Hội anh em đam mê nồi cơm điện Việt Nam”, chúng tôi còn được biết có hàng loạt hội vô cùng “dị” khác. Như: “Hội Chơi bàn thờ Việt Nam”; “Hội chơi quạt”; “Hội chơi mê bồn cầu”; “Hội chơi vàng mã”; “Hội chơi xe lăn” và thậm chí là “Hội chơi quan tài”… đều thu hút rất nhiều thành viên. Như “Hội Chơi quạt” có tới vài chục nghìn thành viên, trên nhóm liên tục được các thành viên đăng tải trạng thái. Hình ảnh ôm quạt ngủ, mang quạt đi du lịch, uống cà phê… Không những vậy hội này còn thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt “offline” để nói chuyện về những chiếc quạt, hoặc chụp ảnh đăng lên hội.

Bên cạnh những ý kiến tỏ ra thích thú thì không ít những ý kiến thể hiện quan điểm bức xúc. Nhiều người cho rằng đó là một trào lưu hết sức vớ vẩn của giới trẻ. Anh Lê Minh Sơn (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Thực sự giới trẻ bây giờ có một sự lệch chuẩn, họ thường xuyên nghĩ ra những trào lưu vô bổ. Tôi không biết họ tham gia các hội đó với mục đích gì nhưng rõ ràng đó là vấn đề cần phải suy nghĩ. Thay vì tham gia vào các hội “dị” như thế thì giới trẻ nên nghiêm túc học tập hoặc chơi những thứ lành mạnh…”.

Hình ảnh quen thuộc trên “Hội Anh em đam mê nồi cơm điện Việt Nam”.

Trào lưu tạo sự kiện nhảm nhí trên Facebook

Không chỉ tạo ra những hội chơi “dị” và vô bổ, trên mạng xã hội còn thường xuyên xuất hiện các sự kiện mà xem qua mọi người dễ nhận thấy chúng không thể diễn ra. Gần đây, nhiều bạn trẻ tụ tập tại phố đi bộ Hà Nội cùng nhau hào hứng thực hiện những hành động kỳ quặc như cầm chảo trên tay, đội mũ bảo hiểm, chạy bộ quanh Hồ Gươm.

Bên cạnh sự kiện cầm chảo chạy quanh Hồ Gươm, gần đây xuất hiện nhiều sự kiện khác tương tự trên Facebook Việt Nam. Trào lưu tạo sự kiện này du nhập từ các nước như Úc, Singapore. Các bạn trẻ hẹn nhau trên Facebook sau đó tụ tập tại nơi công cộng, cùng nhau thực hiện những hành động kỳ quặc, bắt chước các nhân vật truyện tranh như la hét kiểu Songoku, chạy kiểu Naruto... Tuy nhiên, trong quá trình du nhập vào Việt Nam những sự kiện này bị một số cá nhân làm mất đi chất kỳ quặc, vui vẻ ban đầu.

Nói về hình thức này, Lê Đạt, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội cho biết: “Em thấy nó xuất hiện trên newsfeed khi bạn bè bấm vào nút quan tâm. Thấy thế mình cũng bấm thôi, chứ chưa biết thực hư thế nào. Rảnh mà, cứ tham gia chơi chơi”. 

Không chỉ Đạt, hầu hết người bấm quan tâm hay tham gia đều không biết nguồn gốc, tính xác thực của những sự kiện dạng này. Với tâm lý tò mò, số đông người dùng Facebook đang tạo nên một trào lưu dạng “dị thường” trên mạng xã hội. Minh Tùng, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nói: “Em cũng chả biết thế nào nhưng bấm tham gia vì thấy bạn bè mình bình luận trên đó. Sự kiện càng độc, càng lạ thì càng vui khi bạn bè mình tham gia bình luận".

Ngoài ra, nhiều người dùng sử dụng cách bấm vào các sự kiện ảo này để thể hiện mình là một người hài hước, thú vị và đặc biệt là độ "sống thật" của bản thân. Bên cạnh đó việc tham gia "event nhảm" còn giúp tăng tương tác và thu hút sự chú ý của người khác trên Facebook.

Rõ ràng việc tạo ra những sự kiện này, tác giả đều có những tính toán. Mục đích cuối cùng là để tăng tương tác, người xem dễ dàng nhận ra nó được tổ chức bởi một fanfages thiên về thông tin giải trí và bán hàng là chính. Các sự kiện như “Ăn kem cùng Tokuda” đều có người tổ chức là các fanpage bán hàng hay những trang thường xuyên đăng những nội dung thiếu nghiêm túc.

“Hội chơi quạt Hà Nội” trong một buổi offline.

Do Facebook không thu phí nào cho việc tạo sự kiện nên việc tạo sự kiện được tận dụng triệt để bằng nhiều hình thức, nội dung. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn về việc tạo sự kiện phục vụ cho một mục đích nào khác ngoài tạo một sân chơi vui vẻ cho cộng đồng. 

"Đây có thể được dùng như một hình thức để tăng tương tác giữa thành viên và fanpage. Nó rất quý giá trong thời điểm giá quảng cáo Facebook đang tăng rất cao hiện nay. Không chỉ dừng lại ở việc tăng tương tác, các sự kiện này còn là mảnh đất màu mỡ trong việc thu thập thông tin về khách hàng mục tiêu”, một chuyên gia về công nghệ thông tin cho hay.

Đối tượng tương tác của những sự kiện lạ lùng này phần đông là giới trẻ có sở thích độc lạ, tính cách tò mò cùng với vị trí được xác định cụ thể. Đây là thông tin khách hàng lý tưởng cho các mặt hàng như quần áo, phụ kiện, đồ chơi. 

Phong Anh
.
.
.